Có thể bạn quan tâm

Người thợ bạc chơi kiểng hái tiền tỷ

[vanhoamientay.com] Từ một thợ bạc có cuộc sống bình dị, bỗng nhiên anh Nguyễn Thanh Công lại trở thành tín đồ của nghệ thuật cây kiểng. Anh say mê đến nổi bạn bè và các nghệ nhân ai cũng nể, coi anh là một tay chơi hào phóng và “ nặng ký ” nhất làng kiểng miền Tây.

“Chơi cây kiểng nếu không say mê, không yêu thích thì không ai bỏ hàng trăm triệu mua về. Ngược lại chơi mà không có kinh tế thì lấy đâu tiền để chơi tiếp”, anh Công chia sẻ.

Sân kiểng nhà anh ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành – Đồng Tháp với rất nhiều cây kiểng độc đáo, quý giá. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây trước sân nhà cho đẹp, giúp tinh thần thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi. Không ngờ cây kiểng lại có sức cuốn hút lạ kỳ, càng khám phá tôi càng say mê”, anh Công chia sẻ.

Thế là đi đến đâu anh cũng lân la tìm hiểu và tìm những cây đẹp, đặc biệt là cây to có dáng vẻ kỳ thú để mua về làm kiểng, và cứ thế mà số cây trong vườn dần dần tăng lên …Cho đến một ngày, có người đến hỏi mua lại mấy cây trong vườn với giá lên hàng trăm triệu đồng, lời gấp đôi, gấp ba giá vốn. Từ đây, anh mới nảy sinh ra ý tưởng vừa chơi kiểng vừa dùng kiểng để làm kinh tế.

10 năm nay, mỗi lần bạn bè cho biết nơi nào có cây hay, cây đẹp, đặc biệt là những cây có dấu ấn thời gian, là anh tìm đến để mua về thuần dưỡng, tạo dáng, biến một cây rừng hoang dã thành một tác phẩm nghệ thuật sống.

Có người hỏi anh, giữa chơi và kinh doanh cây kiểng, anh nặng bên nào? Anh không ngần ngại trả lời: “Nặng cả hai. Vì nếu không say mê, không yêu thích thì không ai dám bỏ hàng trăm triệu ra mua về để chơi. Ngược lại chơi mà không có đồng ra đồng vô thì lấy đâu ra tiền để chơi tiếp”, anh Công nói.

Anh Sáu Lựu, một nghệ nhân từng trải về nghề hoa kiểng cho biết, anh Công đã từng bỏ tiền thuê xe tải để chuyển cây sanh cổ thụ ra Hà Nội triển lãm nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Ngoài ra anh còn tích cực tham gia các Hội thi Hoa – lan – cây cảnh do địa phương và các nơi tổ chức để giao lưu học hỏi và chia sẻ với nghệ nhân cả nước. Tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh Đồng Tháp năm 2010, anh đã giành được huy chương vàng cho tác phẩm Tiểu cảnh do chính anh sáng tạo.

Hiện vườn kiểng của anh Công có gần 400 bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng hoa, kiểng trái và tiểu cảnh…với khá nhiều chủng loại đặc sắc, quý giá như mai vàng, nguyệt quế, tùng, sanh, cằn thăn, mai chiếu thủy và nhiều cây rừng hoang dã như vú sữa, lộc vừng, dâu… cây nào cũng được cắt tỉa, tạo dáng theo phong cách riêng. Riêng với bonsai, anh rất chú ý về tổng thể, chậu và cây lúc nào cũng tương xứng, cân đối và hài hòa.

Anh nói, trong số các loại cây hiện có, anh mê nhất là nguyệt quế và kiểng trái. Ngoài việc sưu tầm, anh còn là một người cần cù chịu khó, miệt mài học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, bằng cách mời một số nghệ nhân có uy tín đến cố vấn kỹ thuật. Nhờ vậy mà bất cứ một mẫu cây rừng nào dù dạng thô sơ, tàn nhánh rắc rối tới đâu, khi vào khu vườn nhà anh cũng có thể hóa thân thành một cây kiểng nghệ thuật.

Anh cho biết mỗi cây đều có dáng vẻ và nét kỳ mỹ hấp dẫn khác nhau, do đó giá trị cũng khác nhau. Cây trong vườn nhà anh trung bình có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Riêng những cây lâu năm, già như cây sanh dáng cổ đã đưa ra Hà Nội triển lãm trị giá 1,5 tỷ đồng, hay cây nguyệt quế cổ thụ có giá 1 tỷ đồng…

“ Nhiều năm qua, có bao nhiêu tiền tôi cũng dành ưu tiên cho vườn kiểng. Đến năm rồi tôi đã thu vô được 10 tỷ từ tiền bán cây”, anh Công khoe.

Cũng theo anh Công người chơi kiểng hái tiền tỷ, chơi cây kiểng ngoài lợi nhuận kinh tế còn giúp con người gần với thiên nhiên, tâm hồn mở rộng, yêu đời và yêu cuộc sống nhiều hơn. Và cây kiểng cũng giúp anh có thêm nhiều bạn bè, khách ở các nơi từ Hà Nội, miền Trung, đó là những người cùng sở thích, cùng anh chia sẻ về thú chơi này đặc biệt này.

Theo News Zing

Về Tây Đô thăm chợ nổi Cái Răng

[vanhoamientay.com] Chợ nổi cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về “thủ phủ” cũ của Tây Đô.

Còn gì thú vị hơn khi một sớm mùa xuân được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh Tây Đô, nghe hò Nam Bộ và thăm chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long.

Mới tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ – thủ phủ của Tây Đô cũ) hướng tầm mắt ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng đã thấy những chiếc ghe chất đầy ắp sản vật chạy ngược xuôi. Ở miền Tây, do sông ngòi chẳng chịt nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị.

Tuy nhiên, đây chính là một trong những “đặc sản” cuốn hút du khách tới thăm vùng đất này. Bởi còn gì thú vị hơn khi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước Cửu Long.

Ngồi trên thuyền tới thăm quan chợ nổi Cái Răng, du khách còn được hướng dẫn viên người địa phương đưa về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa vào cuộc sống bình dị nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây qua câu hò Cần Thơ. Sau mỗi câu hò mộc mạc là những tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo này.

“Hò ơ… ơ… ơ… Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba

Mặc piyama khăn rằn quấn cổ

Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ

Muốn cùng em thổ lộ đôi lời

Cấy cày cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no”

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5-6 km, chợ nổi Cái Răng đang trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến với miền đất Tây Đô. Chợ họp đông nhất vào lúc 6h sáng, kết thúc lúc 8-9h, với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước này.

Nói về tên Cái Răng, có nhiều cách giải thích khác nhau. Có giai thoại cho rằng ngày xưa vùng này có con cá sấu lớn, răng của nó cắm vào mỏm sông nên gọi là Cái Răng. Theo cụ Vương Hồng Sển thì tên Cái Răng có nguồn gốc từ chữ “cà ràng” đọc trại mà ra. Hướng dẫn viên thì kể, ngày xưa trên dòng sông này có đôi tình nhân yêu nhau tha thiết. Một hôm, cô gái bị một con cá sấu lớn ăn thịt. Chàng trai bèn giết chết cá sấu trả thù cho người yêu. Chàng lột da, chặt con sấu ra nhiều mảnh. Cái răng của con cá sấu nằm ở khúc sông này, còn da và đầu sấu nằm ở khúc sông phía trên nên có cây cầu tên Cái Da và Đầu Sấu. Giai thoại tuy có vẻ rùng rợn nhưng du khách lại thích câu chuyện tình yêu, lãng mạn nơi dòng sông lao xao này hơn.

Do không thể rao hàng nên người dân nơi đây nghĩ ra một cách “quảng cáo” rất hiệu quả và dễ thấy. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một chiếc sào cao, treo tất cả hàng hóa muốn bán lên đó và gọi là treo bẹo. Do đó, từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần và tấp tới nhập hàng.

Cũng giống như trên bờ, ở chợ nổi không chỉ có hàng trái cây mà còn có cả những chiếc thuyền, ghe chở hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm… phục vụ cho những tiểu thương trên sông. Những “tài xế” này điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Theo Vnexpress

Xuồng ba lá, văn hóa miền sông nước

Từ nhiều đời nay, phương tiện chủ yếu để đi lại, làm ăn của người dân vùng sông nước Cửu Long Giang là ghe xuồng, mà chiếc xuồng ba lá mang nét đặc trưng rất độc đáo. Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá được coi là phương tiện mang tính văn minh sông nước ở một vùng phù sa trẻ, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.

Xưa, vùng đất sình lầy quanh năm ngập nước này đường bộ rất ít, kênh rạch thì dọc ngang. Kênh rạch đi vào tận trước cửa mỗi nhà. Mùa lũ và những đợt triều cường càng khó khăn cho người dân đi lại. Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nhớ câu hò quen thuộc:

Dẫu xuồng ba lá lênh đênh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Anh ơi chớ ngại ngần chi
Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên.

Nơi đây, tại các vùng làm ăn, cư trú, sinh hoạt của người dân hầu như quanh năm sình lầy, ngập nước, đường bộ khó bồi đắp và hiếm hoi, chỉ có xuồng ba lá làm phương tiện đi lại hữu dụng, phổ biến ở mọi vùng quê.

Từ nhà ra vườn cũng phải đi bằng xuồng. Hàng xóm đến với nhau cũng bằng xuồng. Ở những làng quê nghèo, thông dụng nhất vẫn là xuồng ba lá. Người ta gọi xuồng ba lá là đôi chân của người dân vùng sông nước Nam bộ. Và cũng như thế, còn gọi là ” đi bằng tay “ chỉ cần hai tay chèo xuồng là đi gần đi xa đều có xuồng nâng bước. Có những chàng trai, cô gái miệt vườn siêu nghệ, chỉ cần ngồi trên xuồng dùng hai bàn chân chèo xuồng ba lá, cho xuồng lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh và thơ mộng. Nhà ai không sắm được xuồng ba lá, cứ như bị cột chân. Nghèo đến mấy, tối thiểu trong nhà cũng phải sắm được một chiếc xuồng ba lá.

Xuồng ba lá nguyên gốc ban đầu, theo chiều dọc chiếc xuồng, được đóng bằng ba mảnh ván phẳng, đẹp và chắc. Một mảnh rộng (to bản) hơn được dùng làm đáy xuồng, hay còn gọi là lồng xuồng. Hai mảnh hai bên làm mạn xuồng, địa phương gọi là be xuồng. Thế là ba lá. Có một nhà thơ đã viết:

Chiếc xuồng ba lá quê ta
Mảnh mai như chiếc lá đa giữa dòng
Liềm trăng sông nước cong cong
Nhỏ nhoi mà vẫn ngược dòng lũ dâng

Riết rồi, theo bao thời cuộc và năm tháng, gỗ rừng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, người đóng xuồng ba lá buộc phải nghĩ cách ghép nhiều mảnh ván lại, mới đóng được chiếc xuồng, cũng vẫn gọi xuồng ba lá. Công nghệ cao hiện nay, người ta còn làm ra xuồng bằng các loại vật liệu hợp kim và vật liệu hợp chất phi kim loại. Gần đây đã thấy trên kênh rạch có khá nhiều xuồng làm bằng vật liệu compozite.

Tuy làm bằng nhiều cách thức khác nhau, tác dụng của chiếc xuồng ba lá đối với người dân vùng sông nước Nam bộ vẫn nguyên giá trị, vẫn là truyền thống được kế thừa, vẫn giữ được nét độc đáo trong làm ăn và sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý: …

Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá

Nay khắp vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang đã mở mang nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Dọc theo hai bên bờ kênh nay cũng đường bộ, cầu bê tông, xe honđa, xe đạp chạy vèo vèo. Thế nhưng, trên kênh rạch, nhất là các bến đò, chợ nổi vẫn không thể vắng bóng xuồng ba lá. Du khách mọi miền đất nước và cả khách du lịch nước ngoài về với miền Tây Nam bộ có nhiều người muốn ngồi trên xuồng ba lá đi du ngoạn trên dòng kênh thanh bình, khỏa tay xuống dòng nước mát lành, hoặc trong đêm miệt vườn ngắm trăng soi dòng kênh lấp lánh, một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về

Theo mekongculture

Bánh lọt nước cốt dừa Cần Thơ

Có những món ăn tưởng chừng rất “quê” đã trở thành món “độc” và khó tìm ở nơi phố thị. Bánh lọt nước cốt dừa là món ăn vặt mà Văn hóa miền Tây muốn nhắc đến… Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng.

Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, có 2 loại bánh lọt mà mẹ vẫn hay làm, bánh lọt mặn thường ăn cùng nước lèo có tôm – thịt giống như bánh canh, còn bánh lọt ngọt thì ăn cùng nước đường và nước cốt dừa. Đất Cần Thơ nổi tiếng có bánh lọt lá cẩm với màu tím lấy từ lá cẩm nhưng xanh lá dứa thì thông dụng hơn.

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon. Nhưng rất ít thấy ai bán ngoài phố. Tưởng chừng như các loại bánh, hay chè truyền thống đã không còn để nhường chổ cho các thứ bánh Tây như donut, su que, tiramisu…

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon

Không hẳn vậy, vẫn còn những không gian riêng dành cho món bánh ngon lành này, đó là những quán cốc vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy do các dì, các cô từ miền Tây lặn lội lên đây bán vì cuộc sống mưu sinh.

Cũng như bao loại bánh cổ truyền của người Việt, người làm bánh đều mua gạo tẻ về rồi xay lấy bột chứ không phải làm từ bột khô có sẳn ngoài chợ, vì làm từ bột xay nhà sẽ ngon hơn rất nhiều.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa. Nếu bánh có pha quá nhiều bột năng thì sẽ dai và hơi cứng, sợi dày và dài rất thô lại dính chùm. Màu xanh dờn của chất hóa học chứ không xanh rêu như màu tự nhiên của lá dứa.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa

Món bánh lọt chỉ đơn giản gồm bánh lọt màu lá dứa, nước cốt dừa trắng thật đặc và béo, nước đường thắng sóng sánh màu vàng mật. Khi ăn sẽ trộn tất cả chung vào một ly thêm nước đá.

Thật ra bánh lọt vốn chỉ có vậy thôi. Nhưng dân Sài Gòn thường có thối quen thêm hay bớt một vài thứ so với nguyên mẫu, nên người bán cho thêm hạt lựu, sương sa và đậu xanh nhuyễn để món ăn thêm thú vị hơn.

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga

[vanhoamientay.com] Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Sinh ra trong gia đình ba thế hệ theo cách mạng, 14 tuổi, bà Nga tham gia kháng chiến, phát thuốc, nuôi quân. Có lẽ vì vậy mà bất cứ ai gặp bà ngay từ lần đầu không cảm thấy xa lạ mà vô cùng gần gũi, nồng hậu, chất phác.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Gắn bó với DHG từ những năm 1980 – khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP. Cần Thơ.
Công ty CP Dược Hậu Giang phát triển qua các thời kỳ: từ Công ty Vật Tư Y tế Cần Thơ đến Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang.

Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang.

Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT.

DHG hiện có trên 300 sản phẩm lưu hành trên toàn quốc với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến. Doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm, với gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Năm 1988, bà nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang với tiền thân là một đơn vị chuyên cung ứng thuốc cho bộ đội trong kháng chiến và bà con ở nông thôn. Trải qua 10 năm thăng trầm, Dược Hậu Giang dưới bàn tay chèo lái của nữ tướng Phạm Thị Việt Nga đã tăng trưởng vượt bậc, từ 25 sản phẩm sản xuất năm 1989 lên tới 173 sản phẩm vào năm 1999. Năm 2011, Dược Hậu Giang đạt doanh thu gần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 416 tỷ đồng, tăng 4,5 lần về doanh thu và 7,5 lần lợi nhuận sau 7 năm cổ phần hóa.

Xuất phát điểm gần 80% người dân thành thị không biết về thương hiệu thuốc nội địa, Dược Hậu Giang ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, phủ kín hệ thống bệnh viện đa khoa cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong kháng chiến và chịu tiếng thiệt thòi là ít học, bằng nỗ lực bản thân bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2003 với đề tài nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam. Bà Nga đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhờ những thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

Theo Báo Thanh Niên

Ngon lạ với gỏi củ hũ dừa

[vanhoamientay.com] Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Bến Tre được nhắc đến là thiên đường của dừa, đi đâu ta cũng thấy rợp bóng dừa. Có lẽ chính bởi điều này mà người dân nơi đây khi chế biến món ăn thường bỏ dừa vào để tăng thêm hương vị thanh ngọt và béo cho món ăn. Trong đó gỏi củ hũ dừa được coi là món ăn đặc biệt hấp dẫn và thơm ngon khiến thực khách không khỏi nao lòng khi thưởng thức.

Chúng ta vẫn thường biết cây dừa là một trong những cây trồng được khai thác sử dụng triệt để từ gốc đến ngọn như: quả dừa, lá dừa, thân dừa, sọ dừa, vỏ quả dừa, sơ dừa… Trong đó củ hũ dừa thường được người dân chế biến nhiều món ăn khác nhau như kho, xào, tuy nhiên trộn gỏi vẫn là món ăn khiến nhiều người thích thú và muốn thưởng thức nhất. Bởi lẽ khi trộn gỏi củ hũ dừa còn giữ nguyên được vị thanh ngọt, mang đến cảm giác rất vui miệng khi thưởng thức tạo nên cảm giác thèm ăn cho thực khách.

Vậy củ hũ dừa là gì? Củ hũ dừa thật ra là phần búp non nhất nằm giữa ngọn cây dừa. Mỗi cây dừa chỉ có một củ hũ dừa. Phía ngoài củ hũ dừa được bọc bằng một lớp mo xơ, bên trong là phần trắng, non và ngọt nhất.
Gỏi cổ hủ dừa đúng điệu thường có đủ tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng, củ hũ dừa bào mỏng, rau răm, hành tây, đậu phộng rang giòn… Tất cả trộn đều lên cùng với các loại gia vị tạo thành một đĩa gỏi củ hũ dừa tôm thịt đầy màu sắc, đậm đà hương vị khó quên. Đi kèm với món gỏi này bao giờ cũng có thêm chén nước mắm chua ngọt và những chiếc bánh phồng tôm giòn tan, béo ngậy.

Gỏi củ hũ dừa được đánh giá là một món ăn thơm ngon, hấp dẫn khiến thực khách cảm thấy ngon miệng và thích thú khi thưởng thức. Đặc biệt cái vị thanh ngọt của món ăn còn khiến cho các thực khách không khỏi nao lòng. Món ăn này có mặt ở nhiều quán ăn, tuy nhiên bạn phải lựa chọn ra quán quen để có được đĩa gỏi tươi mới và hấp dẫn nhất.

Củ hũ dừa nghe qua thì thấy lạ nhưng khi thưởng thức chắc chắn người ăn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời. Cái vị thanh mát của củ hũ dừa kết với vị ngọt của tôm, vị béo của thịt, giòn giòn của lỗ tai heo ăn kèm với nước mắm chua ngọt và một ít bánh phồng mới ngon làm sao.

Theo kinhdo20nam
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!