Có thể bạn quan tâm

Núi Sam An Giang – Điểm thu hút khách du lịch

 [vanhoamientay.com] Cách trung tâm Thành Phố Long Xuyên, An Giang khoảng 60km đi về hướng tây theo Quốc lộ 91 là đến thị xã Châu Đốc, nơi có ngọn núi mà nhiều người biết và muốn đến đó là Núi Sam. Núi có tên Núi Sam vì từ xa ta thấy núi có dáng dấp như một con Sam đeo bám trên cánh đồng xanh mênh mông.

Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên trên biển (lúc biển còn bao phủ toàn vùng), là nơi có nhiều Sam sinh sống nên được gọi là “Học lãnh Sơn” nghĩa là núi con Sam.

 Núi Sam có diện tích khoảng 280 ha, với độ cao vừa phải (241m), đây là loại núi trẻ, có cây xanh bóng mát, mỗi mùa hè đến trên sườn Núi Sam lại được tô điểm rực rỡ một màu đỏ của phượng vĩ, làm Núi Sam càng tươi mát hơn cùng với những hang động kỳ thú. Bên cạnh đó còn có cả một hệ thống kênh rạch bao quanh, cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính trên sườn núi tạo nên một phong cảnh đẹp, hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú.

Vào thời nhà Nguyễn Núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với phong cảnh ấy, nên từ hai thế kỷ trước qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia “Vĩnh Tế Sơn”) thì Núi Sam đẹp như một bức tranh phong thuỷ. Di tích lịch sử và danh thắng Núi Sam đã in dấu trên sách sử từ đó. Từ lâu hình ảnh Núi Sam đã thấm đậm trong tâm hồn người dân An Giang nói riêng và niềm Nam nói chung. Bởi vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá được Bộ Văn Hoá công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ…

Núi Sam còn có nhiều đền chùa am cốc, đặc biệt trong số đó Miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc rất đẹp và tôn nghiêm hàng năm có lễ Vía vào tháng 4 từ sau tết Nguyên Đán, đông đảo khách trong và ngoài nước đến hành hương, cầu phúc lộc và chiêm ngưỡng. Và như thế từ lâu, Núi Sam đã trở thành một trong những nơi hành hương quan trọng của nhiều người dân. Ngày lễ chính, cũng là một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc: đó chính là lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam” được diễn ra hàng năm vào những ngày 23 đến 27/04 âm lịch.

Những truyền thuyết in trên núi đá

Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.

Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá…

Bên cạnh cái hang được gọi là “vương địa” đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù – người có tiếng nói êm dịu – tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh.

Được biết khối đá này đã xuất hiện từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi… Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…

Băng Tâm tổng hợp

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Cháo nhộng ong, đậm đà hương vị thôn quê

[vanhoamientay.com] Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất, vị béo ngọt của nhộng ong, với vị béo ngậy của nước cốt dừa không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời, đôi khi có tiền cũng không thể mua được.

Những ai từng ở thôn quê, từng bắt gặp tổ ong vò vẽ chắc không quên về những trò tinh nghịch của mình lúc nhỏ. Cái tính phá phách của trẻ con khi gặp tổ ong vò vẽ là muốn chọc phá trong sự hồi hộp lẫn thích thú hay chạy theo chân Cha đi đốt tổ ong mang về nấu cháo khuya. Và chắc cũng không ít người bị ong chích đau, để mà nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ của mình. Khi lớn khôn, dù có đi đâu cũng luôn nhớ về đất đai quê nhà. Nhớ loài ong chích rất đau,  nhớ nồi cháo nhộng ong khuya quá ngọt ngào.

Ở miệt vườn hoặc ở những khu rừng có nhiều loài ong như ong vàng, ong bắp cày… nhưng nhắc đến ong vò vẽ thì nhiều người tỏ ra khá “ngán” vì loại ong này dữ và khá độc. Tuy vậy, nhộng con của ong vò vẽ rất ngon và bổ dưỡng, nhất là cháo nhộng ong vò vẽ.

Nhộng ong gần giống như nhộng tầm nhưng nhỏ hơn, thường có màu trắng sữa, đây là món ăn thường chỉ xuất hiện khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 vì đây là thời gian ong làm tỗ.

Phát hiện tổ ong vò vẽ, người ta quan sát độ lớn của tổ ong để ước chừng có bao nhiêu tầng chứa ong non, quyết định lúc nào lấy tổ cho thích hợp.

Người thợ chuẩn bị cây rọi dài bằng cây tre hay cây tầm vong còn tươi để khi đốt có độ nghiêng, tránh ong rớt ngay trên đầu. Đầu cây rọi quấn giẽ khô tẩm dầu lửa hoặc xăng được buộc một cách chắc chắn vì đốt tổ ong phải kéo dài từ 5-7 phút. Người thợ đốt tổ ong cho ong thợ bị cháy cánh rớt xuống hoặc bay đi hết mới gỡ tổ ong, lấy nhộng mang về.

Đem tổ ong về bẻ ra từng giề để lấy nhộng và ong non. Những con nhộng non thường phủ một lớp mày khá dẽo. Khi gở hết lớp mày này là lúc thích nhất vì đây là thời khắc biết nhộng nhiều ít thế nào. Những con nhộng no tròn, mập ú và béo nhậy, đem nấu cháo thì ngon tuyệt.

Có đến 4 loại nhộng ong gồm nhộng thật non, nhộng trưởng thành, nhộng đã có chân thành hình một chú ong nhưng vẫn trắng và nhộng có màu vàng ngà. 4 loại nhộng này đều ăn được, nhưng nhộng thật non trong bụng còn một khúc ruột đen, người ta phải đem trụn nước sôi cho phần sữa trong bụng săn lại. Sau đó, ngắt đít nhộng kéo phần ruột đen ra ngoài.

Không những ngon bỗ mà món cháo này còn ngon ở một ý nghĩa khác đó chính không khí sum hợp gia đình, nấu món cháo nhộng ong này thường vào ban đêm, mỗi người một việc thật vui. Người làm ong, người nấu cháo, người nạo dừa.

Nước cốt đầu để riêng, chờ khi nấu xong nồi cháo mới đổ vào. Còn nước cốt dão cho vào nấu chung với gạo và chờ cho cháo thật nhừ. Nhộng ong đã làm sạch chỉ cần phi hành cho thơm và xào xơ, nêm thêm bột ngọt, một ít nước mắm ngon là cho vào nồi cháo. Lúc này người ta mới cho nước cốt đầu vào, tiêu, hành lá xác nhuyễn và mêm nếm lại là xong.

Muốn cho bữa cháo ong vò vẽ ngon miệng hơn người ta chừa lại một phần nhộng ong để xào với gốc hành. Món này ăn chung với cháo và làm như thế mới thưởng thức được hương vị nguyên bản nhất của nhộng ong vò vẽ.

Món cháo nhộng ong nấu với nước cốt dừa được cho là ngon nhất và ai ai cũng thích, cháo ăn cùng rau cải trời, rau má hái trong vườn, một chén nước mắm non dầm ớt. Những người thợ đốt ong sau khi trải qua giai đoạn mệt nhọc, húp chén cháo nhộng nóng hổi, béo béo thật sảng khoái. Vị béo ngọt của nhộng ong cộng với vị béo ngậy của nước cốt dừa đặc trưng không lẫn với bất kỳ món nào trên cõi đời. Những chén cháo nhộng ong vò vẽ ngon, bổ dưỡng rất riêng chỉ có ở miệt vườn, món ăn của ông cha từ thời kỳ khai hoang, đôi khi người có tiền cũng không mua được.

 Băng Tâm tổng hợp

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga

[vanhoamientay.com] Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Sinh ra trong gia đình ba thế hệ theo cách mạng, 14 tuổi, bà Nga tham gia kháng chiến, phát thuốc, nuôi quân. Có lẽ vì vậy mà bất cứ ai gặp bà ngay từ lần đầu không cảm thấy xa lạ mà vô cùng gần gũi, nồng hậu, chất phác.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Gắn bó với DHG từ những năm 1980 – khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP. Cần Thơ.
Công ty CP Dược Hậu Giang phát triển qua các thời kỳ: từ Công ty Vật Tư Y tế Cần Thơ đến Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang.

Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang.

Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT.

DHG hiện có trên 300 sản phẩm lưu hành trên toàn quốc với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến. Doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm, với gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Năm 1988, bà nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang với tiền thân là một đơn vị chuyên cung ứng thuốc cho bộ đội trong kháng chiến và bà con ở nông thôn. Trải qua 10 năm thăng trầm, Dược Hậu Giang dưới bàn tay chèo lái của nữ tướng Phạm Thị Việt Nga đã tăng trưởng vượt bậc, từ 25 sản phẩm sản xuất năm 1989 lên tới 173 sản phẩm vào năm 1999. Năm 2011, Dược Hậu Giang đạt doanh thu gần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 416 tỷ đồng, tăng 4,5 lần về doanh thu và 7,5 lần lợi nhuận sau 7 năm cổ phần hóa.

Xuất phát điểm gần 80% người dân thành thị không biết về thương hiệu thuốc nội địa, Dược Hậu Giang ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, phủ kín hệ thống bệnh viện đa khoa cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong kháng chiến và chịu tiếng thiệt thòi là ít học, bằng nỗ lực bản thân bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2003 với đề tài nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam. Bà Nga đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhờ những thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

Theo Báo Thanh Niên

Giai thoại Công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay. com] Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” có từ thời thực dân, phong kiến, muốn chỉ số công tử là con những nhà đại điền chủ lên Sài Gòn học trường Tây, xài tiền ăn chơi, thể hiện mình mà không ai sánh bằng.

Đã từ lâu, trong dân gian vẫn truyền miệng câu thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” để chỉ lối sống phong lưu, phóng túng của những cậu ấm, cô chiêu xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đại điền chủ giàu có ở vùng đất Nam Bộ dưới thời thực dân, phong kiến.

Cho đến nay, nhiều người vẫn quen nghe thấy câu thành ngữ, nhưng có lẽ ít ai biết nhân vật làm nên linh hồn “Công tử Bạc Liêu” đó chính là Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy), sinh ngày 22.6.1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, qua đời tại tư gia ngày 13.1.1974 tại Sài Gòn.

Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Dân gian đã có câu “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch” để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.

Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu.

Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng. Từ đó “Công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

Ngoài ra, Trần Trinh Huy còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử Mỹ Tho – Tiền Giang), trong một gia đình đại điền chủ giàu có vào bậc nhất, nhì vùng đất Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Cha của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch) chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa ruộng, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt….

Cuộc đời thật Trần Trinh Huy

Sau 3 năm dùi mài học tập ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gửi nơi kinh thành ánh sáng Paris.

Về nước, Ba Huy có nhiều bà vợ Việt và hàng lố nhân tình nữa. Bà đầu tiên mà Ba Huy cưới tại Bạc Liêu tên Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn, ông đi chơi ở Mỹ Tho rồi cưới cô Nguyễn Thị Mẹo sinh được 4 người con, đặt tên Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức. Bà cuối cùng là một “hoa khôi chân đất” tên là Bùi Thị Ba làm nghề gánh nước mướn. Bà này rất đẹp, nhỏ hơn cậu Ba 40 tuổi.

Khoảng năm 1968, cậu Ba ở căn phố đường Nguyễn Du – Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống thấy có nhỏ con gái gánh nước qua lại đẹp quá, cậu Ba đem lòng cảm mến. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Cậu Ba tìm đến đặt vấn đề liền, xin đổi căn nhà đang ở lấy cô gái.

Từ đó người đẹp gánh nước mướn trở thành phu nhân của Hắc công tử, thủy chung đến ngày ông nhắm mắt. Hai người có với nhau hai cậu con trai và hai cô con gái là Hoàn, Toàn và Trinh, Nữ. Ngoài những bà “chánh thức” vừa kể, những bà “bên lề” và tình nhân thì không sao kể hết.

Bên cạnh lối sống phóng túng, phong lưu trong gia đình giàu có, cậu Ba Huy cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa, rất rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi họ gặp hoạn nạn. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền ít ai oán ghét Ba Huy.

Trong các mối quan hệ xã hội, Ba Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Trong con mắt giới giang hồ tứ chiếng thời đó, Ba Huy được coi là người “ngon” nhất Nam Bộ không phải bởi cái vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà bởi sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu

Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri Espérinas (em rể), chồng cô Tư Nhớt. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch, dưới quyền Ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ “mẫu quốc” qua làm mướn cho bên nhà vợ, mãi đến tháng 4.1975 mới về nước.

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay sang tận Thái Lan.

Trần Trinh Huy bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải cho một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Thái Lan để chuộc quý tử. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.

Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự gia đình mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát, Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, gậy…

Một sự kiện đã tạo thành giai thoại Công tử Bạc Liêu là năm 1929, Bạch công tử (BCT) lập luôn hai gánh cải lương là Phước Cương và Huỳnh Kỳ, mời hai cô đào tài sắc thời đó là cô Năm Phỉ và cô Bảy Phùng Há về thủ vai chính cho hai đoàn. Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ có cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu diễn, BCT mời Hắc Công Tử (HCT) đi xem.

 Đang xem, BCT móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công (giấy bạc 5 đồng thời đó), BCT gạt chân HCT kiếm. HCT thấy vậy hỏi: Toa kiếm gì vậy?. Kiếm tờ con công. HCT mỉm cười nói: Để moa đốt đuốc cho toa kiếm. Nói rồi HCT móc tờ giấy bạc bộ lư (mệnh giá 100 đồng) châm lửa soi cho BCT kiếm (thời đó lúa chỉ có 8 – 9 cắc một giạ).

Bị một vố quá mạng, vãn tuồng, BCT nói: Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng?. HCT đâu chịu thua. Tối hôm sau, HCT cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà (nay là Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu), cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của BCT.

Hai nồi đậu xanh được nhắc lên bếp, hai chàng công tử lấy tiền ra đốt. Nồi đậu xanh của BCT hôm đó sôi trước. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông ta đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ, lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng.

Theo Dân Việt

Chiếu Long Định Tiền Giang mãi tươi màu

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến chiếu, người dân Nam bộ thường hay nghĩ đến chiếu Cà Mau đã từng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, có một làng nghề tạo ra 1 thương hiệu chiếu không thua kém chiếu Cà Mau, đó là làng nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Long Định (huyện Châu Thành- Tiền Giang)

Nếu ai đã từng có dịp về Tiền Giang, đi qua Quốc lộ 1, đoạn cách ngã ba Trung Lương khoảng gần chục cây số, ắt sẽ thấy một tấm biển lớn đề mấy chữ “Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định kính chào quý khách!”.

Từ vị trí tấm biển ấy, rẽ vào lối tỉnh lộ 867, đi độ nửa cây số là tới làng Long Định. Từ đầu làng đã thấy cảnh chiếu, cói phơi đầy hai bên đường. Từng đám cói trắng ngà hoặc đã được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… được phơi khô cong dưới cái nắng vàng mùa hạ. Đi sâu vào làng, chỗ nào cũng nghe rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu.

Nghề làm chiếu ở Long Định mới có chừng khoảng hơn 50 năm nay. Nghề do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn – Ninh Bình ngoài Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 đem vào. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy trong Nam. Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn.

Tìm về làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định (làng dệt chiếu) chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh chiếu phơi ven tỉnh lộ 867 của gần 300 hộ dân thuộc xã Long Định, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động ở vùng nông thôn, giúp họ có mức thu nhập ổn định.

Trong mỗi ngôi nhà ven Tỉnh lộ 867 đều có các khung dệt dập dềnh theo nhịp thoi đưa. Nhà này là 2 cô gái, nhà kia là đôi vợ chồng, kẻ đan lác, người dập khung cửi. Ghé vào nhà anh Nguyễn Văn Việt, khi anh chị đang căng đai, rồi cùng nhau ngồi dệt, tạo ra sản phẩm đẹp cho đời.

 Làm chiếu cũng giống như trồng lúa, tức phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hàng năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tức khoảng từ tháng 1 tới tháng 4 dương lịch, làng chiếu Long Định lại vào vụ sản xuất chính. Cực nhất là tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa đến, nghề làm chiếu lại phải tạm dừng chờ đến mùa khô năm sau. Khó khăn là thế nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề, bởi mức thu nhập của nghề làm chiếu vẫn khá hơn so với nghề trồng lúa.

 Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu cần phải có 2 người cùng làm. Thông thường, khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ 2 luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực mạnh dập vào lác để kết chặt lác vào nhau.

Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau. “Tay nghề của người thợ quan trọng lắm, phải đan như thế nào để chiếu vừa khít, vừa đều và có độ bền, dẻo dai nhất định, như vậy chiếu sử dụng mới lâu được” – anh Việt  chia sẻ.

Tay thoăn thoắt dập mạnh từng khung dệt, anh Việt vẫn tiếp chuyện vui vẻ với chúng tôi: “Với khung dệt tay, mỗi ngày 2 vợ chồng dệt được 4 chiếc chiếu. Nếu  có máy dệt chiếu hiện đại thì có thể sản xuất được 10 chiếc/ngày mà chỉ cần 1 người ngồi máy.

Tuy nhiên, giá 1 máy dệt chiếu hiện đại từ 30 – 60 triệu đồng, quá đắt đỏ nên tôi chưa dám đầu tư. Với lại, nhiều người mua chiếu thường chọn mua chiếu dệt tay vì chất lượng bền hơn và ít bị lỗi hơn so với chiếu dệt bằng máy

Một trong những gia đình dệt chiếu có tiếng ở Làng dệt chiếu Long Định là gia đình bà Trần Thị Bạch Tuyết, một người có 50 năm kinh nghiệm dệt chiếu ở xã Long Định cho biết, trước đây dệt chiếu theo lối thủ công, mỗi tháng 1 người thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Bây giờ, nhiều nhà đầu tư máy dệt chiếu, năng suất cao hơn nên thu nhập cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Có những thời điểm, làng dệt chiếu “ăn nên làm ra”, mỗi ngày giao cho thương lái hơn 5.000 chiếc chiếu. Không những thế, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…

Để làm ra 1 chiếc chiếu đẹp, lác phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Kỹ thuật dệt là yếu tố quyết định chiếu đẹp hay xấu. Khi dệt, người cho ăn lác cần phải có kỹ thuật, phải làm đều tay tránh bị rớt nhịp.

Công đoạn tạo màu cũng lắm công phu. Muốn màu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, lác phải được nhúng vào chảo màu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để màu thấm vào từng sợi lác. Đặc biệt, khi may chiếu, đường may phải sắc nét, không quá dày cũng không quá thưa” – Bà Tuyết chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu lác truyền thống, người dệt chiếu ở xã Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giá thành một chiếc chiếu lục bình cao hơn rất nhiều so với chiếu lác, nên chiếu lục bình ít được sử dụng trong nước mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài.

Các chi tiết hoa văn phải thay đổi thường xuyên theo thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi trang trí hoa văn xong phải đem chiếu vào hấp cách thủy, hấp phải đúng giờ, nếu già lửa chiếu sẽ tối màu, còn nếu chưa đủ thời gian thì dễ bị phai màu khi nằm”.

Băng Tâm tổng hợp

Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!