Có thể bạn quan tâm

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Về đất công tử Bạc Liêu ăn bánh tằm bì

[vanhoamientay.com] Ngoài món bánh củ cải nổi tiếng thì bánh tằm bì là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất công tử Bạc Liêu.

Hãy bắt đầu một ngày du ngoạn Bạc Liêu bằng món bánh tằm bì độc đáo và lạ miệng của người dân ở đây. Đây là một món ăn dân dã nên bạn có thể thưởng thức món ăn từ gánh hàng rong, quán vỉa hè hoặc trong một ngôi chợ nào đó bất kỳ. Tuy là món ăn phổ biến nhưng hầu như không ai biết món ăn này có từ lúc nào, vì sao có tên gọi đó?… Trong những câu chuyện vui của người dân ở đây, sở dĩ có tên gọi như vậy vì sợi bánh tằm nhìn giống con tằm, ăn với bì nên có tên gọi là bánh tằm bì.

Mặc dù không biết chắc về tên gọi và nguồn gốc nhưng món ăn với sợi bánh làm từ bột gạo, ăn kèm với bì, rau cùng nước cốt dừa… với vị vừa mặn vừa ngọt đã làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách khi lần đầu ăn món này. Tuy là món ăn bình dân, nguyên liệu không có gì đặc biệt nhưng để có được một đĩa bánh tằm bì thơm ngon, béo ngậy đòi hỏi không ít công sức của người bán.

Sợi bánh chính là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Một đĩa bánh tằm bì được đánh giá là ngon khi sợi bánh phải trắng muốt, mềm, dai và không bị đứt đoạn. Để làm được điều đó thì khâu nhồi bột là quan trọng nhất, bột gạo được pha với bột năng theo tỷ lệ nhất định rồi nhồi với nước sôi. Nhồi bột đến lúc bột mềm, mịn, dẻo mà không dính tay là được. Bột được chia thành từng viên nhỏ, dùng tay se viên bột thành những sợi tròn dài. Ngày nay, nhiều nơi bán bánh tằm bì thường cán bột thành từng lát mỏng, rồi thái thành sợi như bánh canh. Cách làm này tuy nhanh nhưng sợi bột sẽ không đẹp và không dai bằng.

Sau khi làm xong, cho sợi bánh vào nồi luộc chín. Xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo. Tiếp đến trộn bánh với ít dầu ăn để những sợi bánh không dính vào nhau. Ngoài sợi bánh thì bì và nước cốt dừa ăn kèm cũng quan trọng không kém. Bì được thái thành từng sợi mỏng đều nhau, trộn với thịt nạc thái sợi và thính gạo vừa giòn vừa bùi.

Nước cốt dừa của món ăn này rất đặc biệt, người bán phải tỉ mỉ pha chế làm sao để nó vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Nước cốt dừa được nấu với lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

Ngoài ra, bánh tằm bì còn có giá chần, mỡ hành cùng dưa leo, các loại rau thơm thái nhỏ, có nơi còn có thêm cà rốt, củ cải thái sợi ngâm chua…. Bánh tằm bì được cho vào một chiếc đĩa, bì cho lên trên, tiếp đến là các loại rau, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho thực khách. Khi ăn món này, thực khách trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng thì có thể chan thêm ít nước mắm ngọt được chủ quán chuẩn bị sẵn.

Tuy chỉ là món ăn sáng dân dã của người dân ở đây nhưng đĩa bánh tằm bì vừa có vị mằn mặn, vừa hơi ngọt được hòa quyện vào nhau một cách rất hài hòa chắc hẳn sẽ là điều bất ngờ và thú vị cho những thực khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn này.

Theo Vnexpress

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Đã từ lâu, hình ảnh những chiếc bánh tráng – bánh phồng ở làng nghề nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa, chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Để khi lúc đi xa, mỗi khi ăn những chiếc bánh ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được những niềm nhớ thương dạt dào của quê hương xứ sở.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy du khách đã đến với huyện Giồng Trôm, xã Mỹ Thạnh, nơi mà có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng bao đời nay vẫn tồn tại, giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay để tạo ra cho đời những chiếc bánh quê mộc mạc. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng mặt trời, trước sân nhà của những hộ dân nơi làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến người lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men, nhưng đó là sự say của hương thơm ngào ngạt của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.

Người dân ở đây rất chân chất và hiếu khách, vừa ngỏ ý vào thăm thì mọi người đã vui vẻ nhận lời, trò chuyện với cô Hồng- một thợ làm bánh có trên 25 năm tuổi nghề cô cho biết: “Làng nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu lắm rồi, nghe ông bà xưa kể lại chắc cũng cả trăm năm tuổi, qua bao thế hệ, gia đình tôi cũng gắn bó với nghề này, nó như một phần không thể thiếu trong gia đình tôi, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy, làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà làm bánh còn là một thú vui tao nhã, gia đình tôi quyết tâm giữ gìn không cho nghề này mai một theo thời gian”.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

 Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng, và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, nở nang, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như: Đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Theo người dân ở đây thì cái khác rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…

Đây là đặc sản với nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nhưng ngon nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than hồng đã tỏa hương thơm lừng làm ngất ngây lòng người.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiểng cho tới bây giờ.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay.

Có lẽ làm bánh phồng còn cực hơn bánh tráng, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là cả một kỳ công. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn. Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Hiện nay, ngoài loại bánh phồng nếp còn có bánh phồng mì, bánh phồng chuối để tạo nên sự đa dạng cho các loại bánh. Làm bánh tráng, bánh phồng thường thì theo mùa vụ, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng nghề phải thức thâu đêm. Từ năm 2007, bánh phồng Sơn Đốc được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy làng nghề phát triển trong tương lai.

Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy của người làm bánh. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỉ đồng trong GDP tỉnh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng. Hiện nay, cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là du khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề.

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Phát triển kinh doanh cho người lao động ở nông thôn” hỗ trợ công nghệ cho người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, nâng thời gian bảo quản bánh từ ba tháng lên sáu tháng, trang bị ống đo độ đậm đặc của bột trước khi tráng bánh, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn vay,…để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc như: cối xay bột, máy nạo dừa, ép dừa, cối quết bánh, máy cán bánh phồng…nhằm nâng cao nâng suất lao động, tiết kiệm thời gian, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Phụ nữ nên làm việc nhẹ nhàng

[vanhoamientay.com] Phụ nữ chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi

Một ông chồng tâm sự với bạn:

– Cậu biết không, phụ nữ cần được làm những công việc nhẹ nhàng. Như vợ tớ chẳng hạn, mỗi ngày cô ấy mang trên tay không quá một kg.

– Thế cô ấy làm việc gì?

– Bán vé số!

st

Chợ đêm Tây Đô, đậm chất Nam Bộ

[vanhoamientay.com] Chợ đêm Tây Đô cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Đây là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Chợ đêm Tây Đô Tuy mới hoạt động trong vài năm gần đây nhưng chợ đêm Tây Ðô được xem là một điểm du lịch văn hóa đặc trưng, nổi bật và hấp dẫn ở Cần Thơ, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách phương xa. Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối chung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước.

Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.

Chợ đêm Tây Ðô hiện nay có kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh và mang đậm phong cách Nam Bộ. Chợ được chia theo từng gian hàng rất khoa học, thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Ðường đi lối lại trong chợ được nhựa hóa và thoáng rộng.

Các sản phẩm tại chợ đêm Tây Ðô rất phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cư dân và du khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Ngoài mục đích phục vụ mua bán hàng hóa, chợ đêm Tây Ðô cũng có những dịch vụ giải trí mới, hiện đại như: trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời và các chương trình vui chơi khác.

Ðến chợ đêm Tây Ðô, du khách sẽ có một chuyến du lịch thú vị. Bức tranh tổng hợp này đã phác hoạ chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng hạ nguồn sông Mê Kông nổi tiếng này.

Theo Lukhach24h

Tết Đoan ngọ – mùng 5 tháng 5

Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm” (ca dao).

Dù không rộn ràng, náo nhiệt như ngày Tết cổ truyền nhưng Tết Đoan ngọ vẫn được lưu truyền và có một vị trí nhất định trong lòng người dân đất Việt. 

Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm

Năm nay Tết Đoan ngọ rơi vào ngày 20/6 dương lịch. Có thể nói, đây là một trong những ngày Tết quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Không ai biết chính xác Tết Đoan ngọ có từ khi nào, chỉ nhớ thời xưa, khi nông dân ăn mừng vì trúng mùa thì rất nhiều sâu bọ kéo đến phá hoại. Giữa lúc bà con không biết làm gì thì có một ông lão xuất hiện. Theo lời ông, mỗi nhà hãy lập bàn cúng bánh ú tro, trái cây và vận động thể lực. Không ngờ sâu bọ hết thật! Trước khi đi, ông lão còn dặn, mỗi năm cứ đến ngày này phải làm như vậy- đó là ngày mùng 5 tháng 5 âl.

Cũng có nhiều gia đình giữ phong tục của gia đình, cứ đến mùng 5-5, bà sẽ bắt những con côn trùng (kiến, sâu, gián…) quanh nhà đem lên chảo nóng chiên. Kèm theo đó là những lời khấn tốt đẹp sẽ đến với gia đình, xóm làng. Bởi vậy, Tết Đoan ngọ còn được gọi với cái tên là ngày diệt sâu bọ.

Năm nào cũng vậy, cách mùng 5-5 một tuần, các khu chợ lại nhộn nhịp hẳn lên, nhất là khu vực bán hoa, trái cây. Sẽ thật là thiếu sót khi nhắc đến Tết Đoan ngọ, mà không nói về bánh ú lá tre – loại bánh luôn hiện diện trên các mâm cúng ông bà.

Không chỉ là dịp để mọi người nhớ đến tích xưa, mà còn dịp để nhiều gia đình tăng thêm thu nhập từ nghề gói bán ú nước tro.

Nghề gói bánh ú từ bà mình

Kế thừa nghề gói bánh ú từ bà mình, chị Bé Hai (TP. Long Xuyên) đã gắn bó với nó từ thời con gái. Ngày thường, chị vẫn gói bánh ú tro (bánh ú lá tre) để bán. Tuy nhiên, số lượng bán tăng hơn nhiều khi Tết nửa năm đến. Hơn một tuần nay, mọi người đến đặt hàng rất đông. Có người đặt mua đến 700 cái bánh. Tất nhiên, giá bán vẫn không thay đổi dù là ngày Tết. Ngoài việc để cúng, loại bánh này có vị thanh mát. Nguyên liệu bánh chỉ là đậu xanh và nếp ngâm nước tro nên hợp khẩu vị nhiều người.

Ở thành thị đôi khi vì công việc nên Tết Đoan ngọ trông không rơm rả như ở vùng quê. Về những vùng nông thôn, người dân ăn mừng Tết Đoan ngọ rôm rả hơn nhiều. Tôi nhớ khi còn bé, cứ đến mùng 5 tháng 5 thì anh em chúng tôi được ba mẹ mua cho quần áo đẹp đi viếng ông bà. Mẹ đi chợ mua thật nhiều đồ về cúng như Tết Nguyên đán vậy.

Thường, mâm cơm cúng mùng 5 được mọi người dọn lên vào giờ trưa. Sau khi người có vai vế lớn nhất cúng lạy mới tới con cháu. Sau nghi thức cúng, mọi người sẽ cùng ngồi lại thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương.

Qua thăng trầm cuộc sống, Tết Đoan ngọ ngày nay có đôi chút khác xưa. Song, niềm mong ước, những ý nghĩa tốt đẹp mà nó mang lại vẫn là những giá trị không gì thay thế được.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!