Có thể bạn quan tâm

Thần tiên bó tay trước phụ nữ

[vanhoamientay.com] Phụ nữ đã làm gì mà đến thần tiên cũng phải bó tay

Một tỷ phú đang đi dạo dọc bờ biển thì nhặt được một cái chai.

Khi ông ta mở nút thì một vị thần xuất hiện và nói:

– Vì sự giải thoát này, ta cho anh một điều ước.

Tỷ phú đã có mọi thứ trên đời, ông nói:

– Tôi hay đến Hawaii nghỉ mát, nhưng lại sợ đi máy bay và tàu thủy, hãy tạo cho tôi một cây cầu từ đây đến đó.

Vị thần đắn đo vài phút rồi nói:

– Điều đó thật khó thực hiện. Phải đóng hàng triệu trụ lớn xuống biển sâu, đổ hàng tỷ tấn bê tông giữa đại dương… Rồi còn thuỷ triều, bão táp, động đất… Yêu cầu này thật quá sức của ta.

Ông tỷ phú đành thay đổi điều ước:

– Thế thì hãy nói cho tôi những bí ẩn của phụ nữ. Điều gì khiến họ khóc và cười, tại sao tính khí họ thất thường, làm thế nào để họ hài lòng?

Vị thần trở nên lúng túng hơn, chân tay thừa thãi, cuối cùng chặc lưỡi:

– Thôi được, anh muốn cây cầu cho hai hay bốn làn xe?

st

Hùng vĩ núi Ba Thê

[vanhoamientay.com] Trong số các điểm du lịch Châu Đốc, núi Ba Thê, An Giang luôn được nhắc đến, bởi nơi đây là một bức tranh phong cảnh hữu tình khiến biết bao du khách say mê.

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m. Và sẽ vô cùng thú vị nếu chuyến đi của bạn đến đây là “du lịch phượt”

Khá vất vả và nguy hiểm khi chúng tôi leo núi Ba Thê bằng chiếc xe gắn máy, cài số 1 ì ạch “bò” lên khó nhọc. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm xanh rì với vô số cây lâu năm sừng sững. Có khá nhiều quán ăn, nhà hàng mọc san sát giữa lưng núi. Theo lời người dẫn đường: “Mùa nắng còn đỡ, chớ mùa mưa thì không nên liều mạng chạy lên đây bởi đường rất trơn trợt. Dân xe ôm địa phương phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên đỉnh núi được…”.

Bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Tương truyền thuở xưa, ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cho sông rộng ra để thuyền bè đi lại mua bán dễ dàng. Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm, vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất…

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn Cổ tự, còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thu hút rất nhiều người đến tham quan, cúng dường. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát. Có nhiều giai thoại về sự tích thỉnh Phật Bốn Tay về thờ ở chùa này, nhưng có lẽ câu chuyện của Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn Thích Thiện Trí, 85 tuổi được nhiều người chấp nhận nhất.

Chuyện kể rằng, năm 1912, khi Pháp huy động Nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao trên 1,7 m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2 m. Lúc này cư dân ở đây có trên 80% là người dân tộc Khmer nên họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gỗ về chùa. Dẫu sao đó cũng là một huyền tích.

Ðiều rất kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng là tại sân chùa hiện nay có hai tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, một tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật bốn tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa hai tảng đá cổ. Và chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.

Ngày 6/12/1989, tượng Phật Bốn Tay và hai tảng đá cổ được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất. Ngoài ra, nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.

Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà Nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Ở đây có tấm bia lịch sử bằng đá quý ghi lại sự kiện ngày 6/5/1968, đội biệt động của ta do đồng chí Nguyễn Văn Muôn chỉ huy tiêu diệt 29 tên địch tại đỉnh núi Ba Thê làm địch hoang mang lo sợ và rút quân.

Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Ðại đao khổng lồ. Tục truyền xưa kia bỗng xuất hiện một tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho Nhân dân tới chiêm bái.

Cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo – An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hoá Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…

Đứng trên triền núi Ba Thê kỳ vỹ, tận hưởng từng làn gió thoáng đãng, ngắm không gian xanh của núi rừng rồi phóng tầm nhìn về phía làng mạc, thấy những cánh đồng trải dài xa tít, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ yên bình mới cảm nhận hết được vẻ quyến rũ tột bậc của núi Ba Thê nổi tiếng.

Theo Báo Cà Mau

Áo bà ba, nét đẹp phương nam

Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là lớp trung niên trở lên. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian…

Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. Khi đó, không thể lao động nhọc nhằn trong trang phục áo dài, vốn là trang phục truyền thống lúc bấy giờ, ông cha ta đã “biến tấu” và làm nên chiếc áo bà ba giản dị, gọn gàng, nhẹ nhàng và tiện lợi cho người mặc trong khi làm lụng vất vả mà vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, dịu dàng.

Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa. Cụ thể hơn là trang phục của người “Ba Ba”, một nhóm người Hoa sống trên đảo Pesnang thuộc Malaysia ngày nay, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Áo bà ba vốn là loại áo không có cổ. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tùy sở thích mỗi người. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tả  vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần ôm nhẹ thân mình người phụ nữ. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương ứng với thân hình.

Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm hình hài vóc dáng dịu dàng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng làm say đắm lòng người.

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Vậy mà hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp của một thời hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…

Miền nam khí hậu nóng ẩm quanh năm với hai mùa mưa nắng đi về, nên vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát, nhằm giúp người mặc cảm thấy thoải mái, mát mẻ ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nếu ngày xưa, người ta dùng lá bàng, vỏ cây đà, cây cóc… để nhuộm lên nâu của áo, thì nay, màu sắc, họa tiết và hoa văn đã được đưa vào áo bà ba, làm cho áo thêm đẹp, thêm duyên. Phải chăng vì thế mà áo bà ba vẫn muôn đời là đại diên cho nét đẹp mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ miền đất Nam bộ thân thương.

Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa.

Áo bà ba mang đến nét duyên đằm thắm, dịu dàng cho người mặc, cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, hiền hòa giữa sông nước miền Tây Nam bộ.

Nếu so sánh các trang phục truyền thống trong và người nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã. Chỉ thế thôi nhưng nó đã dệt nên những bản hòa tấu nhẹ nhàng trầm bổng nối hai bờ quá khứ và hiện tại, làm nao lòng bao lữ khách qua đây.

Dù cuộc sống vội vã hơn, ồn ã hơn, dù thời gian có làm cho bao giá trị thay đổi, nhưng đó dây trên con đường thời gian đằng đẵng, mẹ ta, chị ta, em ta vẫn mặc chiếc áo ấy như một nét hồn quê vẫn còn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi ta tìm về bên cõi nhớ…

Không phải ngẫu nhiên mà GS,TS Trần Văn Khê khi nói về không gian văn hóa Nam bộ luôn nói tới chiếc áo bà ba như mội nét đẹp độc đáo. Ông thường nhắc nhở đừng bao giờ để mất nét đẹp đó trong trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo Báo An Giang

Cá lau kiếng hầm sả, món lạ miền Tây

[vanhoamientay.com] Trước đây, cá lau kiếng ít được mọi người biết đến, song hiện nay người dân miền Tây lại rất khoái khẩu với loại cá này.

Cá lau kiếng (còn gọi là cá dọn bể, cá tỳ bà), tên khoa học là Hypostomus punctatus, là loại cá nước ngọt – xuất xứ từ Nam Mỹ – được người chơi cá cảnh nhập về từ Hồng Kông, Singapore. Ðây là loài cá ăn tạp chất thải của các loại cá khác hoặc rong, rêu bám trên thành bể. Cá có hình dạng xấu xí, chiều dài từ 30-70 cm, sinh sản quanh năm và dễ thích nghi với môi trường khi phát tán ra ngoài tự nhiên…

Mọi người đều phải công nhận thịt cá lau kính rất tuyệt, thịt trắng dẽ dặt, có người lại còn đồn thổi lên rằng, cá lau kiếng sinh sản mạnh nên có tác dụng bổ dương, trị nhức mỏi, đau lưng nữa…Thế là, cá lau kiếng được mang ra chợ bán với giá cả khá mềm (khoảng 15.000 đồng/kg) và được các “nghệ nhân ẩm thực” chế biến thành các món ngon “độc đáo” như: nướng muối ớt, nấu lẩu, hầm sả, làm khô,… Trong các món kể trên, người sành ẩm thực mỗi khi đến TP Cần Thơ đều thích nhất là món: Cá lau kiếng hầm sả.

Chế biến món này rất đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu chính như: cá lau kiếng 1 kg, đậu phộng, củ cải trắng, sả, ớt.

 Nên nhớ, vảy cá lau kiếng như một bộ giáp sắt rất cứng và bén, vì thế không thể dùng dao đánh được. Chỉ cần rửa cá với nước chanh cho sạch nhớt và bớt mùi tanh. Kế đến, đập vài tép sả để dưới đáy nồi và cho cá vào với nước dừa tươi, cùng đậu phộng (đã ngâm nước rửa sạch, để ráo), củ cải trắng (gọt vỏ rửa sạch, xắt khúc) hầm với ngọn lửa liu riu cho tới khi cá và các phụ liệu chín. Dùng đũa gắp cá ra gỡ bỏ vảy. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, nhắc xuống và chuyển tất cả qua nồi lẩu để giữ nóng. Chỉ cần dọn thêm một dĩa bún, dĩa rau sống (rau cần nước, cải bẹ xanh, mùng tơi…), cùng chén nước mắm Phú Quốc nguyên chất, vài trái ớt hiểm chín nữa là xong!

Thật thú vị, một ngày cuối tuần đẹp trời nào đó, bạn hãy đến khu vực Thới Thạnh, Thới Thuận, Thốt Nốt, TP Cần Thơ để khám phá món cá lau kiếng hầm sả này. Cho miếng cải bẹ xanh (hoặc rau cần ống) nhúng vào nồi nước dùng đang bốc khói cùng miếng bún đặt vào chén, giẽ miếng thịt cá lau kiếng màu trắng ngần chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Mùi thơm của rau, vị dai ngọt của thịt cá như ngấm dần và len lỏi vào khắp giác quan. Chan miếng nước dùng cùng ít đậu phộng, củ cải trắng vào chén “lua” một phát, sẽ cảm nhận được “tổng hoà” hương vị của một loài cá lạ “xấu tướng mà ngon” này!…

Theo Cà Mau

Ngọt lịm kẹo dừa bến tre

[vanhoamientay.com]Trước đây, kẹo dừa được xem như quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết, về sau chính vị ngọt thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy mà năm 1999 loại kẹo Mỏ Cày này chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, du khách quốc tế biết đến món ngon Việt Nam không chỉ bởi những tô phở bốc khói, những món ăn cung đình Huế cầu kỳ, sang trọng và đẹp mắt…mà còn nhớ vị kẹo dừa mộc mạc, dân dã nhưng ngọt ngào.

Nguyên liệu đầu vào để làm tưởng chừng khá đơn giản, chỉ là cơm dừa trắng và mạch nha, nhưng thật ra, để làm nên viên kẹo ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì đây là hai thành phần cốt yếu của viên kẹo, quyết định toàn bộ vị ngon đặc trưng sản phẩm.

Ở Bến Tre được trồng khá nhiều dừa với các chủng loại khác nhau: dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp, dừa lửa… nhưng để được loại cơm dừa ngon, dày thì phải nói đến giống dừa xiêm xanh, trái dừa phải khô, tránh để lên mọn, vì chỉ có loại dừa có cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết mới có thể ép ra được nước cốt chất lượng cao, độ sánh vừa phải, hơi trong, chứ không trắng đục, đáp ứng cho quá trình trộn hỗn hợp với mạch nha cho ra màu sắc đẹp, bắt mắt.

Mạch nha được làm bằng phương pháp lên men từ lúa nếp mầm. Hạt nếp to, tốt, không bị mọt, được tưới bằng nước mưa sạch, cho hạt vừa nảy mầm thì đem chế biến thành mạch nha. Mạch nha phải ngọt thanh, dẻo, trong và có màu vàng nâu tự nhiên.

Kẹo dừa được ra đời sau khi qua khâu trộn nước cốt dừa và mạch nha lại với nhau, nấu hỗn hợp bằng cộng nghệ đường truyển hơi nước

Từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa, người dân bến tre còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng của chính đặc sản quê mình như sầu riêng, đậu phộng, lá dứa… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản, giúp sản phẩm thêm phong phú, nâng cao chất lượng

Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định … Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam.

Không gì tuyệt vời bằng khi khưởng thức kẹo dừa ngọt thơm và nhâm nhi tách trà nóng.  Kẹo dừa Bến Tre -Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị cổ truyền.

Bến Tre nước ngọt sông dài

Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh

Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo

Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”


Khu di tích nhà Trăm Cột Cần Đước

[vanhoamientay.com] Có dịp về Cần Đước, bạn đừng quên ghé thăm một công trình kiến trúc điêu khắc cổ ở xã Long Hựu Đông mà nhân dân địa phương thường gọi là Nhà Trăm Cột

Chủ nhân đời thứ 3 ,ông Trần Văn Ngộ kể rằng ngôi nhà này do ông nội ông, ông Trần Văn Hoa lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn xây dựng vào những năm 1898-1903 do 15 nghệ nhân từ kinh đô Huế vào xây dựng, trong đó 2 năm để xây nền móng và 3 năm để chạm trổ trang trí hoa văn nội thất

Với diện tích 882m2, Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2 ,chính diện quay về hưóng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc ( ) , 3 gian , 2 chái. Ngôi nhà này nếu nói chính xác thì đến 160 cột chứ không phải một trăm, Trăm Cột chỉ là tên gọi tượng trưng.

Nhà gồm có hai phần: phần trước là phần nội tự – ngoại khách,phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Lẫm lúa ở sau cùng đã tháo dở (vào năm 1952), nay chỉ còn nền móng. Kết cấu chính của Nhà Trăm Cột kiểu xuyên trính ( còn gọi là nhà đâm trính, nhà rường) ,khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây – Đông, Tiền – Hậu. Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trổng đều chạy chỉ , uốn cong kiểu nhà rường ở miền Trung. Tiếp giáp giữa bộ phận trính và trổng để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình ”chày cối”,tượng trưng cho âm dương hòa hợp (nên còn gọi là kiểu nhà chày cối).Đây là kiểu nhà truyền thống có nhiều ưu điểm bởi bộ khung rất chắc chắn. Không gian ”rộng lòng căn” được tạo ra ở giữa nhà do không có hàng cột giữa thích hợp để thờ tự.

Đặc biệt, trang trí trong kiến trúc ở Nhà Trăm Cột cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao qua cách bố cục, thể hiện đề tài cũng như xử lý kỹ thuật. Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ”vân hóa long”, ” tứ thời” kiểu ”dây lá hóa” đặc trưng của Huế rất sắc sảo. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ”tứ linh”, ”tứ thời”,” bát quả”; các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát,khế,măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ , ghế nghi, bàn tròn , bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình.

Nét đặc thù trong phong cách chạm gỗ ở đây là bên cạnh phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ nặng tính sao chép, gò bó bởi những qui phạm phong kiến là phong cách cách điệu phóng khoáng với khối lượng lớn các đồ án dạnhg ”dây lá hóa” đã tạo thêm sự phong phú, sinh động, gây xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Gian ngoại khách ở Nhà Trăm cột còn được tô điểm bởi các bức hoành phi, đối liễng, sơn son ,thếp vàng ,cẩn ốc xa cừ có nội dung nói lên tư tưởng hướng đến cuộc sống an nhàn, (Thiên địa náo trường xuân mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh, Hướng sơn y thắng cuộc vận phi điểu cách tráng kỳ quan) hay ca ngợi cảnh đẹp (Sơn trang cổ họa) ,cầu phúc ,chúc thọ. Tất cả được bố cục ,xử lý một cách hài hòa trong không gian kiến trúc làm toát lên nét trang nghiêm của một ngôi nhà thờ và cũng đầy tráng lệ của một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhà Trăm Cột là một ngôi nhà có kiểu trúc thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí,tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử – văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Với giá trị ấy, năm 1997 Nhà Trăm Cột đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc Gia.

Theo longangov

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!