Có thể bạn quan tâm

Bánh mì – ẩm thực đường phố Việt Nam trên toàn thế giới

[vanhoamientay.com] Bánh mì – món bánh trên đường phố Việt Nam, đã được người nước ngoài ca ngợi trong xuốt thời gian gần đây, có vẻ như món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Có một điều tôi vẫn luôn ấm ức mỗi khi nghĩ về ẩm thực Việt Nam trên thế giới, đó là người ta cứ cố dịch hết tên các món ăn tiếng Việt ra tiếng Anh. Phở hay bún cứ chung chung thành noodle còn đôi khi bún lại bị đánh đồng thành soup. Kể cả sự chuyển ngữ này có đúng đi nữa, tôi vẫn thật lòng không muốn người ta làm vậy. Chẳng ai gọi Sushi là fish and rice, chẳng ai gọi Tom Yum là spicy soup hay Thai soup và cũng chẳng ai gọi Beef bourguignon là beef stew cả. Tại sao phở không cứ đơn giản là phở và bún không cứ đơn giản là bún? Dù khó phát âm, nhưng đó là món ăn của người Việt và chẳng thể tuyệt hơn nếu cái tên của nó được biết đến với chính tiếng Việt, một cái tên mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến bát phở nóng với nước xương thơm lừng mùi quế hồi và những lát thịt bò tái chín mềm, chứ không phải là một bát mì kiểu Hàn, kiểu Nhật hay kiểu Trung Quốc rất đỗi chung chung.

Tôi cứ ấm ức như thế cho tới mãi đợt gần đây, khi khắp các trang web về du lịch hay ẩm thực thế giới, các food blog và thậm chí cả những blogger lừng danh về lifestyle, tất cả như… phát điên vì món bánh mì. Và họ gọi bánh mì đúng là “banh mi” một cách say mê và đầy ngưỡng mộ, chứ không phải “Vietnamese baguette” hay bất cứ cái tên tiếng Anh nào khác. Tôi nghĩ đây thực sự là một dấu ấn khi mà bánh mì đã thực sự khiến người nước ngoài phải nhớ đến nó bằng cái tên riêng, một cái tên độc nhất vô nhị trong trí óc họ mỗi khi muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam. Và với tôi, điều này còn thể hiện được rằng, món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Khó mà tin được, phải không? Cả một thập kỉ, món ăn chúng ta tự hào đem khoe với người nước ngoài nhất là phở. Phở xuất hiện ở mọi nơi, trên mọi tạp chí và mọi cuốn sách hướng dẫn du lịch. Nó trở thành môt biểu tượng, một thứ mà bạn phải ăn khi đến Việt Nam. Thậm chí, nếu có một cuộc khảo sát khi đó thì cam đoan tất cả đều sẽ nói họ đến Việt Nam và thích ăn phở. Nhưng dường như tất cả mọi chuyện vừa mới thay đổi chỉ trong 1-2 năm trở lại đây. Khi tất cả những gì khiến người nước ngoài nói đến về ẩm thực Việt Nam là bánh mì. Bánh mì ở khắp mọi nơi, ở trên các mặt báo, ở các bài trải nghiệm du lịch của các food blogger. Ở Anh hay Mỹ (và tất nhiên là nhiều nước phương Tây khác), những cửa hàng bánh mì mọc lên như nấm với những cái tên như Bun mee, Banh mi My Tho (Mỹ) hay Kêu, Banh Mi Bay, Banhmi11 (Anh). Ở Malay, có một thương hiệu bánh mì mang tên Ô Bánh Mì và nó thực sự là một “cú nổ lớn” khi trở thành địa điểm yêu thích của người Malay. Tại Thái Lan, có một xe bán bánh mì lưu động ở khắp thành phố và nó trở thành cái tên được chú ý và săn đón nhất. Yum Brands -Tập đoàn sở hữu KFC và Pizza Hut thậm chí đã mở ra một tiệm bánh mì ở Texas và đặt tên thân thương là Banh Shop. David Farley – cây viết về ẩm thực và du lịch của BBC đã hào phóng cho rằng: Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới! Còn Iamfoodblog – Blooger ẩm thực nổi tiếng thẳng thừng tuyên bố: Tôi nghĩ rằng bánh mì là loại sandwich mà tôi mến mộ nhất! Thật sự, thế giới đang phát cuồng bởi cơn sốt bánh mì, một sự ám ảnh hoàn toàn mới và tất cả những gì người ta nghĩ đến bây giờ chỉ là bánh mì mà thôi.

Tôi không cảm thấy lạ khi người Tây mê mẩn bánh mì đến thế. Với nhiều sự tương đồng với món sandwich (và tất cả chúng ta đều biết họ yêu món sandwich như thế nào), thì bánh mì thực sự là môt làn gió mới nếu đặt đứng cạnh những CubaSandwich hay Kebab hoặc những chiếc sandwich footlong kiểu Mỹ dài khủng khiếp và đầy ự những rau diếp, bacon cùng vài ba loại pho mát. Sự yêu thích bánh mì có thể giải thích bởi món ăn này là kết quả của một cú va chạm hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh tuý của ẩm thực Việt, nó mang đầy đủ đặc điểm của một món ăn hiện đại mà bất cứ người bận rộn nào cũng cần. Nó gần gũi với người phương Tây nhưng cũng mang đầy hương vị cầu kỳ, tinh tế của châu Á.

Ý tôi là, các bạn thấy đấy, có ai lại không thích bánh mì cơ chứ? Tôi còn nhớ ngày bé, sáng nào cũng được mẹ để lại cho 5-10 nghìn ăn sáng. Thế là trong lúc bố mẹ đi vắng, tôi đạp xe ra con phố cạnh nhà mua bánh mì ăn. Ngày ấy, một chiếc bánh mì tôi ăn chỉ có giá 5 nghìn, vỏ giòn rụm còn nhân thì ngập những miếng xúc xích bì màu đỏ hồng tai tái. Hoặc đôi khi, chỉ cần bánh mì với thứ bơ rẻ tiền nhàn nhạt và vài ba nắm ruốc trải vào, thế là đủ để một đứa trẻ ăn uống đơn giản như tôi có thể thoả mãn. Và trời! Các bạn có nhớ cái tiếng đó không, tiếng lớp vỏ bánh mì vỡ vụn ra trong miệng khi bạn cắn miếng đầu tiên. Nó là thứ âm thanh rộn ràng và vui tươi nhất mà một món ăn có thể tạo ra. Rồi lớp ruột mềm mại như một lớp đệm bên trong nữa, chúng được thấm đều bơ và nước thịt nên lại càng đậm đà. Và làm sao chúng ta có thể bỏ qua phần nhân, phần nhân mới thực sự là linh hồn của chiếc bánh. Thịt xá xíu, pa tê, giò chả hay trứng rán, xúc xích bì,… mỗi hàng bánh mì lại có một cách riêng để khiến phần nhân của mình trở nên đặc biệt. Chúng vừa béo ngậy, vừa đậm đà, vừa đầy hương vị như một khu rừng. Rồi cuối cùng là một chút vị thanh chua của dưa góp và chỉ với vài sợi rau thơm, cả chiếc bánh đã ngào ngạt hương vị thảo mộc, tất cả quyện vào với lớp vỏ thần kỳ và đó, chúng ta có một thiên đường vị mặn, ngọt, giòn, dai, mềm, một thiên đường của tất cả các hương vị trên trần thế.

Chúng ta đã có phở “mở đường” cho ẩm thực Việt Nam đến với quốc tế, đã có hủ tiếu khiến cho ngay cả một gã đầu bếp được mệnh danh là “Ác quỷ” như Gordon Ramsay cũng phải ngả mũ và thừa nhận là một trong những món ăn ngon nhất ông từng ăn trong đời. Và bây giờ, chúng ta có bánh mì – hiện tượng “sandwich” khiến cả thế giới phải sùng mộ. Điều tuyệt vời nhất, đó là không chỉ món ăn trở nên nổi tiếng, mà còn cả một nền văn hoá, phong thái của cả một dân tộc thể hiện trong đó cũng được truyền tay nhau qua một món ăn giản dị. Con đường ngắn nhất để đên trái tim là qua dạ dày. Vậy nên, đôi khi, chẳng cần một chiến dịch gì to tát, chẳng cần một cái gì đấy hoành tráng, chỉ một chiếc bánh cũng đủ để kéo bạn bè thế giới gần hơn với chúng ta rồi.

PiterDeeDee / MASK Online

Theo Kênh14

Trở về tuổi thơ với món chuối quết dừa

Nếu bây giờ, ai đó chưa từng ăn, chưa từng nghe qua thì sẽ cảm thấy lạ với cái tên này, vì cái tên nghe sao lạ lạ, ngộ ngộ. Thực ra, cái tên gọi cũng chính là cách làm món ăn này đấy, “chuối quết dừa” chỉ là chuối đem đi quết với dừa, nghe mà sao thân quen quá.

Món chuối quết dừa

Nếu như trẻ con Sài Gòn thế hệ 8x, 9x có những món ăn vặt là sô cô la, kẹo hay bánh quy… thì trẻ con miền nông thôn như tôi lại có món ăn vặt được làm từ khoai lang, củ mì hay chuối… Trong đó, có một món mà tôi khá thích, đó là chuối quết dừa cho chính tay mẹ làm.

Món chuối quết dừa trông bên ngoài giống như cốm dẹp, Ăn vào vừa dẻo của chuối vừa béo của dừa, vừa ngọt ngọt, mặn mặn. Đây là món ăn dân dã, giản dị và khá quen thuộc với bọn trẻ 8x như tôi.

Vì ở nông thôn nên sau nhà tôi lâu lâu lại có buồng chuối, tranh thủ hôm nào mẹ không ra đồng thì cả nhà lại quay quần làm món này. Mó ngon mà chẳng tốn tiền mua.

Để làm món này ngon nhất thì chuối dùng để làm phải là chuối già (hay còn gọi là chuối xanh, chuối già là tên gọi của quê tôi) chuối già phải thật già, có vẻ ngoài tròn trịa, không còn gân chuối, da thẳng. Sauk hi đốn buồng chuối từ cây vào mẹ thường cắt từng trái ra rồi cắt bỏ hai đầu, đen ngâm vài giờ trước khi nấu. Mẹ nói ngâm chuối trước để chuối ra bớt mũ, mặt khác chuối sẽ thơm mùi nước , như vậy sẽ ngon hơn. Nấu chuối cũng khá đơn giản, chỉ cần xếp chuối gọn vào một cái nồi, đổ nước xăm xắp mặt, cho thêm tý muối, nấu khi nào vỏ chuối nứt ra hết, ruột chuối hơi vàng ngà làm được.

Khi chuối chín, vớt ra người nấu lưu ý là nên xối nước lạnh lên chuối, như vậy sẽ giúp thịt chuối xoăn lại làm tăng thêm độ dẻo.

Để món ăn tuyệt nhất, cần chọn loại dừa thật ngon, đó là dừa vừa rám nắng, chỉ vừa chuyển sang khô, có cơm mềm, béo nhưng không gắt dầu. Nạo dừa nên nạo thành từng sợi dài.

Món chuối quết dừa

Chuối lột vỏ, để vào cái thau to và quết cùng với dừa nạo, thêm chút đường, chút muối, sẽ giúp vị ngọt mặn, béo hòa quyện đậm đà.

Mỗi khi mẹ quết chuối là tôi hay ngồi cạnh để đưa từng trái chuối vào thau cho mẹ, chuối không cần phải quết quá nhuyễn sẽ bị mất ngon, cái âm thanh “kịch kịch” do cái chày quết vào cái thau nghe rất vui tay. Đôi khi, có miếng nào văng ra khỏi thau là tôi “bóc lủm” ngay, rồi cười toe toét.

Quết xong anh em đứng xếp hàng để cho mẹ chia phần, mẹ thường nắn cho mỗi đứa mỗi phần tròn vo rất dẻo rồi chúng tôi mang đi khắp nhà để ăn. Đôi khi vì hơi “ham ăn” tôi đòi mẹ nắn cho tôi một phần khá to, ăn xong tôi bỏ luôn buỗi cơm chiều hôm đó.

Món chuối quết dừa

Món này bây giờ người ta ăn món này trong dĩa cho đẹp mắt và lịch sự, rắc thêm đậu phộng rang giã nhuyễn ăn kèm với rau thơm, rau ghém lá cách… hoặc bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị béo, bùi của chuối, dừa nạo, vị ngọt lẫn chua của nước chấm hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của các thứ rau vườn tạo thành một món ăn thật hấp dẫn.

Dù thời gian có làm món ăn thay đổi như thế nào nhưng cái hương vị đặt trưng của món chuối quết dừa ngày xưa vẫn không thay đổi. Vẫn đậm đà và yêu biết bao món ăn từ tay mẹ làm.

Canh chua cá lóc Nam bộ

[vanhoamientay.com] Canh chua cá lóc món ăn đã làm nên thương hiệu của người Nam bộ bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang lại. Có thể nói canh chua cá lóc đúng kiểu của người Nam bộ phải vừa có cả vị chua của thơm, me lẫn vị ngọt của cá lóc. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải.

Canh chua cá lóc thường được người Nam bộ sử dụng làm món canh chính trong gia đình, tạo cảm giác ngon miệng và mát mẻ khi ăn. Có thể nói ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có canh chua nhưng canh chua Nam bộ vẫn là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi sự hòa quyện giữa cá lóc và các loại rau cộng thêm cách nêm nếm chua ngọt của người miền Nam mang đến dấu ấn riêng cho món ăn này.

Có lẽ, món canh chua Nam Bộ ra đời đáp ứng đòi hỏi của cơ thể con người với môi trường sống ở vùng sông nước, sình lầy hoang dã có sáu tháng nắng và sáu tháng mưa lũ. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền nhiệt đới, sau giờ lao động vất vả, một bát canh chua thật đậm đà pha chút mặn, ngọt và cay, với khúc cá to đùng và nhiều loại rau quả như để vừa phục hồi sinh lực, vừa giải nhiệt.

Từ yêu cầu đó mà tài nghệ của các bà, các cô nội trợ được thôi thúc để cải tiến món canh chua đặc sản cho gia đình. Kể từ khi lưu dân đến sinh cơ lập nghiệp cho đến nay đã trải qua hơn 300 năm, một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện món canh chua độc đáo.

Và có lẽ món canh chua đầu tiên của lưu dân Việt là cá dưa nấu với quả bần chín. Bởi vì buổi đầu lưu dân sống quây quần quanh cửa sông, vùng duyên hải, nơi có nhiều cây bần bám trụ sinh sôi, nảy nở. Dưới gốc bần có một loài cá mắn đẻ, thịt ngọt, chuyên ăn quả bần chín rụng mà lớn, thế rồi con cá này là hợp “gu” với quả bần trong bát canh chua.

Món canh chua về sau cứ thêm thực đơn kéo dài ra, vượt quá con số 2 của thuở ban đầu. Nào là canh chua cá lóc nấu với me trái, canh chua cá tra nấu với măng chua hay bắp chuối…Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.

Cá và rau quả đều nấu vừa chín, không rục, không nát. Nước canh phải thật chua, hơi ngọt dịu, cay và nêm hơi già mắm muối. Tô canh múc ra trông thật đẹp mắt, cá chín căng thịt trắng phau, cà chua hồng hào, ớt đỏ tươi, đậu bắp và rau xanh, giá trắng muốt… hơi nóng bốc lên tỏa ra thơm lừng. Tô canh chua thể hiện sự trù phú của vùng sông nước miệt vườn và sự hào phóng của con người Nam Bộ.

Có rất nhiều, rất nhiều dạng canh chua, nhưng qua thử thách suốt 300 năm, món canh chua cá lóc và cá bông lau nấu với me vẫn được xem là chuẩn mực đặt ở đầu bảng các loại canh chua Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Chuối nướng mỡ hành dân dã

[vanhoamientay.com] Thế hệ 8x, 9x miền Tây chắc hẳn chưa quên được vị ngọt của chuối cùng với vị béo ngậy nhưng thơm lừng của mỡ hành. Sài Gòn cái gì cũng có nhưng lại thiếu cái vị mằn mặn của món chuối nướng mỡ hành.

Chuối xiêm nướng rồi thoa mỡ hành, một món độc đáo của người dân miền Tây mà những vị khách thân thiết là những cô cậu học trò trên đường đi học về. Vừa trò chuyện, vừa chia nhau những quả chuối nướng thơm lừng, ai đã từng trải qua kỉ niệm tuổi thơ này chắc rằng sẽ không bao giờ quên được.

Sài Gòn món gì cũng có nhưng đôi khi có những thứ rất khó tìm. Nhắc đến những món quà quê, trong lòng những đứa con xa xứ bỗng thấy xốn xang.

 Để làm món chuối này, thoạt nhìn bạn sẽ thấy rất đơn giản, chỉ là chuối nướng và mỡ hành thôi, nhưng không phải vậy nhé. Hãy chọn những trái chuối xiêm vừa chín tới để chuối nướng ngon cần có bí quyết riêng, để cho da chuối có màu đẹp và thẳng khi nướng thì phải lột vỏ và phơi nắng chuối trong vòng 30 phút, sau đó sẽ nướng với than vừa lửa, tránh quá nóng, và trở tay thật đều. Như thế trái chuối sẽ chín từ từ bên trong và rất dẻo.

Xẻ một đường tách phần thân ra làm hai, thoa một tí mỡ hành đã nêm thêm tý muối và tý đường vào tạo độ mằn mặn và ngòn ngọt, cộng với cái béo ngậy của dầu ăn tạo một hương vị rất khác biệt,

Trái chuối nướng ngòn ngọt được chan một xíu mỡ hành vừa mặn của muối, vừa ngọt của đường kết hợp với một chút vị béo của dầu ăn. Nếu ăn nóng ngay khi chuối chín thì không còn gì ngon bằng.

Nếu dạo một vòng Sài Gòn mà vẫn chưa tìm ra món ăn này thì các bạn thử trổ tài xuống bếp thực hiện ngay nhé.

Băng Tâm tổng hợp

Nếu con lợn dám xông vào vợ tôi

[vanhoamientay.com] Hai người bạn nói chuyện với nhau, bất ngờ người kia hỏi.

– Đáng đời nó! Cậu sẽ làm gì nếu một con lợn lòi tấn công vợ mình?

– Đáng đời nó!

– Ơ kìa, sao lại tàn nhẫn với vợ thế?

– Đấy là tớ nói con lợn, nếu nó dám xông vào cô ấy.

st

Biện pháp hữu hiệu giúp sống thọ

[vanhoamientay.com] Theo bạn biện pháp sống thọ là gì?

Khách khứa cũng như bạn bè, ai cũng hết lời khen đám cưới vàng của ông chủ nọ.

Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập, song trông ông cũng còn rất trẻ trung và hoạt bát. Có vị khách tò mò, hỏi:

– Thưa ngài bí quyết gì khiến ngài có thể giữ được trẻ trung đến như vậy?

– Đó là khí trong lành!

Thấy vị khách có vẻ chưa hiểu, ông chủ tiếp lời:

– Khi cưới nhau, chúng tôi đã thỏa thuận trước với nhau rằng nếu có dấu hiệu sắp bùng nổ “chiến sự” giữa vợ chồng thì một trong hai phải chạy ngay ra khỏi nhà. Do đó mà nhiều năm nay tôi được hít thở bầu không khí trong lành.

– Ồ thì ra là vậy!

st

Cách nấu món thịt kho tàu

Thịt kho tàu là món có thể được ăn với nhiều món như: cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá nhưng có lẽ phổ biến nhất là ăn kèm với dưa cải muối chua. Vị mặn, vị ngọt, vị bùi béo của thịt kho tàu kết hợp với vị chua xen lẫn cay cay của dưa cải muối xối, tạo nên hương vị quyến rũ đến bất ngờ. Thịt kho tàu không phải là món ăn mới, nhưng để có một nồi kho tàu ngon thì không đơn giản

Nguyên liệu làm món thịt kho tàu:

– 500g thịt chân giờ hoặc thịt ba chỉ (nên lựa thịt có da mỏng mới ngon và mau mềm)

– 10 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)

– 1 trái dừa tươi

– Nước mắm ngon

– Đường, muối, hạt tiêu

– hành củ

Cách làm món thịt kho tàu:

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt tiêu, hành, tỏi cho thịt thật thấm gia vị. Lưu ý nên cắt miếng thịt vuông, to và phải để thật ráo nước trước khi ướp gia vị.

– Đảo thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu nhé.

– Khi thịt hơi mềm cho trứng vịt (trứng gà hoặc trứng cúc) luộc chín, đã bóc vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon.

– Nêm nếm lại cho vừa ăn, thường nước thịt đã có vị ngọt tự nhiên của nước dừa nên chỉ thêm một tí nước mắm là nồi thịt đã đậm đà.

Lưu ý khi nấu món thịt kho tàu:

– Nên chọn thịt chân giò, miếng có cả nạc lẫn mỡ và da thì kho xong thịt sẽ mềm, trông đẹp mắt hơn. Tốt nhất là tỷ lệ mỡ và thịt bằng nhau nhưng nếu sợ ăn béo có thể mua miếng nhiều nạc hơn.

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt nêm cho thịt thật thấm gia vị. Hành, tỏi giã nát giúp thịt thơm ngon hơn nhưng kho để dành ăn lâu thì đừng nên bỏ thêm hai nguyên liệu này.

– Tao thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.

– Nếu nước dừa cạn thì châm thêm nước sôi vào. Đừng ham kho nhiều nước dừa, nồi thịt sẽ có màu quá sậm không đẹp.

– Để món thịt kho tàu ăn trong nhiều ngày mà vẫn ngon như mới thì bạn nên chia nồi thịt kho thành nhiều phần và cho vào ngăn đá. Hôm nào muốn ăn thì lấy từng hộp ra hâm nóng. Như vậy, thịt và trứng không bị cứng do hâm đi hâm lại quá nhiều lần.

Theo vaobepnauan.com
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!