Có thể bạn quan tâm

Ốc Nướng Tiêu Xanh

[vanhoamientay.com] Đây là món ăn dân dã đặc sản của Cần Thơ – vùng đất miền Tây Nam Bộ với nguyên liệu dễ kiếm, chế biến không phức tạp, giúp thực khách có cảm giác vừa lạ miệng vừa ấm bụng, dễ tiêu và thích ứng cho các cuộc “chạm cốc” giữa bạn bè thân hữu ngày cuối tuần.

Nghe như đơn giản nhưng để làm nên món ốc nướng tiêu xanh ngon cần một vài bí quyết của người dân miền tây nơi này. Đó chính là nên ngâm ốc trong nước vo gạo từ 20-30 phút để ốc ra hết chất nhờn. Trước khi nướng, nên luộc sơ cho rớt mặt rồi bỏ lên lửa than, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào dĩa lót rau răm thơm phức. Vị cay cay của tiêu tê tê nơi đầu lưỡi,vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc thì rất tuyệt.

Ốc dùng nướn tiêu phải là ốc Bươu, Ốc nướng chỉ đạt được độ ngon nhất khi nướng với than, vì khi đó món ăn mới có mùi thơm tự nhiên và thịt ốc chín đều. Khi nướng ốc trên bếp than, đừng quên trở ốc đều tay,  và để mặt ốc úp xuống vỉ nướng, nếu không rất dễ bị cháy vỏ và thịt ốc.

Đêm Cần Thơ lao xao, ngồi bó gối bên bếp than hồng, nướng ốc, khi thấy ốc  mùi thơm, nước trong ốc gần cạn, tức là món ốc đã đạt đến độ chín. Bỏ them vài hẹt tiêu xanh lên mặt cho hấp dẫn. Gắp từng con ốc ra dĩa, cho thêm vài nhánh rau thơm.

Thưởng thức ốc ngon nhất là lúc còn nóng, hút miếng nước sốt đậm đà trong vỏ ốc, cắn thêm hạt tiêu xanh thì mới đúng kiểu. Hạt tiêu cay dịu, nước sốt đậm đà, miếng ốc giòn thơm, càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và lạ miệng. Cũng có lẽ vì thế khi dùng món ốc nướng tiêu xanh người ta không cần thêm thứ nước chấm nào khác.

Và ai đó nếu có dịp về mảnh đất Cần Thơ, nhớ ghé Cù lao Cái Khế, ngồi bên bờ sông thưởng thức món ốc nường tiêu xanh. Chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận được hương vị đất Cần Thơ qua món ăn này.

Hùng vĩ núi Ba Thê

[vanhoamientay.com] Trong số các điểm du lịch Châu Đốc, núi Ba Thê, An Giang luôn được nhắc đến, bởi nơi đây là một bức tranh phong cảnh hữu tình khiến biết bao du khách say mê.

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m. Và sẽ vô cùng thú vị nếu chuyến đi của bạn đến đây là “du lịch phượt”

Khá vất vả và nguy hiểm khi chúng tôi leo núi Ba Thê bằng chiếc xe gắn máy, cài số 1 ì ạch “bò” lên khó nhọc. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm xanh rì với vô số cây lâu năm sừng sững. Có khá nhiều quán ăn, nhà hàng mọc san sát giữa lưng núi. Theo lời người dẫn đường: “Mùa nắng còn đỡ, chớ mùa mưa thì không nên liều mạng chạy lên đây bởi đường rất trơn trợt. Dân xe ôm địa phương phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên đỉnh núi được…”.

Bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Tương truyền thuở xưa, ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cho sông rộng ra để thuyền bè đi lại mua bán dễ dàng. Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm, vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất…

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn Cổ tự, còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thu hút rất nhiều người đến tham quan, cúng dường. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát. Có nhiều giai thoại về sự tích thỉnh Phật Bốn Tay về thờ ở chùa này, nhưng có lẽ câu chuyện của Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn Thích Thiện Trí, 85 tuổi được nhiều người chấp nhận nhất.

Chuyện kể rằng, năm 1912, khi Pháp huy động Nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao trên 1,7 m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2 m. Lúc này cư dân ở đây có trên 80% là người dân tộc Khmer nên họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gỗ về chùa. Dẫu sao đó cũng là một huyền tích.

Ðiều rất kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng là tại sân chùa hiện nay có hai tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, một tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật bốn tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa hai tảng đá cổ. Và chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.

Ngày 6/12/1989, tượng Phật Bốn Tay và hai tảng đá cổ được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất. Ngoài ra, nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.

Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà Nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Ở đây có tấm bia lịch sử bằng đá quý ghi lại sự kiện ngày 6/5/1968, đội biệt động của ta do đồng chí Nguyễn Văn Muôn chỉ huy tiêu diệt 29 tên địch tại đỉnh núi Ba Thê làm địch hoang mang lo sợ và rút quân.

Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Ðại đao khổng lồ. Tục truyền xưa kia bỗng xuất hiện một tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho Nhân dân tới chiêm bái.

Cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo – An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hoá Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…

Đứng trên triền núi Ba Thê kỳ vỹ, tận hưởng từng làn gió thoáng đãng, ngắm không gian xanh của núi rừng rồi phóng tầm nhìn về phía làng mạc, thấy những cánh đồng trải dài xa tít, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ yên bình mới cảm nhận hết được vẻ quyến rũ tột bậc của núi Ba Thê nổi tiếng.

Theo Báo Cà Mau

3 quán cà phê lãng mạn ở Sài Gòn

[vanhoamientay.com] Những quán cà phê lãng mạn Country House, Story M hay Sorrento là những lựa chọn tối ưu của bạn cho cuộc hẹn bất ngờ với người mình yêu.

  1. Country House

Nếu có dịp đi đến đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM), bạn sẽ khó mà bỏ qua được Country House, một quán café với kiểu kiến trúc phương Tây.

Bước qua cánh cổng nhỏ xíu của quán cà phê lãng mạn Country House là cả một thế giới sân vườn đầy màu sắc và thơ mộng. Những ai từng đến Country House đều dành tặng nhiều lời tốt đẹp cho quán. Country House trang trí bằng xe hơi cổ và các vật dụng khác như vespa, xe đạp, xích lô. Kiểu cách của quán như một xứ sở cổ tích, đặc biệt lung linh về đêm.

Mỗi không gian ở đây lại cho khách một cảm giác khác nhau: khu vực dưới mái hiên được bố trí bởi những chậu hoa kiểng treo trên cao và đặt trên bàn, trên tường ở mỗi bàn là một bức tranh nhỏ, khách sẽ được ngồi trên ghế sa lông êm ái cùng dãy bàn thấp. Khu vực ngoài trời được bố trí bởi các dãy bàn và ghế gỗ nằm xung quanh một hồ nước nhỏ chạy theo chiều dài của quán. Để tránh cái nắng nóng, Country House sử dụng khá nhiều dù và thiết bị phun sương, kèm theo là các quạt công nghiệp lớn. Tường gạch ở quán được lát bằng những viên đá cuội lớn, tạo cho khách cảm giác như đang ở trong một tòa lâu đài thu nhỏ. Đa dạng nhất phải nói đến là loại bàn ghế, từ các bộ sa lông đủ màu, các bộ ghế gỗ với các màu trắng, xanh, vân gỗ… đến các loại ghế giả kiểu thân cây được lót đệm. Đặc biệt nhất là Country House có cả một khu nhà bằng mô hình nằm bên trên thác nước. Khu vực phòng lạnh của quán cũng khá đặc biệt với lối vào có hình mái vòm tròn, bên trong là các dãy bàn với ghế salông hoa văn đủ màu sắc.

Quán rất đông khách, mọi người tìm đến chủ yếu vì danh tiếng và lời truyền miệng của người này qua người khác. Mỗi góc của quán là mỗi ý tưởng khác nhau, thích hợp cho những bạn mê chụp hình.

Địa chỉ: 18C Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp. HCM

  1. Story M

Quán chắn chắn sẽ là nơi lý tưởng dành cho những ai đam mê sách, yêu âm nhạc và nghiện cafe. Quán cà phê Story M là sự pha trộn giữa nét hiện đại và cổ điển, là điểm hẹn quen thuộc của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những ai say mê nghệ thuật.

Cảm giác đầu tiên khi vào quán là sự ấm áp lan tỏa, nhân viên của Story M khá nhiệt tình và thân thiện. Khách quan mà nói thì món ăn ở Story M không xuất sắc, nhưng bù lại đồ uống đa dạng và pha chế ngon.

Vào những ngày cuối tuần trong tiết trời cuối thu, còn gì thích hơn khi được nhâm nhi ly cà phê thơm lừng, và thả hồn theo tiếng nhạc du dương êm tai. Âm nhạc của quán được chọn lựa kỹ càng từ những bộ sưu tập âm nhạc chill-out tinh tế cũng như những album nhạc audiophile, và cả những bản nhạc Việt hay.

Tầng 1 của quán  là nơi dành cho những quyển sách ý nghĩa dạy cách làm người, bí quyết thành công trong cuộc sống cũng như cách phát huy năng lực bản thân. Bạn có thể bỏ túi thêm nhiều bí quyết cho riêng mình. Những quyển tiểu thuyết hay, câu chuyện tình yêu đôi lứa với nhiều thể loại khác nhau được cất giữ ở tầng 2.

Nhìn bên ngoài quán cà phê lãng mạn này bạn sẽ không mấy ấn tượng với Story M, nhưng bên trong lại rất dễ thương. Không nhất thiết phải đến cùng với người yêu, bạn có thể tận dụng Story M là nơi để gặp gỡ bạn bè tâm giao.

 Địa chỉ: 51 Trần Nhật Duật, quận 1. HCM

  1. Sorrento

 Vào những ngày đầu hẹn hò, bạn nên chọn cà phê Sorrento. Không gian quán yên tĩnh, bạn có thể tựa đầu vào vai ai đó và lắng nghe từng nốt nhạc vang lên.

Nếu đi vào buổi sáng, bạn sẽ thích mê hàng cây xanh mát mắt phủ kín bên ngoài quán. Quán trang trí nhiều hoa và thác nước tạo khung cảnh như lạc vào một khu rừng. Còn nếu đi vào ban đêm, những ngọn nến trên bàn sẽ khiến cho bạn và người yêu như sát lại gần hơn.

Thức ăn và đồ uống của quán khá ngon, đặc biệt tới đây bạn sẽ biết đến loại nước chế biến từ hoa vô thường. Lúc đầu có thể hơi chát, nhưng sau đó sẽ cảm thấy vị dễ chịu.

Địa chỉ: 91/6 Hòa Hưng, phường 12, quận 10. HCM

Cẩm nang du lịch Sóc Trăng

Với những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trái trĩu quả và nền ẩm thực phong phú, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi về với miền sông nước Sóc Trăng.

Cẩm nang du lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng được coi là một trong những thành phố đẹp và thơ mộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, với sự giao thoa của ba nền văn hóa Kinh, Hoa, Khmer. Những thông tin dưới đây hi vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch Sóc Trăng ấn tượng.

Thời tiết

Ở Sóc Trăng có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Du khách có thể đến Sóc Trăng vào bất kỳ mùa trong năm nhưng vào dịp tháng 11, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào lễ hội đua ghe ngo rất hấp dẫn và sôi động.

[adsres]

Phương tiện

Cách TP HCM khoảng 240 km, du khách có thể chọn đi bằng ôtô tự lái, xe khách hay một chuyến phượt bằng xe máy cũng khá dễ dàng vì đường xá thuận lợi. Thời gian đi mất khoảng 6 tiếng.

Các điểm tham quan

Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe

Vào tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân ở đây sẽ thả đèn nước, một hoạt động quan trọng trong lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo. Đèn nước thường là một chiếc bè làm từ cây chuối hoặc tre được lắp ghép thành chiếc thuyền với nhiều hoa văn trang trí lộng lẫy bên trong thắp nhiều đèn cầy. Lễ vật cúng thường là gạo, muối và các loại sản vật và trái cây, người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này luôn hấp dẫn khách du lịch.

Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo

Các di tích lịch sử: chùa Dơi, chùa Đất Sét…

Ở Sóc Trăng có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ xưa mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Tầm Vu có niên đại gần 350 năm, với công trình kiến trúc nghệ thật độc đáo đặc trưng của người Khmer nam bộ. Ngoài ra còn có chùa Dơi, chùa Đất Sét…

Khu căn cứ tỉnh ủy

Được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Toàn khu di tích được đặt trong rừng tràm với tổng diện tích 20.000 ha, được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, xung quanh là cây lá xanh mướt.

Bảo tàng Khmer

Trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer qua nhiều thế hệ như: trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa chiền, nhạc cụ.

Bảo tàng Khmer

Chợ nổi ngã năm

Là giao điểm của năm con sông đi năm ngả, rất nhộn nhịp. Du khách sẽ được tìm hiểu lối sinh hoạt của người dân với cảnh mua bán sầm uất trên xuồng ghe. Đây là dịp để bạn thưởng thức những trái cây đặc sản của miền sông nước.

Vườn cò Tân Long

Nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò và một số loài chim trong một khu vườn rộng lớn. Thú vị nhất là sáng sớm hay chiều về được ngắm những cánh cò bay lượn, tận hưởng không gian yên bình.

Khu du lịch sinh thái Cồn Mỹ Phước

Du khách sẽ được thưởng thức những loại trái cây như nhãn, chôm chôm, măng cụt… ở những vườn cây trái xum xuê trên đất cù lao sông Hậu, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân miệt vườn.

Món ngon

Bún nước lèo Sóc Trăng

Bún nước lèo Sóc Trăng nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Nước dùng được nấu từ dừa, sả, và một số loại mắm của người Khmer. Điểm trên bát bún là thịt lợn thái mỏng, tép, cùng ít gia vị như ớt, các loại rau.

Bún nước lèo Sóc Trăng

Bún gỏi dà

Giá và bún được trụng trong nước súp đậm đà rồi cho vào tô, thêm thịt ba chỉ thái sợi, tép, chút tương mặn và ớt bằm, ăn kèm xà lách và rau thơm. Điều khiến du khách không thể quên ở món ăn này là cách làm nước dùng gồm me chua, tương mặn khiến nước dùng rất đậm đà.

Bún vịt nấu tiêu

Thịt vịt ướp với tiêu cùng các gia vị khác rồi nấu sơ qua, đổ vào nước dùng được ninh bằng xương và nước dừa tươi, ăn kèm giá đỗ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế… rất hấp dẫn.

Mì sụa

Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành nên cọng mì có màu vàng óng. Người ta có thể chế biến mì sụa xào cùng các loại rau, nấm và hải sản hay thịt lợn, gà chấm với nước tương hoặc nước mắm giấm ớt. Còn mì sụa ngọt thường được nấu chè với trứng gà luộc có vị ngọt rất lạ miệng.

Bò nướng ngói

Rrước đây người ta dùng miếng ngói cong bằng đất nung để nướng thịt bò, về sau miếng ngói được thay bằng miếng thiếc tráng inox dày.

Bò nướng ngói

Cháo lòng Bưng Cóc

Được nấu bằng gạo ngon với cật, tim, gan, cuống họng, cuống phổi… Tuy nhiên, nét độc đáo của cháo lòng Bưng Cóc chính là món dồi heo được chế biến để ăn kèm.

Cháo cá lóc rau đắng

Gạo, cá lóc và rau đắng được chế biến thành món ăn đặc trưng vùng miền. Vị cá đồng thơm ngọt kết hợp với rau đắng và vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh rất quyến rũ.

Quà tặng

Bánh Pía

Có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của trứng vịt muối, vị ngon bùi của đậu xanh, khoai môn, và vỏ bánh nướng vàng giòn tan.

Bánh Pía

Bánh cống

Có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp.

Đậm đà món vịt nấu chao

[vanhoamientay.com] Vịt nấu chao món ăn đã không còn xa lạ đối với nhiều người miền Tây bởi sức hấp dẫn mà món ăn mang lại. Đối với người miền Tây thì món ăn từ vịt được ưa chuộng hơn, thay vì là gà như người miền Bắc hoặc Trung . Từ đó người ta chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn như: vịt kho gừng, cháo vịt, gỏi vịt… trong đó vịt nấu chao là món ăn công phu được nhiều người lựa chọn.

Có thể nói hương vị đặc trưng của món vịt nấu chao được tạo nên từ những nguyên liệu chính là chao và khoai môn hòa hợp với thịt vịt,… Chẳng ai biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu, nhưng theo nhận xét của nhiều người thì đây là món ăn xuất phát từ vùng quê dân dã. Bỡi lẽ, nguyên liệu món ăn rất dễ tìm, một hủ chao nhỏ, vài ba tép xả, củ khoai, vài cọng rau muống ngoài vườn là đã tạo nên một hương vị thơm nồng quyến rũ.

Một bí quyết không thể bỏ qua giúp khử mùi lông vịt là khi chế biến, vịt phải được khử mùi bằng gừng và rượu trắng, sau đó mới rửa sạch. Thịt vịt được chặt thành miếng vừa phải, ướp với chao, dầu hào, sả băm nhuyễn,… để khoảng 20 phút. Tiếp đến phi tỏi vàng xào thịt đã ướp cho săn lại và cho nước dừa tươi vào, hầm lửa đều. Khoai môn được sắc thành miếng lớn, nhỏ tùy ý, chiên vàng để tạo mùi thơm, vị bùi hơn của khoai môn và giữ cho khoai không bị vỡ trong quá trình hầm. Cho khoai vào nồi vịt nấu chao hầm tiếp đến khi vị khoai thắm vào thịt vịt. Thời gian hầm từ 30 phút đến 1 giờ tùy theo loại vịt. Sau khi vịt chín là có thể thưởng thức ngay được rồi đấy.

Vịt nấu chao thường ăn kèm với bún, mì gói hay cơm trắng. Các loại rau dùng để trụng ăn với món này cũng khá đa dạng nhưng ngon nhất vẫn là rau muống đồng và cải xanh. Món vịt nấu chao càng đậm đà và hấp dẫn hơn với nước chấm được pha chế từ chao, đường mía, một ít nước cốt chanh và ớt đỏ băm nhuyễn.

Nghe qua thôi cũng đã cảm nhận được sức hấp dẫn không thể chối từ của món ăn này mang đến cho thực khách. Tuy đơn giản mộc mạc nhưng món ăn này được xem là đặc sản của người miền Tây mỗi khi đãi khách. Chỉ cần xắn tay lên một chút là đã có món đặc sản đãi cả nhà rồi đấy. Vịt nấu chao thực sự là một món ăn thu hút, hấp dẫn để bạn có thêm lựa chọn mỗi khi ra ngoài ăn cùng gia đình. Còn gì thích thú hơn bằng vào những ngày tiết trời hơn se lạnh cùng gia đình, người thân quây quần bên nồi lẫu vịt nấu chao đang nghi ngút khói.

Vịt nấu chao món ăn đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa ẩm thực người dân miền sông nước từ bao đời nay. Ngày nay món ăn này đã trở thành thương hiệu của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực miền Tây. Chắc chắn sau khi thưởng thức món ăn này các bạn sẽ vô cùng thích thú và hài lòng vì sự lựa chọn của mình đấy. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm một món ăn mới trong sổ tay ẩm thực của mình.

Đậm đà món vịt nấu chao


Làng trống Bình An tỉnh Long An

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam, làm trống phải qua hơn 20 công đoạn, nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam

Ở nước ta, hầu hết các đình, chùa, miếu, trường học, đến các đoàn hát, đoàn lân… nơi nào cũng có trống. Có thể nói, nhiều năm nay trống gắn liền với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc.

Nếu bạn có dịp về thăm Long An, nhớ ghé xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ. Nơi đây có làng trống Bình An, nơi sản xuất và cung cấp trống “độc nhất” ở phía Nam – một điểm nhấn của văn hóa Tây Nam Bộ và là nét đặc trưng của du lịch tỉnh Long An.

Làng trống Bình An có thể được xem là điểm du lịch khá mới mẻ. Tuy nhiên, làng nghề nhanh chống trở thành trở thành một điểm tham quan văn hóa được nhiều người tìm đến.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Ấn tượng đầu tiên khi đến với làng trống Bình An là hình ảnh những mảnh gỗ sao, lồng mứt được phơi trên sân cạnh những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng.
Làng trống được cho là hình thành cách đây gần 200 năm. Người có công đưa nghề trống phát triển trong làng là ông Nguyễn Văn Ty. Đa số người dân nơi đây đã làm nghề từ vài chục năm, theo nghiệp cha truyền con nối.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện dọc sông Vàm Cỏ nhiều người làm thịt trâu bỏ phần da. Thấy vậy, ông mang da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống.

Sau khi ông Ty qua đời, con cháu ông tiếp tục làm trống. Nếu như trước đây làm trống nhằm mục đích giải trí cho vui, thì những đời sau này bắt đầu tính chuyện làm trống để “bán”.
Theo đó, những thợ làm trống sáng chế ra phương pháp dùng giàn chò, giàn giáo… để làm công cụ bịt trống, thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao. Trống được sơn màu đỏ và thiết kế bề ngoài khá đẹp.

Thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao

Làng trống Bình An

Mặc dù có lúc thăng lúc trầm nhưng nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề. Mặc dù hiện nay việc mua nguyên liệu làm trống khó khăn hơn, nhất là tìm da trâu già để bịt trống, nhưng những cơ sở ở đây vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của ông cha để lại.
Nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người nghệ nhân thoăn thoắt tay, sau mỗi lần gõ, chiếc trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần để miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ. Dùng chiếc dùi gõ mạnh vào mặt trống, tiếng kêu tùng tùng vang lên mới đúng chuẩn.

Làm trống phải qua hơn 20 công đoạn. Muốn trống bền phải chọn gỗ sao. Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Phải khéo léo dùng tay ghép mạnh từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở. Khó nhất là công đoạn bịt da.

Nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề

Da trâu được mua về sau khi xử lý đem ra phơi nắng cho khô. Ngày trước phơi da trâu bằng những sợi dây thừng căng ra 4 góc nhưng giờ căng bằng những khung thép để da không bị thủng. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ.

Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng trống Bình An.
Như thế, tiếng trống của làng đã vang xa và cũng chính tiếng trống ấy, đã kéo du khách đến gần với làng nghề hơn.
Hy vọng, làng trống Bình An sẽ trở thành điểm đến được thật nhiều du khách biết đến, thêm yêu thích hơn tiếng trống Bình An, lẫn con người tài hoa và rất chân thành hiền hậu của xứ trống này.


Bánh lọt xào Hà Tiên

Nếu bánh lọt mặn, bánh lọt nước cốt dừa khá gần gủi với dân Sài gòn thì bánh lọt xào là món ăn còn rất xa lạ. Bánh lọt xào có nguồn gốc từ xứ chùa tháp Campuchia du nhập vào Hà Tiên và trở thành món ăn đặc sản của vùng đất này.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Những sợi bánh lọt ngắn, mềm dễ nuốt, được làm bằng bột gạo cùng ít bột năng. Cách làm sợi bánh lọt xào cũng giống như cách làm sợi bánh lọt nước cốt dừa.

Bột gạo khuấy đều cùng bột năng, rồi đun trên bếp để lửa nhỏ cho bột chín đặc. Sau đó, ép bột xuống khuôn bánh lọt có chậu nước lạnh để phía dưới. Sợi bánh sẽ đông lại khi gặp lạnh, sợi bánh mềm mà vẫn dai vớt ra trộn với nước màu dứa để bành lọt có màu đẹp.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Thành phần:

  • Bánh lọt
  • Trứng
  • Màu dứa
  • Giá, hẹ
  • Tôm hoặc thịt bò
  • Đậu phộng rang, hành lá… gia vị nêm

Cách làm bánh lọt xào

Tôm tươi bóc vỏ băm nhuyễn, ướp chút gia vị. Phi thơm tỏi và xào tôm cùng với giá ngắt đuôi, hẹ cắt khúc

Tiếp đó, cho dầu vào chảo, xào bánh lọt để bánh chín vàng thơm, cho phần tôm xào giá hẹ vào và nêm lại cho vừa ăn. Cuối cùng đập hay trứng gà hoặc trứng vịt lên hỗn hợp vừa xào xong, bạn sẽ có một màu vàng ươm của trứng rất đẹp.

Xúc bánh ra đĩa, rắc một ít đậu phộng rang vàng. Bánh lọt xào dùng với tương ớt hoặc nước món chua ngọt đầu rất ngon.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Món bánh lọt xào ăn ngon nhất khi dùng nóng. Bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm tươi, ngọt của rau hẹ, giá hay mùi thơm bùi nhờ đậu phộng… Những sợi bánh trong, mềm, dai được xào cùng với tôm, giá hẹ, trứng sẽ là món ăn chơi vô cùng hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang.

Ở Hà Tiên bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi như món ăn sáng hay chiều, giá 30.000 – 50.000 đồng một đĩa.

Nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!