Có thể bạn quan tâm

Chiêm ngưỡng vườn quốc gia Tràm Chim giữa mùa chim về

[vanhoamientay.com]  Cánh rừng tràm ngút ngàn tầm mắt, những đồng cỏ xanh mướt giữa mênh mông sông nước, những đàn chim chao nghiêng trên mặt hồ hay vẻ đẹp kiêu kỳ của Sếu Đầu Đỏ là những ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi đến thăm Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp). 

Từ Sài Gòn men theo quốc lộ 1A khoảng 400km hoặc bắt xe buýt từ thành phố Cao Lãnh xuống Thanh Bình là bạn có thể đến Vườn Quốc Gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).

Chỉ mất vài phút đăng kí tại trung tâm du lịch của Vườn Quốc Gia, những chiếc tắc ráng (một loại xuồng máy đặc trưng của miền Tây) sẽ đưa bạn bước vào miền đất đặc biệt của vùng sông nước. Ngay khi tắc ráng xuất phát, những đồng cỏ năng, cỏ ống, sen trắng, sen hồng sẽ xuất hiện trước mắt bạn.

Gió mát, không khí trong lành, mùi hương cây cỏ và âm thanh rộn ràng của các loài chim sẽ đánh thức giác quan ngay cả những du khách khó tính nhất.

Tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim, không khó để bắt gặp nhiều loài chim như cò ma, còng cọc, diệc lửa, bìm bịp, chiền chiện. Gần 200 loài chim với nhiều giống loài quý như te vàng, gà đãy, choi choi,… tạo nên khúc giao hưởng rộn ràng của Vườn Quốc Gia trong mùa chim về (từ tháng giêng đến tháng 6).

Cảnh tượng kỳ thú và đặc sắc nhất ở Tràm Chim có lẽ là “vũ điệu ngày hè” của những chú sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm sắp tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Một trong những lí do khiến mật độ cá thể của loài chim này ngày càng giảm là diện tích môi trường cư ngụ bị thu hẹp, không còn nguồn thức ăn cho sếu.

Nhiều năm qua, bằng những nỗ lực triển khai dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học” do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Coca-Cola phối hợp thực hiện, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi… Qua đó, duy trì môi trường đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đồng thời cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên.

Cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực được tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc Gia như: bắt cá, hái rau, bông súng, điên điển hay tham gia chèo thuyền, làm hướng dẫn viên du lịch… để tăng thêm thu nhập hàng ngày.

Được gọi là một “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”, Vườn Quốc Gia Tràm Chim vẫn giữ được nét hoang sơ với hệ sinh thái phong phú, mực nước và thảm thực vật được phục hồi… là điều kiện thích hợp để bảo tồn nhiều loài chim quý hiếm, đồng thời phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Theo VTC News

Cách làm bánh tằm bì ngọt béo

[vanhoamientay.com] Có lẽ chính do sợi bột gạo se lại bằng tay và luộc chín nhìn như con tằm, ăn cùng với bì nên bánh có tên là bánh tằm bì. Người ăn món này đầu tiên đều cảm thấy sửng sốt vì món ăn vừa mặn lại vừa ngọt. Ngọt bởi nước cốt dừa và mặn vì nước mắm chua ngọt chan kèm.

Nếu mảnh đất Cố Đô nổi tiếng với món chè bột lọc bọc heo quay thì đất Bạc Liêu cũng làm lạ lẫm người ăn với vị ngọt kết hợp vị mằn mặn của món bánh tằm. Cách làm món bánh tằm bì này cũng không khó lắm, cùng thực hiện nhé

Nguyên liệu:

– 400g bột gạo, 100g bột năng.

– 200g dừa nạo, nước mắm, đường, hành lá, muối, hạt nêm, xà lách, dưa leo, rau thơm.

Cách làm bánh tằm bì:

– Trộn chung bột mì và bột năng, thêm 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa hạt nêm, cho nước sôi vào rồi nhồi đến khi bột dẻo, không dính tay là được.

– Chia bột thành những viên tròn nhỏ, cán mỏng, thái thành sợi vừa ăn. Sau đó vo tròn sợi bánh tằm. Đun nước sôi, cho bột vào luộc chín. Vớt ra xả lại với nước lạnh, để ráo nước, trộn với một ít dầu cho sợi bánh không dính vào nhau.

– Bì trộn thính mua loại làm sẵn. Thịt heo nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái sợi.

– Làm nước cốt dừa:

Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt dừa vào nồi nấu lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào với nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

– Làm nước mắm: Hòa tan nước mắm, nước dừa tươi cùng một ít đường, đun sôi, nếm thử thấy vừa ăn là được. Để nguội, cho tỏi ớt giã nhuyễn vào, vắt thêm tí chanh là hoàn tất.

Nếu bạn thích thì ăn kèm với một viên xíu mại nữa nhé. Một đĩa tằm bì hoàn chỉnh sẽ có dưa leo, xà lách, giá, rau thơm… lót dưới cùng, sau đó tới đám bánh tằm trắng phau, phía trên là một lớp bì và thịt nạc heo, nhúm đậu phộng rang, mấy sợi đồ chua gồm củ cải, cà rốt cùng với chút xanh của hành lá phi với dầu tô điểm cho dĩa bánh sinh động và bắt mắt.

Những sợi bánh làm bằng bột gạo và bột năng được se một cách thủ công, không khuôn, sợi bánh trắng đụt, to tạo độ “xừn xựt” khi nhai, bì giòn mền nước cốt dừa béo ngậy. Bì là công phu nên mùi thơm vương vấn chân răng. Vị chua ngọt, cai mặn của nước mắm và mùi thơm của cách loại rau xanh, dưa leo bằm nhuyễn tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên, miễn ăn là ghiền.

Theo Vnexpress

Rừng tràm Trà Sư, nét đẹp mùa nước nổi An Giang

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát , Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, rừng tràm Trà Sư được xem là biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây .Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng.

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà.

Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút, dọc bên đường là những đầm sen và hàng cây xanh mát. Vé đi thuyền ở rừng tràm khá rẻ, theo nhóm 3-5 người một thuyền có giá khoảng 50.000-60.000 một người cho 2 tiếng tham quan. Thuyền máy đôi tôm rẽ nước đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Thi thoảng, khi bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng hay điên điển bên bờ, bạn cũng có thể yêu cầu lái thuyền dừng máy để thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng nơi những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước. Trên thuyền được trang bị cả nón lá để chụp ảnh hay tránh “bom” của những chú chim trong rừng, khỏa nước theo giọng nói chuyện chầm chậm của cô lái thuyền.

Bạn có thể với tay chạm vào những tấm bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp bầu trời rồi bay về tổ.

Sau khi chuyển lại về thuyền máy, bạn được đưa tới Vọng gác quan sát, nơi có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng rộng bao la. Vì đi vào mùa mưa tháng 10, 11, đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp những cơn mưa bóng mây trong rừng, ào ào rồi chợt tạnh.

Sau khi khám phá rừng tràm, bạn nên ghé qua các địa điểm du lịch khác của An Giang như đền bà Chúa Xứ, khu du lịch núi Cấm… hay dừng chân thưởng thức nước thốt nốt bên đường và mua về làm quà.

Băng Tâm tổng hợp

Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp

Món khô vũ nữ chân dài ăn là ghiền

[vanhoamientay.com] Vùng Bảy Núi, An Giang không những nổi tiếng với lễ hội chọi Trâu hàng năm, mà nay vùng đất này còn được biết đến nhiều hơn với một loại khô khác độc đáo, khô vũ nữ chân dài.

Khô vũ nữ chân dài là cái tên mỹ miều của của khô nhái, Làng làm khô nhái ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên – An Giang.

Để có được món độc “vũ nữ chân dài” mà các quán nhậu hay gọi, người dân ở vùng này đã soi nhái ngoài đồng đến tận khuya. Người đi soi nhái thường là thanh niên vì chỉ có thanh niên mới nhanh tay, lẹ mắt và bắt thật chín xác từng con nhái trong đêm khuya hun hút.

Nhái cơm có quanh năm ở vùng đồng ruộng miền Tây, nên khô nhái cũng được sản xuất quanh năm. Nhờ khéo tay lại chế biến tinh tế nên không bao lâu, khô nhái miệt này trở thành món ngon nổi tiếng ở miền Tây. Nhái cơm con nhỏ, sau khi lột da, phơi khô chỉ còn bằng ngón tay. Do thơm ngon nên dân nhậu đã tặng cho loài khô này những cái tên khá mỹ miều  vũ nữ chân dài hay kiều nữ đại gia.

Để làm món khô mà ăn ăn cũng ghiền này, sau khi làm sạch nhái, chế biến bằng các gia vị và đem phơi 2 nắng mới có thể sử dụng được, nếu trời không nắng thì phải sấy bằng lò.

Với cái tên gọi thú vị cùng hương vị đậm đà, món khô nhái đang dần trở thành món ăn đậm chất miền Tây được ưa thích.

Người soi nhái chỉ cần bộ đồ nghề gồm: chiếc bình ắc quy, đèn soi, rọng sắt, cái chụp là có thể kiếm được 10 kg nhái một đêm hè; khoảng 4kg một đêm mùa đông.

Bình quân cứ 4 ký nhái tươi sẽ cho một ký khô. Giá nhái khô hiện khoảng  540.000 đồng/kg, còn vào dịp Tết lên đến 650.000 – 700.000 đồng/kg mà không có hàng để bán.

Khô nhái rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món “lai rai” hấp dẫn, ít có món khô nào qua mặt được. Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt, vừa thơm ngon, ngọt dịu, vừa cay cay, mằn mặn, béo, giòn, mùi vị rất đặc trưng. Đúng là món khô vũ nữ chân dài này ăn à ghiền.

Băng Tâm tổng hợp

Bánh Khọt – Món ăn đậm vị miền Tây

Bánh khọt là một loại bánh làm từ bột gạo khá phổ biến ở miền tây, là món ăn ngon hấp dẫn được nhiều người yêu thích.

Bánh khọt mang đậm hương vị miền Tây

Bánh khọt là loại bánh có từ lâu đời, có mặt ở khắp đất nước, thế nhưng mỗi vùng lại có cách làm bánh khọt khác nhau, mang đậm hương vị của từng vùng.

Bánh khọt có hình tròn giống như bánh bèo, nhưng làm chín bằng cách chiên trong khuôn có dầu tương tự bánh xèo. Công đoạn pha bột là vô cùng quan trọng vì nước nhiều bột sẽ dễ vỡ trong quá trình chiên, nếu thiếu nước bánh sẽ bị cứng không còn độ dai.

Sau đây là cách làm bánh khọt mang đậm hương vị miền tây của người Cần Thơ:

Nguyên liệu:

– Bột gạo: 1kg
– Bột nghệ: 100gr
– Thịt nạc xay: 400gr
– Tôm tươi: 300gr
– Trứng vịt: 3 quả
– Dừa nạo: 500gr
– Đậu xanh hấp chín: 300gr
– Cà rốt, củ cải trắng: mỗi loại 1 củ
– Hành lá, hành tây, hành tím
– Tiêu, đường, muối, bột ngọt
– Chanh, ớt, nước mắm
– Rau sống: cải xanh, xà lách, rau sống, rau thơm cá.

Bánh khọt chuẩn miền Tây

Cách làm bánh khọt chuẩn miền tây:

* Sơ chế:

+ Khuôn bánh khọt nếu mới mua về thì nên xử lý qua bằng cách cho khuôn lên bếp để nóng, thoa dầu ăn xung quanh khuôn liên tục 5-10 phút, nhờ thế khi đổ bột bánh thì bột sẽ không bị dính trong khuôn. Sử dụng ít vải mùng quấn quanh chiếc đũa dùng để thoa dầu ăn mỗi khi đỗ bánh.

Nguyên liệu sơ chế bánh khọt

+ 500gr dừa nạo vắt lấy nước cốt 500ml (1/5 cho vào hỗn hợp nhân, 4/5 còn lại cho vào bột bánh). Tôm tươi làm sạch cắt hạt lựu hoặc khoanh tròn.
+ Cà rốt và của cái trắng cắt sợi mỏng, bóp với ít muối, rửa sạch, vắt cho ráo. Đậu xanh để vỏ hay bỏ vỏ tùy ý thích, đem luộc vừa chín. Hành tây cắt hạt lựu. Hành tím thái mỏng. Hành lá xắt khúc nữa phân.

* Các bước thực hiện:

 Bước 1:

Trộn bột bánh bèo, hành lá, trứng, 400ml nước cốt dừa vào trong nước ấm. Khuấy đều để bột không bị vón cục, để nguyên bột nghĩ khoảng 15 phút.

Bước 2:

Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, phi thơm hành tím, sau đó cho thịt nạc dăm, tôm tươi, đậu xanh hấp chín tới, hành tây vào xào sơ qua, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho thêm nước cốt dừa, trộn đều.

Bước 3:

Đặt khuôn bánh lên bếp, tráng dầu ăn vào từng khuôn sau đó đổ bột vào, cho nhân vào giữa rồi đậy nắp vung lại.
Khi thấy bánh trở vàng, nhân màu nâu đỏ, hành lá trong mỡ dầu bám vào tạo thành màu vàng xanh thì bánh chín, nhanh tay lấy bánh ra khỏi khuôn.

cach_lam_banh_khot_thumnail_5c73ba493d

Bước 4:

Bánh Khọt cũng không thể thiếu đồ ăn kèm và nước chấm. Món ăn kèm với bánh Khọt tùy từng địa phương mà khác nhau: có nơi là dưa leo muối, có nơi là rau thơm, xà lách…
Nước chấm trong món bánh Khọt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hương vị. Cái này tùy vào từng người pha chế và cũng tạo nên đặc trưng riêng cho từng quán ăn.

Làm nước chấm giã nhuyễn tỏi, ớt, đỗ đường vào nước và khuấy đường cho tan hết. Cho thêm nước cốt chanh, nước mắm, tỏi, ớt vào khuấy đều.
Bánh Khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai. Còn tôm lột và hành lá làm tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho món bánh.

Cắn miếng bánh Khọt vàng ươm, cảm nhận hương vị bột gạo nguyên chất, thấy cái béo ngậy của dầu mỡ thấm lên vỏ bánh, mùi hành lá, vị đậm đà của tôm lột,

Không gì tuyệt bằng thưởng thức món bánh Khọt, trong buổi chiều với cơn gió nhè nhẹ mang vị dân dã của miền Tây.


Cháo nhộng ong, đậm đà hương vị thôn quê

[vanhoamientay.com] Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất, vị béo ngọt của nhộng ong, với vị béo ngậy của nước cốt dừa không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời, đôi khi có tiền cũng không thể mua được.

Những ai từng ở thôn quê, từng bắt gặp tổ ong vò vẽ chắc không quên về những trò tinh nghịch của mình lúc nhỏ. Cái tính phá phách của trẻ con khi gặp tổ ong vò vẽ là muốn chọc phá trong sự hồi hộp lẫn thích thú hay chạy theo chân Cha đi đốt tổ ong mang về nấu cháo khuya. Và chắc cũng không ít người bị ong chích đau, để mà nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ của mình. Khi lớn khôn, dù có đi đâu cũng luôn nhớ về đất đai quê nhà. Nhớ loài ong chích rất đau,  nhớ nồi cháo nhộng ong khuya quá ngọt ngào.

Ở miệt vườn hoặc ở những khu rừng có nhiều loài ong như ong vàng, ong bắp cày… nhưng nhắc đến ong vò vẽ thì nhiều người tỏ ra khá “ngán” vì loại ong này dữ và khá độc. Tuy vậy, nhộng con của ong vò vẽ rất ngon và bổ dưỡng, nhất là cháo nhộng ong vò vẽ.

Nhộng ong gần giống như nhộng tầm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa, đây là món ăn thường chỉ xuất hiện khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 vì đây là thời gian ong làm tỗ.

Phát hiện tổ ong vò vẽ, người ta quan sát độ lớn của tổ ong để ước chừng có bao nhiêu tầng chứa ong non, quyết định lúc nào lấy tổ cho thích hợp.

Người thợ chuẩn bị cây rọi dài bằng cây tre hay cây tầm vong còn tươi để khi đốt có độ nghiêng, tránh ong rớt ngay trên đầu. Đầu cây rọi quấn giẽ khô tẩm dầu lửa hoặc xăng được buộc một cách chắc chắn vì đốt tổ ong phải kéo dài từ 5-7 phút. Người thợ đốt tổ ong cho ong thợ bị cháy cánh rớt xuống hoặc bay đi hết mới gỡ tổ ong, lấy nhộng mang về.

Đem tổ ong về bẻ ra từng giề để lấy nhộng và ong non. Những con nhộng non thường phủ một lớp mày khá dẽo. Khi gở hết lớp mày này là lúc thích nhất vì đây là thời khắc biết nhộng nhiều ít thế nào. Những con nhộng no tròn, mập ú và béo nhậy, đem nấu cháo thì ngon tuyệt.

Có đến 4 loại nhộng ong gồm nhộng thật non, nhộng trưởng thành, nhộng đã có chân thành hình một chú ong nhưng vẫn trắng và nhộng có màu vàng ngà. 4 loại nhộng này đều ăn được, nhưng nhộng thật non trong bụng còn một khúc ruột đen, người ta phải đem trụn nước sôi cho phần sữa trong bụng săn lại. Sau đó, ngắt đít nhộng kéo phần ruột đen ra ngoài.

Không những ngon bỗ mà món cháo này còn ngon ở một ý nghĩa khác đó chính không khí sum hợp gia đình, nấu món cháo nhộng ong này thường vào ban đêm, mỗi người một việc thật vui. Người làm ong, người nấu cháo, người nạo dừa.

Nước cốt đầu để riêng, chờ khi nấu xong nồi cháo mới đổ vào. Còn nước cốt dão cho vào nấu chung với gạo và chờ cho cháo thật nhừ. Nhộng ong đã làm sạch chỉ cần phi hành cho thơm và xào xơ, nêm thêm bột ngọt, một ít nước mắm ngon là cho vào nồi cháo. Lúc này người ta mới cho nước cốt đầu vào, tiêu, hành lá xác nhuyễn và mêm nếm lại là xong.

Muốn cho bữa cháo ong vò vẽ ngon miệng hơn người ta chừa lại một phần nhộng ong để xào với gốc hành. Món này ăn chung với cháo và làm như thế mới thưởng thức được hương vị nguyên bản nhất của nhộng ong vò vẽ.

Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất và ai ai cũng thích, cháo ăn cùng rau cải trời, rau má hái trong vườn, một chén nước mắm non dầm ớt. Những người thợ đốt ong sau khi trải qua giai đoạn mệt nhọc, húp chén cháo nhộng nóng hổi, béo béo thật sảng khoái. Vị béo ngọt của nhộng ong cộng với vị béo ngậy của nước cốt dừa đặc trưng không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời. Những chén cháo nhộng ong vò vẽ ngon, bổ dưỡng rất riêng chỉ có ở miệt vườn, món ăn của ông cha từ thời kỳ khai hoang, đôi khi người có tiền cũng không mua được.

 Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!