Có thể bạn quan tâm

Di tích lịch sử Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

[vanhoamientay.com]  Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khánh thành ngày 13/12/1977, là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước và là nguời đã sinh thành ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm cạnh chùa Hoà Long, ngay trong nội ô của thành phố Cao Lãnh. Đây là quần thể di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, đã được Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận vào ngày 09/04/1992.

Toàn bộ khu di tích rộng 3,6 ha, chia làm ba khu vực: mộ cụ Phó bảng, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Nơi đây mang lại cho bạn một cảm giác thư thái nhẹ nhõm khi nổi bật trên sắc hoa, màu lá là màu trắng tinh khiết, thanh thoát của các công trình: vòm mộ, hồ sen, phòng lưu niệm, nhà trưng bày về Bác, nhà trưng bày giới thiệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (thân phụ và thân mẫu của Bác Hồ). Hàng rào xi măng đơn giản, thanh mảnh như những tấm phông trang hoàng thêm vẻ đẹp của khuôn viên, nơi có hàng trăm loại cây trái, hoa, cây cảnh quý hiếm được bà con địa phương và các tỉnh bạn hiến tặng. Mọi thứ đều toát lên vẻ uy nghi mà giản dị, trang trọng mà gần gũi, khiến ta như sống trong không khí thiêng liêng, lòng không khỏi bồi hồi nhớ về công lao của Bác và các bậc sinh thành ra Người…

Có lẽ bạn chưa biết rằng tất cả những công trình ấy không những được xây dựng rất kỳ công mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xoè úp xuống, trên là 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp mộ người chí sĩ yêu nước. Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, núm mộ hình chữ nhật màu xám tro, yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Cách vòm mộ 25 m về phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của cụ Nguyễn Sinh Sắc và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp yêu quý vươn thẳng giữa lòng Tổ quốc Việt Nam…

Hằng năm cứ vào ngày 27/10 âm lịch, bà con xa gần ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nơi hội tụ về đây tồ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm, trọng thể, đông vui như một ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Theo dongthapgov

Hủ tiếu Pa tê ở Bến Tre

Hủ tiếu pa tê là một trong bốn loại hủ tiếu được người dân xứ dừa đặc biệt ưa chuộng. Sự khác biệt của món hủ tiếu này nằm vỏn vẹn trong ba bốn lát pa tê xắt góc tư xếp gọn gàng trên mặt tô.

Hủ tiếu patê lòng

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

Hủ tiếu Pate

Người Bến Tre rất ưa hủ tiếu, ưa hơn bất cứ người dân ở miền Tây nào mà tôi biết. Ở đây người ta có thể ăn hủ tiếu tối ngày, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến hủ tiếu thập cẩm… Và cũng duy chỉ có ở Bến Tre mới có món hủ tiếu không đụng hàng: hủ tiếu patê.

Pa tê ở đây không phải là loại pa tê gan dùng để phết lên mặt trong bánh mì mà mọi người thường gọi. Pa tê theo cách gọi của người Bến Tre thực chất là một loại “chả” rất đặc biệt: dai giòn sần sật, thơm tho beo béo mà người dân xứ dừa hay làm thủ công đãi trong các bữa tiệc, chung với nhiều loại “đồ nguội” khác. Thành phần của “chả” gồm có lưỡi heo, da đầu, thịt nạc, da heo, mỡ, tiêu hạt, các loại gia vị và được pha trộn với công thức bí truyền nào đó để đạt đến độ dai mà không bở nát, có mùi thơm đặc trưng, ăn hoài không ngán, bó chặt thành từng đòn như bánh tét.

Pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng

Trong các dịp đám tiệc ở địa phương, pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng, xếp chung với chả lụa, chả da đầu heo, nem chua và ít bánh phồng tôm để làm nên một món riêng mà người quê gọi là “đồ nguội”. Ngoài ra, đây là nguyên liệu chính làm nên món hủ tiếu pa tê mà người Bến Tre đi đâu cũng thèm, cũng nhớ.
Hủ tiếu pa tê là một trong bốn loại hủ tiếu được người dân xứ dừa đặc biệt ưa chuộng (ba loại còn lại là hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên và hủ tiếu mực) và tôi đoan chắc rằng, chỉ ở Bến Tre mới có loại hủ tiếu này. Hủ tiếu Bến Tre nói chung và hủ tiếu pa tê nói riêng khác với hủ tiếu Sài Gòn trước hết ở sợi bánh. Sợi hủ tiếu khô và dai, khi có khách gọi chủ quán mới thoăn thoắt kéo lấy một vắt cỡ nắm tay, trụng sơ trong nước sôi chừng một phút cho nở mềm vừa ăn rồi mới cho ra tô.
Sự khác biệt của hủ tiếu pa tê nằm vỏn vẹn trong ba bốn lát pa tê xắt góc tư xếp gọn gàng trên mặt tô. Nước dùng có ngọt đến mấy, sợi bánh có dai đến mấy mà miếng pa tê không vừa miệng thì coi như thất bại. Cái ngon của hủ tiếu pa tê chính là sự hòa quyện giữa các thành phần, để thực khách phải vừa xì xụp húp muỗng nước lèo thơm ngọt, vừa hít hà cắn miếng pa tê dai dai, giòn giòn mới chấm vào dĩa nước mắm trong dầm ớt.

Pa tê thịt heo được xắt thành từng lát mỏng

Một tô hủ tiếu với ba hoặc bốn lát pa tê đối với nhiều người dường như chưa “tới”, ăn đến miếng pa tê cuối cùng rồi mà còn cảm giác thòm thèm nên kêu thêm vài lát chả không đem về nhà. Đặc biệt, nhà nào có trẻ con thì mấy lát pa tê chính là món ăn vặt ưa thích của chúng.
Trước đây hủ tiếu pa tê chỉ đơn thuần có hủ tiếu và pa-tê, thỉnh thoảng có thêm vài lát thịt nạc. Nhưng ngày nay, để nồi nước dùng thêm đậm đà và cũng để thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn, người ta có pa tê đi kèm với lồng, chủ yếu là tim, gan, bao tử và phèo non. Một tô hủ tiếu pa tê với đầy đủ tất cả các nguyên liệu ấy giá chỉ từ 25.000-30.000 đồng.

Hủ tiếu pa tê ở Bến Tre nổi tiếng như vậy nhưng vốn không phải là món bán đại trà. Người Bến Tre sành ăn chỉ đến đúng quán chính gốc mà người ta quen gọi là hủ tiếu “ngã ba Tháp” hay hủ tiếu “cổng chào”.

Hủ tiếu pate

Khách ở nơi xa đến Bến Tre, muốn thưởng thức hủ tiếu pa tê “chính gốc”, cứ vào thành phố rồi nhắm người nào đó cũng được, hỏi thăm quán hủ tiếu ở “ngã ba Tháp”, hủ tiếu “cổng chào” hay hủ tiếu “công viên tượng đài”, chắc chắn ai cũng rành, chỉ cho bạn vanh vách. Quán không có tên riêng mà lấy luôn tên là “Hủ tiếu pa tê” như một cách khẳng định thương hiệu, chỉ bán buổi chiều tối nên cứ tầm 5, 6 giờ chiều là bắt đầu tấp nập khách ra vào.
Nếu có dịp đến Bến Tre, nhớ tìm quán hủ tiếu patê mà thử qua một lần, cam đoan bạn sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của thức ăn đặc biệt này.

Ngon lạ với gỏi củ hũ dừa

[vanhoamientay.com] Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Bến Tre được nhắc đến là thiên đường của dừa, đi đâu ta cũng thấy rợp bóng dừa. Có lẽ chính bởi điều này mà người dân nơi đây khi chế biến món ăn thường bỏ dừa vào để tăng thêm hương vị thanh ngọt và béo cho món ăn. Trong đó gỏi củ hũ dừa được coi là món ăn đặc biệt hấp dẫn và thơm ngon khiến thực khách không khỏi nao lòng khi thưởng thức.

Chúng ta vẫn thường biết cây dừa là một trong những cây trồng được khai thác sử dụng triệt để từ gốc đến ngọn như: quả dừa, lá dừa, thân dừa, sọ dừa, vỏ quả dừa, sơ dừa… Trong đó củ hũ dừa thường được người dân chế biến nhiều món ăn khác nhau như kho, xào, tuy nhiên trộn gỏi vẫn là món ăn khiến nhiều người thích thú và muốn thưởng thức nhất. Bởi lẽ khi trộn gỏi củ hũ dừa còn giữ nguyên được vị thanh ngọt, mang đến cảm giác rất vui miệng khi thưởng thức tạo nên cảm giác thèm ăn cho thực khách.

Vậy củ hũ dừa là gì? Củ hũ dừa thật ra là phần búp non nhất nằm giữa ngọn cây dừa. Mỗi cây dừa chỉ có một củ hũ dừa. Phía ngoài củ hũ dừa được bọc bằng một lớp mo xơ, bên trong là phần trắng, non và ngọt nhất.
Gỏi cổ hủ dừa đúng điệu thường có đủ tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng, củ hũ dừa bào mỏng, rau răm, hành tây, đậu phộng rang giòn… Tất cả trộn đều lên cùng với các loại gia vị tạo thành một đĩa gỏi củ hũ dừa tôm thịt đầy màu sắc, đậm đà hương vị khó quên. Đi kèm với món gỏi này bao giờ cũng có thêm chén nước mắm chua ngọt và những chiếc bánh phồng tôm giòn tan, béo ngậy.

Gỏi củ hũ dừa được đánh giá là một món ăn thơm ngon, hấp dẫn khiến thực khách cảm thấy ngon miệng và thích thú khi thưởng thức. Đặc biệt cái vị thanh ngọt của món ăn còn khiến cho các thực khách không khỏi nao lòng. Món ăn này có mặt ở nhiều quán ăn, tuy nhiên bạn phải lựa chọn ra quán quen để có được đĩa gỏi tươi mới và hấp dẫn nhất.

Củ hũ dừa nghe qua thì thấy lạ nhưng khi thưởng thức chắc chắn người ăn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời. Cái vị thanh mát của củ hũ dừa kết với vị ngọt của tôm, vị béo của thịt, giòn giòn của lỗ tai heo ăn kèm với nước mắm chua ngọt và một ít bánh phồng mới ngon làm sao.

Theo kinhdo20nam

Đẩy côn mùa nước tràn đồng

Đẩy Côn – Giàn Côn là công cụ mà người dân Vùng Trũng Đồng Tháp Mười quê tôi mưu sinh vào mùa nước tràn đồng, chẳng biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết người dân nơi đây xem đẩy côn là một nghề thực thụ suốt 20 năm qua.

Đẩy Côn – Giàn Côn là công cụ mưu sinh vào mùa nước tràn đồng

Lũ về, nước trắng xoá một vùng, mang theo phù sa bồi thêm cho đất và mang theo biết bao cá tôm hào sảng, tạm gát lại công việc đồng án, người dân quê tôi bắt tay vào một mùa mưu sinh mới, mùa đẩy côn bắt cá lóc đồng.

Nếu có dịp về với Vùng trũng vào mùa nước nổi, thưởng thức con cá lóc đồng nướng trui thơm phức, ngọt lịm, bạn có bao giờ thắc mắc những người nông dân dùng công cụ gì để bắt cá không?
Bạn sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi biết được suốt 20 năm qua người dân “săn” cá lóc trên những cánh đồng tràn nước là bằng đẩy Côn…

Đẩy cồn là hình thức đánh bắt hiệu quả

Đẩy Côn là công cụ không những giúp người dân mang lại nguồn kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ nguồn sinh thái, chỉ bắt cá trưởng thành không bắt cá nhỏ như các công cụ khác.
Hiểu một các nôn na giàn côn là công cụ khua nước, khi chạm vào côn cá giật mình chúi xuống bùn, người dân sẽ quan sát vị trí cá chúi nhờ tim nước rồi dùng nơm bắt.
Côn được làm bằng những cọng sắt to bằng ngón tay út, có độ dài 1,5 m; một đầu côn được buộc vào một sợi dây nilông và được nối liền lại với nhau thành một hàng “rào sắt”, có khoảng cách từ 20 – 30 cm. Chọn hai cây tre dài, thẳng làm luồng côn, hai luồng côn được xếp theo hình chữ V đặt mở mũi xuồng. Mỗi luồng côn có chiều dài từ 12 – 15m. Để giữ cân bằng hai luồng côn cũng như điều chỉnh hai luồng côn cao hay thấp phụ thuộc vào cột trụ dựng đứng, có chiều cao khoảng 3 – 4 m để gánh hai luồng côn.


Khi bắt đầu đẩy côn, người ta chỉ cần mắc các côn vào luồng côn và điều chỉnh luồng côn cho phù hợp với mực nước. Sau đó người đẩy côn lên xuồng dùng xào đẩy xuồng đi tới. Khi đó, luồng côn cũng được kéo theo và cá va chạm với các côn sẽ chúi xuống đất, tạo thành bong bóng nước nổi lên mặt nước. Lúc này, người đẩy côn, chỉ việc dùng nơm bắt cá.

Đẩy côn thường bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, còn buổi chiều là khoảng 15 giờ, vì thời gian này nhiệt độ thấp, cá mới lên ruộng nhiều. Theo người dân vùng lũ, trong các loại hình đánh bắt cá thì dùng côn khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân miền Tây. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, vì để “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn cũng đòi hỏi phải có sức khỏe để lội trên đồng ruộng ngập nước, dầm mưa dãi nắng gần như suốt cả buổi. Đặc biệt, phải có tài quan sát bong bóng nước của cá, làm được điều này chỉ có những người nông dân tay lắm chân bùn sống giữa vùng sông nước, am hiểu tập tính của cá.

Đẩy cồn là hình thức đánh bắt hiệu quả

Mùa nước nổi cá về lũ lượt, đẩy côn là một nghề giúp người nông dân vùng lũ mưu sinh, đẩy côn không chỉ bắt được cá lóc mà còn bắt được cá trê, cá rô đồng, sống giữa thiên nhiên, chúng không to con, có nhiều kích cỡ, nhưng thịt thơm mềm có vị ngọt hậu là thứ đặc sản đồng quê giản dị mà đậm đà hương vị đến một cách kì lạ.

Đẩy côn không chỉ là công việc, hay dụng cụ bắt cá là đúng nghĩa hơn là “nghề”, nghề “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng đặc biệt là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long… Khi nước lũ về, những cánh đồng tràn nước trắng xóa, nghề đẩy côn của người dân vùng lũ miền Tây bắt đầu hoạt động nhộn nhịp.

Đẩy côn là một nghề giúp người nông dân vùng lũ mưu sinh

Cảm ơn những con nước về đã mang đến quê hương vùng trũng biết bao hào sảng, mang đến nét văn hoá đặt trưng chỉ có riêng ở Vùng, mang đến một miền ký ức vô cùng đẹp cho người con xa xứ như tôi.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.


Bánh lọt xào Hà Tiên

Nếu bánh lọt mặn, bánh lọt nước cốt dừa khá gần gủi với dân Sài gòn thì bánh lọt xào là món ăn còn rất xa lạ. Bánh lọt xào có nguồn gốc từ xứ chùa tháp Campuchia du nhập vào Hà Tiên và trở thành món ăn đặc sản của vùng đất này.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Những sợi bánh lọt ngắn, mềm dễ nuốt, được làm bằng bột gạo cùng ít bột năng. Cách làm sợi bánh lọt xào cũng giống như cách làm sợi bánh lọt nước cốt dừa.

Bột gạo khuấy đều cùng bột năng, rồi đun trên bếp để lửa nhỏ cho bột chín đặc. Sau đó, ép bột xuống khuôn bánh lọt có chậu nước lạnh để phía dưới. Sợi bánh sẽ đông lại khi gặp lạnh, sợi bánh mềm mà vẫn dai vớt ra trộn với nước màu dứa để bành lọt có màu đẹp.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Thành phần:

  • Bánh lọt
  • Trứng
  • Màu dứa
  • Giá, hẹ
  • Tôm hoặc thịt bò
  • Đậu phộng rang, hành lá… gia vị nêm

Cách làm bánh lọt xào

Tôm tươi bóc vỏ băm nhuyễn, ướp chút gia vị. Phi thơm tỏi và xào tôm cùng với giá ngắt đuôi, hẹ cắt khúc

Tiếp đó, cho dầu vào chảo, xào bánh lọt để bánh chín vàng thơm, cho phần tôm xào giá hẹ vào và nêm lại cho vừa ăn. Cuối cùng đập hay trứng gà hoặc trứng vịt lên hỗn hợp vừa xào xong, bạn sẽ có một màu vàng ươm của trứng rất đẹp.

Xúc bánh ra đĩa, rắc một ít đậu phộng rang vàng. Bánh lọt xào dùng với tương ớt hoặc nước món chua ngọt đầu rất ngon.

Bánh lọt xào Hà Tiên

Món bánh lọt xào ăn ngon nhất khi dùng nóng. Bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm tươi, ngọt của rau hẹ, giá hay mùi thơm bùi nhờ đậu phộng… Những sợi bánh trong, mềm, dai được xào cùng với tôm, giá hẹ, trứng sẽ là món ăn chơi vô cùng hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang.

Ở Hà Tiên bạn có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi như món ăn sáng hay chiều, giá 30.000 – 50.000 đồng một đĩa.

Nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon.


Di Tích Chùa Trà Tim

Từ trên không nhìn xuống, di tích chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau.

Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát.

Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ… Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.

Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo soctrang.gov.vn
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!