Có thể bạn quan tâm

Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Cần Thơ hầu như Làng du lịch Mỹ Khánh luôn được nhắc đến đầu tiên như một thông tin gợi ý hiển nhiên cho bất cứ du khách nào

Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4,2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.

Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía “Đêm nằm năm ở” đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất… Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ…

Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.

Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép… vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.

Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.

Băng Tâm tổng hợp

Ốc Nướng Tiêu Xanh

[vanhoamientay.com] Đây là món ăn dân dã đặc sản của Cần Thơ – vùng đất miền Tây Nam Bộ với nguyên liệu dễ kiếm, chế biến không phức tạp, giúp thực khách có cảm giác vừa lạ miệng vừa ấm bụng, dễ tiêu và thích ứng cho các cuộc “chạm cốc” giữa bạn bè thân hữu ngày cuối tuần.

Nghe như đơn giản nhưng để làm nên món ốc nướng tiêu xanh ngon cần một vài bí quyết của người dân miền tây nơi này. Đó chính là nên ngâm ốc trong nước vo gạo từ 20-30 phút để ốc ra hết chất nhờn. Trước khi nướng, nên luộc sơ cho rớt mặt rồi bỏ lên lửa than, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào dĩa lót rau răm thơm phức. Vị cay cay của tiêu tê tê nơi đầu lưỡi,vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc thì rất tuyệt.

Ốc dùng nướn tiêu phải là ốc Bươu, Ốc nướng chỉ đạt được độ ngon nhất khi nướng với than, vì khi đó món ăn mới có mùi thơm tự nhiên và thịt ốc chín đều. Khi nướng ốc trên bếp than, đừng quên trở ốc đều tay,  và để mặt ốc úp xuống vỉ nướng, nếu không rất dễ bị cháy vỏ và thịt ốc.

Đêm Cần Thơ lao xao, ngồi bó gối bên bếp than hồng, nướng ốc, khi thấy ốc  mùi thơm, nước trong ốc gần cạn, tức là món ốc đã đạt đến độ chín. Bỏ them vài hẹt tiêu xanh lên mặt cho hấp dẫn. Gắp từng con ốc ra dĩa, cho thêm vài nhánh rau thơm.

Thưởng thức ốc ngon nhất là lúc còn nóng, hút miếng nước sốt đậm đà trong vỏ ốc, cắn thêm hạt tiêu xanh thì mới đúng kiểu. Hạt tiêu cay dịu, nước sốt đậm đà, miếng ốc giòn thơm, càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và lạ miệng. Cũng có lẽ vì thế khi dùng món ốc nướng tiêu xanh người ta không cần thêm thứ nước chấm nào khác.

Và ai đó nếu có dịp về mảnh đất Cần Thơ, nhớ ghé Cù lao Cái Khế, ngồi bên bờ sông thưởng thức món ốc nường tiêu xanh. Chắc hẳn bạn sẽ cảm nhận được hương vị đất Cần Thơ qua món ăn này.

Biện pháp hữu hiệu giúp sống thọ

[vanhoamientay.com] Theo bạn biện pháp sống thọ là gì?

Khách khứa cũng như bạn bè, ai cũng hết lời khen đám cưới vàng của ông chủ nọ.

Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập, song trông ông cũng còn rất trẻ trung và hoạt bát. Có vị khách tò mò, hỏi:

– Thưa ngài bí quyết gì khiến ngài có thể giữ được trẻ trung đến như vậy?

– Đó là khí trong lành!

Thấy vị khách có vẻ chưa hiểu, ông chủ tiếp lời:

– Khi cưới nhau, chúng tôi đã thỏa thuận trước với nhau rằng nếu có dấu hiệu sắp bùng nổ “chiến sự” giữa vợ chồng thì một trong hai phải chạy ngay ra khỏi nhà. Do đó mà nhiều năm nay tôi được hít thở bầu không khí trong lành.

– Ồ thì ra là vậy!

st

F Band dùng khăn Piêu làm khố

[vanhoamientay.com] Việc nhóm F Band dùng khăn Piêu làm khố trong đêm bán kết X–Factor đêm 12.10 được các nhà nghiên cứu văn hóa cho là nhố nhăng, còn người Thái lên tiếng họ cần lời xin lỗi

Bán kết X – Factor – Nhân tố bí ẩn diễn ra đêm 12.10 là đêm của những tình khúc vượt thời gian hay những ca khúc mới được trình diễn.

Trong số những tiết mục đêm bán kết, F Band mang đến sân khấu sở trường mash – up các ca khúc với nhau. Đó là chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường: Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku.

Ở tiết mục này, các thành viên F Band đã mặc áo của người Tây Nguyên cho phù hợp với tinh thần bài hát, nhưng điều đáng nói, là họ dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc biến tấu thành chiếc khố đóng ở phía dưới, thay vì sử dụng một chiếc khố đúng trang phục của người Tây Nguyên.

Sự việc này khiến nhiều người thấy phản cảm, đặc biệt là những người Thái ở Tây Bắc hết sức phẫn nộ. Chị Tòng Thị Lan đã chia sẻ trên facebook nỗi bức xúc của mình: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi!!! Khăn Piêu của người Thái không thể trở thành chiếc khố trong một chương trình truyền hình được!”.

Liên hệ với Ông Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam; giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, ông cho biết, chiếc ‘khố’ mà các thành viên trong nhóm nhạc đóng thực chất là chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái.

Không thể lai căng bằng cách dùng chiếc khăn đội đầu của dân tộc này biến thể thành chiếc khố của dân tộc khác. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi kết hợp như vậy?’, ông Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.

Câu chuyện quanh chiếc khăn Piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn Piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái.

Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa.

Liên hệ với một nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi, người đã từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, ông bức xúc: Một kênh truyền hình quốc gia, phát sóng một chương trình cho cả nước xem lại biến tấu trang phục một cách nhố nhăng là không thể chấp nhận được.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, người từng có nhiều năm giảng dạy ở vùng Tây Bắc, đã xem trang phục phản cảm này là ‘tối kiến’:

“Chính xác đó là chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc, đưa làm vật trang trí của phục trang nam Tây Nguyên là bất nhã. Hơn nữa, nam Tây Nguyên truyền thống chỉ đóng khố, không hiểu ai đã có ‘tối kiến’ như vậy”.

Về phía công ty sản xuất chương trình X Factor, bà Mai Linh, phụ trách truyền thông chương trình của Cát Tiên Sa cho biết rất bất ngờ khi nhận được ý kiến phản hồi này. Bà Mai Linh hứa sẽ có trao đổi lại với ê kíp sản xuất trước khi có trả lời chính thức báo chí.

Theo VTC News

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin


Bún nước lèo Sóc Trăng

Đi xa có nhớ quê nghèo
Nhớ bún nước lèo, nhớ mắm Ba Xuyên.

Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Bún nước lèo Sóc Trăng

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Để có được nồi nước lèo ngon phải kiếm con cá lóc đồng tối thiểu trên 0,5kg, được cá có trứng càng hấp dẫn vì nồi nước lèo sẽ nổi váng trứng vàng ươm, bắt mắt. Cá làm sạch, cắt thành hai phần đầu và đuôi: đầu dính với bộ đồ lòng là phần ngon nhất.

Tép bạc hoặc tôm thẻ luộc, bỏ vỏ cứng. Thêm mấy miếng thịt heo quay xắt miếng cỡ lóng tay hoặc chả cá thác lác, cá mè vinh thì tô bún càng ngon miệng. Nước lèo có thể nấu bằng nước dừa tươi để tăng thêm vị ngọt, cho mắm bò hóc vào nồi nước lèo đang sôi.

Bún nước lèo Sóc Trăng

Ngải bún nướng sơ qua lửa than và gốc sả đập dập thả vô nấu tiếp. Hớt bọt kỹ, đến khi nước trong thả cá làm sạch vào.

Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo, nước mắm hòn Lại Sơn hay nước mắm Phú Quốc mới đúng điệu và làm tăng hương vị đậm đà. Đây là món ăn thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!