Có thể bạn quan tâm

Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Nếu miền Tây được mọi người biết đến với đặc sản nấm mối thì Phú Quốc nổi tiếng với nấm tràm, nấm tràm Phú Quốc là loại nấm ngon không thua kém gì với nấm rơm, nấm kim chi hay nấm bào ngư.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Cây tràm thường được trồng nhiều ở những khu rừng ngập mặn, loại cây này thường rụng lá tạo thành lớp mùn, khi những cơn mưa đầu mùa về, từ lớp mùn đó xuất hiện những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út, còn gọi là nấm búp nhô ra khỏi lớp vỏ và lá tràm. Nấm tràm có màu tím như màu quả măng cụt, bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn 1 tháng của đầu mùa mưa, từ khi mọc đến lúc tàn, vòng đời của nấm tràm chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.

Không những mọc dưới lớp mùn của lá tràm, nấm tràm còn mọc lên dưới những cây tràm có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Tai nấm tràm phía trên có màu sẫm tím, phía dưới và thân có màu trắng tinh. Đặc biệt, nấm tràm Phú Quốc chỉ mọc khi trời ẩm ướt, khi có những cơn mưa giông lớn sau tháng ngày nắng hạn. Sở dĩ như vậy là vì mùa hè cây tràm tiết ra nhựa thấm xuống mặt đất, chờ khi ẩm ướt, có mưa giông thì nấm sẽ mọc.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Đây là loại nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến. Người dân trên Đảo đã kết hợp một cách hoài hòa giữa nấm tràm Phú Quốc với hải sản tươi trên đảo như mực, tôm, hào bao … tạo ra món canh nấm tràm tuyệt hảo, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vừa là món ăn bổ dưỡng cho mọi gia đình.

Điều đặc biệt đối với những người mới ăn loại nấm này là sau khi ăn xong, bạn uống nước vào sẽ có cảm giác đắng miệng. Đây là 1 điểm đặc biệt của nấm tràm.

Để bớt vị đắng này, khi gọt nấm tràm xong thì ngâm trong nước muối khoảng 30 phút và luộc nấm bằng nước sôi. Nhưng nếu những người thích vị đắng thì chỉ cần rửa sạch không cần gọt bên ngoài nấm, để nguyên phần trên của tai nấm và không cần luộc.

Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Bạn nhớ lưu ý với bạn khi ăn canh nấm tràm Phú Quốc sau khi chế biến rồi bạn không nên hâm nóng lại, khi hâm nóng lại sẽ ăn không tốt.

Du lịch suối Tranh Phú Quốc

Từ trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, đi theo đường 30 Tháng 4 hướng về Hàm Ninh, khoảng 10 km là đến khu du lịch suối Tranh.

Du lịch suối Tranh Phú Quốc

Suối Tranh dài 15km, bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, do các dòng nước nhỏ hợp thành, len lỏi qua các khe đá, rừng cây thác ghềnh, tạo nên vẻ đẹp mỹ miều như một bức tranh, đó là lý do mà con suối này có tên gọi là suối Tranh.

Du lịch suối Tranh Phú Quốc

Suối Tranh đẹp nhất vào mùa mưa. Từ chân suối, du khách đi theo đường lát đá lên nguồn 300m để khám phá thiên nhiên kỳ bí, tắm suối, thác hay có thể cắm trại, câu và nướng cá, thưởng thức tại chỗ rất thú vị. Có đọan suối chảy qua các ghềnh đá tạo nên những con thác mềm mại, trắng xóa trong màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá.

Du lịch suối Tranh Phú Quốc

Suối Tranh được bao bọc bởi cây cối xanh tươi, dọc hai bên bờ suối cây cối um tùm, nhiều thân cây màu xanh xám do được phủ một lớp rêu mềm mại, nhiều thân cây lại sặc sỡ do có những cây phong lan hoa vàng, hoa đỏ bám vào,… Nước suối mát lạnh, trong vắt, nhiều đoạn suối chảy hiền hòa, êm đềm, nhưng có những đoạn, khi chảy qua các ghềnh đá, thì dữ dội, tạo nên những dòng thác trắng xóa. Tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Du lịch suối Tranh Phú Quốc

Đến đây bạn có đắm mình trong dòng nước trong vắt, mát lạnh, ngả mình trên những tảng đá phủ kín rêu xanh nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu thánh thót trong bầu không khí thoảng hương hoa rừng. Để chuyến đi thêm phần thú vị, du khách có thể leo núi khám phá những hang động kỳ bí, trong đó có hang Dơi nằm ở độ cao 200m, hang sâu 50m với nhiều thạch đẹp và lạ mắt.

Giá vé vào cổng mỗi người tại khu du lịch suối Tranh là 3.000đ/người.

Thi hài dưới mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực là ai?

Bất chấp phản đối của hậu duệ anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực và cán bộ hưu trí, gần 30 năm tỉnh Kiên Giang vẫn cho rằng thi hài trong mộ chính là hài cốt của cụ Nguyễn.

Ly kỳ việc tìm hài cốt cụ Nguyễn

Ngày 27-10-1868 (tức 12-9 âm lịch), cụ Nguyễn bị quân Pháp bắt và chém đầu tại chợ Rạch Giá. Về thi thể của cụ được nhiều người cho rằng Pháp đã bêu đầu ông giữa chợ để thị uy nhưng đến đêm có người cướp mất. Cho đến nay, không có tài liệu nào xác định thi thể cụ Nguyễn được chôn ở đâu. Theo giả thiết, thi thể cụ được chôn nơi kín đáo, bí mật vì sợ người dân khai quật hài cốt của cụ để làm biểu tượng tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Có ý kiến rằng Pháp chôn hài cốt của cụ Nguyễn trong dinh Tham biện, cho đóng cọc và xiềng xích chung quanh. Lại có nhận định, cụ Nguyễn được chôn trong khuôn viên tòa bố (dinh tỉnh trưởng) thời đó có ngôi mộ bao bọc dây xích chung quanh. Tuy nhiên, có người xác định đây là mộ của một viên trung úy hải quân Pháp, dây xích vòng quanh là dây trang trí và trong đó có cả một mũi neo bằng sắt.

Khoảng năm 1970-1971, tỉnh trưởng Kiên Giang ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Tài đã cho đúc tượng đồng cụ Nguyễn dựng trước Nhà lồng chợ Rạch Giá. Ông đã từng treo giải thưởng, ai tìm thấy hài cốt của cụ để an táng sẽ được thưởng 1 triệu đồng và 1 vé du lịch Singapore nhưng không có kết quả. Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm, đến năm 1986, qua sự khai quật của nhà văn Sơn Nam, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên tòa bố cũ và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ cụ Nguyễn ở thị xã Rạch Giá. Từ đó đến nay, những ngày lễ, giỗ, hàng ngàn người đến cúng bái tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Bị chặt đầu nhưng còn nguyên xương đốt cổ

Tháng 4-1986, theo sự chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, Bảo tàng Kiên Giang tổ chức khai quật ngôi mộ dưới gốc một cây đa trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang được cho là nơi chôn xác cụ Nguyễn. Bảo tàng Kiên Giang đã mời ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành động vật học và nhân chủng học tại TPHCM tham gia giám định hài cốt. Nội dung chính biên bản khai quật của bảo tàng ghi nhận xét của ông Lê Trung Khá (không có chữ ký của ông Khá và ghi sai họ thành Nguyễn Trung Khá): “Xương tộc Việt, đàn ông. Người cao khoảng 1,60m, người này khoảng 50 tuổi, bộ xương này đã chôn trên 100 năm. 7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên. Người này ăn trầu, có vẻ nghèo vì mộ bằng đất, ván hàng gỗ tạp và không có vật lễ mang theo”. Thật hết sức bất ngờ, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém đầu khi ông mới 30 tuổi nhưng xương cổ, xương hàm còn nguyên (?!).

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Khương Ninh, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn và một số cán bộ lão thành lẫn cán bộ đương nhiệm ở Kiên Giang đã phản biện cho rằng đó không phải là hài cốt của cụ. Một trong những người phản ứng mạnh mẽ việc vội vã xác định ngôi mộ và hài cốt của cụ Nguyễn là ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nay đã mất) và con trai là Nguyễn Tiến Dũng (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang). Sau 30-4-1975, ông Thanh được cấp nhà trong khuôn viên dinh tham biện cũ của Pháp và ngôi mộ được khai quật nằm sát cạnh ngôi nhà của ông đã có văn bản gởi lãnh đạo tỉnh, không chỉ với tư cách một lãnh đạo địa phương mà còn với tình cảm của người ngưỡng mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Trong văn bản, ông Thanh viết: “Khi rõ lại (xem lại) ngôi mộ kế nhà tôi, tôi phản đối vì ngôi mộ này trước khai quật tôi có đến xem, là ngôi mộ hòm rương cây danh mộc tốt, có đầu, mình tay chân đủ, chôn cất đàng hoàng. Hỏi bà con lão thành người ta nói là một người tay sai làm nhà dol Tây có công, khi chết nó có chính sách chôn cất đàng hoàng”.

Ông Ninh đã cất công truy tìm tài liệu, phát hiện đến hai biên bản giám định hết sức sơ sài và có nhiều khuất tất.  Biên bản thứ nhất phân nội dung của ông Lê Trung Khá ghi tuổi của xương khai quật được là 50 tuổi. Thế nhưng biên bản thứ hai, tuổi được sửa còn 40. Biên bản được sửa là bản sao bằng giấy than màu xanh của bản chính. Theo lời ông Nguyễn Khương Ninh, ông đã đến TPHCM tìm gặp ông Lê Trung Khá. Ông Khá khẳng định, hai biên bản của Bảo tàng Kiên Giang lập không ghi đúng nội dung giám định của ông. Chính tay ông Khá đã viết hai biên bản giám định, một bản do ông giữ, còn một bản giao cho ông Dương Văn Truyện (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang).

Ông Khá xác định nội dung giám định là: “7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên, chứng tỏ người chết không bị chém đầu, còn nhiều chiếc răng bị mòn vẹt dính chất vôi, chứng tỏ người chết cao niên và có ăn trầu”. Ông Khá xác định bộ hài cốt này không phải của cụ Nguyễn Trung Trực. Còn biên bản giám định hài cốt do ông giữ đã được đưa vào lưu trữ tại TPHCM.

Ngoài ông Thanh, ông Ninh kịch liệt phản đối việc nhận thi hài người khác cho rằng của cụ Nguyễn, các nhân sĩ tên tuổi như giáo sư bác sĩ Trần Cửu Kiến cũng lên tiếng góp ý. Ngay thực tế khách quan của bộ hài cốt là bằng chứng hiển nhiên không có đặc thù của thân thế cụ Nguyễn bị chết chém năm 30 tuổi nhưng xương của hài cốt đã 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Ngôi mộ bằng đá, chạm khắc hoa văn, có bia chữ Hán. Lẽ nào người Pháp lại ưu ái quý trọng cụ Nguyễn đến mức xây mộ đá khắc bia nằm ngay trong dinh tỉnh trưởng? Chính Thống Đốc Nam Kỳ đã bác bỏ đề nghị của Huỳnh Công Tấn xin tha cho cụ Nguyễn vì lý do “người này đã giết quá nhiều binh lính và sĩ quan Pháp”.

Chủ tỉnh Kiên Giang là Arnoux (có người ghi là Reneoul), biết đọc chữ Hán, khi đi dự lễ kỳ yên ở đình Vĩnh Thanh Vân nhìn thấy bài vị cụ Nguyễn thờ trong đình đã hầm hầm bỏ về làm hương chức hội tế Rạch Giá sợ xanh mặt. Bên cạnh đó, thi hài vị Anh hùng dân tộc nhưng được khẳng định bằng biên bản chung chung, phản khoa học. Đáng tiếc, tỉnh Kiên Giang vẫn không xem xét trả lời trước công luận, liệu có xứng đáng với sự hy sinh của bậc tiền nhân?

Theo Công an TP.HCM

Món ăn vừa ngon vừa lạ từ nấm mối

Nấm mối là một đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho con người. Do mọc trong tự nhiên nên nấm mối sạch, không độc, rất thơm ngon và bổ dưỡng. Nấm mối xào mướp hương vừa dễ chế biến vừa có vị ngọt tự nhiên ngon miệng. Cháo nấm mối nóng hổi cho những buổi chiều chuyển mưa.

Do mọc trong tự nhiên nên nấm mối sạch, không độc, rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Nấm mối xào mướp hương

Nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa và ức chế sự sinh trưởng của các virus. Từ giữa tháng 4-7 âm lịch hằng năm, khắp vùng miệt vườn Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh dẫn lên các khu đồn điền cao su, cây ăn trái Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, dọc dài các tỉnh Tây Nguyên đến tận miền cao Việt Bắc, nơi nào có gò mối đùn đất, nơi đó có thể tìm thấy nấm mối đâm chồi, sinh sôi từ meo nấm do nước miếng mối chúa kết hợp với vi sinh thực vật ươm mầm.

Nấm mối xào mướp hương

heo kinh nghiệm của người dân, nấm mối nhanh mọc cũng chóng tàn, vì vậy, để hái được những cây nấm mối còn nguyên, chưa nở xòe ra thì phải đi lúc trời chưa kịp sáng (khoảng 3-4h).

Nấm mối ăn mềm nhưng không bở, có vị thơm, ngọt ngon giống thịt gà nên còn có tên gọi khác là “kê nhục”. Nấm mối thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh, xào, để khô dùng nấu các món ăn chay…

Nấm mối xào không đã ngon, khi kết hợp với các nguyên liệu khác hương vị thơm ngon lại tăng lên gấp bội. Chỉ cần một ít nấm mối thêm một quả mướp hương là bạn đã có món xào ngon miệng cho bữa cơm gia đình.

Nấm mối sau khi hái về được rửa sạch, cái lớn chẻ đôi, ngâm vào nước muối pha loãng trong vài phút, rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo là đã sử dụng được.

Cháo nấm mối nóng hổi

Thứ nấm không trồng được nên nhiều khi có tiền cũng khó mà mua. Nấm mối được xem là đặc sản quý, hiếm. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon

Cháo nấm mối nóng hổi

Với những ngày mưa gió, món cháo nấm mối bốc khói chắc chắn là món ăn ngon miệng mà bạn không thể bỏ qua. Chế biến món cháo này không mất nhiều thời gian, nhưng bạn phải biết cách sơ chế nấm. Theo kinh nghiệm của người dân, để cháo có vị ngọt và thơm ngon như thịt gà, bạn không nên dùng dao thái nấm mà nên dùng tay xé. Nấm sau khi rửa sạch, dùng tay xé thành từng sợi vừa ăn. Phi thơm hành, cho nấm vào xào sơ qua với một ít gia vị cho thấm.

Đợi nồi cháo nở bung, cho nấm đã xào vào nấu sôi lại, nêm gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc cháo ra bát, rắc lên trên ít hành ngò, tiêu và dùng khi còn nóng. Cháo nấm mối hấp dẫn người ăn vì vị ngọt tự nhiên của nó, dù không cần nước hầm xương, bột ngọt, hay đường mà vị ngọt thanh đến lạ lùng. Nó còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt, nhuận trường rất hiệu quả.

Ngoài ra, với hương vị đặng trưng mà các loại nấm khác không có được, lại dễ chế biến, nên người miền Tây có các món ăn đặc sản từ nấm mối.

Lạ miệng với trái giấm nấu canh chua cá

[vanhoamientay.com] Vị chua thanh đặc trưng của trái giấm tạo nên một hương vị rất riêng và lạ miệng cho món canh chua cá lóc đã quá đỗi quen thuộc.

Cây giấm, còn gọi bụp giấm hay cẩm thanh là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển.

Với không ít người, cây giấm còn là loại “hoa kiểng” trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.

Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch

Nguyên liệu nấu món ăn gồm có rau muống, thơm, đậu bắp và trái giấm. Cá lóc để nấu canh muốn ngon phải là loại cá lóc đồng, tuy nhiên, ngày nay thì rất hiếm, đa phần là cá lóc nuôi nên thịt không được ngọt và chắc. Lựa những con cá lóc còn sống, to khoảng bằng cổ tay là được. Làm sạch cá, cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào nấu mềm.

Nêm gia vị cho nước dùng có vị chua thanh đậm đà là được. Tiếp đến cho cá lóc vào nấu chín. Khi nước sôi lại, cho tiếp các loại rau vào, nêm lại gia vị và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên bề mặt một ít hành lá, ngò om thái nhỏ cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm. Ăn canh chua cá lóc nấu trái giấm không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất.

Trong những ngày trời nắng nóng, vị chua thanh của món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho gia đình. Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua cá nấu trái giấm thơm lừng.

Theo vnexpress

Rừng tràm Trà Sư, nét đẹp mùa nước nổi An Giang

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát , Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, rừng tràm Trà Sư được xem là biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây .Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng.

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà.

Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút, dọc bên đường là những đầm sen và hàng cây xanh mát. Vé đi thuyền ở rừng tràm khá rẻ, theo nhóm 3-5 người một thuyền có giá khoảng 50.000-60.000 một người cho 2 tiếng tham quan. Thuyền máy đôi tôm rẽ nước đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Thi thoảng, khi bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng hay điên điển bên bờ, bạn cũng có thể yêu cầu lái thuyền dừng máy để thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng nơi những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước. Trên thuyền được trang bị cả nón lá để chụp ảnh hay tránh “bom” của những chú chim trong rừng, khỏa nước theo giọng nói chuyện chầm chậm của cô lái thuyền.

Bạn có thể với tay chạm vào những tấm bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp bầu trời rồi bay về tổ.

Sau khi chuyển lại về thuyền máy, bạn được đưa tới Vọng gác quan sát, nơi có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng rộng bao la. Vì đi vào mùa mưa tháng 10, 11, đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp những cơn mưa bóng mây trong rừng, ào ào rồi chợt tạnh.

Sau khi khám phá rừng tràm, bạn nên ghé qua các địa điểm du lịch khác của An Giang như đền bà Chúa Xứ, khu du lịch núi Cấm… hay dừng chân thưởng thức nước thốt nốt bên đường và mua về làm quà.

Băng Tâm tổng hợp

Bánh Tét Lá Cẩm

[vanhoanmientay] Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!