Có thể bạn quan tâm

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ

Hùng vĩ núi Ba Thê

[vanhoamientay.com] Trong số các điểm du lịch Châu Đốc, núi Ba Thê, An Giang luôn được nhắc đến, bởi nơi đây là một bức tranh phong cảnh hữu tình khiến biết bao du khách say mê.

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m. Và sẽ vô cùng thú vị nếu chuyến đi của bạn đến đây là “du lịch phượt”

Khá vất vả và nguy hiểm khi chúng tôi leo núi Ba Thê bằng chiếc xe gắn máy, cài số 1 ì ạch “bò” lên khó nhọc. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm xanh rì với vô số cây lâu năm sừng sững. Có khá nhiều quán ăn, nhà hàng mọc san sát giữa lưng núi. Theo lời người dẫn đường: “Mùa nắng còn đỡ, chớ mùa mưa thì không nên liều mạng chạy lên đây bởi đường rất trơn trợt. Dân xe ôm địa phương phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên đỉnh núi được…”.

Bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Tương truyền thuở xưa, ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cho sông rộng ra để thuyền bè đi lại mua bán dễ dàng. Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm, vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất…

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn Cổ tự, còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thu hút rất nhiều người đến tham quan, cúng dường. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát. Có nhiều giai thoại về sự tích thỉnh Phật Bốn Tay về thờ ở chùa này, nhưng có lẽ câu chuyện của Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn Thích Thiện Trí, 85 tuổi được nhiều người chấp nhận nhất.

Chuyện kể rằng, năm 1912, khi Pháp huy động Nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao trên 1,7 m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2 m. Lúc này cư dân ở đây có trên 80% là người dân tộc Khmer nên họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gỗ về chùa. Dẫu sao đó cũng là một huyền tích.

Ðiều rất kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng là tại sân chùa hiện nay có hai tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, một tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật bốn tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa hai tảng đá cổ. Và chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.

Ngày 6/12/1989, tượng Phật Bốn Tay và hai tảng đá cổ được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất. Ngoài ra, nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.

Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà Nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Ở đây có tấm bia lịch sử bằng đá quý ghi lại sự kiện ngày 6/5/1968, đội biệt động của ta do đồng chí Nguyễn Văn Muôn chỉ huy tiêu diệt 29 tên địch tại đỉnh núi Ba Thê làm địch hoang mang lo sợ và rút quân.

Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Ðại đao khổng lồ. Tục truyền xưa kia bỗng xuất hiện một tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho Nhân dân tới chiêm bái.

Cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo – An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hoá Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…

Đứng trên triền núi Ba Thê kỳ vỹ, tận hưởng từng làn gió thoáng đãng, ngắm không gian xanh của núi rừng rồi phóng tầm nhìn về phía làng mạc, thấy những cánh đồng trải dài xa tít, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ yên bình mới cảm nhận hết được vẻ quyến rũ tột bậc của núi Ba Thê nổi tiếng.

Theo Báo Cà Mau

Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Hãy tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống hàng ngày cùng bạn bè, người thân tìm về hương đồng gió nội, tận hưởng cảm giác thư thái khi khám phá khu du lịch Xẻo Quýt mùa nước nổi này

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt có diện tích 50ha, trong đó có 20h là rừng tràm, Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một căn cứ quân sự, ngày nay Xẻo Quýt trở thành địa điểm nổi tiếng trong những chuyến du lịch về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khi xưa Xẻo Quýt toàn cỏ dại hoang vu, địa thế hiểm trở nên được Tỉnh ủy Kiến Phong thời đó (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Rừng tràm này chính là thành quả của người dân địa phương trồng để bảo vệ, che chở cán bộ hoạt động cách mạng. Những công sự, hầm tránh bom, hầm bí mật, nhà họp… mà nhân dân xây dựng hiện được giữ gìn nguyên vẹn.

Đến với Xẻo Quýt, du khách sẽ cảm nhận ngay một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tham quan Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Ở đây môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, trên đường đi du khách sẽ được những cô du kích mời ăn nhẹ món ăn dân dã và là đặc sản ở vùng này: cơm nắm lá sen muối mè.

Bên cạnh đó, khu di tích Xẻo Quýt với môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp…

Bạn sẽ được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa khi chứng kiến những hầm tránh bom chử A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất được phục chế nguyên vẹn như trước. Ngoài ra còn có những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh.

Giữa thiên nhiên hoang dã đặc trưng hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, bạn có thể nghe rõ tiếng mái dầm khuấy nước rào rạt, tiếng cá quẫy nước và tiếng gió thổi rì rào trên lá. Hít đầy không khí trong lành vô lồng ngực, cảm giác những bụi bặm chốn thành đô phút chốc như được gột sạch.

Một điểm thú vị khi đến Xẻo Quýt là du khách sẽ được “Đi xuồng gỡ chài”, lắc lư trên xuồng ba lá men theo rừng tràm để đi gỡ chày bắt cá, tôm,… những sản phẩm thu được sẽ được người dân địa phương chế biến thành những món đặc sản như: cá trê chiên mắm xoài, ốc bưu hấp hèm…

Cá lóc nướng sen, chuột đồng nướng, lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, là những món ăn đặc sản của nơi đây, còn gì thú vị hơn khi vừa dùng cơm vừa thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử, rồi tự do khám phá tham quan rừng tràm nguyên sinh, câu cá giải trí, hoặc mắc võng nằm nghĩ dưới tán rừng tràm xanh mượt…

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Kiên Giang không những nổi tiếng với địa danh mang tên “hòn ngọc biển đông” mà khi đến Kiên Giang bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây. Bún cá Kiên Giang là một trong những món ăn góp phần tạo nên tên tuổi của vùng đất này.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Dù chỉ là món ăn bình dân nhưng khi thưởng thức chắc người ăn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi hương vị tuyệt vời mà món bún cá này mang lại.

Bún cá Kiên Giang có nguyên liệu là những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Cá đồng sẽ cho thịt thơm, dai và có vị ngọt chứ không mềm và bở. Bởi lẽ chọn cá là một trong những phần cực kỳ quan trọng để có thể nấu thành một món bún ngon.

Cá làm sạch rồi cắt thành 3 khúc, phần đầu phải làm cho thật kỹ, khéo léo tách đầu ra sao cho dính nguyên cả bộ đồ lòng cá. Làm sạch bao tử, rồi dùng muối rửa thật sạch vì nếu không sạch thì còn tanh, mất ngon, cẩn thận đừng để vỡ mật và gan cá.

Cá luộc chín, sau đó gỡ riêng phần thịt, xương rồi giã nát, cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Chính nhờ quá trình này nên nước dùng bún cá luôn có vị ngọt thanh tự nhiên.

Tô bún cá Kiên Giang còn hấp dẫn người ăn nhờ phần trứng cá được đánh tơi vàng ươm trên bề mặt. Vào mùa cá không có trứng, trứng cá sẽ được thay thế bằng lòng đỏ trứng gà pha với tôm tươi bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín.

Trong tô bún cá Kiên Giang không thể thiếu loại tép đất, hoặc tép bạc. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng

Người có tay nghề nấu nước lèo, khi ăn vào bạn vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt và vị mặn rất hấp dẫn.

Món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng. Đơn giản là vậy mộc mạc là vậy nhưng khi thưởng thức chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bị mê hoặc

Khi thưởng thức món ăn này không thể thiếu đĩa rau sống cùng chén nước mắm ớt nguyên chất đậm đà. Những dư vị ngọt ngào, thơm thơm từ các nguyên liệu sẽ khiến bạn khó có thể quên.

“Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người”.

Đậm đà bún cá Kiên Giang


Thắng cảnh Hòn Khoai, Cà Mau

Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn.

Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn

Quần đảo bao gồm 5 hòn đảo sát nhau: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương với tổng diện tích 4 km2. Hòn Khoai là một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.

Hòn Khoai có diện tích 5km2 với nhiều tên gọi như: Hòn Giáng Hương, hòn Độc Lập. Người địa phương vẫn quen gọi là Hòn Khoai (hòn đảo này nhìn từ trên cao, có hình dạng giống như củ khoai khổng lồ).

Hòn Khoai hiện có trên 221 loài thực vật bậc cao, thuộc 78 họ đang sinh sống. Ở đây, nhiều cây ăn trái như mít, xoài do sống lâu năm nên đã thành cổ thụ; hoa rừng và có cả hoa mai vàng mọc lên từ các hốc đá. Có tiếng nước chảy róc rách từ khe đá; tiếng chim hót thánh thót trong những buổi ban mai. Quả thật chẳng phải quá lời khi có du khách gọi đây là “nơi thiên đường ngoài biển cả”.

Không chỉ là danh lam thắng cảnh, trên đỉnh Hòn Khoai, cạnh ngọn Hải Đăng có tấm bia ghi sơ lược cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13.12.1940 gắn với tên tuổi của nhà giáo, nhà báo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển cùng nhiều đồng chí của ông.

Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.


Bánh lọt xào Hà Tiên

Nếu bánh lọt mặn, bánh lọt nước cốt dừa khá gần gủi với dân Sài gòn thì bánh lọt xào là món ăn còn rất xa lạ. Bánh lọt xào có nguồn gốc từ xứ chùa tháp Campuchia du nhập vào Hà Tiên và trở thành món ăn đặc sản của vùng đất này.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Những sợi bánh lọt ngắn, mềm dễ nuốt, được làm bằng bột gạo cùng ít bột năng. Cách làm sợi bánh lọt xào cũng giống như cách làm sợi bánh lọt nước cốt dừa.

Bột gạo khuấy đều cùng bột năng, rồi đun trên bếp để lửa nhỏ cho bột chín đặc. Sau đó, ép bột xuống khuôn bánh lọt có chậu nước lạnh để phía dưới. Sợi bánh sẽ đông lại khi gặp lạnh, sợi bánh mềm mà vẫn dai vớt ra trộn với nước màu dứa để bành lọt có màu đẹp.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Thành phần:

  • Bánh lọt
  • Trứng
  • Màu dứa
  • Giá, hẹ
  • Tôm hoặc thịt bò
  • Đậu phộng rang, hành lá… gia vị nêm

Cách làm bánh lọt xào

Tôm tươi bóc vỏ băm nhuyễn, ướp chút gia vị. Phi thơm tỏi và xào tôm cùng với giá ngắt đuôi, hẹ cắt khúc

Tiếp đó, cho dầu vào chảo, xào bánh lọt để bánh chín vàng thơm, cho phần tôm xào giá hẹ vào và nêm lại cho vừa ăn. Cuối cùng đập hay trứng gà hoặc trứng vịt lên hỗn hợp vừa xào xong, bạn sẽ có một màu vàng ươm của trứng rất đẹp.

Xúc bánh ra đĩa, rắc một ít đậu phộng rang vàng. Bánh lọt xào dùng với tương ớt hoặc nước món chua ngọt đầu rất ngon.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Món bánh lọt xào ăn ngon nhất khi dùng nóng. Bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm tươi, ngọt của rau hẹ, giá hay mùi thơm bùi nhờ đậu phộng… Những sợi bánh trong, mềm, dai được xào cùng với tôm, giá hẹ, trứng sẽ là món ăn chơi vô cùng hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang.

Ở Hà Tiên bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi như món ăn sáng hay chiều, giá 30.000 – 50.000 đồng một đĩa.

Nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!