Có thể bạn quan tâm

Trị đau lưng bằng đậu đen

[vanhoamientay.com] Đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Một số cách trị bệnh bằng đậu đen:

Trị đau lưng: đậu đen 100g, giã giập, cho vào ít giấm xào cho nóng lên để âm ấm, đắp vào vùng lung đau, có thể để qua đêm. Hay đậu đen 50g, đuôi heo hoặc đuôi bò 1 cái. Hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái.

Mỗi tuần ăn 2 – 3 lần, kết quả khá tốt.

Trị phụ nữ sau khi sinh bị suy yếu, chóng mặt, hoa mắt do mất máu: đậu đen 50g, gà ác 1 con, hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi tuần ăn 2 lần, rất mau lại sức

Trị mắt mờ ở người cao tuổi, nhìn không rõ, hay bị hoa mắt, chóng mặt:đậu đen 100g, mè đen 100g. Sao khô, tán bột, trộn đều. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê (8g). Uống lâu ngày, mắt dễ chịu hoặc đỡ mờ hơn

Trị âm hư hỏa vượng (biểu hiện sốt về chiều, đau đầu, mặt bừng nóng, mắt đỏ, dễ tức giận): đậu đen 50g, lá dâu tằm ăn 20g. Đổ vào 1 lít nước, nấu cho sôi kỹ, lọc lấy nước uống dần trong ngày.

Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm: 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng lâu, dùng dạng nước sắc mỗi ngày 15 – 20g hoặc đem tán bột, mỗi lần uống 5g.

Trị phù thũng do thận hư yếu: đậu đen 100g, rễ cỏ tranh 15g. Nấu với 1 lít nước, uống dần trong ngày. Có thể uống lâu dài cho đến khi khỏi bệnh.

Trị chứng viêm gan mạn: Ngoài những thuốc đặc trị, nên dùng 100g đậu đen nấu lấy nước uống thường xuyên có tác dụng giải được độc tố trong gan ra ngoài.

Ra mồ hôi nhiều do thể trạng suy nhược: đậu đen 30g, phù tiểu mạch 30g, đại táo 15g, sắc uống trong ngày. Hoặc đậu đen 60g, hoàng kỳ 30g, sắc uống.

Viêm da lở loét do nhiệt độc hoặc ngộ độc thuốc và thực phẩm: đậu đen 30g, cam thảo sống 9g, sắc uống. Tiểu ra máu: đậu đen 30g, đậu xanh 30g, rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.

Rối loạn tiền đình (hay bị chóng mặt): đậu đen 30g, ngải cứu 45g, trứng gà 1 quả. Luộc 3 vị cho tới khi trứng chín. Ăn trứng, uống nước sắc.

Làm giải rượu: uống nước sắc đậu đen càng nhiều càng tốt.

Giải khát, làm hết khô miệng ban đêm: đậu đen 80g, lê 1 quả, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống hằng ngày.

Chữa phong thấp, gân co gối nhức, trong bụng nóng, đại tiện bón: đậu đen ngâm nước, ủ cho mộng dài từ 2 – 3cm rồi phơi khô, dùng 1 thăng rồi cho nửa lạng giấm vào trộn đều, sao vàng tán nhỏ. Mỗi lần uống 1 muỗng nhỏ với rượu trước khi ăn, ngày uống 2 – 3 lần, tác dụng rất hay.

Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt: đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm, lấy 50 – 100g nấu uống trong ngày.

BS. HOÀNG TRUNG 

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Lạ miệng với trái giấm nấu canh chua cá

[vanhoamientay.com] Vị chua thanh đặc trưng của trái giấm tạo nên một hương vị rất riêng và lạ miệng cho món canh chua cá lóc đã quá đỗi quen thuộc.

Cây giấm, còn gọi bụp giấm hay cẩm thanh là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển.

Với không ít người, cây giấm còn là loại “hoa kiểng” trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.

Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch

Nguyên liệu nấu món ăn gồm có rau muống, thơm, đậu bắp và trái giấm. Cá lóc để nấu canh muốn ngon phải là loại cá lóc đồng, tuy nhiên, ngày nay thì rất hiếm, đa phần là cá lóc nuôi nên thịt không được ngọt và chắc. Lựa những con cá lóc còn sống, to khoảng bằng cổ tay là được. Làm sạch cá, cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào nấu mềm.

Nêm gia vị cho nước dùng có vị chua thanh đậm đà là được. Tiếp đến cho cá lóc vào nấu chín. Khi nước sôi lại, cho tiếp các loại rau vào, nêm lại gia vị và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên bề mặt một ít hành lá, ngò om thái nhỏ cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm. Ăn canh chua cá lóc nấu trái giấm không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất.

Trong những ngày trời nắng nóng, vị chua thanh của món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho gia đình. Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua cá nấu trái giấm thơm lừng.

Theo vnexpress

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Cứ vào ngày 24/4 âm lịch hằng năm, khách hành hương từ khắp nơi đổ về núi Sam để tham dự lễ vía Bà Chúa Xứ, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt năm 2010, kỷ niệm 10 năm Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội cấp Quốc gia.

Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu du lịch núi Sam là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là ngôi miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam và là điểm đến của du khách bốn phương, cũng là nơi để mọi người tìm đến cầu xin những điều thiêng liêng và tốt đẹp nhất cho cuộc sống.

Hàng năm, cứ vào ngày 24 đến ngày 27/4 âm lịch, người dân nơi đây lại làm lễ vía Bà với những nghi lễ vô cùng trọng thể. Vào đêm 23 rạng sáng 24 mở đầu lễ hội là nghi thức tắm Bà, bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa màu sắc sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm 4- 5 phụ nữ đã được chọn lựa từ trước sẽ dùng nước thơm lau khắp thân tượng, sau đó thay mũ miện và quần áo mới. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên để mọi người vào chiêm bái, ai cũng cố đến gần sát bệ thờ để xin lộc Bà. Lộc là một vài cành hoa, vài trái cây để trên bàn thờ.

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, nhưng có một truyền thuyết được nhiều người chấp nhận nhất. Vào những năm 1820-1825, vùng Châu Đốc–An Giang còn là một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, quân Xiêm La thường sang quấy nhiễu, cướp bóc. Có lần quân giặc rượt đuổi theo dân làng lên đỉnh núi Sam. Tại đây, giặc bắt gặp tượng Bà, thấy pho tượng Bà trên núi trông có vẻ quí hiếm, giặc liền nổi lòng tham cướp đi pho tượng. Nhưng khi mang tượng Bà xuống giữa triền núi thì đánh rơi, làm cho pho tượng bị gãy một cánh tay, sau đó họ tiếp tục mang đi nhưng không thể nào nhấc lên được, đành bỏ lại giữa triền núi.

Thời gian sau Bà thường hiện về xưng là Bà chúa Xứ, dạy dân làng khiêng Bà xuống núi, lập miếu thờ Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng Bà về thờ cúng. Lạ thay, dù mấy chục thanh niên khỏe mạnh rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào nhấc tượng Bà lên được. Khi ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) về trấn nhậm vùng này, ông cho khai hoang lập ấp. Dân làng phát hiện pho tượng Bà liền trình báo với ông.

Ông Thoại cho họp tráng đinh lại mang tượng xuống núi nhưng không thể nhấc tượng lên được. Liền khi đó có một thiếu nữ lên đồng tự xưng là “Chúa Xứ Thánh Mẫu” yêu cầu phải có 9 trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà. Ông Thoại cho làm theo yêu cầu, quả nhiên pho tượng mang đi được. Khi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, các cô gái không tài nào xê dịch được. Người ta đoán rằng Bà đã chọn nơi này để ngự nên cùng nhau lập miếu thờ Bà. Chính là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ngày nay, và ngày đưa Bà từ trên núi xuống được chọn làm ngày lễ vía Bà (24-27/4 âl hàng năm). Từ đó, dân gian tôn thờ và tin tưởng Bà như một phép mầu huyền diệu mà trời đất đã ban cho cư dân vùng này.

Miếu Bà được dựng lên từ năm 1870 lúc đầu chỉ xây cất đơn sơ bằng tre, lá. Đến năm 1972 miếu được xây dựng lại theo lối kiến trúc phương Đông, ngôi miếu có màu xanh đặc trưng với một quần thể đồ sộ, lộng lẫy, uy nghi và rất độc đáo. Bên trong miếu tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đầu đội mão, mặc áo thêu rang, phụng lấp lánh kim tuyến. Ngôi miếu và pho tượng lạ lùng có một không hai này xuất hiện ở Việt Nam đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm hiểu. Trải qua một thời gian dài người ta đã xác định được loại đá dùng tạc tượng đó là loại “Diệp thạch”.

Theo các nhà khảo cổ, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc từ thế kỷ VI và tượng Bà được tạc bằng một loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Loại nham thạch này được hình thành ở các tam giác châu thổ và các hố đại dương nên có cấu thể nhuyễn hạt, mỗi lớp là một chu kỳ lắng đọng, khi biển yên tỉnh thì hiện tượng lắng đọng mới xảy ra.

Từ lâu, người ta tin rằng Bà Chúa Xứ luôn phò trợ cho dân chúng. Ai đến cầu xin điều gì cũng được như ý. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền ra khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái, nhất là vào các ngày lễ vía Bà.

Theo vnmission

Món ăn vừa ngon vừa lạ từ nấm mối

[vanhoamientay.com] Nấm mối là một đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho con người. Do mọc trong tự nhiên nên nấm mối sạch, không độc, rất thơm ngon và bổ dưỡng. Nấm mối xào mướp hương vừa dễ chế biến vừa có vị ngọt tự nhiên ngon miệng. Cháo nấm mối nóng hổi cho những buổi chiều chuyển mưa.

Nấm mối xào mướp hương

Nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa và ức chế sự sinh trưởng của các virus. Từ giữa tháng 4-7 âm lịch hằng năm, khắp vùng miệt vườn Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh dẫn lên các khu đồn điền cao su, cây ăn trái Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, dọc dài các tỉnh Tây Nguyên đến tận miền cao Việt Bắc, nơi nào có gò mối đùn đất, nơi đó có thể tìm thấy nấm mối đâm chồi, sinh sôi từ meo nấm do nước miếng mối chúa kết hợp với vi sinh thực vật ươm mầm.

Theo kinh nghiệm của người dân, nấm mối nhanh mọc cũng chóng tàn, vì vậy, để hái được những cây nấm mối còn nguyên, chưa nở xòe ra thì phải đi lúc trời chưa kịp sáng (khoảng 3-4h).

Nấm mối ăn mềm nhưng không bở, có vị thơm, ngọt ngon giống thịt gà nên còn có tên gọi khác là “kê nhục”. Nấm mối thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh, xào, để khô dùng nấu các món ăn chay…

Nấm mối xào không đã ngon, khi kết hợp với các nguyên liệu khác hương vị thơm ngon lại tăng lên gấp bội. Chỉ cần một ít nấm mối thêm một quả mướp hương là bạn đã có món xào ngon miệng cho bữa cơm gia đình.

Nấm mối sau khi hái về được rửa sạch, cái lớn chẻ đôi, ngâm vào nước muối pha loãng trong vài phút, rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo là đã sử dụng được.

Cháo nấm mối nóng hổi

Thứ nấm không trồng được nên nhiều khi có tiền cũng khó mà mua. Nấm mối được xem là đặc sản quý, hiếm. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon

Với những ngày mưa gió, món cháo nấm mối bốc khói chắc chắn là món ăn ngon miệng mà bạn không thể bỏ qua. Chế biến món cháo này không mất nhiều thời gian, nhưng bạn phải biết cách sơ chế nấm. Theo kinh nghiệm của người dân, để cháo có vị ngọt và thơm ngon như thịt gà, bạn không nên dùng dao thái nấm mà nên dùng tay xé. Nấm sau khi rửa sạch, dùng tay xé thành từng sợi vừa ăn. Phi thơm hành, cho nấm vào xào sơ qua với một ít gia vị cho thấm.

Đợi nồi cháo nở bung, cho nấm đã xào vào nấu sôi lại, nêm gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc cháo ra bát, rắc lên trên ít hành ngò, tiêu và dùng khi còn nóng. Cháo nấm mối hấp dẫn người ăn vì vị ngọt tự nhiên của nó, dù không cần nước hầm xương, bột ngọt, hay đường mà vị ngọt thanh đến lạ lùng. Nó còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt, nhuận trường rất hiệu quả.

Ngoài ra, với hương vị đặng trưng mà các loại nấm khác không có được, lại dễ chế biến, nên người miền Tây có các món ăn đặc sản từ nấm mối.

Theo Ngôi Sao

Tục thờ Thông Thiên

Tục thờ Thông Thiên là một tính ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dan gian, Trời được xếp trước phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự “Trời – Phật – Thánh – Thần”, nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

Từ trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà).

Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.

Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối – là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương – nơi ở giữa Trời và Đất.

Hình thức thờ Trời cũng được thực hiện trong nhiều tôn giáo xuất hiện ở miền Nam. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn, có nghĩa là “mắt của Trời”, với biểu tượng hình một con mắt, tượng trưng cho Thượng Đế toàn năng, thấu rõ tất cả những hành vi của con người. Đạo Hòa Hảo ngoài việc thờ Cửu Huyền Thất Tổ và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, mỗi gia đình tín đồ còn có một bàn thờ Thông Thiên trước sân nhà để tưởng nhớ Trời Đất.

Đối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì “cầu Trời, khẩn Phật” để cho “tai qua, nạn khỏi”. Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là “Ông”,

ông Trời có mắt:

Trời ơi ngó xuống mà coi.

Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu” (ca dao)

và cũng có tai

Ai ơi chớ có ăn lời.

Bụt kia có mắt, ông Trời có tai” (ca dao)

Và ông Trời là người có trách nhiệm nên người ta tin rằng “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời không phụ lòng người”.

Như vậy, ông Trời từ một “đấng siêu nhiên” đã đi vào nhà người nông dân Nam Bộ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, thấy được những khó khăn, vất vả của người nông dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, hết sức tự nhiên.

Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng “ông Trời”.

Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.

Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông – có tròn, có âm – có dương.

Theo Cà Mau Online

Động vật tạo dáng như siêu mẫu

[vanhoamientay.com] Nếu có cuộc thi siêu mẫu trong thế giới động vật thì các ứng viên sau đây được đánh giá rất cao,những động vật tạo dáng như siêu mẫu ấy.

Theo vnexpress

Vị đắng của gỏi Sầu Đâu

“Mấy cây Sầu Đâu

Ngoại thường ra hái lá,

Trộn gỏi đắng mà

Nghe ngọt lạ bờ môi

Giờ ngoại của tôi

Chân run run tóc bạc lưng còng,

Mấy cây Sầu Đâu đã già xơ xác lá,

Ngoại vẫn kiếm tìm

Xin cho được Sầu Đâu.”

Hình ảnh lá sầu đâu đã trở nên quen thuộc với những người con của vùng đất Nam Bộ, với người yêu những câu hát dân ca. Lá sầu đâu không chỉ làm lưu luyến người nghe trong những câu hát, mà vị đắng của lá còn làm vươn vấn biết bao người yêu ẩm thực vùng đất An Giang.

Lá sầu đâu

Ở miền Nam, cây sầu đâu còn gọi là cây xoan, nhưng khác với cây xoan ở miền Bắc và miền Trung. Nếu cây xoan mọc ở 2 miền này có hoa màu tím, lá có độc không ăn được thì cây xoan ở miền Nam có hoa màu trắng, lá có vị đắng, là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, ngủ ngon, đau nhức khớp…

Cây sầu đâu mọc nhiều ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên của An Giang, nếu có dịp ghé thăm vùng đất này của miền Tây bạn nhớ thưởng thức món gỏi sầu đâu nhé, vị đắng đặc trưng của món gỏi này sẽ làm luyến lưu thực khách đấy.

Cách chế biến món gỏi sầu đâu

Món gỏi này được chế biến khá đơn giản. Lá non và hoa sầu đâu sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước.

Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng.

Khô cá lóc hay khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ.

Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay.

Cho thêm vào một ít rau thơm, ngò rí và đậu phộng.

Chế biến món gỏi sầu đâu

Cách làm nước chấm

Nước chấm của món này là nước mắm me chua ngọt được chế biến khá công phu,

Đun me với ít nước đẻ lộc lấy nước chua, pha thêm nước mắm, ít đường, tỏi ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

Khi thưởng thức món này, người chưa quen sẽ thấy… sợ vì vị đắng của lá sầu đâu, nhưng nếm đủ vị đắng, cay, mặn, chua, ngọt của đĩa gỏi hoàn chỉnh sẽ thấy thú vị.

Gỏi sầu đâu hoặc lá sầu đâu có thể dùng kèm với cơm nóng hoặc ăn kèm với bún cá lóc, mắm thái, cá linh. Càng thú vị hơn nữa nếu có thêm một ly rượu bên cạnh đĩa gỏi sầu đâu, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!