Có thể bạn quan tâm

Du lịch đồng sen Tháp Mười

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng”

[vanhoamientay.com] Điểm hấp dẫn của khu du lịch Đồng sen Tháp Mười chính là đến đây du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí êm dịu, thuần khiết được mang đến từ hương, sắc, vị của những cánh đồng sen bao la, bát ngát.

Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh 39km. Từ thành phố Cao Lãnh, theo đường Hồ Chí Minh về hướng thị trấn Mỹ An, qua cầu Mỹ An rẽ trái khoảng 8km là đến. Giữa cuộc sống hiện đại ồn ào và tất bật, đôi khi người ta chỉ muốn tạm gác tất cả để về với nơi thanh bình, dân dã. Khu du lịch Đồng Sen – Tháp Mười là một sự lựa chọn vô cùng thích hợp.

Mọi người có thể trải nghiệm một ngày làm nông dân khi tự mình chống xuồng để hái sen, câu cá giữa không gian bạt ngàn trải dài hàng chục hecta. Nơi đây còn có phong cảnh nên thơ, hữu tình giúp du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên người thân, gia đình và bạn bè.

Khu sinh thái Đồng Sen Tháp Mười có sự bố trí đơn giản mà tinh tế, nguyên vẹn với sự tự nhiên vốn có của nó. Du khách sẽ ngỡ mình đang ở một vùng đất Sen Hồng thuở sơ khai, cách biệt với thế giới hiện đại ô nhiễm, tất bật, xô bồ ngoài kia. Điều đó làm cho người ta có thể trở nên bình tâm hơn và trút hết những muộn phiền, lo âu trong cuộc sống.

Không chỉ được ngắm sen, du khách còn được thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị từ sen như: cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen… và những đặc sản miền sông nước khác như:Canh chua cá linh bông điên điển, thịt chuột đồng nướng, cua đồng rang me, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, lẩu mắm,… Các món ăn đều được chế biến theo phương pháp và hương vị truyền thống đặc trưng của người Miền Tây.

Bên cạnh dịch vụ ẩm thực, du khách còn được thỏa thích tham quan, chụp ảnh, câu cá. Khách tham quan sẽ được tiếp xúc, giao lưu với nhiều con người miền Tây chân chất, vô cùng hiền hòa, mến khách nơi đây.

Theo Báo Đồng Tháp

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Khi những thửa ruộng còn trơ gốc rạ cũng là lúc chuột đồng đã no lúa, béo tốt và chắc thịt. Mùa này đi về miền Tây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều bà con nông dân bài bán chuột. Chuột đồng nướng muối ớt là món nổi bật trong các đặc sản miền Tây được người dân chế biến nhiều sau mùa gặt.

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng miền Tây

Chuột đồng thường sống trong những cánh đồng, ruộng lúa, xuất hiện quanh năm tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi những cánh đồng lúa bắt đầu thu hoạch cũng là lúc bà con nơi đây ra đồng săn chuột vì thời điểm này chuột thường xuất hiện nhiều. Do chỉ chuyên ăn lúa cho nên thịt chuột sạch, béo, chắc và ngọt.

Có nhiều cách bắt chuột. Nếu khi lúa chín nhưng chưa cắt thì người dân sẽ dùng lưới vây, đặt bẫy lồng sau đó dùng dây có treo vỏ lon để tạo ra tiếng động, khiến chuột chạy ra khỏi lúa, rồi kéo cho chuột gom lại bắt. Tuy nhiên, hiện cách săn chuột phổ biến nhất là dùng chó săn để đánh hơi những hang chuột đang sống. Ngoài ra, bà con còn đào hang, bẫy, xiên từ trong ruộng lúa hoặc chỉ cần hun khói vào hang là chuột sẽ đua nhau chạy ra…

Chuột đồng miền Tây

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức, tốn thời gian thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khìa nước dừa, rô ti… món nào cũng béo và ngon miệng.

Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn phổ biến, không thể thiếu trên bàn nhậu và được nhiều người ưa thích.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Chuột làm sạch và rửa lại với muối và gừng một lần nữa để loại bỏ mùi tanh, để ráo, ướp gia vị bao gồm muối, ớt, hạt nêm, ít sả và tỏi băm, để khoảng 30 phút.

Thịt chuột đã thấm gia vị, đem nướng trên lửa than đến khi chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên. Khi nướng, muối sẽ ngấm đều, tạo nên hương vị đậm đà của thịt chuột. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Thịt chuột nướng muối ớt không có mùi lạ mà thơm phức, có vị ngọt, dai chắc như thịt gà và đặc biệt là rất ít mỡ. Khi ăn, xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi, có thể chấm với muối ớt chanh sẽ tăng thêm vị đậm đà cho món ăn. Không cần cầu kỳ, chỉ với muối tiêu thêm chanh ớt là thịt chuột đã đủ dậy lên mùi vị đặc trưng của món nướng. Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế thì chẳng gì bằng nữa.

Chuột đồng là món ăn ngon, song không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhiều người tò mò xen lẫn sợ hãi khi nếm hương vị của món ăn này. Tuy nhiên, hãy thử một lần được trải nghiệm qua món chuột đồng nướng muối ớt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn những dư vị tuyệt vời mà món ăn độc đáo này mang lại.

Lễ hội đua bò vùng Bảy Núi, An Giang

Từ lâu, vùng Bảy Núi (An Giang) thu hút nhiều du khách đến thăm không những vì đặc sản, phong cảnh, mà nơi đây còn được thu hút bỡi một lễ hội truyền thống, đó là lễ hội đua bò được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Ðôn-ta (lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) của đồng bào Khmer Nam Bộ, từ  29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch)

Lễ hội đua bò là một trong những lễ hội lớn mang tính truyền thống của người Khơ-me, mang đậm mầu sắc dân gian, để biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với tổ tiên và công lao của những người đã khuất.

Trong lễ ”Đôn-ta” ngoài tập tục thả thuyền, sau khi đến chùa làm lễ rước vong linh ông bà tổ tiên về cùng chung vui với gia đình, người Khơ-me thường kết những bè chuối để làm thuyền, trên thuyền bày đủ các phẩm vật đã cúng, mỗi thứ một ít, sau đó đem thả xuống dòng nước cạnh nơi ở hoặc ao hồ, sông rạch gần nhà… Cũng vào dịp này, khách đến thăm phúm, sóc sẽ được bà con Khơ-me đón tiếp nồng hậu, tiếp đãi chu đáo. Vì họ quan niệm khách là sứ giả của tổ tiên về thăm gia đình, con cháu…

Người Khơ-me còn tổ chức hội đua bò truyền thống. Từ năm 1990 đến nay, Tết Ðôn-ta và lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang đã được luân phiên tổ chức tại chùa Thamit, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn.

Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số qui định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau… Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Có bò còn được đeo cặp lục lạc vàng rực, rộn ràng những tiếng nhạc vui tai. Những “nài đua bò” được người dân địa phương gọi là người cầm vàm, sẽ điều khiển đôi bò trong cuộc đua. Ðôi bò phải kéo theo chiếc bừa cây và người cầm vàm đứng trên đó điều khiển.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn – cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc. Người cầm vàm của đôi bò thắng cuộc sẽ được mọi người tôn vinh là người cầm vàm bò “can đảm” nhất vùng

Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.

Về đây, không những được xem lễ đua bò vùng Bảy Núi, An Giang mà du khách được ngắm nhìn, thưởng ngoạn cảnh quan vùng sông nước Châu Ðốc, viếng thăm Tây An Cổ Tự và miếu bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Vĩnh Tế.

Băng Tâm tổng hợp

Nón lá, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Nón lá là biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ, đất nước con người Việt Nam.

Nón lá biểu tượng sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam

Trên khắp mảnh đất mang hình chữ S, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá ở bất cứ nơi đâu. Tuỳ vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Nón lá tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Tôi lớn lên tại một miền quê nghèo Nam Bộ, hình ảnh chiếc nón lá – khăn rằn – áo bà ba đã in sâu vào tâm khảm tuổi thơ và trở thành hành trang bước vào đời.
Phải nói rằng khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở thành một liên kết tạo nên biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ… Chính vì thế từ trong thực tế cho đến những làn điệu dân ca, lời thơ, câu văn đều có bóng dáng nón gắn liền với người con gái Việt dịu dàng, gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

Nón lá gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

“Quê hương là cầu tre nhỏ,
Mẹ về nón lá nghiêng che”

Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần, khoảng thế kỉ thứ 13. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng.
Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ đều có thể đội. Nón ra đồng với nông dân, nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự, nón trên đầu những người lao động. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người Việt.
Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam?

Trong đời sống hằng ngày, nón là một đồ dùng rất “thực dụng”.
Nón lá ở nước ta dù có nhiều loại, song nét đặc thù chung là rộng vành để che mưa, che nắng và có mái dốc để thoát nước mưa nhanh. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm…
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận…

Nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài và nón lá

Ngoài điều đó, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo.
Giữa kênh rạch, sông nước chằng chịt miệt vườn Nam Bộ, dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, những sợi tóc mai của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ… khiến ai đó đã phải ngẩn ngơ.

Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ.Trong chiếc nón bài thơ có biểu hiện những nét đẹp của cả một vùng văn hoá, người phụ nữ Huế khi ra đường, trang phục nhất thiết phải là chiếc áo dài và chiếc nón lá để đội đầu. Dù trời sáng sớm hay im mát, chiếc nón như là vật bất ly thân.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động cho mùa màng bội thu, khi trời tắt gió, nón dùng để quạt cho mát, khi lật ngửa, dùng đựng mớ rau mới hái ngoài đồng, ít trái cây, múc nước…
Ngày nay, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng của người Việt trong mắt của bạn bè quốc tế. Nón lá luôn được dành vị trí trong hành lí của các du khách khi đến Việt Nam.

Nón lá vẫn mãi là người bạn của người Việt.

Chiếc nón lá đâu chỉ là vật tiện dụng mà còn là nét đẹp thầm kín của văn hóa Việt, sẽ còn tồn tại mãi dù cuộc sống có đổi thay, hiện đại đến đâu, chiếc nón lá vẫn sẽ mãi là người bạn của người Việt.
Tôi chắc thế.

Chuối nướng mỡ hành dân dã

[vanhoamientay.com] Thế hệ 8x, 9x miền Tây chắc hẳn chưa quên được vị ngọt của chuối cùng với vị béo ngậy nhưng thơm lừng của mỡ hành. Sài Gòn cái gì cũng có nhưng lại thiếu cái vị mằn mặn của món chuối nướng mỡ hành.

Chuối xiêm nướng rồi thoa mỡ hành, một món độc đáo của người dân miền Tây mà những vị khách thân thiết là những cô cậu học trò trên đường đi học về. Vừa trò chuyện, vừa chia nhau những quả chuối nướng thơm lừng, ai đã từng trải qua kỉ niệm tuổi thơ này chắc rằng sẽ không bao giờ quên được.

Sài Gòn món gì cũng có nhưng đôi khi có những thứ rất khó tìm. Nhắc đến những món quà quê, trong lòng những đứa con xa xứ bỗng thấy xốn xang.

 Để làm món chuối này, thoạt nhìn bạn sẽ thấy rất đơn giản, chỉ là chuối nướng và mỡ hành thôi, nhưng không phải vậy nhé. Hãy chọn những trái chuối xiêm vừa chín tới để chuối nướng ngon cần có bí quyết riêng, để cho da chuối có màu đẹp và thẳng khi nướng thì phải lột vỏ và phơi nắng chuối trong vòng 30 phút, sau đó sẽ nướng với than vừa lửa, tránh quá nóng, và trở tay thật đều. Như thế trái chuối sẽ chín từ từ bên trong và rất dẻo.

Xẻ một đường tách phần thân ra làm hai, thoa một tí mỡ hành đã nêm thêm tý muối và tý đường vào tạo độ mằn mặn và ngòn ngọt, cộng với cái béo ngậy của dầu ăn tạo một hương vị rất khác biệt,

Trái chuối nướng ngòn ngọt được chan một xíu mỡ hành vừa mặn của muối, vừa ngọt của đường kết hợp với một chút vị béo của dầu ăn. Nếu ăn nóng ngay khi chuối chín thì không còn gì ngon bằng.

Nếu dạo một vòng Sài Gòn mà vẫn chưa tìm ra món ăn này thì các bạn thử trổ tài xuống bếp thực hiện ngay nhé.

Băng Tâm tổng hợp

Quán bún suông ở Sài Gòn

[vanhoamientay.com] Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3  hoặc quán bún suông trong chợ Bến Thành (bán vào buổi sáng).

Nếu bạn muốn ăn bún suông ở quán có tuổi đời khá lâu ở Sài Gòn thì có thể ghé quán bún suông cô Mai trong chợ Bến Thành. Quán bún suông với tên gọi thân thương “Cô Mai” trong chợ Bến Thành đã tồn tại qua ba thế hệ. Đây cũng là địa chỉ được đông đảo khách sành ăn lui tới.

Bạn cũng có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3. Bạn nêu lưu ý là nhưng quán bún này chỉ bán vào buổi sáng.

Vị bún suông ở đây đã được Sài Gòn Hóa để hợp khẩu vị với nhiều người hơn, chẳng hạn như nước lèo đã bớt mặn mà thêm vào độ ngọt, cũng như thêm con tôm to

Nước lèo bún suông được nấu từ xương heo và nước dừa xiêm, còn con suông độc đáo được biến tấu thêm là tôm quết nhuyễn với một ít cá thác lác để tạo độ dai hơn phiên bản gốc. Nhiều người cho rằng “suông” là cách gọi chệch của đuông vì món chả tôm này tạo hình giống như con đuông dừa.

Tô bún suông ở chợ Bến Thành chỉ gồm có hai con suông và một con tôm. Trông đơn giản như vậy nhưng khi ăn thấy mới thấy đặc biệt bởi con suông còn được chấm với một loại tương tuyệt ngon, đó là chưa kể các loại rau phong phú ăn kèm.

Bún suông tuy không phổ biến ở Sài Gòn nhưng lại vô cùng độc đáo, như một nét riêng trong vô vàn điều thú vị mà chợ Bến Thành đã và đang mang đến cho nhiều thế hệ thực khách.


Các địa điểm du lịch Bến Tre nổi tiếng

Không những nổi tiếng là một xứ sở những vườn dừa, Bến tre còn nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái, nổi tiếng với các địa điểm du lịch như: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa), Cồn Ốc, Cồn Qui, Cồn Tiên,…

Được biết đến là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khí hậu ôn hòa thuận lợi phát triển nông nghiệp lúc nước, đồng thời là vùng đất có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, vú sữa… Hơn thế nữa Bến Tre còn có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Khu du lịch làng bè

Một số địa điểm du lịch có tiếng ở Bến Tre

Du lịch Bến Tre: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa)

Thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là “Xứ giả của hòa bình”, chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre 15km. Đây là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

 Về thăm nơi đây, con dân Việt Nam như sống lại cùng lịch sử hào hùng của dân tộc cha ông xưa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Cồn Ốc cách thị xã Bến Tre khoảng hơn 10km có chiều dài 8,3km, rộng hơn 1km. Đây là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông. Từ một cồn nhỏ, thấp ban đầu, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa và sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trở thành một nguồn lợi đáng kể của dân địa phương từ đó cồn mang tên Cồn Ốc. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, Cồn Ốc mới có người đến khai phá và định cư. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều gia đình ở Cồn Ốc đã nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những ngày đen tối khó khăn nhất. Đến với Cồn Ốc khách du lịch còn được thưởng thức thủy hải sản vùng nước ngọt lợ và các loại hoa quả đặc sản nơi đây.

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Đây là một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi…Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Ở trên sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 23km (đường bộ), 15km (đường sông). Với diện tích 7ha, ven bờ Cồn Tiên gồm đất pha cát, mỗi khi thủy triều xuống lộ ra bãi cát rộng lớn. Hằng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), hàng vạn du khách từ các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, kể cả Sài Gòn đổ về đây tắm lội, vui chơi, thưởng thức trái cây của các nhà vườn trong vùng.

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Vườn cây ăn trái Cái Mơn là một làng quê thuần chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp bao phủ bởi rặng cây xanh nặng trĩu quả ngọt. Làng nghề Cái Mơn là nơi chuyên cung ứng các loại cây giống như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, các loại cây có múi, các loại cây cảnh hình nai, phượng, rồng… Đến với vườn cây ăn trái Cái Mơn là đến với du lịch miệt vườn chính gốc.

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Đây là vùng đất thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm. Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Tại đây, ngày 19/5 hàng năm đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh ngày 1.7.1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định năm 1843. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình chạy về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ). Tại đây ông dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Hàng năm, vào ngày 1/7 là ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Lễ hội 1.7 được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần sôi nổi với những hoạt động như biểu diễn võ thuật, múa lân, đánh trống hội, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, thi nấu mâm cơm ngày giỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ, diễn cải lương, tuồng cổ.

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Ngoài ra Bến Tre có nhiều điểm thú vị để đi du lịch, có biển, có vườn, có nhiều đặc sản trái cây và nhiều di tích văn hóa, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, và các loại hình du lịch miệt vườn sông nước…

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!