Có thể bạn quan tâm

Con đường khởi nghiệp của vua bánh Pía

[vanhoamientay.com] Ông chủ của Tân Huê Viên – công ty chế biến bánh pía lớn nhất Sóc Trăng, xuất thân từ phận làm thuê, khởi nghiệp làm bánh lạ đời chỉ với…con dao và một tấm nhôm, nhưng sau hơn 10 năm đã trở thành “vua bánh pía” của vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.

Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu Giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.

Anh Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe.

Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.

Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: “Mình phải làm gì để có thể đổi đời?”. Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học.

Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết…”. Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để… mở lò sản xuất bánh.

Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn “đánh liều” hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu… để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.

Theo Doanhnhansaigon

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga: Ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua

[vanhoamientay.com] Ở tuổi 63, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Hậu Giang (DHG), bà Phạm Thị Việt Nga vẫn tiếp tục giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty

Đến với Giải thưởng EOY- Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014, nữ doanh nhân Phạm Thị Việt Nga gây ấn tượng mạnh với Hội đồng bình chọn bởi sức sáng tạo không mệt mỏi của một vị thủ lĩnh có Tâm và Tầm, đã dẫn dắt DHG từ một xí nghiệp dược địa phương thành thương hiệu dược nội địa số

1. Lý do ở lại điều hành DHG được bà Phạm Thị Việt Nga chia sẻ là, Công ty đang trong giai đoạn chuyển mình, với nhà máy mới và chiến lược kinh doanh mới, đội ngũ lãnh đạo kế cận cần có thời gian để tiếp cận với công việc mới và bà có nhiệm vụ “anh em thiếu chỗ nào thì bù vào chỗ đó”. Gần 30 năm chèo lái con thuyền DHG cập bến nhiều thành công, dấu ấn của bà Nga rất sâu đậm.

63 tuổi, nhưng bà bảo vẫn duy trì được thói quen mỗi sớm cuốc bộ đến Công ty và bơi lội trước giờ làm việc để rèn luyện sức khỏe. Việc bơi lội như bà thú nhận chẳng theo một kỹ thuật nào mà như từ bản năng, bởi “14 tuổi chị đã tham gia Mặt trận Giải phóng miền Nam, sống giữa bưng biền, nếu không biết bơi sẽ chết chìm”.

Việc vực dậy Xí nghiệp Dược Hậu Giang đang bên bờ vực phá sản, gây dựng thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu trong nước, với doanh thu từ dược phẩm tự sản xuất năm 2013 đạt 3.005 tỷ đồng, chiếm 11% thị phần thuốc sản xuất trong nước và lãi sau thuế 593 tỷ đồng, được bà Nga đúc kết giản dị: “Ông trời luôn chừa cho người ta một con đường sống, miễn sao mình có nỗ lực và cái tâm”.

Tự nhận mình là phụ nữ nhưng có cái đầu rất cứng, bà Nga chia sẻ, khi bà quyết định nhập dây chuyền máy móc về sản xuất thuốc viên nang thì DHG cũng là doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên sản xuất được viên nang.

Năm 2004, khi DHG đang phát triển thuận lợi, bà quyết tâm cổ phần hóa Công ty dù chưa thuộc diện bắt buộc phải cổ phần hóa. “Cái được lớn nhất khi cổ phần hóa doanh nghiệp là tôi có thể chủ động hơn trong hoạch định cơ chế, chính sách đối với người lao động, khuyến khích tinh thần sáng tạo, cống hiến của cán bộ công nhân viên”, bà Nga chia sẻ .

Sau khi cổ phần hóa, Dược Hậu Giang được đưa lên niêm yết vào năm 2006 và luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất trên sàn chứng khoán.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tự sản xuất giai đoạn 2009 – 2013 đạt 16,3%. Không chỉ nổi tiếng trên thị trường thuốc OTC (không kê đơn), mảng thuốc kê đơn cũng đem lại 500 – 600 tỷ đồng doanh thu hàng năm cho Công ty, tương đương với doanh thu của một xí nghiệp dược quy mô lớn trong nước.

2. Ở DHG, có một slogan rất nổi tiếng: “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”. Đó chính là cảm hứng không ngừng cống hiến, sáng tạo để mỗi ngày doanh nghiệp một tốt hơn mà vị nữ tướng của DHG muốn truyền đến các cán bộ công nhân viên Công ty.

Đầu năm nay, DHG đã khánh thành nhà xưởng mới NonBetalactam đạt tiêu chuẩn GMP WHO, có công suất thiết kế 4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Nhà máy Betalactam có công suất thiết kế 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất lên 9,5 tỷ đơn vị sản phẩm/năm trong 5 năm tới, bà Nga không giấu giếm tham vọng đưa DHG thành sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng lớn nhất Việt Nam, tương đương với các nhà máy lớn trong khu vực châu Á, cán mốc doanh thu 7.000 – 8.000 tỷ đồng vào năm 2018.

Công ty đang nhắm đến thị trường mới nổi, quy mô dân số đông và có sự tương đồng với Việt Nam. Bước đầu, Công ty đã có phương án đưa sản phẩm ra thị trường khu vực, trong đó, có Singapore. Việc đổi tên Công ty thành DHG Pharma cũng nằm trong chiến lược vươn ra thị trường thế giới.

Những bước đi đầy tham vọng, nhưng bà Nga chia sẻ, mỗi kế hoạch kinh doanh đều được tính toán rất kỹ lưỡng: “Từ trước tới giờ, chị chỉ làm những điều mình biết, dứt khoát không làm những gì không hiểu”. Với những đức tính cẩn trọng, tỉ mỉ của người lãnh đạo nữ, bà chia sẻ, sau một ngày làm việc, về đến nhà, bà thường lục lại những việc đã làm trong ngày xem có điều gì nghĩ chưa tới. Không ít lần, bà đã thay đổi quyết định lớn chỉ sau một đêm, bởi bà cho rằng, có những chi tiết nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn đến Công ty sau này.

Tự hào về văn hóa doanh nghiệp, mà như bà nói “trong đám đông, có thể bóc ra người Dược Hậu Giang”, bà Nga chia sẻ, DHG đặt nặng tiêu chí sáng tạo đối với bộ phận marketing và nghiên cứu phát triển. Bản thân bà cũng là người chịu học và chịu nghe tư vấn. Năm 2004, khi Công ty đã vận hành tốt, bà lấy bằng tiến sĩ dược, rồi xoay qua học thạc sĩ quản trị kinh doanh để nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp.

Bà Nga cũng tiết lộ một chi tiết, khi DHG xây dựng bức tường tri ân, bà đã mời một chuyên viên tư vấn bán hàng năm xưa ký tên lên đó, bởi “nhờ anh ấy tư vấn mà chị thay đổi cách bán hàng”.

3. Từng được Forbes vinh danh trong Top 50 doanh nhân kinh doanh thành công nhất châu Á, người phụ nữ của đổi mới, nhưng vị thủ lĩnh của DHG lại toát ra sự giản dị, tự nhiên và rất đỗi chân thành.

Hỏi bà có lời khuyên gì cho thế hệ kế cận, bà chia sẻ ngắn gọn: Thứ nhất là không đầu hàng trước khó khăn. Thứ hai là biết huy động sức lực và trí tuệ của tập thể. Thứ ba là làm gì cũng phải có cái “Tâm”. Và bà bảo, chính vì luôn thật lòng với mọi người, nên mỗi khi bà gặp khó, luôn có nhiều người “nhảy vô giúp đỡ”.

Thấm nhuần tư tưởng “Lấy dân làm gốc” từ những ngày đi kháng chiến, bà Nga luôn ứng xử với nhân viên bằng tình người, tình đồng chí. Bà bảo, bà có được thành công ngày hôm nay là nhờ sự sống chết của mấy ngàn nhân viên Công ty: “Trong khi chị ngồi phòng máy lạnh thì nhiều nhân viên của chị đang chạy ngoài trời nóng tới 40 độ C ở miền Trung để bán hàng. Nhờ họ mà chị mới đạt chỉ tiêu doanh thu, được ĐHCĐ khen”. Chính vì sự chân thành, gần gũi với cấp dưới mà nhân viên DHG coi bà như một người chị cả, có thể chạy đến chia sẻ mọi nỗi vui buồn.

Là người kiến tạo ra chiến lược phát triển cho DHG, để đưa Công ty thành thương hiệu dược phẩm hàng đầu trong nước, bà Nga bảo, nếu vì lợi ích bản thân, bà có thể ra ngoài lập doanh nghiệp, “bê theo” bí quyết kinh doanh và đội ngũ nhân sự chủ chốt của Công ty, nhưng bà không bao giờ làm vậy. Bởi bà luôn dặn lòng: bao người đã đổ máu hy sinh trong kháng chiến vì nhà máy, mình ăn cơm của dân từ nhỏ, được Nhà nước cho  đi học, làm sao có thể quay ra cạnh tranh với chính nơi đã nuôi mình.

Vẫn say sưa với những kế hoạch mới của Công ty, nhưng bà Nga cũng tiết lộ, bà đã chuẩn bị cho ngày nghỉ hưu bằng việc mở một trường mầm non, để “về già được chơi với con nít”.

Theo Tintucmientay

Người thợ bạc chơi kiểng hái tiền tỷ

[vanhoamientay.com] Từ một thợ bạc có cuộc sống bình dị, bỗng nhiên anh Nguyễn Thanh Công lại trở thành tín đồ của nghệ thuật cây kiểng. Anh say mê đến nổi bạn bè và các nghệ nhân ai cũng nể, coi anh là một tay chơi hào phóng và “ nặng ký ” nhất làng kiểng miền Tây.

“Chơi cây kiểng nếu không say mê, không yêu thích thì không ai bỏ hàng trăm triệu mua về. Ngược lại chơi mà không có kinh tế thì lấy đâu tiền để chơi tiếp”, anh Công chia sẻ.

Sân kiểng nhà anh ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành – Đồng Tháp với rất nhiều cây kiểng độc đáo, quý giá. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây trước sân nhà cho đẹp, giúp tinh thần thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Không ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê”, anh Công chia sẻ.

Thế là đi đến đâu anh cũng lân la tìm hiểu và tìm những cây đẹp, đặc biệt là cây to có dáng vẻ kỳ thú để mua về làm kiểng, và cứ thế mà số cây trong vườn dần dần tăng lên …Cho đến một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá lên hàng trăm triệu đồng, lời gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đây, anh mới nảy sinh ra ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để làm kinh tế.

10 năm nay, mỗi lần bạn bè cho biết nơi nào có cây hay, cây đẹp, đặc biệt là những cây có dấu ấn thời gian, là anh tìm đến để mua về thuần dưỡng, tạo dáng, biến một cây rừng hoang dã thành một tác phẩm nghệ thuật sống.

Có người hỏi anh, giữa chơi và kinh doanh cây kiểng, anh nặng bên nào? Anh không ngần ngại trả lời: “Nặng cả hai. Vì nếu không say mê, không yêu thích thì không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua về để chơi. Ngược lại chơi mà không có đồng ra đồng vô thì lấy đâu ra tiền để chơi tiếp”, anh Công nói.

Anh Sáu Lựu, một nghệ nhân từng trải về nghề hoa kiểng cho biết, anh Công đã từng bỏ tiền thuê xe tải để chuyển cây sanh cổ thụ ra Hà Nội triển lãm nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra anh còn tích cực tham gia các Hội thi Hoa – lan – cây cảnh do địa phương và các nơi tổ chức để giao lưu học hỏi và chia sẻ với nghệ nhân cả nước. Tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh Đồng Tháp năm 2010, anh đã giành được huy chương vàng cho tác phẩm Tiểu cảnh do chính anh sáng tạo.

Hiện vườn kiểng của anh Công có gần 400 bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng hoa, kiểng trái và tiểu cảnh…với khá nhiều chủng loại đặc sắc, quý giá như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Riêng với bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối và hài hòa.

Anh nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Ngoài việc sưu tầm, anh còn là một người cần cù chịu khó, miệt mài học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, bằng cách mời một số nghệ nhân có uy tín đến cố vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà bất cứ một mẫu cây rừng nào dù dạng thô sơ, tàn nhánh rắc rối tới đâu, khi vào khu vườn nhà anh cũng có thể hóa thân thành một cây kiểng nghệ thuật.

Anh cho biết mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trong vườn nhà anh trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng những cây lâu năm, già như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm trị giá 1,5 tỷ đồng, hay cây nguyệt quế cổ thụ có giá 1 tỷ đồng…

“ Nhiều năm qua, có bao nhiêu tiền tôi cũng dành ưu tiên cho vườn kiểng. Đến năm rồi tôi đã thu vô được 10 tỷ từ tiền bán cây”, anh Công khoe.

Cũng theo anh Công người chơi kiểng hái tiền tỷ, chơi cây kiểng ngoài lợi nhuận kinh tế còn giúp con người gần với thiên nhiên, tâm hồn mở rộng, yêu đời và yêu cuộc sống nhiều hơn. Và cây kiểng cũng giúp anh có thêm nhiều bạn bè, khách ở các nơi từ Hà Nội, miền Trung, đó là những người cùng sở thích, cùng anh chia sẻ về thú chơi này đặc biệt này.

Theo News Zing

Bánh Tét Lá Cẩm

[vanhoanmientay] Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Nếu miền Tây được mọi người biết đến với đặc sản nấm mối thì Phú Quốc nổi tiếng với nấm tràm, nấm tràm Phú Quốc là loại nấm ngon không thua kém gì với nấm rơm, nấm kim chi hay nấm bào ngư.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Cây tràm thường được trồng nhiều ở những khu rừng ngập mặn, loại cây này thường rụng lá tạo thành lớp mùn, khi những cơn mưa đầu mùa về, từ lớp mùn đó xuất hiện những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út, còn gọi là nấm búp nhô ra khỏi lớp vỏ và lá tràm. Nấm tràm có màu tím như màu quả măng cụt, bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn 1 tháng của đầu mùa mưa, từ khi mọc đến lúc tàn, vòng đời của nấm tràm chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.

Không những mọc dưới lớp mùn của lá tràm, nấm tràm còn mọc lên dưới những cây tràm có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Tai nấm tràm phía trên có màu sẫm tím, phía dưới và thân có màu trắng tinh. Đặc biệt, nấm tràm Phú Quốc chỉ mọc khi trời ẩm ướt, khi có những cơn mưa giông lớn sau tháng ngày nắng hạn. Sở dĩ như vậy là vì mùa hè cây tràm tiết ra nhựa thấm xuống mặt đất, chờ khi ẩm ướt, có mưa giông thì nấm sẽ mọc.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Đây là loại nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến. Người dân trên Đảo đã kết hợp một cách hoài hòa giữa nấm tràm Phú Quốc với hải sản tươi trên đảo như mực, tôm, hào bao … tạo ra món canh nấm tràm tuyệt hảo, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vừa là món ăn bổ dưỡng cho mọi gia đình.

Điều đặc biệt đối với những người mới ăn loại nấm này là sau khi ăn xong, bạn uống nước vào sẽ có cảm giác đắng miệng. Đây là 1 điểm đặc biệt của nấm tràm.

Để bớt vị đắng này, khi gọt nấm tràm xong thì ngâm trong nước muối khoảng 30 phút và luộc nấm bằng nước sôi. Nhưng nếu những người thích vị đắng thì chỉ cần rửa sạch không cần gọt bên ngoài nấm, để nguyên phần trên của tai nấm và không cần luộc.

Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Bạn nhớ lưu ý với bạn khi ăn canh nấm tràm Phú Quốc sau khi chế biến rồi bạn không nên hâm nóng lại, khi hâm nóng lại sẽ ăn không tốt.


Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Cần Thơ hầu như Làng du lịch Mỹ Khánh luôn được nhắc đến đầu tiên như một thông tin gợi ý hiển nhiên cho bất cứ du khách nào

Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4,2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.

Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía “Đêm nằm năm ở” đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất… Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ…

Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.

Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép… vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.

Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.

Băng Tâm tổng hợp

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!