Có thể bạn quan tâm

Vị đắng của gỏi Sầu Đâu

“Mấy cây Sầu Đâu

Ngoại thường ra hái lá,

Trộn gỏi đắng mà

Nghe ngọt lạ bờ môi

Giờ ngoại của tôi

Chân run run tóc bạc lưng còng,

Mấy cây Sầu Đâu đã già xơ xác lá,

Ngoại vẫn kiếm tìm

Xin cho được Sầu Đâu.”

Hình ảnh lá sầu đâu đã trở nên quen thuộc với những người con của vùng đất Nam Bộ, với người yêu những câu hát dân ca. Lá sầu đâu không chỉ làm lưu luyến người nghe trong những câu hát, mà vị đắng của lá còn làm vươn vấn biết bao người yêu ẩm thực vùng đất An Giang.

Lá sầu đâu

Ở miền Nam, cây sầu đâu còn gọi là cây xoan, nhưng khác với cây xoan ở miền Bắc và miền Trung. Nếu cây xoan mọc ở 2 miền này có hoa màu tím, lá có độc không ăn được thì cây xoan ở miền Nam có hoa màu trắng, lá có vị đắng, là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, ngủ ngon, đau nhức khớp…

Cây sầu đâu mọc nhiều ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên của An Giang, nếu có dịp ghé thăm vùng đất này của miền Tây bạn nhớ thưởng thức món gỏi sầu đâu nhé, vị đắng đặc trưng của món gỏi này sẽ làm luyến lưu thực khách đấy.

Cách chế biến món gỏi sầu đâu

Món gỏi này được chế biến khá đơn giản. Lá non và hoa sầu đâu sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước.

Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng.

Khô cá lóc hay khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ.

Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay.

Cho thêm vào một ít rau thơm, ngò rí và đậu phộng.

Chế biến món gỏi sầu đâu

Cách làm nước chấm

Nước chấm của món này là nước mắm me chua ngọt được chế biến khá công phu,

Đun me với ít nước đẻ lộc lấy nước chua, pha thêm nước mắm, ít đường, tỏi ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

Khi thưởng thức món này, người chưa quen sẽ thấy… sợ vì vị đắng của lá sầu đâu, nhưng nếm đủ vị đắng, cay, mặn, chua, ngọt của đĩa gỏi hoàn chỉnh sẽ thấy thú vị.

Gỏi sầu đâu hoặc lá sầu đâu có thể dùng kèm với cơm nóng hoặc ăn kèm với bún cá lóc, mắm thái, cá linh. Càng thú vị hơn nữa nếu có thêm một ly rượu bên cạnh đĩa gỏi sầu đâu, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”.

Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Đã từ lâu, hình ảnh những chiếc bánh tráng – bánh phồng ở làng nghề nổi tiếng của huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã khá quen thuộc với du khách gần xa, chiếc bánh mộc mạc ấy đã dâng tặng cho đời những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê. Để khi lúc đi xa, mỗi khi ăn những chiếc bánh ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được những niềm nhớ thương dạt dào của quê hương xứ sở.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy du khách đã đến với huyện Giồng Trôm, xã Mỹ Thạnh, nơi mà có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng bao đời nay vẫn tồn tại, giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay để tạo ra cho đời những chiếc bánh quê mộc mạc. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được hong dưới cái nắng mặt trời, trước sân nhà của những hộ dân nơi làng nghề là một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

Mùi thơm của bánh tỏa ra khiến người lữ khách say nhừ như cách người ta vẫn thường ví với những người say men, nhưng đó là sự say của hương thơm ngào ngạt của loại bánh mộc mạc ở xứ dừa. Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.

Người dân ở đây rất chân chất và hiếu khách, vừa ngỏ ý vào thăm thì mọi người đã vui vẻ nhận lời, trò chuyện với cô Hồng- một thợ làm bánh có trên 25 năm tuổi nghề cô cho biết: “Làng nghề truyền thống làm bánh tráng này đã có từ lâu lắm rồi, nghe ông bà xưa kể lại chắc cũng cả trăm năm tuổi, qua bao thế hệ, gia đình tôi cũng gắn bó với nghề này, nó như một phần không thể thiếu trong gia đình tôi, lớn lên thì nối nghiệp, nghề sinh nghề là vậy, làm bánh không chỉ có thêm thu nhập mà làm bánh còn là một thú vui tao nhã, gia đình tôi quyết tâm giữ gìn không cho nghề này mai một theo thời gian”.

Nồng nàn hương vị bánh tráng Mỹ Lồng

 Muốn có chiếc bánh tráng Mỹ Lồng thật ngon thì khâu chọn và pha bột rất quan trọng, và thứ bột đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn phải là gạo thơm vừa, nở nang, không được quá khô. Các nguyên liệu khác như: Đường, muối, mè cũng được cân định lượng cho đúng, nhưng với người thợ lành nghề, chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay là không sai li nào, nhưng bí quyết chính thống có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Theo người dân ở đây thì cái khác rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với bánh vùng khác là bánh được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…

Đây là đặc sản với nhiều loại bánh tráng khác nhau như: Bánh tráng sữa trứng gà, bánh ngang chỉ có dừa không sữa, bánh tráng sữa không dừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nhưng ngon nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, đặt lên lò than hồng đã tỏa hương thơm lừng làm ngất ngây lòng người.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi mà từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Lúc trước, nghề làm bánh phồng của người dân ở đây còn tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu làm bánh phồng để phục vụ cho các lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ Tết, hoặc để biếu người thân, bạn bè để làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến việc loại bánh phồng nếp này lại nổi tiểng cho tới bây giờ.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Khi người ta mua loại bánh phồng nếp này về ăn thử, thấy ngon với hương vị rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, qua nhiều kênh thông tin khác nhau du khách các nơi mới biết ở Giồng Trôm có một loại đặc sản độc đáo như vậy, kể từ đó bánh phồng Sơn Đốc ngày càng được biết đến và vươn xa trong suốt chặng đường phát triển của làng nghề, bánh phồng Sơn Đốc đi khắp nơi trong nước kể cả nước ngoài, và tên tuổi trở thành thương hiệu hàng trăm năm nay.

Có lẽ làm bánh phồng còn cực hơn bánh tráng, bánh phồng được làm bằng loại nếp sáp, là giống nếp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp đồ thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác như đường cát, nước cốt dừa…Đến làng nghề buổi sáng, chúng ta dễ dàng nhận biết nhà ai sẽ làm bánh phồng bằng cách nghe tiếng chày giã bột rộn rã. Đây cũng là công đoạn mệt nhất khi làm bánh phồng. Ngày xưa, công việc giã bột thường là công việc của đàn ông, thanh niên, hiện nay, khâu quết bánh phồng đã đỡ vất vả hơn nhờ có máy, giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh.

Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là cả một kỳ công. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, ai cũng mong nắng tốt để công đoạn phơi bánh đỡ vất vả hơn, bánh sẽ ngon hơn. Bánh phồng Sơn Đốc khi nướng nở to gấp 3-4 lần so với trước khi đem nướng, bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng chín thơm, xốp, ngon miệng. Hiện nay, ngoài loại bánh phồng nếp còn có bánh phồng mì, bánh phồng chuối để tạo nên sự đa dạng cho các loại bánh. Làm bánh tráng, bánh phồng thường thì theo mùa vụ, đặc biệt là những tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân ở làng nghề phải thức thâu đêm. Từ năm 2007, bánh phồng Sơn Đốc được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là đòn bẩy làng nghề phát triển trong tương lai.

Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc ấy của người làm bánh. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn.

Nghĩa tình chiếc bánh phồng Sơn Đốc

Hàng năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đóng góp hàng tỉ đồng trong GDP tỉnh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề Bến Tre nói chung, làng nghề huyện Giồng Trôm nói riêng. Hiện nay, cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là du khách quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm nhằm giới thiệu những nét độc đáo của làng nghề.

Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án “Phát triển kinh doanh cho người lao động ở nông thôn” hỗ trợ công nghệ cho người dân ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc, nâng thời gian bảo quản bánh từ ba tháng lên sáu tháng, trang bị ống đo độ đậm đặc của bột trước khi tráng bánh, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn vay,…để đầu tư mua trang thiết bị, máy móc như: cối xay bột, máy nạo dừa, ép dừa, cối quết bánh, máy cán bánh phồng…nhằm nâng cao nâng suất lao động, tiết kiệm thời gian, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ngon lạ với bún Suông, Trà Vinh

[vanhoamientay.com] Ai từng ghé Trà Vinh sẽ có cơ hội thường thức món bún dân dã – bún suông, 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á

Bún suông còn được gọi là bún đuông, bún này có xuất xứ từ Trà Vinh, Suông cũng như một dạng chả tôm (được gọi là suông tôm), có người thì mang hấp, có người thì đem chiên, vừa tươi ngon vừa mềm mịn được tạo hình như một con đuông. Sự hấp dẫn của món ăn này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh, nước lèo phải dùng xương heo để nấu, nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt, vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

 Để làm suông tôm, tôm lột bỏ vỏ, đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn, thêm một ít hạt tiêu cho chả tôm thơm ngon. Sau đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để “nặn” suông như ngón tay út và thả vào chảo dầu nóng hay là nồi nước sôi. Khi suông nổi lên và vàng ươm, là suông đã chín.

Tạo hình của cọng suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh,  có màu đỏ gạch của tôm.

Theo như một chủ quán chia sẻ, thì ở Trà Vinh chỉ còn vài điểm bán loại bún này , và chỉ bán một buổi chứ không thể bán cả ngày vì công đoạn làm suông tôm rất công phu và mất nhiều thời gian.

Tô bún suông gồm một ít nạc heo, một ít giò heo và suông tôm, món ăn này ăn kèm bắp cải trắng bào sợi, giá và hành ngò. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3 (bán vào buổi sáng) hoặc quán bún suông Diệu trong chợ Bến Thành. (theo Ngoisao)

Bún Suông Trà vinh được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập, công nhận là 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2014

Tự hào biết mấy về ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn bình dị, dân dã nhất  trở thành đặt sản vùng miền, rồi được ghi tên trên những trang vàng của ẩm thực thế giới. Hãy cùng vanhoamientay.com quản bá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam nhé.

 Băng Tâm tổng hợp

Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Lúc hưng thịnh, chiếu Cà Mau ngược xuôi khắp mọi miền đất nước và từng xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Campuchia. Chiếu Cà Mau được nhiều người ưa chuộng bởi cách dệt thủ công truyền thống rất bền đẹp. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau đang ngày càng teo tóp lại.

  • Nỗi niềm bị lãng quên

Có lẽ trong chúng ta – người dân Nam bộ – không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca xuất sắc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu – chiếu Cà Mau!

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu?

Theo những người cố cựu trong nghề thì ở Cà Mau, nghề dệt chiếu từng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương: Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), nhưng nổi tiếng nhất là chiếu lẫy của Tân Thành, TP Cà Mau.

Chiếu lẫy là những chiếc chiếu dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang một ý nghĩa nhất định nào đó, có thể là chim muông, hoa lá… được người mua đặt để dành cho những dịp đặc biệt trang trí giường ngủ cho đôi uyên ương ngày cưới, tặng bạn bè, người thân. Để có được những đôi chiếu lẫy, người làng chiếu trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm qua.

Với sự khéo léo và sức sáng tạo tuyệt vời, người dệt chiếu đã lẫy những sợi lác có màu sắc khác nhau tạo nên hàng trăm mẫu mã như: hình rồng phụng dành cho đám cưới, chiếu có câu đối chúc may mắn vào dịp lễ, tết, hình chim muông, thắng cảnh, sông nước, núi non… Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng trên thị trường. Chiếu Cà Mau từng cùng với chiếc xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến với người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau ngày càng teo tóp lại. Xã Tân Thành, nơi có làng chiếu một thời vang bóng hiện cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Người làm nghề dệt chiếu ở đây chỉ còn dệt khi có người đặt trước, bởi nếu dệt sẵn mà không có người mua thì lỗ nặng.

Chị Trần Như Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, nói trong tiếc nuối: “Bây giờ thu nhập chính của người dân là cá chình, cá bống tượng nên hầu như nhà nào cũng cuốc đất lên để làm ao nuôi cá. Một vụ thu hoạch cá có khi còn hơn một năm làm chiếu nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề. Từ đó, diện tích trồng lác của xã ít đi thấy rõ”.

Theo số liệu thống kê của hội phụ nữ xã, hiện Tân Thành chỉ còn không quá 60 gia đình giữ nghề dệt chiếu. Họ bỏ nghề không chỉ vì lợi nhuận từ con cá, con tôm mà còn bởi khó khăn đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu, nguồn lao động tại chỗ.

Chị Phan Mỹ Giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Thành, cho biết, toàn ấp chỉ còn khoảng 14 hộ gia đình dệt chiếu, hầu hết đều là những người lâu năm gắn bó với nghề. Phần lớn những hộ này có ít đất sản xuất hoặc coi dệt chiếu như một nghề phụ để trang trải chi phí đầu tư nuôi cá.

Chị Phan Thị Út, 41 tuổi, dệt chiếu từ thuở nhỏ nhưng giờ cũng không còn theo nghề, tâm sự: “Trước đây tôi dệt một năm trên một trăm đôi chiếu, giá bán mỗi đôi không dưới 200.000 đồng. Giờ đây, do đầu ra không ổn định, hơn nữa con cái lại chọn nghề khác để làm nên nhà không còn người, đành bỏ nghề chuyển hẳn qua nuôi cá”.

Căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi mà chị Út đang ở cũng bắt đầu từ nghề dệt chiếu. Chị luyến tiếc chia sẻ: “Mình cũng muốn giữ nghề lắm nhưng đành chịu. Dệt chiếu đòi hỏi nhiều công lao động, cả gia đình phải trồng lác rồi thu hoạch, phơi, nhuộm, con cái không theo nghề thì biết làm sao. Mướn người làm rất khó, bởi thanh niên bây giờ hầu hết đều lên các tỉnh trên để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân cả”.

  • Làng nghề về đâu?

Không như trước, bây giờ muốn làm chiếu, người dân làng nghề không chỉ bỏ công mà còn phải đầu tư tiền bạc nhiều hơn. Trước đây, lác mọc hoang, muốn làm chiếu thì ra đồng chặt đem về, nhưng hiện tại ruộng hoang không còn nên muốn có lác phải mua. Do khan hiếm nên giá lác cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chị Cao Thị Hồng, ấp 6, cho biết: “Giá một công lác mấy năm trước chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại 4 triệu đồng, có khi người ta còn không thèm bán. Mua lác không có chuyện trả theo kiểu gối đầu hay mua thiếu, phải trả tiền liền, nếu không họ bán cho người khác”.

Chính vì cần có vốn ban đầu để làm chiếu nên hiện không ít hộ gia đình ở làng chiếu Tân Thành gặp khó. Chị Trần Như Thảo cho biết thêm, để làm chiếu mỗi hộ gia đình cần đầu tư ít nhất 3 triệu đồng để mua nguyên liệu như: lác, bố, màu… Những người trong làng nghề cũng được hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.

Một nguyên nhân nữa khiến cho máy dệt chiếu có nguy cơ thành… đồ cổ đó là chất lượng, kiểu dáng chiếu dệt bằng máy không thể sánh bằng chiếu thủ công. Cũng vì người sử dụng không ưa chuộng những chiếc chiếu “thiếu thẩm mỹ” nên sản phẩm do máy dệt chiếu làm ra rất khó tiêu thụ.

Nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, sản phẩm làm ra vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng ngày một tàn lụi. Chị Phan Thị Út cho biết: “Giá chiếu bán ra không hề giảm mà vẫn tăng hàng năm theo giá thị trường. Hiện một đôi chiếu bông có giá từ 250.000 – 300.000 đồng trở lên. Người dệt chiếu vẫn sống được với nghề bởi một gia đình có thể dệt trên trăm đôi chiếu/năm. Tuy nhiên, để sống được với nghề người dân cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng với những chính sách hợp lý, có vậy họ mới yên tâm gắn bó với nghề”.

Được biết, trước đây, xã Tân Thành đã thành lập hợp tác xã dệt chiếu nhưng được một thời gian, hiện hợp tác xã này gần như không còn hoạt động do chia tách địa giới hành chính thành xã Tân Thành và phường Tân Thành.

Trong nỗ lực khôi phục nghề dệt chiếu, hợp tác xã dệt chiếu Tân Thành cũng được Nhà nước đầu tư một máy dệt chiếu hiện đại, nhưng chỉ được sử dụng thời gian đầu còn bây giờ thì xếp đống, nằm một chỗ. Chị Phan Mỹ Giới chia sẻ, máy được đầu tư gần 40 triệu đồng, tuy hoạt động khá tốt, rút ngắn được thời gian dệt nhưng hiện nay đầu ra không có, nguyên liệu lại khan hiếm nên không thể hoạt động được.

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau tồn tại đã bao đời, khôi phục làng nghề truyền thống cũng là tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo SGGP

Về đất công tử Bạc Liêu ăn bánh tằm bì

[vanhoamientay.com] Ngoài món bánh củ cải nổi tiếng thì bánh tằm bì là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất công tử Bạc Liêu.

Hãy bắt đầu một ngày du ngoạn Bạc Liêu bằng món bánh tằm bì độc đáo và lạ miệng của người dân ở đây. Đây là một món ăn dân dã nên bạn có thể thưởng thức món ăn từ gánh hàng rong, quán vỉa hè hoặc trong một ngôi chợ nào đó bất kỳ. Tuy là món ăn phổ biến nhưng hầu như không ai biết món ăn này có từ lúc nào, vì sao có tên gọi đó?… Trong những câu chuyện vui của người dân ở đây, sở dĩ có tên gọi như vậy vì sợi bánh tằm nhìn giống con tằm, ăn với bì nên có tên gọi là bánh tằm bì.

Mặc dù không biết chắc về tên gọi và nguồn gốc nhưng món ăn với sợi bánh làm từ bột gạo, ăn kèm với bì, rau cùng nước cốt dừa… với vị vừa mặn vừa ngọt đã làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách khi lần đầu ăn món này. Tuy là món ăn bình dân, nguyên liệu không có gì đặc biệt nhưng để có được một đĩa bánh tằm bì thơm ngon, béo ngậy đòi hỏi không ít công sức của người bán.

Sợi bánh chính là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Một đĩa bánh tằm bì được đánh giá là ngon khi sợi bánh phải trắng muốt, mềm, dai và không bị đứt đoạn. Để làm được điều đó thì khâu nhồi bột là quan trọng nhất, bột gạo được pha với bột năng theo tỷ lệ nhất định rồi nhồi với nước sôi. Nhồi bột đến lúc bột mềm, mịn, dẻo mà không dính tay là được. Bột được chia thành từng viên nhỏ, dùng tay se viên bột thành những sợi tròn dài. Ngày nay, nhiều nơi bán bánh tằm bì thường cán bột thành từng lát mỏng, rồi thái thành sợi như bánh canh. Cách làm này tuy nhanh nhưng sợi bột sẽ không đẹp và không dai bằng.

Sau khi làm xong, cho sợi bánh vào nồi luộc chín. Xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo. Tiếp đến trộn bánh với ít dầu ăn để những sợi bánh không dính vào nhau. Ngoài sợi bánh thì bì và nước cốt dừa ăn kèm cũng quan trọng không kém. Bì được thái thành từng sợi mỏng đều nhau, trộn với thịt nạc thái sợi và thính gạo vừa giòn vừa bùi.

Nước cốt dừa của món ăn này rất đặc biệt, người bán phải tỉ mỉ pha chế làm sao để nó vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Nước cốt dừa được nấu với lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

Ngoài ra, bánh tằm bì còn có giá chần, mỡ hành cùng dưa leo, các loại rau thơm thái nhỏ, có nơi còn có thêm cà rốt, củ cải thái sợi ngâm chua…. Bánh tằm bì được cho vào một chiếc đĩa, bì cho lên trên, tiếp đến là các loại rau, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho thực khách. Khi ăn món này, thực khách trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng thì có thể chan thêm ít nước mắm ngọt được chủ quán chuẩn bị sẵn.

Tuy chỉ là món ăn sáng dân dã của người dân ở đây nhưng đĩa bánh tằm bì vừa có vị mằn mặn, vừa hơi ngọt được hòa quyện vào nhau một cách rất hài hòa chắc hẳn sẽ là điều bất ngờ và thú vị cho những thực khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn này.

Theo Vnexpress

Làng nghề gốm người Khmer Nam bộ

Điểm đặc sắc trong làng nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh

Đến Tri Tôn, tỉnh An Giang và tận mắt nhìn thấy làng gốm An Thuận của người Khmer, mà tiếng địa phương gọi là sóc Phnom Pi, có nghĩa là vùng đất đồi. Ngoài làm ruộng nước với những kinh nghiệm hàng chục thế kỷ miền sông nước này, người Khmer Nam Bộ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu Thốt Nốt và nhiều nghề lâu đời khác.. nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở Tri Tôn.

Lịch sử địa phương và những phóng sự cách nay hơn một thế kỷ ghi lại: Đến phiên chợ, các địa phương tấp ghe vô bến sông Tri Tôn nhận hàng. Trên bến dưới thuyền, những xe thồ, người gồng gáng chở hàng xuống bến, nồi niêu chất đầy trên các ghe lớn ghe bé. Nghe đâu hàng gốm Tri Tôn không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây mà còn ngược lên Tây Ninh, sang cả Campuchia, đủ sức cạnh tranh với sành sứ truyền thống vốn rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng này. Mặt hàng cũng là những đồ gia dụng quen thuộc như nồi niêu, trã, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói cho những hộ nấu đường thốt nốt. Gốm Tri Tôn có uy tín và ăn khách suốt nhiều thể kỷ, ngoài kỹ thuật “gia truyền”, tạo dáng bắt mắt, thế mạnh chủ yếu ở chất đất và kỹ thuật nung.

Đất làm gốm được khai thác ở dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách ấp An Thuận chừng hai cây số. Đây là một loại đất sét nhuyễn, mịn, màu xám và theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm đây là đất thích hợp nhất cho gốm. Ngoài đất sét Nam Quy, không còn nơi nào trong vùng có đất thích hợp để An Thuận làm gốm. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi chế biến. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô. Trông thì đơn giản thế, nhưng bí quyết gốm Tri Tôn có lẽ nằm ở trong cái đơn giản mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp này đây.
Điểm đặc sắc trong nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh. Sau khi nhào nặn công phu đất, người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt. Thoạt đầu là tạo dáng cơ bản, sau đó chỉnh sửa uốn nắn cân đối hình dạng sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa hình thì dùng bàn in trang trí theo những hoa văn do các nghệ nhân tạo nên. Trong sóc Phnom Pi, hầu như nhà nào cũng nặn nồi, nặn lu, chum vại. Trẻ em đập tơi đất, thanh niên nhào nhuyễn, người kinh nghiệm thì nặn đồ vật. Hầu hết người đang nặn gốm ở trong sân hay sau vườn là phụ nữ. Đó là điều khác với những làng gốm mà tôi đã từng thấy ở những làng gốm phía Bắc. Họ làm chuyên cần, nhẫn nại và đặc biệt là rất ít nói. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng bồm bộp, đắp vỗ vào eo bình của những bàn tay. Còn những ngón tay sần sùi gân guốc thì dẻo quánh xoa vuốt , lướt quanh miệng bình. Những cái vò cái lu đựng nước, không có hình mẫu nào mà hình dáng cứ hiện dần lên, đều tăm tắp. Bốn năm người phụ nữ lặng lễ đắp đất, chuốt eo, nắn miệng bình và bốn năm cái chum như trong một cái khuôn đúc ra. Hỏi bà con về kinh nghiệm. Họ chỉ cười, “mình không biết nói đâu”.

Sau khi hoàn thiện hình dáng, chuốt bóng mặt ngoài và in xong hoa văn, gốm mộc được đem phơi kỹ qua nhiều ngày nắng nỏ rồi mới đưa vào nung. Người Khmer không xây lò. Hàng mộc được xếp lớp lớp trên sân hoặc khu đất phẳng trong vườn nhà , chất rơm đều trên bề mặt, nung cho đến “độ chín” rồi mới qua giai đoạn ủ. Nếu theo quy trình công nghệ, mỗi giai đoạn được tính bằng giờ, lò nung được kiểm tra nhiệt độ, nhưng với người Tri Tôn, tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Khi đã qua ủ, gốm hiện lên màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Hàng thành phẩm không cần mang đi bán xa. Các thương lái đã quen đường, quen chủ. Họ đến từng sân từng vườn và thường là mua cả lố, chuyên chở ra bến sông, xếp lên ghe. Từng ghe nặng nề nối đuôi nhau rời bến, đến với các chợ miền Tây lục tỉnh. Xét về giá trị kinh tế, ngày nay nghề làm gốm Tri Tôn thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác. Cũng có một số người trong sóc chuyển nghề và một số nữa thì vẫn theo đuổi nghề xưa như một thói quen yêu nghề và muốn giữ lại nét truyền thống của Tổ Tiên. Gần đây có một số chuyên gia văn hoá và lịch sử nước ngoài, số đông là người Nhật đã tìm về Tri Tôn để nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề lâu đời này. Bảo tàng văn hoá-dân tộc học của Trung ương và một số địa phương đã sưu tầm và nghiên cứu nghề gốm của người Khmer Nam Bộ, của người Chăm và một số dân tộc anh em khác, coi đây không chỉ là một nghề sinh sống mà là một trong những di sản văn hoá đặc sắc và lâu đời bậc nhất của dân tộc.

Theo mekongdeltaexplorer

Lúc nhúc rắn, lổm ngổm cua và bạt ngàn chuột… tại chợ miền Tây

Vào mùa lũ, ở miền Tây xuất hiện những khu chợ chuyên bán đặc sản săn bắt được nhờ nước lên, như lươn, rắn, rùa, chuột, ốc, cua… Khi lũ rút, những chợ này cũng vắng khách dần người ta gọi là chợ miền Tây.

Rắn được bán tại rất nhiều nơi ở miền Tây, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất là các chợ vùng biên giới An Giang. Anh Nguyên Văn Tuấn, chủ cơ sở thu mua rắn ở chợ Khánh An, huyện An Phú (An Giang) cho biết, cứ từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là cơ sở anh tăng cường nhân công để mua, bán mặt hàng này.

Bà Lương Thị Của, hơn 5 năm trong nghề kinh doanh rắn ở chợ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An phú – An Giang thì cho biết, mặt hàng này chưa bao giờ vắng khách mua. Hiện mỗi ngày bà bán đến vài trăm kg rắn cho thương lái ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Giá cao nhất là rắn ri voi với 550.000 đồng/kg, các loại khác như rắn trun là 150.000 đồng /kg, hổ ngựa 200.000 đồng/kg, rắn bông súng 110.000 đồng/kg…

Năm nay ngoài những loại thông thường còn có cả loại rắn lục đuôi đỏ (loại cực độc, thường tấn công người dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây) được người dân Campuchia mang qua bán để phục vụ ngâm rượu và làm thuốc cho nam giới, với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/con tùy trọng lượng.

Rắn mối cũng khá đắt hàng với giá bán từ 80.000 -90.000 đồng/kg. Loài này phần lớn được nhập từ Campuchia với số lượng rất lớn mỗi ngày.

Mùa lũ cũng là mùa nhiều điểm bán rùa mọc lên. Các loại rùa quý hiếm cũng có mặt tại chợ, với giá bán từ 280.000 đến 350.000 đồng/kg, nhưng phần nhiều khách hàng là các nhà hàng, quán ăn lớn.

Bà Ngô Phương Mai, bán rùa tại chợ Khánh An, cho biết, cứ vào mùa nước nổi là bà sang Campuchia mua rùa về bán, vì loài này trong nước giờ rất hiếm. Giá rùa mùa lũ thường rẻ bằng một nửa so với các tháng khô.

Chuột đồng ở miền Tây có quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung trong mùa lũ, do đồng ruộng ngập nước, chuột phải chạy lên các gò cao, thuận tiện cho việc săn bắt. Chợ Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Mỗi ngày nơi đây cung cấp hàng chục tấn chuột đồng cho các quán nhậu ở ĐBSCL và TP.HCM.

Giá chuột trong mùa nước nổi vì thế cũng rẻ hơn, chuột sống từ 45.000 đến 55.000 đồng/kg, chuột làm sạch 90.000 đến 120.000 đồng/kg.

Chợ cua đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp được xem là chợ cua lớn nhất miền Tây. Vào thời điểm này, mỗi ngày nơi đây tập kết hơn 100 tấn cua lớn nhỏ để vận chuyển lên TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực

Giá cua mùa lũ loại thấp nhất chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Anh Trương Nguyễn Cảnh, ở huyện Tân Hưng – Long An, cho biết, mỗi ngày anh đặt 400 cái lợp (dụng cụ bắt cua) bắt trên 150 kg cua rồi chuyển về chợ bán sỉ cho thương lái.

Chợ ốc đồng ở thị trấn Long Bình – An Giang cũng là nơi mua bán ốc lớn nhất miền Tây, mỗi ngày nơi đây thu mua và bán sỉ hàng chục tấn ốc cho nhu cầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Chợ cá linh non mùa lũ ở huyện An Phú, dù họp dã chiến nhưng chính là nơi thu mua cá linh lớn nhất để phân phối đi các nơi. Hàng ngày, ngoài ngư dân miền Tây còn có nhiều ngư dân Campuchia mang cá sang bán.

Cùng với các chợ rùa rắn, côn trùng, thủy hải sản, nhiều nhóm chợ nhỏ mua, bán sỉ các mặt hàng rau, hoa thủy sinh trong mùa lũ như bông súng, điên điển cũng được lập ở ven bến sông các vùng biên giới An Giang và Đồng Tháp.

Ở tất cả các chợ lẻ, mùa này bông điên điển là loại chiếm số lượng lớn nhất tại các quầy rau củ, với giá khoảng 40.000 đồng/kg

Theo Baomoi
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!