Có thể bạn quan tâm

Làng nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ

Nghề đan cỏ bàng xuất hiện ở huyện Tân Phước – Tiền Giang từ rất lâu. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, từ nguyên liệu là cây cỏ bàng, rất nhiều sản phẩm đẹp, có giá trị như đệm, túi xách, nón… đã được tạo nên.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Đồng cỏ bàng Phú Mỹ rộng hàng ngàn hecta là nguồn nguyên liệu khá dồi dào để địa phương phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Như nhiều khu vực khác của vùng đất mới Nam Bộ, trước đây cây cỏ bàng mọc hoang dại rất nhiều ở Tân Phước. Khi khô đi, thân cỏ bàng rất chắc, bền, nên người địa phương đã dùng thân cỏ bàng khô đan thành các vật dụng như: Giỏ xách, đệm ngủ, nón đội đầu… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Đến năm 2004, Dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” được triển khai, không những góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Mà còn duy trì nguồn thức ăn dồi dào và môi trường sống thân thiện, lý tưởng cho Sếu đầu đỏ di trú về.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia.

Ngày nay, loại cỏ này đã được trồng như một loại cây chuyên canh, đến một năm tuổi thì thu hoạch.  Sau mang về, cỏ sẽ được phân loại ra thành từng bó, tùy vào độ dài ngắn khác nhau. Những bó như vậy được gọi là “neo”

Khi phơi đủ 2 nắng, cọng cỏ bàng  còn phải ép qua máy để cọng mỏng đều và khô tuyệt đối.

Công việc đan lát không khó khăn nhưng đòi hỏi những người thợ sự khéo léo mới có những thành phẩm vừa chắc vừa đẹp. Làng nghề đan bàng Phú Mỹ Kiên Giang hàng năm cung cấp một số lượng lớn sản phẩm đan lát từ bàng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, làng nghề không chỉ làm sản phẩm theo mẫu mã sẵn có mà còn sáng tạo với nhiều mẫu mã đẹp, làm cho sản phẩm đan lát của mình có chỗ đứng ổn định.

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Ai có dịp đi qua vùng biên giới Tây Nam sẽ tận mắt chứng kiến khung cảnh làm nghề đan cỏ bàng nhộn nhịp của làng nghề đan bàng Phú Mỹ – Vĩnh Điều huyện Kiên Lương.

Nghề đan bàng đang có nhiều khởi sắc hơn vì thị trường xuất khẩu đang mở rộng. Hiện nay đời sống của nhân dân vùng đồng cỏ bàng ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

Bún nước lèo Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Để có được nồi nước lèo ngon phải kiếm con cá lóc đồng tối thiểu trên 0,5kg, được cá có trứng càng hấp dẫn vì nồi nước lèo sẽ nổi váng trứng vàng ươm, bắt mắt. Cá làm sạch, cắt thành hai phần đầu và đuôi: đầu dính với bộ đồ lòng là phần ngon nhất.

Tép bạc hoặc tôm thẻ luộc, bỏ vỏ cứng. Thêm mấy miếng thịt heo quay xắt miếng cỡ lóng tay hoặc chả cá thác lác, cá mè vinh thì tô bún càng ngon miệng. Nước lèo có thể nấu bằng nước dừa tươi để tăng thêm vị ngọt, cho mắm bò hóc vào nồi nước lèo đang sôi.

Ngải bún nướng sơ qua lửa than và gốc sả đập dập thả vô nấu tiếp. Hớt bọt kỹ, đến khi nước trong thả cá làm sạch vào.

Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo, nước mắm hòn Lại Sơn hay nước mắm Phú Quốc mới đúng điệu và làm tăng hương vị đậm đà. Đây là món ăn thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương.

Theo Vietnamnet

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Hãy tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống hàng ngày cùng bạn bè, người thân tìm về hương đồng gió nội, tận hưởng cảm giác thư thái khi khám phá khu du lịch Xẻo Quýt mùa nước nổi này

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt có diện tích 50ha, trong đó có 20h là rừng tràm, Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một căn cứ quân sự, ngày nay Xẻo Quýt trở thành địa điểm nổi tiếng trong những chuyến du lịch về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khi xưa Xẻo Quýt toàn cỏ dại hoang vu, địa thế hiểm trở nên được Tỉnh ủy Kiến Phong thời đó (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Rừng tràm này chính là thành quả của người dân địa phương trồng để bảo vệ, che chở cán bộ hoạt động cách mạng. Những công sự, hầm tránh bom, hầm bí mật, nhà họp… mà nhân dân xây dựng hiện được giữ gìn nguyên vẹn.

Đến với Xẻo Quýt, du khách sẽ cảm nhận ngay một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tham quan Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Ở đây môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, trên đường đi du khách sẽ được những cô du kích mời ăn nhẹ món ăn dân dã và là đặc sản ở vùng này: cơm nắm lá sen muối mè.

Bên cạnh đó, khu di tích Xẻo Quýt với môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp…

Bạn sẽ được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa khi chứng kiến những hầm tránh bom chử A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất được phục chế nguyên vẹn như trước. Ngoài ra còn có những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh.

Giữa thiên nhiên hoang dã đặc trưng hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, bạn có thể nghe rõ tiếng mái dầm khuấy nước rào rạt, tiếng cá quẫy nước và tiếng gió thổi rì rào trên lá. Hít đầy không khí trong lành vô lồng ngực, cảm giác những bụi bặm chốn thành đô phút chốc như được gột sạch.

Một điểm thú vị khi đến Xẻo Quýt là du khách sẽ được “Đi xuồng gỡ chài”, lắc lư trên xuồng ba lá men theo rừng tràm để đi gỡ chày bắt cá, tôm,… những sản phẩm thu được sẽ được người dân địa phương chế biến thành những món đặc sản như: cá trê chiên mắm xoài, ốc bưu hấp hèm…

Cá lóc nướng sen, chuột đồng nướng, lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, là những món ăn đặc sản của nơi đây, còn gì thú vị hơn khi vừa dùng cơm vừa thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử, rồi tự do khám phá tham quan rừng tràm nguyên sinh, câu cá giải trí, hoặc mắc võng nằm nghĩ dưới tán rừng tràm xanh mượt…

Rừng tràm Trà Sư, nét đẹp mùa nước nổi An Giang

Cứ độ tháng 10 tháng 11 hàng năm, dân du lịch từ Nam ra Bắc lại rủ nhau đi ngắm rừng tràm Trà Sư yên bình và xanh mát , Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, rừng tràm Trà Sư được xem là biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây .Với diện tích khoảng 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh mơn mởn của đám bèo tây giăng kín mặt nước. Đây sẽ là một trải nghiệm bạn không thể bỏ lỡ khi đi thuyền trên đồng nước mênh mang và say mê với vẻ đẹp mát rượi của khu rừng, lắng nghe tiếng chim chóc kêu thật gần và những bông điên điển vàng nghiêng nghiêng soi bóng.

Đi về phía huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 100 km, bạn sẽ gặp con đường đất đỏ dẫn vào rừng tràm Trà Sư. Hai bên đường, những cánh đồng lúa ngút ngàn và những cây thốt nốt cao cao tỏa bóng như mê đắm, nhất là trong ánh hoàng hôn rực rỡ của miền nhiệt đới. Đâu đó, bạn còn gặp những đàn vịt đủ màu sắc, bởi họ nhuộm lông cho những chú vịt, nào vàng, nào xanh, nào tím… để nhận biết vịt của các nhà.

Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút, dọc bên đường là những đầm sen và hàng cây xanh mát. Vé đi thuyền ở rừng tràm khá rẻ, theo nhóm 3-5 người một thuyền có giá khoảng 50.000-60.000 một người cho 2 tiếng tham quan. Thuyền máy đôi tôm rẽ nước đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Thi thoảng, khi bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng hay điên điển bên bờ, bạn cũng có thể yêu cầu lái thuyền dừng máy để thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng nơi những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước. Trên thuyền được trang bị cả nón lá để chụp ảnh hay tránh “bom” của những chú chim trong rừng, khỏa nước theo giọng nói chuyện chầm chậm của cô lái thuyền.

Bạn có thể với tay chạm vào những tấm bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực. Nếu đi vào sáng sớm hay chiều tối, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng hàng đàn chim tỏa đi khắp bầu trời rồi bay về tổ.

Sau khi chuyển lại về thuyền máy, bạn được đưa tới Vọng gác quan sát, nơi có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng rộng bao la. Vì đi vào mùa mưa tháng 10, 11, đôi khi bạn cũng có thể bắt gặp những cơn mưa bóng mây trong rừng, ào ào rồi chợt tạnh.

Sau khi khám phá rừng tràm, bạn nên ghé qua các địa điểm du lịch khác của An Giang như đền bà Chúa Xứ, khu du lịch núi Cấm… hay dừng chân thưởng thức nước thốt nốt bên đường và mua về làm quà.

Băng Tâm tổng hợp

Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

[vanhoamientay.com] Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov


Cách làm bánh tằm bì ngọt béo

[vanhoamientay.com] Có lẽ chính do sợi bột gạo se lại bằng tay và luộc chín nhìn như con tằm, ăn cùng với bì nên bánh có tên là bánh tằm bì. Người ăn món này đầu tiên đều cảm thấy sửng sốt vì món ăn vừa mặn lại vừa ngọt. Ngọt bởi nước cốt dừa và mặn vì nước mắm chua ngọt chan kèm.

Nếu mảnh đất Cố Đô nổi tiếng với món chè bột lọc bọc heo quay thì đất Bạc Liêu cũng làm lạ lẫm người ăn với vị ngọt kết hợp vị mằn mặn của món bánh tằm. Cách làm món bánh tằm bì này cũng không khó lắm, cùng thực hiện nhé

Nguyên liệu:

– 400g bột gạo, 100g bột năng.

– 200g dừa nạo, nước mắm, đường, hành lá, muối, hạt nêm, xà lách, dưa leo, rau thơm.

Cách làm bánh tằm bì:

– Trộn chung bột mì và bột năng, thêm 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa hạt nêm, cho nước sôi vào rồi nhồi đến khi bột dẻo, không dính tay là được.

– Chia bột thành những viên tròn nhỏ, cán mỏng, thái thành sợi vừa ăn. Sau đó vo tròn sợi bánh tằm. Đun nước sôi, cho bột vào luộc chín. Vớt ra xả lại với nước lạnh, để ráo nước, trộn với một ít dầu cho sợi bánh không dính vào nhau.

– Bì trộn thính mua loại làm sẵn. Thịt heo nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái sợi.

– Làm nước cốt dừa:

Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt dừa vào nồi nấu lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào với nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

– Làm nước mắm: Hòa tan nước mắm, nước dừa tươi cùng một ít đường, đun sôi, nếm thử thấy vừa ăn là được. Để nguội, cho tỏi ớt giã nhuyễn vào, vắt thêm tí chanh là hoàn tất.

Nếu bạn thích thì ăn kèm với một viên xíu mại nữa nhé. Một đĩa tằm bì hoàn chỉnh sẽ có dưa leo, xà lách, giá, rau thơm… lót dưới cùng, sau đó tới đám bánh tằm trắng phau, phía trên là một lớp bì và thịt nạc heo, nhúm đậu phộng rang, mấy sợi đồ chua gồm củ cải, cà rốt cùng với chút xanh của hành lá phi với dầu tô điểm cho dĩa bánh sinh động và bắt mắt.

Những sợi bánh làm bằng bột gạo và bột năng được se một cách thủ công, không khuôn, sợi bánh trắng đụt, to tạo độ “xừn xựt” khi nhai, bì giòn mền nước cốt dừa béo ngậy. Bì là công phu nên mùi thơm vương vấn chân răng. Vị chua ngọt, cai mặn của nước mắm và mùi thơm của cách loại rau xanh, dưa leo bằm nhuyễn tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên, miễn ăn là ghiền.

Theo Vnexpress

Đậm đà món vịt nấu chao

[vanhoamientay.com] Vịt nấu chao món ăn đã không còn xa lạ đối với nhiều người miền Tây bởi sức hấp dẫn mà món ăn mang lại. Đối với người miền Tây thì món ăn từ vịt được ưa chuộng hơn, thay vì là gà như người miền Bắc hoặc Trung . Từ đó người ta chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn như: vịt kho gừng, cháo vịt, gỏi vịt… trong đó vịt nấu chao là món ăn công phu được nhiều người lựa chọn.

Có thể nói hương vị đặc trưng của món vịt nấu chao được tạo nên từ những nguyên liệu chính là chao và khoai môn hòa hợp với thịt vịt,… Chẳng ai biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu, nhưng theo nhận xét của nhiều người thì đây là món ăn xuất phát từ vùng quê dân dã. Bỡi lẽ, nguyên liệu món ăn rất dễ tìm, một hủ chao nhỏ, vài ba tép xả, củ khoai, vài cọng rau muống ngoài vườn là đã tạo nên một hương vị thơm nồng quyến rũ.

Một bí quyết không thể bỏ qua giúp khử mùi lông vịt là khi chế biến, vịt phải được khử mùi bằng gừng và rượu trắng, sau đó mới rửa sạch. Thịt vịt được chặt thành miếng vừa phải, ướp với chao, dầu hào, sả băm nhuyễn,… để khoảng 20 phút. Tiếp đến phi tỏi vàng xào thịt đã ướp cho săn lại và cho nước dừa tươi vào, hầm lửa đều. Khoai môn được sắc thành miếng lớn, nhỏ tùy ý, chiên vàng để tạo mùi thơm, vị bùi hơn của khoai môn và giữ cho khoai không bị vỡ trong quá trình hầm. Cho khoai vào nồi vịt nấu chao hầm tiếp đến khi vị khoai thắm vào thịt vịt. Thời gian hầm từ 30 phút đến 1 giờ tùy theo loại vịt. Sau khi vịt chín là có thể thưởng thức ngay được rồi đấy.

Vịt nấu chao thường ăn kèm với bún, mì gói hay cơm trắng. Các loại rau dùng để trụng ăn với món này cũng khá đa dạng nhưng ngon nhất vẫn là rau muống đồng và cải xanh. Món vịt nấu chao càng đậm đà và hấp dẫn hơn với nước chấm được pha chế từ chao, đường mía, một ít nước cốt chanh và ớt đỏ băm nhuyễn.

Nghe qua thôi cũng đã cảm nhận được sức hấp dẫn không thể chối từ của món ăn này mang đến cho thực khách. Tuy đơn giản mộc mạc nhưng món ăn này được xem là đặc sản của người miền Tây mỗi khi đãi khách. Chỉ cần xắn tay lên một chút là đã có món đặc sản đãi cả nhà rồi đấy. Vịt nấu chao thực sự là một món ăn thu hút, hấp dẫn để bạn có thêm lựa chọn mỗi khi ra ngoài ăn cùng gia đình. Còn gì thích thú hơn bằng vào những ngày tiết trời hơn se lạnh cùng gia đình, người thân quây quần bên nồi lẫu vịt nấu chao đang nghi ngút khói.

Vịt nấu chao món ăn đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa ẩm thực người dân miền sông nước từ bao đời nay. Ngày nay món ăn này đã trở thành thương hiệu của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực miền Tây. Chắc chắn sau khi thưởng thức món ăn này các bạn sẽ vô cùng thích thú và hài lòng vì sự lựa chọn của mình đấy. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm một món ăn mới trong sổ tay ẩm thực của mình.

Đậm đà món vịt nấu chao

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!