Có thể bạn quan tâm

Lạ miệng với trái giấm nấu canh chua cá

[vanhoamientay.com] Vị chua thanh đặc trưng của trái giấm tạo nên một hương vị rất riêng và lạ miệng cho món canh chua cá lóc đã quá đỗi quen thuộc.

Cây giấm, còn gọi bụp giấm hay cẩm thanh là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển.

Với không ít người, cây giấm còn là loại “hoa kiểng” trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.

Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch

Nguyên liệu nấu món ăn gồm có rau muống, thơm, đậu bắp và trái giấm. Cá lóc để nấu canh muốn ngon phải là loại cá lóc đồng, tuy nhiên, ngày nay thì rất hiếm, đa phần là cá lóc nuôi nên thịt không được ngọt và chắc. Lựa những con cá lóc còn sống, to khoảng bằng cổ tay là được. Làm sạch cá, cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào nấu mềm.

Nêm gia vị cho nước dùng có vị chua thanh đậm đà là được. Tiếp đến cho cá lóc vào nấu chín. Khi nước sôi lại, cho tiếp các loại rau vào, nêm lại gia vị và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên bề mặt một ít hành lá, ngò om thái nhỏ cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm. Ăn canh chua cá lóc nấu trái giấm không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất.

Trong những ngày trời nắng nóng, vị chua thanh của món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho gia đình. Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua cá nấu trái giấm thơm lừng.

Theo vnexpress

Du lịch đồng sen Tháp Mười

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng”

[vanhoamientay.com] Điểm hấp dẫn của khu du lịch Đồng sen Tháp Mười chính là đến đây du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí êm dịu, thuần khiết được mang đến từ hương, sắc, vị của những cánh đồng sen bao la, bát ngát.

Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh 39km. Từ thành phố Cao Lãnh, theo đường Hồ Chí Minh về hướng thị trấn Mỹ An, qua cầu Mỹ An rẽ trái khoảng 8km là đến. Giữa cuộc sống hiện đại ồn ào và tất bật, đôi khi người ta chỉ muốn tạm gác tất cả để về với nơi thanh bình, dân dã. Khu du lịch Đồng Sen – Tháp Mười là một sự lựa chọn vô cùng thích hợp.

Mọi người có thể trải nghiệm một ngày làm nông dân khi tự mình chống xuồng để hái sen, câu cá giữa không gian bạt ngàn trải dài hàng chục hecta. Nơi đây còn có phong cảnh nên thơ, hữu tình giúp du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên người thân, gia đình và bạn bè.

Khu sinh thái Đồng Sen Tháp Mười có sự bố trí đơn giản mà tinh tế, nguyên vẹn với sự tự nhiên vốn có của nó. Du khách sẽ ngỡ mình đang ở một vùng đất Sen Hồng thuở sơ khai, cách biệt với thế giới hiện đại ô nhiễm, tất bật, xô bồ ngoài kia. Điều đó làm cho người ta có thể trở nên bình tâm hơn và trút hết những muộn phiền, lo âu trong cuộc sống.

Không chỉ được ngắm sen, du khách còn được thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị từ sen như: cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen… và những đặc sản miền sông nước khác như:Canh chua cá linh bông điên điển, thịt chuột đồng nướng, cua đồng rang me, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, lẩu mắm,… Các món ăn đều được chế biến theo phương pháp và hương vị truyền thống đặc trưng của người Miền Tây.

Bên cạnh dịch vụ ẩm thực, du khách còn được thỏa thích tham quan, chụp ảnh, câu cá. Khách tham quan sẽ được tiếp xúc, giao lưu với nhiều con người miền Tây chân chất, vô cùng hiền hòa, mến khách nơi đây.

Theo Báo Đồng Tháp

Khám phá Mũi Cà Mau

[vanhoamientay.com] Đến Mũi Cà Mau du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của rừng, bao la của biển cả.  Đây là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên phía Đông và lặn ở phía Tây

Mũi Cà Mau như một vòng cung, mỗi năm phù xa theo những con sông đổ về lắng tụ đã tạo nên các bãi bồi dài khoảng 100m, rộng hàng trăm ha dọc theo phía Đông và phía Tây. như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta.

Cây Mắm, cây Bần, cây Đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa.

Nơi địa đầu tổ quốc mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị, hoang dã mà không phải nơi đâu cũng có.

Để đến Mũi Cà Mau, bạn phải dùng canô siêu tốc để được phiêu lưu qua sông Cửa Lớn, cồn Ông Trang, rừng U Minh và vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong đó, cồn Ông Trang nổi bật với những cồn cát được cây mắm bao phủ một màu xanh biêng biếc, trông xa như những bức tranh thủy mặc giữa bầu trời nước bao la. Bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau gắn liền với cồn Ông Trang. Tại đây, hàng năm đất được bồi lấn ra biển từ 50 đến 80m. Mỗi khi mùa đông đến, hàng đàn chim từ phương Bắc lạnh giá sẽ dừng chân tại đây tìm thức ăn trước khi hành trình về châu Úc xa xôi.

Không những vậy, du khách được thưởng thức đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, tôm, cua, ghẹ,… vừa trải lòng với các bài ca vọng cổ đằm thắm, sâu lắng đi vào lòng người, mạng đậm nét văn hóa truyền thống Đồng Bằng Nam Bộ

Những ai đam mê khám phá sẽ bị mê hoặc bởi vườn quốc gia Mũi Cà – rừng Amazon thứ hai của thế giới. Sau khi chinh phục Vọng Hải Đài cao 20,5m, bạn sẽ  bị choáng ngợp bởi khu vườn rộng hơn 41.800ha này. Quan sát kỹ, bạn sẽ tìm được những loài động vật quý hiếm như: bồ nông chân xám, giang sen, rái cá, cầy giông đốm lớn, các loại rùa quý và hàng trăm loài thuỷ sản, thực vật, lưỡng cư đang được bảo tồn.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một vùng đất ngập mặn có hệ sinh thái rất đa dạng, nơi tiếp giáp giữa rừng đước và rừng tràm.Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm…

Băng Tâm tổng hợp

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Các địa điểm du lịch Bến Tre nổi tiếng

Các địa điểm du lịch Bến Tre nổi tiếng

Không những nổi tiếng là một xứ sở những vườn dừa, Bến tre còn nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái, nổi tiếng với các địa điểm du lịch như: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa), Cồn Ốc, Cồn Qui, Cồn Tiên,…

Được biết đến là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khí hậu ôn hòa thuận lợi phát triển nông nghiệp lúc nước, đồng thời là vùng đất có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, vú sữa… Hơn thế nữa Bến Tre còn có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Khu du lịch làng bè

Một số địa điểm du lịch có tiếng ở Bến Tre

Du lịch Bến Tre: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa)

Thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là “Xứ giả của hòa bình”, chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre 15km. Đây là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

 Về thăm nơi đây, con dân Việt Nam như sống lại cùng lịch sử hào hùng của dân tộc cha ông xưa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Cồn Ốc cách thị xã Bến Tre khoảng hơn 10km có chiều dài 8,3km, rộng hơn 1km. Đây là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông. Từ một cồn nhỏ, thấp ban đầu, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa và sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trở thành một nguồn lợi đáng kể của dân địa phương từ đó cồn mang tên Cồn Ốc. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, Cồn Ốc mới có người đến khai phá và định cư. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều gia đình ở Cồn Ốc đã nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những ngày đen tối khó khăn nhất. Đến với Cồn Ốc khách du lịch còn được thưởng thức thủy hải sản vùng nước ngọt lợ và các loại hoa quả đặc sản nơi đây.

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Đây là một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi…Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Ở trên sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 23km (đường bộ), 15km (đường sông). Với diện tích 7ha, ven bờ Cồn Tiên gồm đất pha cát, mỗi khi thủy triều xuống lộ ra bãi cát rộng lớn. Hằng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), hàng vạn du khách từ các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, kể cả Sài Gòn đổ về đây tắm lội, vui chơi, thưởng thức trái cây của các nhà vườn trong vùng.

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Vườn cây ăn trái Cái Mơn là một làng quê thuần chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp bao phủ bởi rặng cây xanh nặng trĩu quả ngọt. Làng nghề Cái Mơn là nơi chuyên cung ứng các loại cây giống như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, các loại cây có múi, các loại cây cảnh hình nai, phượng, rồng… Đến với vườn cây ăn trái Cái Mơn là đến với du lịch miệt vườn chính gốc.

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Đây là vùng đất thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm. Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Tại đây, ngày 19/5 hàng năm đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh ngày 1.7.1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định năm 1843. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình chạy về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ). Tại đây ông dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Hàng năm, vào ngày 1/7 là ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Lễ hội 1.7 được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần sôi nổi với những hoạt động như biểu diễn võ thuật, múa lân, đánh trống hội, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, thi nấu mâm cơm ngày giỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ, diễn cải lương, tuồng cổ.

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Ngoài ra Bến Tre có nhiều điểm thú vị để đi du lịch, có biển, có vườn, có nhiều đặc sản trái cây và nhiều di tích văn hóa, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, và các loại hình du lịch miệt vườn sông nước…


Về thăm vườn nhãn cổ trăm tuổi Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là một mô hình du lịch vườn hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân địa phương.

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho nơi đây những vùng đất màu mỡ, tạo điều kiện cho giống nhãn cổ phát triển sum xuê hơn cả trăm năm nay, với những cây gốc to hơn 2 người ôm không xuể, tán lá rộng mát, tạo nên không gian thanh bình.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày… được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu.

Nơi đây nổi tiếng với 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt.Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt, còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt.

Đến tham quan khu du lịch vườn nhãn, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon cùng với những món ăn dân dã là đặc sản do biển cả hào phóng ban tặng, được hưởng không khí trong lành từ gió biển và còn được thưởng thức đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài việc nếm những  trái ngon ngọt, bạn còn có thể nằm nghỉ ngơi dưới gốc nhãn, lắng nghe tiếng chim hót ríu rít và những tia nắng len lỏi qua những kẽ lá, soi rọi xuống mặt đất lung linh.

Đến đây, bạn không chỉ được thư giãn trong không gian xanh rộng và khoáng đạt mà còn được cắm trại, dã ngoại, tham gia thu hoạch nhãn chín. Nếu đến vào dịp lễ Tết như Trung thu, bạn còn có cơ hội vui chơi tại lễ hội địa phương, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu hay tìm hiểu văn hóa đất giồng giao thoa của người Kinh, người Khmer và người Hoa.

Theo ZiZi Travel

Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Lúc hưng thịnh, chiếu Cà Mau ngược xuôi khắp mọi miền đất nước và từng xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Campuchia. Chiếu Cà Mau được nhiều người ưa chuộng bởi cách dệt thủ công truyền thống rất bền đẹp. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau đang ngày càng teo tóp lại.

  • Nỗi niềm bị lãng quên

Có lẽ trong chúng ta – người dân Nam bộ – không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca xuất sắc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu – chiếu Cà Mau!

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu?

Theo những người cố cựu trong nghề thì ở Cà Mau, nghề dệt chiếu từng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương: Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), nhưng nổi tiếng nhất là chiếu lẫy của Tân Thành, TP Cà Mau.

Chiếu lẫy là những chiếc chiếu dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang một ý nghĩa nhất định nào đó, có thể là chim muông, hoa lá… được người mua đặt để dành cho những dịp đặc biệt trang trí giường ngủ cho đôi uyên ương ngày cưới, tặng bạn bè, người thân. Để có được những đôi chiếu lẫy, người làng chiếu trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm qua.

Với sự khéo léo và sức sáng tạo tuyệt vời, người dệt chiếu đã lẫy những sợi lác có màu sắc khác nhau tạo nên hàng trăm mẫu mã như: hình rồng phụng dành cho đám cưới, chiếu có câu đối chúc may mắn vào dịp lễ, tết, hình chim muông, thắng cảnh, sông nước, núi non… Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng trên thị trường. Chiếu Cà Mau từng cùng với chiếc xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến với người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau ngày càng teo tóp lại. Xã Tân Thành, nơi có làng chiếu một thời vang bóng hiện cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Người làm nghề dệt chiếu ở đây chỉ còn dệt khi có người đặt trước, bởi nếu dệt sẵn mà không có người mua thì lỗ nặng.

Chị Trần Như Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, nói trong tiếc nuối: “Bây giờ thu nhập chính của người dân là cá chình, cá bống tượng nên hầu như nhà nào cũng cuốc đất lên để làm ao nuôi cá. Một vụ thu hoạch cá có khi còn hơn một năm làm chiếu nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề. Từ đó, diện tích trồng lác của xã ít đi thấy rõ”.

Theo số liệu thống kê của hội phụ nữ xã, hiện Tân Thành chỉ còn không quá 60 gia đình giữ nghề dệt chiếu. Họ bỏ nghề không chỉ vì lợi nhuận từ con cá, con tôm mà còn bởi khó khăn đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu, nguồn lao động tại chỗ.

Chị Phan Mỹ Giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Thành, cho biết, toàn ấp chỉ còn khoảng 14 hộ gia đình dệt chiếu, hầu hết đều là những người lâu năm gắn bó với nghề. Phần lớn những hộ này có ít đất sản xuất hoặc coi dệt chiếu như một nghề phụ để trang trải chi phí đầu tư nuôi cá.

Chị Phan Thị Út, 41 tuổi, dệt chiếu từ thuở nhỏ nhưng giờ cũng không còn theo nghề, tâm sự: “Trước đây tôi dệt một năm trên một trăm đôi chiếu, giá bán mỗi đôi không dưới 200.000 đồng. Giờ đây, do đầu ra không ổn định, hơn nữa con cái lại chọn nghề khác để làm nên nhà không còn người, đành bỏ nghề chuyển hẳn qua nuôi cá”.

Căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi mà chị Út đang ở cũng bắt đầu từ nghề dệt chiếu. Chị luyến tiếc chia sẻ: “Mình cũng muốn giữ nghề lắm nhưng đành chịu. Dệt chiếu đòi hỏi nhiều công lao động, cả gia đình phải trồng lác rồi thu hoạch, phơi, nhuộm, con cái không theo nghề thì biết làm sao. Mướn người làm rất khó, bởi thanh niên bây giờ hầu hết đều lên các tỉnh trên để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân cả”.

  • Làng nghề về đâu?

Không như trước, bây giờ muốn làm chiếu, người dân làng nghề không chỉ bỏ công mà còn phải đầu tư tiền bạc nhiều hơn. Trước đây, lác mọc hoang, muốn làm chiếu thì ra đồng chặt đem về, nhưng hiện tại ruộng hoang không còn nên muốn có lác phải mua. Do khan hiếm nên giá lác cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chị Cao Thị Hồng, ấp 6, cho biết: “Giá một công lác mấy năm trước chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại 4 triệu đồng, có khi người ta còn không thèm bán. Mua lác không có chuyện trả theo kiểu gối đầu hay mua thiếu, phải trả tiền liền, nếu không họ bán cho người khác”.

Chính vì cần có vốn ban đầu để làm chiếu nên hiện không ít hộ gia đình ở làng chiếu Tân Thành gặp khó. Chị Trần Như Thảo cho biết thêm, để làm chiếu mỗi hộ gia đình cần đầu tư ít nhất 3 triệu đồng để mua nguyên liệu như: lác, bố, màu… Những người trong làng nghề cũng được hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.

Một nguyên nhân nữa khiến cho máy dệt chiếu có nguy cơ thành… đồ cổ đó là chất lượng, kiểu dáng chiếu dệt bằng máy không thể sánh bằng chiếu thủ công. Cũng vì người sử dụng không ưa chuộng những chiếc chiếu “thiếu thẩm mỹ” nên sản phẩm do máy dệt chiếu làm ra rất khó tiêu thụ.

Nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, sản phẩm làm ra vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng ngày một tàn lụi. Chị Phan Thị Út cho biết: “Giá chiếu bán ra không hề giảm mà vẫn tăng hàng năm theo giá thị trường. Hiện một đôi chiếu bông có giá từ 250.000 – 300.000 đồng trở lên. Người dệt chiếu vẫn sống được với nghề bởi một gia đình có thể dệt trên trăm đôi chiếu/năm. Tuy nhiên, để sống được với nghề người dân cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng với những chính sách hợp lý, có vậy họ mới yên tâm gắn bó với nghề”.

Được biết, trước đây, xã Tân Thành đã thành lập hợp tác xã dệt chiếu nhưng được một thời gian, hiện hợp tác xã này gần như không còn hoạt động do chia tách địa giới hành chính thành xã Tân Thành và phường Tân Thành.

Trong nỗ lực khôi phục nghề dệt chiếu, hợp tác xã dệt chiếu Tân Thành cũng được Nhà nước đầu tư một máy dệt chiếu hiện đại, nhưng chỉ được sử dụng thời gian đầu còn bây giờ thì xếp đống, nằm một chỗ. Chị Phan Mỹ Giới chia sẻ, máy được đầu tư gần 40 triệu đồng, tuy hoạt động khá tốt, rút ngắn được thời gian dệt nhưng hiện nay đầu ra không có, nguyên liệu lại khan hiếm nên không thể hoạt động được.

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau tồn tại đã bao đời, khôi phục làng nghề truyền thống cũng là tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo SGGP

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!