Có thể bạn quan tâm

Thịt kho tàu đậm đà hương vị ngày tết

[vanhoamientay.com] Thịt kho tàu đã trở thành một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết của người miền Tây nói riêng và Nam bộ nói chung. Dường như đã thành thông lệ cứ đến gần tết người dân Nam bộ lại rủ nhau làm món thịt kho tàu để ăn tết như một phần tất yếu.

Ngày nay món ăn bắt cơm này còn hiện diện ngay trong bữa ăn hàng ngày của người dân việt. Để hiểu thêm về món ăn này, chúng ta hãy cùng sơ lược qua cách kho thịt của các vùng miền để thấy được nét đặc trưng của món thịt kho tàu miền Nam nhé. Miền Bắc lạnh giá thì gọi là thịt đông, nấu không có nước dừa và trứng luộc. Nhưng miền Nam nắng ấm lại nấu bằng nước dừa với vị béo ngậy. Và miếng thịt heo được cắt vuông vắn, lớn gấp 3 lần miếng thịt kho bình thường.

Nghe qua cái tên của món ăn là thịt kho tàu rất nhiều người sẽ nghĩ đây là món ăn được bắt nguồn từ Trung Hoa, tuy nhiên theo nhiều người Nam bộ xưa kể lại thì chữ “tàu”, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt”, như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Cũng có một số giả thuyết khác đặt ra về nguồn gốc của món ăn này tuy nhiên đến nay cũng chưa rõ đâu là giả thuyết đúng nhất.

Miếng thịt mềm rục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã được làm thanh đi bằng đường, thi thoảng có thêm vị hắc của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng. Tất cả đã làm nên hương vị tuyệt vời của món thịt kho tàu.
Có thể nói thịt kho tàu hiện nay đã trở thành món ăn thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của nhiều người Việt Nam trên cả nước bởi sức hấp dẫn mà món ăn này mang lại. Cách chế biến không quá khó, các bạn hoàn toàn có thể thử qua để mang đến bữa ăn ấm áp cho gia đình mình sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thịt kho tàu món ngon khó chối từ và dường như nó đã trở thành một phần văn hóa ẩm thực của người Nam bộ khi đi so sánh với các vùng miền khác trong cả nước.

Hy vọng đây sẽ là lựa chọn hàng đầu của các bạn mỗi khi tự tay nấu món ăn cho gia đình trong mỗi bữa tối. Thịt kho tàu món ngon đúng vị không thể chối từ.

Theo Vnexpress

Thôi cho tôi xin

Hai ông già đang ngồi hóng mát trong công viên thì một cô gái xinh đẹp có thân hình bốc lửa đi qua.

Một ông ao ước:

– Giá chúng mình bây giờ mới 20 tuổi nhỉ!

Ông kia chép miệng:

– Thôi, thôi, xin ông! Chỉ vì một bóng hồng mà phải tiếp tục quần quật thêm 40 năm nữa mới được lĩnh lương hưu ấy à, tôi xin kiếu!

st

Làng trống Bình An tỉnh Long An

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam, làm trống phải qua hơn 20 công đoạn, nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Làng trống Bình An làng trống “độc nhất của phía Nam

Ở nước ta, hầu hết các đình, chùa, miếu, trường học, đến các đoàn hát, đoàn lân… nơi nào cũng có trống. Có thể nói, nhiều năm nay trống gắn liền với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc.

Nếu bạn có dịp về thăm Long An, nhớ ghé xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ. Nơi đây có làng trống Bình An, nơi sản xuất và cung cấp trống “độc nhất” ở phía Nam – một điểm nhấn của văn hóa Tây Nam Bộ và là nét đặc trưng của du lịch tỉnh Long An.

Làng trống Bình An có thể được xem là điểm du lịch khá mới mẻ. Tuy nhiên, làng nghề nhanh chống trở thành trở thành một điểm tham quan văn hóa được nhiều người tìm đến.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Ấn tượng đầu tiên khi đến với làng trống Bình An là hình ảnh những mảnh gỗ sao, lồng mứt được phơi trên sân cạnh những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng.
Làng trống được cho là hình thành cách đây gần 200 năm. Người có công đưa nghề trống phát triển trong làng là ông Nguyễn Văn Ty. Đa số người dân nơi đây đã làm nghề từ vài chục năm, theo nghiệp cha truyền con nối.

Làng nghề trống độc nhất phía Nam

Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện dọc sông Vàm Cỏ nhiều người làm thịt trâu bỏ phần da. Thấy vậy, ông mang da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống.

Sau khi ông Ty qua đời, con cháu ông tiếp tục làm trống. Nếu như trước đây làm trống nhằm mục đích giải trí cho vui, thì những đời sau này bắt đầu tính chuyện làm trống để “bán”.
Theo đó, những thợ làm trống sáng chế ra phương pháp dùng giàn chò, giàn giáo… để làm công cụ bịt trống, thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao. Trống được sơn màu đỏ và thiết kế bề ngoài khá đẹp.

Thân trống được làm bằng gỗ sao rất tốt đảm bảo độ bền cao

Làng trống Bình An

Mặc dù có lúc thăng lúc trầm nhưng nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề. Mặc dù hiện nay việc mua nguyên liệu làm trống khó khăn hơn, nhất là tìm da trâu già để bịt trống, nhưng những cơ sở ở đây vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của ông cha để lại.
Nghề làm trống đòi hỏi sức mạnh, sự cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Người nghệ nhân thoăn thoắt tay, sau mỗi lần gõ, chiếc trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần để miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ. Dùng chiếc dùi gõ mạnh vào mặt trống, tiếng kêu tùng tùng vang lên mới đúng chuẩn.

Làm trống phải qua hơn 20 công đoạn. Muốn trống bền phải chọn gỗ sao. Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Phải khéo léo dùng tay ghép mạnh từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở. Khó nhất là công đoạn bịt da.

Nghề bịt trống ở Bình An vẫn tồn tại nhờ những người có tâm huyết với nghề

Da trâu được mua về sau khi xử lý đem ra phơi nắng cho khô. Ngày trước phơi da trâu bằng những sợi dây thừng căng ra 4 góc nhưng giờ căng bằng những khung thép để da không bị thủng. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ.

Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng trống Bình An.
Như thế, tiếng trống của làng đã vang xa và cũng chính tiếng trống ấy, đã kéo du khách đến gần với làng nghề hơn.
Hy vọng, làng trống Bình An sẽ trở thành điểm đến được thật nhiều du khách biết đến, thêm yêu thích hơn tiếng trống Bình An, lẫn con người tài hoa và rất chân thành hiền hậu của xứ trống này.

Người thợ bạc chơi kiểng hái tiền tỷ

[vanhoamientay.com] Từ một thợ bạc có cuộc sống bình dị, bỗng nhiên anh Nguyễn Thanh Công lại trở thành tín đồ của nghệ thuật cây kiểng. Anh say mê đến nổi bạn bè và các nghệ nhân ai cũng nể, coi anh là một tay chơi hào phóng và “ nặng ký ” nhất làng kiểng miền Tây.

“Chơi cây kiểng nếu không say mê, không yêu thích thì không ai bỏ hàng trăm triệu mua về. Ngược lại chơi mà không có kinh tế thì lấy đâu tiền để chơi tiếp”, anh Công chia sẻ.

Sân kiểng nhà anh ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành – Đồng Tháp với rất nhiều cây kiểng độc đáo, quý giá. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây trước sân nhà cho đẹp, giúp tinh thần thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Không ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê”, anh Công chia sẻ.

Thế là đi đến đâu anh cũng lân la tìm hiểu và tìm những cây đẹp, đặc biệt là cây to có dáng vẻ kỳ thú để mua về làm kiểng, và cứ thế mà số cây trong vườn dần dần tăng lên …Cho đến một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá lên hàng trăm triệu đồng, lời gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đây, anh mới nảy sinh ra ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để làm kinh tế.

10 năm nay, mỗi lần bạn bè cho biết nơi nào có cây hay, cây đẹp, đặc biệt là những cây có dấu ấn thời gian, là anh tìm đến để mua về thuần dưỡng, tạo dáng, biến một cây rừng hoang dã thành một tác phẩm nghệ thuật sống.

Có người hỏi anh, giữa chơi và kinh doanh cây kiểng, anh nặng bên nào? Anh không ngần ngại trả lời: “Nặng cả hai. Vì nếu không say mê, không yêu thích thì không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua về để chơi. Ngược lại chơi mà không có đồng ra đồng vô thì lấy đâu ra tiền để chơi tiếp”, anh Công nói.

Anh Sáu Lựu, một nghệ nhân từng trải về nghề hoa kiểng cho biết, anh Công đã từng bỏ tiền thuê xe tải để chuyển cây sanh cổ thụ ra Hà Nội triển lãm nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra anh còn tích cực tham gia các Hội thi Hoa – lan – cây cảnh do địa phương và các nơi tổ chức để giao lưu học hỏi và chia sẻ với nghệ nhân cả nước. Tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh Đồng Tháp năm 2010, anh đã giành được huy chương vàng cho tác phẩm Tiểu cảnh do chính anh sáng tạo.

Hiện vườn kiểng của anh Công có gần 400 bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng hoa, kiểng trái và tiểu cảnh…với khá nhiều chủng loại đặc sắc, quý giá như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Riêng với bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối và hài hòa.

Anh nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Ngoài việc sưu tầm, anh còn là một người cần cù chịu khó, miệt mài học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, bằng cách mời một số nghệ nhân có uy tín đến cố vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà bất cứ một mẫu cây rừng nào dù dạng thô sơ, tàn nhánh rắc rối tới đâu, khi vào khu vườn nhà anh cũng có thể hóa thân thành một cây kiểng nghệ thuật.

Anh cho biết mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trong vườn nhà anh trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng những cây lâu năm, già như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm trị giá 1,5 tỷ đồng, hay cây nguyệt quế cổ thụ có giá 1 tỷ đồng…

“ Nhiều năm qua, có bao nhiêu tiền tôi cũng dành ưu tiên cho vườn kiểng. Đến năm rồi tôi đã thu vô được 10 tỷ từ tiền bán cây”, anh Công khoe.

Cũng theo anh Công người chơi kiểng hái tiền tỷ, chơi cây kiểng ngoài lợi nhuận kinh tế còn giúp con người gần với thiên nhiên, tâm hồn mở rộng, yêu đời và yêu cuộc sống nhiều hơn. Và cây kiểng cũng giúp anh có thêm nhiều bạn bè, khách ở các nơi từ Hà Nội, miền Trung, đó là những người cùng sở thích, cùng anh chia sẻ về thú chơi này đặc biệt này.

Theo News Zing

Làng nghề chiếu Cà Mau

[vanhoamientay.com] Chiếu luôn gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam và Việt Nan có rất nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng mà Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề chiếu tiêu biểu.

Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, Cà Mau còn nổi tiếng với những địa danh một thời làm nghề chiếu như: Tân Duyệt Đầm Dơi, Tân Lộc Thới Bình… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiếu bông hoa Tân Thành. Bằng những nguyên liệu như: sợi lác, dây bố và khung dệt… những phụ nữ ở đây đã dệt nên những đôi chiếu bền, đẹp và tạo nên thương hiệu chiếu Cà Mau.

Từ những bụi lát mọc hoang trên những bãi đầm, người dân Cà Mau dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp với họa tiết được dệt trực tiếp bằng những sợi lát nhuộm màu chứ không in như một số loại chiếu vùng khác, từ đó làng nghề chiếu Cà Mau được hình thành.

Dệt, đan chiếu thảm từ cây lát là nghề sản xuất thủ công có tiềm năng to lớn ở Cà Mau với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào là cây lát. Người dân ở đây hộ nào cũng có từ 1 – 2 khung dệt trở lên. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Tân Thành với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hàng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

Theo bà Châu Thị Niệm, nghệ nhân đã theo nghề dệt chiếu 72 năm, nghề dệt chiếu Cà Mau hình thành từ hàng trăm năm trước, có nguồn gốc từ nước ngoài và truyền vào miền Nam vào khoảng thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành. Mặc dù có lúc bị cạnh tranh dữ dội bởi các loại chiếu ni lông ngoại nhập, nhưng chiếu Cà Mau vẫn âm thầm tồn tại.

Theo Khám Phá VN

Canh chua cá lóc Nam bộ

[vanhoamientay.com] Canh chua cá lóc món ăn đã làm nên thương hiệu của người Nam bộ bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang lại. Có thể nói canh chua cá lóc đúng kiểu của người Nam bộ phải vừa có cả vị chua của thơm, me lẫn vị ngọt của cá lóc. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải.

Canh chua cá lóc thường được người Nam bộ sử dụng làm món canh chính trong gia đình, tạo cảm giác ngon miệng và mát mẻ khi ăn. Có thể nói ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có canh chua nhưng canh chua Nam bộ vẫn là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi sự hòa quyện giữa cá lóc và các loại rau cộng thêm cách nêm nếm chua ngọt của người miền Nam mang đến dấu ấn riêng cho món ăn này.

Có lẽ, món canh chua Nam Bộ ra đời đáp ứng đòi hỏi của cơ thể con người với môi trường sống ở vùng sông nước, sình lầy hoang dã có sáu tháng nắng và sáu tháng mưa lũ. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền nhiệt đới, sau giờ lao động vất vả, một bát canh chua thật đậm đà pha chút mặn, ngọt và cay, với khúc cá to đùng và nhiều loại rau quả như để vừa phục hồi sinh lực, vừa giải nhiệt.

Từ yêu cầu đó mà tài nghệ của các bà, các cô nội trợ được thôi thúc để cải tiến món canh chua đặc sản cho gia đình. Kể từ khi lưu dân đến sinh cơ lập nghiệp cho đến nay đã trải qua hơn 300 năm, một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện món canh chua độc đáo.

Và có lẽ món canh chua đầu tiên của lưu dân Việt là cá dưa nấu với quả bần chín. Bởi vì buổi đầu lưu dân sống quây quần quanh cửa sông, vùng duyên hải, nơi có nhiều cây bần bám trụ sinh sôi, nảy nở. Dưới gốc bần có một loài cá mắn đẻ, thịt ngọt, chuyên ăn quả bần chín rụng mà lớn, thế rồi con cá này là hợp “gu” với quả bần trong bát canh chua.

Món canh chua về sau cứ thêm thực đơn kéo dài ra, vượt quá con số 2 của thuở ban đầu. Nào là canh chua cá lóc nấu với me trái, canh chua cá tra nấu với măng chua hay bắp chuối…Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.

Cá và rau quả đều nấu vừa chín, không rục, không nát. Nước canh phải thật chua, hơi ngọt dịu, cay và nêm hơi già mắm muối. Tô canh múc ra trông thật đẹp mắt, cá chín căng thịt trắng phau, cà chua hồng hào, ớt đỏ tươi, đậu bắp và rau xanh, giá trắng muốt… hơi nóng bốc lên tỏa ra thơm lừng. Tô canh chua thể hiện sự trù phú của vùng sông nước miệt vườn và sự hào phóng của con người Nam Bộ.

Có rất nhiều, rất nhiều dạng canh chua, nhưng qua thử thách suốt 300 năm, món canh chua cá lóc và cá bông lau nấu với me vẫn được xem là chuẩn mực đặt ở đầu bảng các loại canh chua Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Vườn cò Bằng Lăng

[vanhoamientay.com] Vườn cò Bằng Lăng thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ. Từ quốc lộ 9 rẽ vào tầm hơn 1km, băng qua chiếc cầu nhỏ rồi men theo đường làng, bạn đã thấy thấp thoáng vườn cò Bằng Lăng rộng trên 2ha hiện ra trước mắt. Đoạn đường đi vào nhỏ hai bên là hai hàng tre xanh thẳm rợp bóng mát vừa đi vừa cảm nhận được cái không khí miền quê thanh bình và yên ả.

Vào mùa xuân, đi bằng thuyền vào vườn cò, cảm giác bồng bềnh trên sóng nước cùng hình ảnh hoa bằng lăng nở tím dọc bên bờ sông in bóng xuống mặt nước làm du khách ấn tượng. Từ xa đã thấy thấp thoáng vườn cò rộng mênh mông. Người ta nói vườn cò Bằng Lăng là sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long quả không sai

Chủ nhân của khu vườn độc đáo này là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, ông Nguyễn Ngọc Thuyền  còn gọi là ông Bảy cò cho biết, khoảng tháng 1/1983, bỗng dưng một đàn cò ma, loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng tiệp với màu lá cây đông tới hàng trăm con bay về đậu kín một góc vườn. Ít lâu sau chúng đột ngột bỏ đi cả đàn, phải đến gần một năm sau mới thấy chúng quay trở lại và lần này chúng kéo theo đám bạn mới tính ra đến gần chục loại cò với đủ các kích cỡ và số lượng ước tới cả chục nghìn con. Lần này chúng định cư luôn tại đây và sinh sôi nảy nở đông hơn. Cò thường đi kiếm ăn theo từng cặp, có lúc thì đi theo đàn. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn phụ thêm hàng ngày. Khu vườn nay đã rộng 15 công và tất cả những bụi tre, ô môi trong vườn từ lâu đã được xem là nhà của chúng. Mỗi năm, ông còn sửa sang lại “nhà cửa” cho chúng ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu.

Phần lớn các loài cò trên tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh đẻ từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hằng năm, riêng cò ma chúng tập chung về vườn làm tổ và đẻ trứng từ tháng hai đến tháng tư âm lịch.

Vườn cò Bằng Lăng có đủ các loại cò, thuộc đủ chủng loại khác nhau. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6-7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về. Trong ráng chiều đỏ hồng, từng đàn cò nối đuôi nhau bay về, cánh chao nghiêng theo chiều gió, rồi rối rít gọi nhau. Nếu muốn hòa mình vào chất Tây Nam Bộ, bạn có thể nghe những giai điệu dân ca da diết của đồng bào nơi đây hòa cùng tiếng xào xạc của đàn cò.

Vườn cò Bằng Lăng là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích tìm hiểu về thiên nhiên, thích khung cảnh một vùng quê thanh bình với đồng lúa, vườn tre, vườn trúc xanh mướt với cánh cò bay lả. Hãy đến và cảm nhận!!!

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!