Có thể bạn quan tâm

Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

[vanhoamientay.com] Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov

Bánh củ cải, món quà quê nơi phố thị

 [vanhoamientay.com] Vị hăng hăng đặc trưng của củ cải hòa cùng cái đậm đà của nhân tôm thịt đem lại cho bạn cảm giác lạ miệng và rất ngon của món bánh củ cải

Bánh củ cải, cái tên còn xa lạ đối với nhiều người dân Sài Gòn nhưng với những người con ở mảnh đất nổi tiếng với câu chuyện về chàng công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng” thì đây là một món ăn bình dị, đơn giản và thân quen. Có nguồn gốc của người Hoa, đơn giản với phần vỏ bánh và nhân tôm thịt bên trong nhưng bánh củ cải là món ăn đặc sản mà ai đã được ăn một lần sẽ không thể nào quên được vị hăng hăng đặc trưng của củ cải.

Nếu có dịp về Bạc Liêu, bạn sẽ thấy bánh củ cải được bán nhiều trong các ngôi chợ. Vỏ bánh được làm từ bột mì và bột củ cải, nhân làm từ tôm thịt. Vỏ bánh được tráng mỏng như bánh ướt, phần nhân cho lên trên và cuốn tròn lại như bánh cuốn, xếp đều lên đĩa, rắc lên trên một ít mỡ hành, bánh được ăn kèm với rau diếp cá, húng quế, xà lách cùng chén nước chấm chua ngọt.

Tuy nhiên, quán đặc sản Bạc Liêu ở Sài Gòn lại chế biến và thưởng thức bánh củ cải theo một cách hoàn toàn khác nhưng vẫn không làm thay đổi hương vị đặc trưng của chiếc bánh. Vỏ bánh cũng được làm từ bột mì pha với với bột củ cải theo một tỷ lệ nhất định, thay vì tráng bột thì người bán ở đây đun chín nước sôi, cho hỗn hợp bột trên vào một cái mâm, chế nước sôi vào và trộn đều, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn.

Phần nhân bánh cũng được làm từ tôm, thịt nhưng có thêm một ít củ cải và cà rốt thái sợi mỏng. Tôm bỏ vỏ, giã hơi dập, trộn đều với thịt nạc heo được băm nhuyễn, xào chín và nêm gia vị vừa ăn. Bột được chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, thêm một ít sợi củ cải và cà rốt, ép kín lại theo hình bán nguyệt rồi đem hấp chín.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Khi ăn bánh, người ta cho vào một ít nước chấm thơm ngon, có vị hơi ngọt đặc trưng được làm từ nước mắm, chanh, đường và tỏi ớt. Thay vì thưởng thức bánh củ cải truyền thống, những chiếc bánh củ cải được hấp chín mang lại cho bạn một cảm giác khác lạ và ngon miệng khi thưởng thức.

Theo Ngoisao

Những bãi biển miền Tây đẹp

[vanhoamientay.com] Miền Tây không nổi tiếng bỡi những bãi biển phẳng lỳ, nước trong xanh mà biển miền Tây nổi tiếng với những nét riêng của mình, người ta thường gọi với cái tên thân thương là “biển miệt vườn’’

Biển Tân Thành, Biển và Nghêu

Bạn muốn bình yên ngắm mặt trời lặng, thong thả dạo bước trên bãi cát dài và mịn trải dài dưới chân, ngắm biển sinh sôi, người nông dân nuôi trồng trên biển thì mời bạn về với biển Tân Thành, Gò Công.

Biển Tân Thành dài hơn 7 km, nằm gần cửa sông nên nước khá đục. Tuy nhiên bạn đừng nên thất vọng vì đây thật sự là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, lớp cát mềm mịn, êm như nhung mà ít nơi nào có được. Mặt biển phẳng như mặt ao, kéo dài hàng cây số. Bạn cứ việc tung tăng trên cát, vọc nước, vọt cát và ngắm những chòi nghêu đang chênh vênh giữa biển.

Tận hưởng không khí mát lành, thư giãn trong không gian yên tĩnh, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của ngư dân, thưởng thức những món đặc sản. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, du khách còn thích thú với việc tự tay xúc nghêu và chế biến món ăn

Từ Mỹ Tho, trên Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 50 khoảng 50kmlà đến Gò Công và đi thêm hơn 10 cây số nữa là đến biển Tân Thành.

Biển Ba Động, Trà Vinh

Tuy được khai thác từ lâu, nhưng biển Ba Động vẫn còn giữ được nét hoang sơ với những đụn cát nhấp nhô, hàng phi lao xanh vút, bãi cát phẳng lì sống động với vỏ ốc nhiều màu sắc.

Tên của bãi biển Ba Động được xuất phát từ những triền cát trắng.  Ngoài ra, Ba Động khác các bãi biển của vùng đất Cửu Long ở những đợt sóng dồn dập. Nơi đây được ví như biển miền Trung với không khí đậm mùi biển, thức những đặc sản là chù ụ, hải sản cùng họ với cua, còng nhưng hình dáng ù lì, chậm chạp hơn, nếu chưa thưởng thức chù ụ xem như chưa đến Ba Động.

Bãi biển Ba Động thuộc xã Trường Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Biển Mũi Nai, Hà Tiên

Vắng và tự nhiên, điều này trở thành một nét riêng quyến rũ những ai muốn về với thiên nhiên. Muốn tận hưởng cảm giác lãng mạn của biển, bạn nên chờ đến buổi chiều. Ngồi trên bãi cát nhìn ánh hoàng hôn xuống dần, im lặng nghe tiếng lao xao của gió vờn trên sóng, của bầy hải âu chao lượn cuối trời mới thấy hết nét thi vị của biển.

Mang đậm đặc trưng của biển miền Tây Nam Bộ, Mũi Nai được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của biển Mũi Nai, rừng Tà Pang, những hòn đảo xa xa trên biển hay ngọn hải đăng trầm mặc. Thưởng thức hải sản tươi ngon, trái cây theo mùa với giá trẻ là một trong những điểm thu hút bước chân của người lữ hành.

Biển Nam Phố, Kiên Giang

Nơi đây còn giữ nguyên những gì của thiên nhiên hoang dã. Cây cối mọc xanh tươi, tự nhiên. Những hàng dừa cao vút hàng chục năm tuổi như những mái tóc dài xõa xuống bờ biển xinh đẹp. Quanh năm, sóng biển chỉ là những đợt lăn tăn, không ồn ào như các vùng biển khác. Người đi biển bảo rằng, đây là vùng biển lành, không đá ngầm, không có vùng nước xoáy. Có những lúc mặt biển phẳng lặng đến mức người ta cứ ngỡ là mặt hồ giữa mùa thu yên ả.

Ở Nam Phố có hai bãi tắm là Hòn Heo và Bãi Ớt, mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên.

Biển Nam Phố thuộc xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Biển Khai Long, Cà Mau

Bãi biển Khai Long nằm phía biển Đông trong khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đứng ở bãi Khai Long, du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Khai Long có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, cường độ sóng không lớn. Khi mặt trời lặn, cả vùng biển rực sáng.

Biển Khải Long sở hữu nước biển trong xanh sẽ khiến du khách ồ lên thích thú. những du khách thích cảm giác mạnh chọn thám hiểm rừng ngập mặn. Việc luồn lách qua những lau sậy, vừa tìm cách thoát khỏi những cành đước khẳng khiu vừa như muốn chạm nhẹ, mang lại cho họ những trải nghiệm hiếm có trong một chuyến du lịch biển.

 Biển Khai Long ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Băng Tâm tổng hợp

Cách làm mứt dừa dẻo ngọt ngày Tết

Mứt dừa – Phải công nhận, mứt dừa là loại mứt rất quen thuộc trong Nam, quen thuộc đến độ khi nhắc đến tên nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Tết, nhớ đến ngay hương vị của món ăn. Đó là vị béo vừa phải của dừa, vị ngọt của đường, sữa, mùi thơm từ vani.

Mứt dừa là loại mứt rất quen thuộc trong Nam

Kể đến chuyện mứt Tết, chẳng ai bỏ quên được mứt dừa thơm bùi, dễ chế biến chiều lòng tất cả mọi người, nhất là những cô nàng hảo ngọt. Có lẽ vì thế mà thời gian gần đây, thay vì mua mứt làm sẵn nhiều người đã tự tay làm món trong dịp Xuân về.
Tuy nhiên, để được món mứt dừa ngon, dẻo và ngọt vừa phải, thì không phải ai cũng có thể làm được.

Cách chọn nguyên liệu làm mứt dừa dẻo, ngọt:

  • Cơm dừa (còn gọi là cùi dừa): 1kg
  • Đường: 500g
  • Sữa đặc: 1 muỗng
  • 1 ống vani
    Để có món mứt ngon, khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng, dừa làm mứt phải là dừa bánh tẻ, tức là cơm dừa không quá già, cũng không quá non. Nếu cơm dừa già sẽ khó nạo mứt lại sẽ khô, còn dừa non quá rất khó sên, hay bị nát. Chọn cơm dừa bánh tẻ, mứt sẽ ngon và dẻo hơn. Bạn có thể quan sát, loại cơm dừa bánh tẻ sẽ có phần vỏ sát bên ngoài màu nâu nhạt. Dùng tay bấm thử vào thấy hơi mềm. Còn cùi dừa đã già thì vỏ sát cùi có màu nâu sẫm và cứng.
com-dua-lam-mut-dua-500x313.jpg
Cách chọn nguyên liệu làm mứt dừa

Dừa sau khi mua về mà lớp vỏ chưa bóc tách thì mẹo này sẽ giúp bạn tách dễ dàng: Cho dừa lên bếp và hơ qua vỏ hoặc cho dừa vào lò nướng 20 phút ở mức nhiệt 110 độ C. Nếu bạn không có nhiều thời gian hoặc chưa có kinh nghiệm bạn có thể mua những quả dừa đã được bóc sẵn vỏ trong siêu thị hay ngoài chợ.
Cách thực hiện làm mứt dừa dẻo, ngọt:
Gọt sạch lớp vỏ sát bên ngoài
Bổ đôi quả dừa ra và bắt đầu bào theo chiều ngang (theo vành ngang vừa cắt) để được sợi dài và mỏng. Sau khi bào xong, bạn nên rửa vài lần và ngâm vào nước sạch trong khoảng 12 – 14 giờ để loại bớt dầu dừa. Tiếp tục vớt cơm dừa ra và rửa với nước sạch thêm 2 – 3 lần cho hết hẳn dầu và để ráo nước. Bạn cũng có thể ngâm cùi dừa vào nước ấm trên 50 độ để khử dầu dừa nhanh và tiết kiệm thời gian.

Trộn thêm đường khi dừa đã ráo nước

Khi cơm dừa đã khô ráo nước, bạn trộn đường vào, để dừa ngấm đường hơn bạn nên ướp qua đêm hoặc chờ đến khi đường tan và thấm hết vào sợi dừa. Lúc đó sợi dừa đã chuyển sang màu trắng trong. Bạn có thể thêm sữa, chỉ cần một chút sữa đủ để làm món này thơm và dậy mùi hơn là được.
Tiếp theo, dùng một cái chảo to, dày, bật lừa thật to để làm nóng chảo trước, khi cảm thấy chảo đã bắt đầu nóng thì đổ hỗn hợp cơm dừa vào, chỉnh lửa nhỏ lại và đảo liên tiếp, sên nhẹ nhàng tránh đứt gãy sợi và khê, vón cục đường. Cho một ít vani vào để mứt được thơm hơn.

sen-mut-dua
Chỉnh lửa nhỏ lại và đảo liên tiếp

Khi thấy có phấn trắng bám lên sợi dừa và sợi dừa dần tách rời nhau bạn cho ít vani để tạo mùi thơm cho món mứt sau đó, bạn tắt bếp và đảo thêm một chút cho nguội hẳn. Sau đó trải mứt ra 1 cái mâm, khi mứt nguội thì cất vào lọ kín để bảo quản.
Thật đơn giản và dễ làm nhưng nó cũng không kém phần công phu để có món mứt dừa ngon và dẻo mà không chỉ trẻ em mà người lớn đều thích. Các bạn hãy thử làm món mứt dừa này vào dịp Tết 2017 này nhé. Ngoài ra, VHMT mách bạn cách tạo màu đơn giản cho món mứt thêm hấp dẫn hơn.

* Cách tạo màu cho mứt dừa:
Thường thì mứt dừa có màu trắng nguyên thuỷ, bạn cũng có thể tạo thêm màu cho mứt hấp dẫn hơn nhất là đối với các bạn nhỏ. Bạn có thể tạo màu đỏ cho mứt từ quả gấc, màu cam từ cà rốt, màu tím từ bắp cải tím…

Cách tạo màu cho mứt dừa

Cách làm tương tự như hướng dẫn trên chỉ cần bạn chú ý vài điểm sau:
Cho phần cơm dừa đã rửa sạch vào nước rau củ và ướp trong khoảng 4-5 tiếng cho dừa ngấm màu. Ở đây chúng ta sẽ bỏ qua công đoạn ướp đường. Cho cơm dừa ướp màu và đường vào thẳng chảo, đun cho đến khi đường tan thì cho dừa vào sên. Lúc đầu để ở mức lửa trung bình, khi nước đường sôi thì hớt bọt nếu có, thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều. Khi nước đường cạn chỉ còn sền sệt thì hạ lửa nhỏ liu riu, lúc này dùng đũa đảo đều liên tục để đường kết tinh bám đều vào dừa. Vậy là bạn đã có món mứt dừa với màu sắc mình yêu thích. Chúc các bạn thành công.

Làng nghề Vĩnh Hựu, làng nghề bó chổi

Làng nghề Vĩnh Hựu, làng nghề bó chổi

Làng nghề Vĩnh Hựu – “Xóm chổi” ngày nào bây giờ đã trở thành làng nghề Vĩnh Hựu thực thụ. Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang nằm dọc theo con kênh Vàm Giồng êm đềm quanh năm rợp mát bóng dừa. Nơi đây có diện tích vườn dừa nhiều nhất của huyện.

Làng nghề Vĩnh Hựu, làng nghề bó chổi

Câu chuyện của Chổi

Nghề bó chổi que dừa ở Vĩnh Hựu đã có từ lâu, thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh.
Lúc đầu người ta dùng cây ráng mọc hoang dại theo mương rạch, dòng kênh và sông cửa Tiểu. Có lúc phải bơi xuồng đến tận vùng giáp biển Tân Thành đem về phơi khô rồi dùng dây lạt dừa nước (dây lạt dừa nước là vỏ của phần dưới thân cây dừa nước chẻ nhỏ, đem phơi), bó thành chổi để quét nhà.
Vì cây ráng là cây mọc hoang nên dần dà nguồn nguyên liệu làm chổi bị hiếm, hơn nữa cây chổi làm từ nguyên liệu này dáng bị thô. Nên người ta hay thế bằng tàu cau.
Trước đây, cây cau được nhà vườn sử dụng triệt để vì ngoài tàu cau dùng làm chổi, thân cau già còn dùng để cất nhà, che trại. Trái cau dùng ăn trầu, không thể thiếu trong các tiệc cưới, hỏi. Cau tươi không sử dụng hết sẽ được tách ra lấy ruột phơi khô bảo quản. Cau khô còn được dùng trong công nghệ nhuộm nên lúc bấy giờ.

Do chiến tranh loạn lạc, vùng Vĩnh Hựu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nên vườn cau điêu tàn, nguồn nguyên liệu cạn kiệt.

Nhiều người không thể bỏ nghề truyền thống, họ dần chuyển qua bó chổi bằng que dừa. Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70.

Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70

Câu chuyện của làng nghề

Nghề bó chổi que dừa ở làng nghề Vĩnh Hựu đã có từ lâu, Theo các cụ cao niên trong xã cho biết, nghề bó chổi đã xuất hiện ở địa phương từ khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX. Thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh.

Tuy không được nhắc đến ồn ào, nhưng cây chổi que dừa của bà con ở làng nghề Vĩnh Hựu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân ở một làng quê nông thôn mới.

Đến các ấp Bình An, Phú Quý, Thạnh Thới, bạn cũng sẽ bắt gặp cảnh các chị em cùng ngồi bên nhau để bó những cây chổi từ que dừa rất nhộn nhịp.
Chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long làm nên “thương hiệu” cho một vùng đất.

Người bó chổi sau khi có nguyên liệu từ que dừa, còn phải sắm thêm dây gân (dây nylon loại dùng câu cá) buộc và vót cây trúc thành những tấm mỏng vừa phải, dày độ 2 mm để bó cặp theo thân chổi cho chắc chắn.
Công đoạn để sản xuất chổi bắt đầu từ làm “mái” – tức bộ phận dùng để quét. Đó là việc kết que dừa lại với nhau và ốp với miếng bẹ dừa, thân trúc đã chẻ đủ độ dài để hình thành sơ bộ hình dáng chiếc chổi. Công việc này đòi hỏi phải khéo tay.

Có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi đã có “mái”, có thể chuyển giao tiếp cho các lao động nhỏ tuổi hơn để làm “cán”. Bấy giờ, với một cây cọc chôn sâu phía trước nối những sợi dây gân và chiếc búa nhỏ để trợ lực, người thợ sẽ chọn những thanh bẹ ngắn hơn, một đầu vót nhọn hình mũi tên để chèn thêm vào thân và cán chổi cho no đầy, rồi buộc chắc lại cho tròn trịa, vừa tay người cầm. Tiếp đó là công đoạn nện cho chặt những thanh bẹ dừa chẻ nhỏ vào thân chổi.

Công đoạn cuối, người thợ sẽ kiểm tra lại toàn bộ các chỗ buộc, chỉnh sửa cho hình dáng cây chổi bung ra đẹp mắt và sẽ cắt bỏ những phần dư thừa, làm chổi gọn và tiện cho người sử dụng.
Nhiều khi, qua công đoạn cắt tỉa này, phần dôi ra có thể tận dụng để làm những chiếc chổi nhỏ hơn, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Bình thường, một người lao động có thể bó được hơn 20 cây chổi, người thâm niên tuổi nghề thì bó rất nhanh và khéo, hơn 30 cây mỗi ngày.

Sản phẩm chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Ở mỗi giai đoạn, người làm ra chổi không ngừng cải tiến và hoàn thiện sao cho vừa đẹp vừa bền, tạo sự tin dùng cho khách hàng.
Gần đây có thêm một sáng kiến mới ở làng nghề Vĩnh Hựu, người ta dùng que dừa pha trộn với que lá dừa nước (lá lợp nhà) để tạo ra cây chổi có độ bền, chắc và tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có ở địa phương.


Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Khi những thửa ruộng còn trơ gốc rạ cũng là lúc chuột đồng đã no lúa, béo tốt và chắc thịt. Mùa này đi về miền Tây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều bà con nông dân bài bán chuột. Chuột đồng nướng muối ớt là món nổi bật trong các đặc sản miền Tây được người dân chế biến nhiều sau mùa gặt.

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng miền Tây

Chuột đồng thường sống trong những cánh đồng, ruộng lúa, xuất hiện quanh năm tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi những cánh đồng lúa bắt đầu thu hoạch cũng là lúc bà con nơi đây ra đồng săn chuột vì thời điểm này chuột thường xuất hiện nhiều. Do chỉ chuyên ăn lúa cho nên thịt chuột sạch, béo, chắc và ngọt.

Có nhiều cách bắt chuột. Nếu khi lúa chín nhưng chưa cắt thì người dân sẽ dùng lưới vây, đặt bẫy lồng sau đó dùng dây có treo vỏ lon để tạo ra tiếng động, khiến chuột chạy ra khỏi lúa, rồi kéo cho chuột gom lại bắt. Tuy nhiên, hiện cách săn chuột phổ biến nhất là dùng chó săn để đánh hơi những hang chuột đang sống. Ngoài ra, bà con còn đào hang, bẫy, xiên từ trong ruộng lúa hoặc chỉ cần hun khói vào hang là chuột sẽ đua nhau chạy ra…

Chuột đồng miền Tây

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức, tốn thời gian thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khìa nước dừa, rô ti… món nào cũng béo và ngon miệng.

Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn phổ biến, không thể thiếu trên bàn nhậu và được nhiều người ưa thích.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Chuột làm sạch và rửa lại với muối và gừng một lần nữa để loại bỏ mùi tanh, để ráo, ướp gia vị bao gồm muối, ớt, hạt nêm, ít sả và tỏi băm, để khoảng 30 phút.

Thịt chuột đã thấm gia vị, đem nướng trên lửa than đến khi chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên. Khi nướng, muối sẽ ngấm đều, tạo nên hương vị đậm đà của thịt chuột. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Thịt chuột nướng muối ớt không có mùi lạ mà thơm phức, có vị ngọt, dai chắc như thịt gà và đặc biệt là rất ít mỡ. Khi ăn, xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi, có thể chấm với muối ớt chanh sẽ tăng thêm vị đậm đà cho món ăn. Không cần cầu kỳ, chỉ với muối tiêu thêm chanh ớt là thịt chuột đã đủ dậy lên mùi vị đặc trưng của món nướng. Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế thì chẳng gì bằng nữa.

Chuột đồng là món ăn ngon, song không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhiều người tò mò xen lẫn sợ hãi khi nếm hương vị của món ăn này. Tuy nhiên, hãy thử một lần được trải nghiệm qua món chuột đồng nướng muối ớt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn những dư vị tuyệt vời mà món ăn độc đáo này mang lại.


Làng hoa kiểng Sa Đéc

[vanhoamientay.com]Làng hoa kiểng Sa Đéc – một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nằm trên địa phận xã Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc, rộng khoảng 60 ha, với 600 hộ – 3.600 lao động chuyên trồng hoa và cây cảnh.

Khi cánh én bay về báo hiệu mùa xuân đã đến, cũng là lúc Làng hoa kiểng Sa Đéc vào hội. Từng đoàn tàu, xe tấp nập đổ về. Đủ các loài hoa, kiểng khoe sắc hối hả theo nhau chảy về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn để khoe sắc, khoe màu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đến với làng hoa Sa Đéc bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”.

Du khách có thể thấy ở đây các loại cây kiểng quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm. Có những loại cây rất bình dị gần gũi với đời sống người lao động như: khế, cau, bùm sụm, sung, si, mai… qua bàn tay khéo léo, cần mẫn, tài hoa, với tâm hồn nghệ sĩ của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quí, có hình dáng đẹp, lạ.

Ở làng hoa này – ngôi làng có 4 mùa xuân, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng được ngắm thỏa thích cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ được khoảng 50 giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng tím sen; hồng phấn; hồng gạch tôm, hồng gạch tôm đậm; hồng trong đỏ ngoài vàng; hồng phớt; hồng cam; hồng trắng; hồng vàng hột gà…

Hoa kiểng không chỉ cho màu sắc, hưng thơm mà còn dùng để trang trí nội thất, tạo cảnh quan cho công viên, cơ quan, công sở, công trình văn hoá, nhà ở. Ngoài ra một số loài có dược tính dùng để chữa bệnh. Làng hoa kiểng Sa Đéc, một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm thoả lòng du khách khi đến với tỉnh Đồng Tháp sen hồng.

Theo Báo Đồng Tháp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!