Có thể bạn quan tâm

10 món ăn hấp dẫn ở quê hương công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Nếu bạn có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu, một vùng đất sông nước mênh mông và tươi đẹp  thì đừng nên bỏ lỡ những món ăn này nhé, bánh tằm, bún bò cay hay lẩu mắm…

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá.

  1. Lẩu Mắm

Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa… và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình…

  1. Bánh tằm 

Là một trong những món ăn đặc trưng  miền Tây, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Bạc Liêu đều nhất định muốn thử bánh tằm bì. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.

  1. Nhãn

Nhãn là một trong những đặc sản địa phương nổi tiếng, vị thanh ngọt và hương thơm quyến rũ. Nơi có nhiều nhãn ngon là những khu vườn tại xã Hiệp Thành – đây cũng là điểm du lịch thu hút khách thập phương ở Bạc Liêu.

  1. Bánh xèo

Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ âu cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.

  1. Bún bò cay

Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với những con người nơi đây. Nguyên liệu một bát bún gồm thịt bò nấu cùng sa tế, bún trắng ăn kèm rau thơm, giá. Một trong những địa điểm bán bún cò cay ngon là Phường 5.

  1. Bún nước lèo

Đến vùng đất cực nam của tổ quốc, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

  1. Cua, ốc mỡ, ốc len

Với lợi thế hơn 56km đường bờ biển, vùng đất trù phú này luôn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, cuốn hút du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến. Những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ là cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len xào dừa…

  1. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

  1. Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

10. Ba khía

Ba khía là một loài thuộc họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung chỗ nước lợ, mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên chúng được đặt tên Ba khía. Ngoài Ba khía luộc và muối, mắm Ba khía với hương vị cay, mặn, ngọt là một đặc sản nổi tiếng, thường ăn kèm cơm cháy giòn rụm.

Theo vnexpress

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Hãy tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống hàng ngày cùng bạn bè, người thân tìm về hương đồng gió nội, tận hưởng cảm giác thư thái khi khám phá khu du lịch Xẻo Quýt mùa nước nổi này

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt có diện tích 50ha, trong đó có 20h là rừng tràm, Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một căn cứ quân sự, ngày nay Xẻo Quýt trở thành địa điểm nổi tiếng trong những chuyến du lịch về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khi xưa Xẻo Quýt toàn cỏ dại hoang vu, địa thế hiểm trở nên được Tỉnh ủy Kiến Phong thời đó (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Rừng tràm này chính là thành quả của người dân địa phương trồng để bảo vệ, che chở cán bộ hoạt động cách mạng. Những công sự, hầm tránh bom, hầm bí mật, nhà họp… mà nhân dân xây dựng hiện được giữ gìn nguyên vẹn.

Đến với Xẻo Quýt, du khách sẽ cảm nhận ngay một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tham quan Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Ở đây môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, trên đường đi du khách sẽ được những cô du kích mời ăn nhẹ món ăn dân dã và là đặc sản ở vùng này: cơm nắm lá sen muối mè.

Bên cạnh đó, khu di tích Xẻo Quýt với môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp…

Bạn sẽ được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa khi chứng kiến những hầm tránh bom chử A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất được phục chế nguyên vẹn như trước. Ngoài ra còn có những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh.

Giữa thiên nhiên hoang dã đặc trưng hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, bạn có thể nghe rõ tiếng mái dầm khuấy nước rào rạt, tiếng cá quẫy nước và tiếng gió thổi rì rào trên lá. Hít đầy không khí trong lành vô lồng ngực, cảm giác những bụi bặm chốn thành đô phút chốc như được gột sạch.

Một điểm thú vị khi đến Xẻo Quýt là du khách sẽ được “Đi xuồng gỡ chài”, lắc lư trên xuồng ba lá men theo rừng tràm để đi gỡ chày bắt cá, tôm,… những sản phẩm thu được sẽ được người dân địa phương chế biến thành những món đặc sản như: cá trê chiên mắm xoài, ốc bưu hấp hèm…

Cá lóc nướng sen, chuột đồng nướng, lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, là những món ăn đặc sản của nơi đây, còn gì thú vị hơn khi vừa dùng cơm vừa thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử, rồi tự do khám phá tham quan rừng tràm nguyên sinh, câu cá giải trí, hoặc mắc võng nằm nghĩ dưới tán rừng tràm xanh mượt…

Về thăm di tích Ấp Bắc, Tiền Giang

[vanhoamientay.com] Khu di tích Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú  huyện Cai Lậy – Tiền Giang cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10 km về hướng Động. Đây là di tích lịch sử ghi chiến thắng Ấp Bắc  02/01/1963 đã đánh bại các chiến thuật bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ.

Đến với khu di tích, du khách sẽ được đi trong quần thể rộng lớn khoảng 2ha, với hai phân khu chức năng, khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng.

Rời khu vực tượng đài, là đến khu mộ 3 chiến sĩ gang thép. Ba ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trục thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm.

Những Ấp Bắc, Củ Chi, Bến Cát,
Địa danh này được Bác biểu dương.
Đã rộn ràng những bài ca, câu hát,
Tên tuổi anh cả nước biểu dương.

Khu vực 2 gồm có Nhà trưng bày hiện vật, phía dưới nhà trưng bày là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh, tạo cảnh quan chung quanh khu di tích rất khang trang sạch đẹp, phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện lại như cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.

Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên này là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, phảng phất hình ảnh của những chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng De Castrie ở trận Điện Biên Phủ năm nào. Hình ảnh uy nghi của các anh như đưa ta trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 40 năm về trước.

Từ khi khu di tích được khánh thành đến nay đã đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho học sinh trong tỉnh về truyền thống đấu tranh bất khuất của tổ tiên trong sự nghiệp giữ nước. Rời khu di tích, nhìn hai bên đường là những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy dưa chi chít quả căng tròn. Lác đác trên cánh đồng, nhiều mô hình bằng xi-măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy. Tất cả như minh chứng cho một sức sống mới trên mảnh đất anh hùng.

Nếu con lợn dám xông vào vợ tôi

[vanhoamientay.com] Hai người bạn nói chuyện với nhau, bất ngờ người kia hỏi.

– Đáng đời nó! Cậu sẽ làm gì nếu một con lợn lòi tấn công vợ mình?

– Đáng đời nó!

– Ơ kìa, sao lại tàn nhẫn với vợ thế?

– Đấy là tớ nói con lợn, nếu nó dám xông vào cô ấy.

st

Bánh đúc mặn Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Là dân miền châu thổ, chắc không ai xa lạ với món bánh đúc mặn của đất Cần Thơ. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến món ăn ngon đến lạ.

Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê.

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm.

Muốn bột không bị mềm, nhão, phải chọn gạo cũ, ngon ngâm vài giờ rồi xay thành bột, trộn bột với nước cốt dừa. Nêm bột với đường, muối… cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.

Riêng tôm, phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng hai muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn.

Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm, thịt, củ sắn bằm ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt cho vừa khẩu vị. Phi hành thơm rồi cho hỗn hợp vào chảo xào chín. Gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhân bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn. Nếu không có gạch tôm thì mới sử dụng màu hạt điều thay thế.

Cuối cùng là khâu hấp bánh. Trước khi đổ bột vào khuôn, phải thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính. Xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi,  múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại.

Chờ vài phút sau, khi bột vừa chín, đổ tiếp lớp thứ hai, và cứ thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, xúc hỗn hợp nhân đổ lên trên và hấp cho chín hẳn. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra, xắt miếng hình chữ nhật hoặc hình thoi

Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.

Không khó để hiểu vì sao bánh đúc lại hấp dẫn người ăn đến vậy. Bánh đúc là thứ đặc sản thôn quê, nó ẩn chứa nét tinh tế trong ẩm thực và cả cái tình của người dân xứ đồng bằng.

Băng Tâm tổng hợp

Làng hoa kiểng Cái Mơn

[vanhoamientay.com] Không khí rộn ràng những ngày giáp xuân, cùng cảnh sắc thiên nhiên độc đáo của làng hoa kiểng Cái Mơn sẽ đem cho bạn những trải nghiệm khó quên.

Về đây, bạn như ôm trọn cả không gian văn hoá “miệt vườn” với những dấu xưa miền “Nam kỳ lục tỉnh” (hay “lục tỉnh”) từng được tái hiện trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, với nếp nhà lá thân thương, chiếc xuồng ba lá xuôi ngược trên sông nước, mùi khói đốt đồng và câu hò xao xác trời chiều…

Làng hoa kiểng Cái Mơn ( thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), quê hương Trương Vĩnh Ký, nơi từ lâu không chỉ nổi tiếng  cây lành, trái ngọt mà còn hoa kiểng. Nhiều người vươn lên thành tỉ phú với vỏn vẹn 2 công đất nhờ cây giống, hoa kiểng. Nhà nhà nối nhau làm hoa kiểng.

Tết, không gì thú vị bằng những ngày trước Tết, nhất là ở miền quê – nơi còn lưu giữ phong vị văn hóa cổ truyền đậm nét. Đây chính là lúc những đứa con xa quê hương đến tận nhà dân xem gói, nấu bánh tét và thử các món ăn ngày Tết đậm chất dân dã của người địa phương.

Trong khung cảnh làng quê Nam bộ thanh bình, cả gia đình ngồi quây quần bên những chiếc nong, nia đựng đầy gạo, thịt và lá chuối xanh cùng làn khói bếp từ nồi bánh tét bốc lên mang theo cả tâm trạng nao nao với hình ảnh báo hiệu Tết đã đến gần.

Du khách cũng có đi sâu trong miệt vườn ở vùng đất phương Nam để ngắm những loài hoa chân phương như cúc, dã yến thảo, lan, huệ, hồng tỷ muội… ở làng hoa Sa Đéc, Gò Công, làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) hay thăm vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công – nghệ sĩ xứ miệt vườn đã sáng tạo nên những mẫu kiểng từng được đưa vào công viên Gardens by the Bay và công viên Bách Thảo Singapore…

Từ 20 tháng chạp cũng là lúc các phiên chợ nổi ở Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ)… bước vào mùa hội nhộn nhịp nhất trong năm. Nơi đây biến thành chợ đầu mối quy tụ mọi sản vật, hoa trái của cả vùng đồng bằng châu thổ trù phú Cửu Long. Đến đây vào dịp này, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến quang cảnh buôn bán tấp nập “trên bến dưới thuyền”, không khí khẩn trương vận chuyển hàng hóa mang Tết đi khắp nơi, tiếng gọi bạn í ới làm xao động cả khúc sông quê.

Xứ sở miền “lục tỉnh” còn ban tặng cho con người nhiều sản vật thơm ngọt, mát lành. Chuyến du ngoạn miền Tây trước Tết của bạn sẽ đong đầy cảm xúc với quà mang về là những trái vú sữa, quýt hồng Lai Vung mơn mởn sắc vàng cam, mứt dừa Bến Tre hay các món khô Châu Đốc…

Băng Tâm tổng hợp

Cách nấu món thịt kho tàu

Thịt kho tàu là món có thể được ăn với nhiều món như: cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá nhưng có lẽ phổ biến nhất là ăn kèm với dưa cải muối chua. Vị mặn, vị ngọt, vị bùi béo của thịt kho tàu kết hợp với vị chua xen lẫn cay cay của dưa cải muối xối, tạo nên hương vị quyến rũ đến bất ngờ. Thịt kho tàu không phải là món ăn mới, nhưng để có một nồi kho tàu ngon thì không đơn giản

Nguyên liệu làm món thịt kho tàu:

– 500g thịt chân giờ hoặc thịt ba chỉ (nên lựa thịt có da mỏng mới ngon và mau mềm)

– 10 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)

– 1 trái dừa tươi

– Nước mắm ngon

– Đường, muối, hạt tiêu

– hành củ

Cách làm món thịt kho tàu:

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt tiêu, hành, tỏi cho thịt thật thấm gia vị. Lưu ý nên cắt miếng thịt vuông, to và phải để thật ráo nước trước khi ướp gia vị.

– Đảo thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu nhé.

– Khi thịt hơi mềm cho trứng vịt (trứng gà hoặc trứng cúc) luộc chín, đã bóc vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon.

– Nêm nếm lại cho vừa ăn, thường nước thịt đã có vị ngọt tự nhiên của nước dừa nên chỉ thêm một tí nước mắm là nồi thịt đã đậm đà.

Lưu ý khi nấu món thịt kho tàu:

– Nên chọn thịt chân giò, miếng có cả nạc lẫn mỡ và da thì kho xong thịt sẽ mềm, trông đẹp mắt hơn. Tốt nhất là tỷ lệ mỡ và thịt bằng nhau nhưng nếu sợ ăn béo có thể mua miếng nhiều nạc hơn.

– Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối và hạt nêm cho thịt thật thấm gia vị. Hành, tỏi giã nát giúp thịt thơm ngon hơn nhưng kho để dành ăn lâu thì đừng nên bỏ thêm hai nguyên liệu này.

– Tao thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.

– Nếu nước dừa cạn thì châm thêm nước sôi vào. Đừng ham kho nhiều nước dừa, nồi thịt sẽ có màu quá sậm không đẹp.

– Để món thịt kho tàu ăn trong nhiều ngày mà vẫn ngon như mới thì bạn nên chia nồi thịt kho thành nhiều phần và cho vào ngăn đá. Hôm nào muốn ăn thì lấy từng hộp ra hâm nóng. Như vậy, thịt và trứng không bị cứng do hâm đi hâm lại quá nhiều lần.

Theo vaobepnauan.com
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!