Có thể bạn quan tâm

Làng nghề chằm nón lá Cần Thơ

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá…

Làng nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề.

Cần Thơ hay có thời còn được gọi là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây biển còn phủ hết Đồng Bằng Sông Cửu Long, mãi đến cách đây 2500, nước mới rút hết và hình thành vùng châu thổ như ngày nay. Cần Thơ được khai mở và có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Đến với Cần Thơ lênh đênh trên xuồng khám phá hệ thống kênh rạch và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nên thơ, bình dị được ví như vẻ đẹp thướt tha, đằm thắm của cô gái Tây Đô. Nơi đây không những mang nét trù phú của những làng xóm nép mình dưới rặng dừa mà còn mang dáng dấp xa hoa, lộng lẫy của đô hội sầm uất, chẳng thế mà ở đây lại nổi danh với câu ca: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá… Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón. Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở ấp Thới Tân A cũng như các vùng khác ở Nam bộ chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là lọai cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,…Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 01 lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ Mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ.

Vì lẽ đó, người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, họ bắt đầu sử dụng Mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vật liệu để làm ra chiếc nón lá gồm: kim may tay số 10, chỉ màu, dây gân số 04, giấy báo dùng để lót nón, nan (được làm từ trúc) và lá mật cật.Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở ấp Thới Tân A, người thợ sẽ kiềng vành lên khuôn (mô) nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là họ bắt đầu xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, công đoạn này tương đối dễ so với các công đoạn khác khi làm nón. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,… hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.

Được biết giá một kg lá mật cật trên thị trường hiện nay giao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng, chằm được 20 cái nón thường. Khi thành phẩm, thương lái mua vào một cái nón lá khoảng 15.000 đồng. Nếu tính sơ, mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy … Mặc dù nghề chằm nón lá ở đây không mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình nhưng nhờ có đầu ra nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của Du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này!

Theo Canthotourist

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Nằm ở ngay trung tâm huyện Tri Tôn, An Giang, Núi Tà Pạ hay gọi là đồi Tà Pạ có vẻ đẹp như một bức tranh thủy mạc, quyến rũ biết bao du khách trong và ngoài nước.

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ thuộc xã Núi Tô, cách Tri Tôn khoảng 1km, là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh “Thất Sơn” huyền bí. Đồi Tà Pạ có độ cao trên 120m so với mực nước biển, nhưng do sau một thời gian dài khai thác đá, đồi chỉ còn lại độ cao khiêm tốn là 45m.

Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi theo hướng về Khu du lịch đồi Tức Dụp, bạn sẽ đến chùa Tà Pạ, người dân hay gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer). Cổng chùa được xây dựng hoành tráng với đôi cột đá, phía trên có tượng thần Bốn Mặt.

Chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer).

Từ cổng chùa đi khoảng 400m là sẽ lên tơí đỉnh đôì Tà Pạ. Đồi Tà Pạ mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành cùng nhiều vạch ngang, vạch dọc, nhiều cột đá cao lêu nghêu, nham nhở, những tảng đá đỏ quạch màu gan gà, những bức tường đá góc cạnh như có ai đẽo gọt thành những hình thù kỳ quái.

Trên đỉnh đồi hoang sơ này có một hố sâu 7m lúc nào cũng có nước xanh màu ngọc bích, gọi là hồ Tà Pạ. Hồ xuất hiện cách đây khoảng gần 10 năm, là dấu vết còn sót lại của quá trình khai thác đá. Dù chỉ là vô tình được tạo ra nhưng đã trở thành một cảnh quan hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách.

Hồ được bao bọc bởi những vách đá sừng sững  từ trên nhìn xuống nước trong vắt đến tận đáy, những chỗ có độ sâu lớn thì nước có màu xanh thẫm. những chỗ cạn hơn thì có màu xanh nhạt, nhưng có chỗ màu đen, màu cam sẫm hay màu vàng nhạt. Những màu sắc đó cũng là do những tảng đá bên dưới góp phần tạo nên. Khi trời trong xanh nước hồ hiện lên một màu ngọc bích, phẳng lỳ như một mặt gương. Chính vì thế hồ Tà Pạ xinh đẹp như một bức tranh thủy mạc.

Hồ Tà Pạ

Đồi Tà Pạ giống như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, đẹp quyến rũ lòng người đến từng góc cạnh. Nơi đây còn có không khí trong lành, môi trường sạch đẹp, du khách đến đây còn cảm nhận được sự hoang dã và trù phú của vùng đất này, sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa trên núi của Phật giáo dòng Nam tông Khmer, sự mến khách của người dân bản địa…

Đến với An Giang bạn không chỉ đến với hồ Tà Pạ mà sự kết hợp với núi Cô Tô sẽ làm bạn có chuyến đi thêm phần thú vị. Từ trên núi nhìn xuống thung lũng cánh đồng thung lũng Tà Pạ hiện lên rất đẹp. Đặc biệt trong mùa lúa chín, màu vàng của lúa trải bạt ngàn xa ngút tầm mắt trên đó có tô điểm những cây dầu tạo nên sự kết hợp hài hòa, quyến rũ.

Đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ vì thế có sức thu hút mạnh mẽ đối với “dân phượt”, những tay săn ảnh trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, ngày lễ; là nơi hẹn hò lý tưởng, nơi chụp hình cưới tuyệt đẹp của những đôi vợ chồng nguyện gắn bó trăm năm…

Ngọt lịm kẹo dừa bến tre

[vanhoamientay.com]Trước đây, kẹo dừa được xem như quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết, về sau chính vị ngọt thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy mà năm 1999 loại kẹo Mỏ Cày này chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giờ đây, du khách quốc tế biết đến món ngon Việt Nam không chỉ bởi những tô phở bốc khói, những món ăn cung đình Huế cầu kỳ, sang trọng và đẹp mắt…mà còn nhớ vị kẹo dừa mộc mạc, dân dã nhưng ngọt ngào.

Nguyên liệu đầu vào để làm tưởng chừng khá đơn giản, chỉ là cơm dừa trắng và mạch nha, nhưng thật ra, để làm nên viên kẹo ngon thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vì đây là hai thành phần cốt yếu của viên kẹo, quyết định toàn bộ vị ngon đặc trưng sản phẩm.

Ở Bến Tre được trồng khá nhiều dừa với các chủng loại khác nhau: dừa dứa, dừa dâu, dừa sáp, dừa lửa… nhưng để được loại cơm dừa ngon, dày thì phải nói đến giống dừa xiêm xanh, trái dừa phải khô, tránh để lên mọn, vì chỉ có loại dừa có cơm dày, dẻo, màu trắng tinh khiết mới có thể ép ra được nước cốt chất lượng cao, độ sánh vừa phải, hơi trong, chứ không trắng đục, đáp ứng cho quá trình trộn hỗn hợp với mạch nha cho ra màu sắc đẹp, bắt mắt.

Mạch nha được làm bằng phương pháp lên men từ lúa nếp mầm. Hạt nếp to, tốt, không bị mọt, được tưới bằng nước mưa sạch, cho hạt vừa nảy mầm thì đem chế biến thành mạch nha. Mạch nha phải ngọt thanh, dẻo, trong và có màu vàng nâu tự nhiên.

Kẹo dừa được ra đời sau khi qua khâu trộn nước cốt dừa và mạch nha lại với nhau, nấu hỗn hợp bằng cộng nghệ đường truyển hơi nước

Từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa, người dân bến tre còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng của chính đặc sản quê mình như sầu riêng, đậu phộng, lá dứa… Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản, giúp sản phẩm thêm phong phú, nâng cao chất lượng

Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Ruộng lúa được chọn lấy nếp phải không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu. Thóc nếp để nảy mầm được tưới nước mưa sạch rồi mới đem nấu mạch nha.

Công đoạn nấu mạch nha cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thợ nấu mạch nha phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và có tay nghề điêu luyện. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định … Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.

Ngày nay, người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa. Nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng…Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam.

Không gì tuyệt vời bằng khi khưởng thức kẹo dừa ngọt thơm và nhâm nhi tách trà nóng.  Kẹo dừa Bến Tre -Sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống làm nên sức sống của một hương vị cổ truyền.

Bến Tre nước ngọt sông dài

Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh

Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo

Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Bán thuốc tây là dễ nhất

[vanhoamientay.com] Tại sao bán thuốc tây là cộng việc dễ nhất, chúng ta thử theo dõi câu chuyện sau đây nhé.

Một người tâm sự với bạn:

-Thời buổi này, làm nghề gì cũng khó, chỉ có làm nghề bán thuốc tây là dễ thôi!

– Sao vậy?

– Vì mỗi khi bán thuốc chỉ cần nói với khách hàng: “Xin đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, thế là xong!

st

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Nón lá, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Nón lá là biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ, đất nước con người Việt Nam.

Nón lá biểu tượng sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam

Trên khắp mảnh đất mang hình chữ S, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá ở bất cứ nơi đâu. Tuỳ vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Nón lá tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Tôi lớn lên tại một miền quê nghèo Nam Bộ, hình ảnh chiếc nón lá – khăn rằn – áo bà ba đã in sâu vào tâm khảm tuổi thơ và trở thành hành trang bước vào đời.
Phải nói rằng khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở thành một liên kết tạo nên biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ… Chính vì thế từ trong thực tế cho đến những làn điệu dân ca, lời thơ, câu văn đều có bóng dáng nón gắn liền với người con gái Việt dịu dàng, gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

Nón lá gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

“Quê hương là cầu tre nhỏ,
Mẹ về nón lá nghiêng che”

Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần, khoảng thế kỉ thứ 13. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng.
Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ đều có thể đội. Nón ra đồng với nông dân, nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự, nón trên đầu những người lao động. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người Việt.
Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam?

Trong đời sống hằng ngày, nón là một đồ dùng rất “thực dụng”.
Nón lá ở nước ta dù có nhiều loại, song nét đặc thù chung là rộng vành để che mưa, che nắng và có mái dốc để thoát nước mưa nhanh. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm…
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận…

Nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài và nón lá

Ngoài điều đó, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo.
Giữa kênh rạch, sông nước chằng chịt miệt vườn Nam Bộ, dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, những sợi tóc mai của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ… khiến ai đó đã phải ngẩn ngơ.

Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ.Trong chiếc nón bài thơ có biểu hiện những nét đẹp của cả một vùng văn hoá, người phụ nữ Huế khi ra đường, trang phục nhất thiết phải là chiếc áo dài và chiếc nón lá để đội đầu. Dù trời sáng sớm hay im mát, chiếc nón như là vật bất ly thân.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động cho mùa màng bội thu, khi trời tắt gió, nón dùng để quạt cho mát, khi lật ngửa, dùng đựng mớ rau mới hái ngoài đồng, ít trái cây, múc nước…
Ngày nay, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng của người Việt trong mắt của bạn bè quốc tế. Nón lá luôn được dành vị trí trong hành lí của các du khách khi đến Việt Nam.

Nón lá vẫn mãi là người bạn của người Việt.

Chiếc nón lá đâu chỉ là vật tiện dụng mà còn là nét đẹp thầm kín của văn hóa Việt, sẽ còn tồn tại mãi dù cuộc sống có đổi thay, hiện đại đến đâu, chiếc nón lá vẫn sẽ mãi là người bạn của người Việt.
Tôi chắc thế.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!