Có thể bạn quan tâm

Nhớ món mít non kho xá xị

[vanhoamientay.com] Mít là loại cây ăn quả được trồng phổ biến khắp nước ta. Mít già hay non đều có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các món ngon chế biến từ mít cũng rất dễ thực hiện, trong đó có món mít non kho xá xị nước dừa ăn với cơm nóng rất ngon, một món ăn dân dã đậm đà nhưng lại rất lạ miệng còn được gọi là mít kho tàu.

Ở miền quê, hầu như nhà nào cũng trồng rất nhiều mít chung quanh bờ vườn. Hàng năm, người dân quê nơi đây bắt đầu chế biến các món ăn từ khi quả mít còn non cho đến khi già chín mới thôi. Không hiểu sao họ vẫn cứ thích ăn các món canh được chế biến từ mít như món mít non nấu canh lá lốt, mít xào tôm tép, mít trộn gỏi, mít kho với cá, nhút mít… và “hảo” nhất có lẽ là món mít kho tàu.

Món ăn dân dã này được người dân nơi đây nghĩ ra, chế biến làm ăn thử thấy ngon và truyền miệng nhau phổ biến ra các miền lân cận. Mít kho xá xị quả là một trải nghiệm thật sự thú vị và vô cùng mới lạ cho bữa cơm người Việt.

Món món mít non kho xá xị  vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ, vừa thích hợp ăn mặn và cả ăn chay, nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến đơn giản, đảm bảo sẽ là một món ăn ưa chuộng cho cả gia đình được nhiều người biết đến bởi nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và… quyến rũ nên càng kích thích vị giác.

Làm món mít kho phải có những quả mít xanh còn non, hạt còn mềm, sớ mịn, mít tươi trên cây hái xuống là phải làm liền mới ngon. Mít non rất nhiều mủ, quả mít được gọt vỏ dưới vòi nước chảy, để tránh nhựa dính vào tay và quần áo.

Quả mít non sau khi được gọt vỏ, cắt dọc thành nhiều miếng ngâm nước pha chút muối khoảng 10 phút, rửa lại nước lạnh, sau đó cắt miếng theo sớ dày khoảng 3- 4cm.

Cho dầu vào chảo phi tỏi cho thơm, rồi cho mít vào chiên vàng hai mặt, múc ra rổ tre cho ráo dầu. Xếp mít đã chiên vào nồi. Đổ nước dừa tươi vào ngập xăm xắp cùng với gia vị xá xị, nước tương, muối, bột ngọt… cho vừa khẩu vị, kho với ngọn lửa liu riu, cho đến khi nước dừa rút cạn, mít mềm có màu nâu sẫm là được. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Bên cạnh vị ngọt rất đặc biệt từ mùi hương xá xị thơm nồng “làm mới” món ăn, tạo nên hương vị đặc trưng của nó, trở thành một lựa chọn cho sự “ưa thích” của khẩu vị và “ngũ quan” của mỗi cá nhân để tự khẳng định mình, cùng kết hợp tạo thành một món ăn hấp dẫn, hương vị thơm nức phù hợp thay đổi khẩu vị cho cả gia đình.

Nguồn nguyên liệu lại vừa được hái ở vườn nhà giữa không gian đồng quê pha lẫn mùi thơm của hương mạ non, hương lúa, rơm rạ, mùi thơm dịu nhẹ của hoa nhài, hoa cúc, hoa bưởi… tất cả hòa quyện với nhau thành một hương vị dân dã rất đặc biệt, khó có gì sánh bằng.

Món ăn ngọt thơm thấm thía tinh hoa ẩm thực cứ vấn vương nơi đầu lưỡi đã đem đến cho gia đình sự hấp dẫn độc đáo khi được trải nghiệm những món ngon tuyệt hảo làm cho không khí gia đình càng thêm đầm ấm. Vị ngọt ngọt và bùi bùi của mít hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của xá xị và nước dừa, khiến ăn rất “tốn cơm”.

Có thể nói món mít kho xá xị nước dừa đã trở thành “thương hiệu” riêng, có sức hấp dẫn đến lạ lùng khiến thực khách ghé thăm tò mò muốn khám phá món ăn này. Khi được thưởng thức, thấy ngon thiệt lại đậm đà khẩu vị mới thỏa sự tò mò, khiến thực khách dù chỉ ăn một lần thôi cũng đủ nhớ đời…

Báo Vĩnh Long

Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Nghề đáy hàng khơi

[vanhoamientay.com]Người ta gọi những người đàn ông sống trong những chiếc chòi nhỏ được “máng” trên cột lưới giăng giữa biển khơi là bạn chòi. Vì mưu sinh, người làm nghề bạn chòi luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình.

“Biệt giam” giữa biển

Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền từ 5 hải lý trở ra. Lưới đáy được mắc vào những cây cột to, trên cột “treo” căn chòi “không thể nhỏ hơn” làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, hay còn gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Không chỉ bị tù túng “giống như biệt giam” trong căn chòi “quay mình là đụng vách”, môi trường sống của bạn chòi chứa đựng rất nhiều hiểm nguy.

“Đi biển đừng nói tới tai nạn. Nhất là mấy ông bạn chòi, nói tới rủi ro là người ta sợ…”, ông Nguyễn Thành Tài, ngư dân thị trấn cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân, Cà Mau), dặn tôi không nên gợi lại những chuyện không hay khi ra đáy để anh em bạn chòi yên tâm ở biển. Ông Tài nói, thậm chí mỗi khi có sóng gió bất thường hay xui rủi gặp tai nạn, bị tàu đâm… thì người biết tin cũng giấu bạn chòi. “Bởi kiếm bạn bây giờ khó lắm. Nghề khắt khe quá mà, nên rất nhiều người sợ”, ông Tài tâm sự.

Mạng sống “năm ăn, năm thua”

Nhiều năm nay, thỉnh thoảng lại có tin bạn chòi gặp nạn trên vùng biển Tây Nam, mà chủ yếu là bị rớt xuống biển. Người may mắn thì được cứu nhưng không phải ai cũng được may như vậy, nên dân đi biển nhiều người rất ớn nghề bạn chòi. “Mình đi tàu nếu có chuyện gì còn chạy vào đất liền, cặp vào đảo. Còn sống trên chòi giữa biển có chuyện gì thì lãnh đủ”, Nguyễn Nhật Hiện (40 tuổi, ngư dân xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) rùng mình khi nghe chúng tôi hỏi đến nghề bạn chòi.

 “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Ở đâu có nghề làm ra tiền thì có người làm thôi”, bạn chòi Trần Minh Hơi (38 tuổi, quê Trà Vinh) nói nhanh trong khói thuốc, như đã thủ sẵn câu trả lời khi chúng tôi hỏi đến nghề của anh. Không đợi chúng tôi nhắc, anh Hơi lắc đầu: “Vất vả kiếm cơm thì nhằm nhò gì. Té biển mới sợ chứ…”. Nghe anh Hơi nói, 3 bạn chòi khác cùng phá lên cười. Anh Hơi kể: “Mới tháng trước, mấy ông tàu cá chạy ẩu thế nào tông thẳng vào hàng đáy, có thằng bạn ngủ trên chòi không kịp trở tay, trôi mất!”.

Chuyện bạn chòi Trần Minh Hơi kể không phải là hiếm, nhưng cái cách kể tỉnh rụi của anh khiến người nghe không khỏi chột dạ. Dường như anh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tỏ ra sẵn sàng khi ở trong môi trường hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.

Có quá nhiều lý do dẫn đến những bất trắc ập xuống với bạn chòi, mà giông lốc làm sập chòi là nỗi lo thường trực. Hầu như năm nào cũng có những bạn chòi tử nạn vì chòi sập. Tuy nhiên, lần sập chòi hàng loạt xảy ra hồi tháng 11.2009 là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm nghề đáy hàng khơi ở H.Ngọc Hiển. Chỉ một trận mưa giông đã đánh sập gần 450 miệng đáy của người dân 3 xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc. 67 bạn chòi bị rơi xuống biển. Rất may lúc đó chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã tổ chức tàu tìm kiếm kịp thời cứu vớt được 65 người, đưa vào đất liền.

“Lốc xoáy thì mình còn đề phòng được. Sợ nhất là nửa đêm bị tàu đâm, đang ngủ không phản ứng kịp là chết như chơi”, bạn chòi Huỳnh Quốc Tuấn thổ lộ. Hầu như năm nào trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra những vụ tàu cá, tàu buôn đâm vào đáy hàng khơi. Tuấn kể, thời gian trước, một hàng đáy nằm phía ngoài đảo Hòn Khoai bị tàu buôn đâm vào, các bạn chòi bị hất văng xuống biển. Rất may là có tàu đánh cá gần đó cứu giúp. “Nhiều trường hợp xấu số thì cũng chịu thôi anh à. Như thằng bạn tôi cũng rơi xuống biển mất tích tới giờ…”, anh Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, những chủ đáy hàng khơi thường cập nhật thông tin thời tiết rất kỹ. Nếu dự báo thời tiết xấu thì trong đất liền sẽ có tàu ra đón các bạn chòi vào bờ. “Sóng cấp 4, cấp 5 là chúng tôi cho bạn chòi vô bờ rồi. Tuy nhiên, cũng có những bất trắc mà chủ đáy không lường trước được. Khi tai nạn xảy ra thì mạng sống của bạn chòi là năm ăn năm thua”, ông Tài cho biết.

Thường chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo miệng đáy. Cứ 6 miệng đáy đổ được thì bạn chòi được chia 1 miệng. “Nếu trúng thì cũng được năm, ba trăm ngàn một ngày. Nếu thất thì vợ con trong đất liền phải mượn nợ thôi anh”, bạn chòi Quách Phi nói.

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển) – địa phương có nhiều người dân làm nghề đáy hàng khơi – cho biết gần đây nhờ điều kiện liên lạc tốt hơn như bệnh hoạn, hay biển động, gió lốc… thì ngoài biển cũng thông tin vào để đất liền ứng cứu. “Tuy nhiên, những tai nạn rình rập thì không nói trước được. Mà bạn chòi là nghề dễ bị rình rập nhất”, ông Tiến cũng nói.

Theo Thanh Niên

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Bánh Tét Lá Cẩm

[vanhoanmientay] Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung

Một tên đẹp trai lọt vào mắt vợ tôi

[vanhoamientay.com]

– Tuần trước, một viên cát lọt vào mắt vợ tôi, phải đi bác sĩ gắp ra mất 50 nghìn đồng.

– Nhằm nhò gì.

Người kia đáp.

– Tuần trước nữa, cái váy lọt vào mắt vợ tôi, tôi phải tốn 500 nghìn đồng đấy.

Lúc này sếp đi ngang nghe hai nhân viên nói chuyện liền lên tiếng:

– Dỏng tai lên và đừng có mà than thở, một tên cao 1,85 m, nặng 80 kg lọt vào mắt của vợ tôi, thế là đi tong một nửa gia sản.

st

F Band dùng khăn Piêu làm khố

[vanhoamientay.com] Việc nhóm F Band dùng khăn Piêu làm khố trong đêm bán kết X–Factor đêm 12.10 được các nhà nghiên cứu văn hóa cho là nhố nhăng, còn người Thái lên tiếng họ cần lời xin lỗi

Bán kết X – Factor – Nhân tố bí ẩn diễn ra đêm 12.10 là đêm của những tình khúc vượt thời gian hay những ca khúc mới được trình diễn.

Trong số những tiết mục đêm bán kết, F Band mang đến sân khấu sở trường mash – up các ca khúc với nhau. Đó là chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường: Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku.

Ở tiết mục này, các thành viên F Band đã mặc áo của người Tây Nguyên cho phù hợp với tinh thần bài hát, nhưng điều đáng nói, là họ dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc biến tấu thành chiếc khố đóng ở phía dưới, thay vì sử dụng một chiếc khố đúng trang phục của người Tây Nguyên.

Sự việc này khiến nhiều người thấy phản cảm, đặc biệt là những người Thái ở Tây Bắc hết sức phẫn nộ. Chị Tòng Thị Lan đã chia sẻ trên facebook nỗi bức xúc của mình: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi!!! Khăn Piêu của người Thái không thể trở thành chiếc khố trong một chương trình truyền hình được!”.

Liên hệ với Ông Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam; giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ông cho biết, chiếc ‘khố’ mà các thành viên trong nhóm nhạc đóng thực chất là chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái.

Không thể lai căng bằng cách dùng chiếc khăn đội đầu của dân tộc này biến thể thành chiếc khố của dân tộc khác. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi kết hợp như vậy?’, ông Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.

Câu chuyện quanh chiếc khăn Piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn Piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái.

Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa.

Liên hệ với một nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi, người đã từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, ông bức xúc: Một kênh truyền hình quốc gia, phát sóng một chương trình cho cả nước xem lại biến tấu trang phục một cách nhố nhăng là không thể chấp nhận được.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, người từng có nhiều năm giảng dạy ở vùng Tây Bắc, đã xem trang phục phản cảm này là ‘tối kiến’:

“Chính xác đó là chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc, đưa làm vật trang trí của phục trang nam Tây Nguyên là bất nhã. Hơn nữa, nam Tây Nguyên truyền thống chỉ đóng khố, không hiểu ai đã có ‘tối kiến’ như vậy”.

Về phía công ty sản xuất chương trình X Factor, bà Mai Linh, phụ trách truyền thông chương trình của Cát Tiên Sa cho biết rất bất ngờ khi nhận được ý kiến phản hồi này. Bà Mai Linh hứa sẽ có trao đổi lại với ê kíp sản xuất trước khi có trả lời chính thức báo chí.

Theo VTC News

Bánh lọt nước cốt dừa Cần Thơ

Có những món ăn tưởng chừng rất “quê” đã trở thành món “độc” và khó tìm ở nơi phố thị. Bánh lọt nước cốt dừa là món ăn vặt mà Văn hóa miền Tây muốn nhắc đến… Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng.

Một ngày nắng nóng thưởng thức 1 ly bánh lọt nước cốt dừa thì còn gì ngon bằng

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, có 2 loại bánh lọt mà mẹ vẫn hay làm, bánh lọt mặn thường ăn cùng nước lèo có tôm – thịt giống như bánh canh, còn bánh lọt ngọt thì ăn cùng nước đường và nước cốt dừa. Đất Cần Thơ nổi tiếng có bánh lọt lá cẩm với màu tím lấy từ lá cẩm nhưng xanh lá dứa thì thông dụng hơn.

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon. Nhưng rất ít thấy ai bán ngoài phố. Tưởng chừng như các loại bánh, hay chè truyền thống đã không còn để nhường chổ cho các thứ bánh Tây như donut, su que, tiramisu…

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa đã nổi tiếng là ngon

Không hẳn vậy, vẫn còn những không gian riêng dành cho món bánh ngon lành này, đó là những quán cốc vỉa hè hay trên những chiếc xe đẩy do các dì, các cô từ miền Tây lặn lội lên đây bán vì cuộc sống mưu sinh.

Cũng như bao loại bánh cổ truyền của người Việt, người làm bánh đều mua gạo tẻ về rồi xay lấy bột chứ không phải làm từ bột khô có sẳn ngoài chợ, vì làm từ bột xay nhà sẽ ngon hơn rất nhiều.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa. Nếu bánh có pha quá nhiều bột năng thì sẽ dai và hơi cứng, sợi dày và dài rất thô lại dính chùm. Màu xanh dờn của chất hóa học chứ không xanh rêu như màu tự nhiên của lá dứa.

Bánh lọt đúng vị cổ truyền thì rời từng sợi bánh rời, mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa

Món bánh lọt chỉ đơn giản gồm bánh lọt màu lá dứa, nước cốt dừa trắng thật đặc và béo, nước đường thắng sóng sánh màu vàng mật. Khi ăn sẽ trộn tất cả chung vào một ly thêm nước đá.

Thật ra bánh lọt vốn chỉ có vậy thôi. Nhưng dân Sài Gòn thường có thối quen thêm hay bớt một vài thứ so với nguyên mẫu, nên người bán cho thêm hạt lựu, sương sa và đậu xanh nhuyễn để món ăn thêm thú vị hơn.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!