Có thể bạn quan tâm

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Khi những thửa ruộng còn trơ gốc rạ cũng là lúc chuột đồng đã no lúa, béo tốt và chắc thịt. Mùa này đi về miền Tây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều bà con nông dân bài bán chuột. Chuột đồng nướng muối ớt là món nổi bật trong các đặc sản miền Tây được người dân chế biến nhiều sau mùa gặt.

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng miền Tây

Chuột đồng thường sống trong những cánh đồng, ruộng lúa, xuất hiện quanh năm tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi những cánh đồng lúa bắt đầu thu hoạch cũng là lúc bà con nơi đây ra đồng săn chuột vì thời điểm này chuột thường xuất hiện nhiều. Do chỉ chuyên ăn lúa cho nên thịt chuột sạch, béo, chắc và ngọt.

Có nhiều cách bắt chuột. Nếu khi lúa chín nhưng chưa cắt thì người dân sẽ dùng lưới vây, đặt bẫy lồng sau đó dùng dây có treo vỏ lon để tạo ra tiếng động, khiến chuột chạy ra khỏi lúa, rồi kéo cho chuột gom lại bắt. Tuy nhiên, hiện cách săn chuột phổ biến nhất là dùng chó săn để đánh hơi những hang chuột đang sống. Ngoài ra, bà con còn đào hang, bẫy, xiên từ trong ruộng lúa hoặc chỉ cần hun khói vào hang là chuột sẽ đua nhau chạy ra…

Chuột đồng miền Tây

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức, tốn thời gian thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khìa nước dừa, rô ti… món nào cũng béo và ngon miệng.

Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn phổ biến, không thể thiếu trên bàn nhậu và được nhiều người ưa thích.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Chuột làm sạch và rửa lại với muối và gừng một lần nữa để loại bỏ mùi tanh, để ráo, ướp gia vị bao gồm muối, ớt, hạt nêm, ít sả và tỏi băm, để khoảng 30 phút.

Thịt chuột đã thấm gia vị, đem nướng trên lửa than đến khi chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên. Khi nướng, muối sẽ ngấm đều, tạo nên hương vị đậm đà của thịt chuột. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Thịt chuột nướng muối ớt không có mùi lạ mà thơm phức, có vị ngọt, dai chắc như thịt gà và đặc biệt là rất ít mỡ. Khi ăn, xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi, có thể chấm với muối ớt chanh sẽ tăng thêm vị đậm đà cho món ăn. Không cần cầu kỳ, chỉ với muối tiêu thêm chanh ớt là thịt chuột đã đủ dậy lên mùi vị đặc trưng của món nướng. Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế thì chẳng gì bằng nữa.

Chuột đồng là món ăn ngon, song không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhiều người tò mò xen lẫn sợ hãi khi nếm hương vị của món ăn này. Tuy nhiên, hãy thử một lần được trải nghiệm qua món chuột đồng nướng muối ớt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn những dư vị tuyệt vời mà món ăn độc đáo này mang lại.

Lễ hội Ok Om Bok Nam Bộ

Lễ hội Ok Om Bok, còn được gọi là Phochia Praschanh som paes khee, là lễ Cúng Trăng. Lễ hội này diễn ra hầu như khắp các tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lớn nhất và được biết nhiều nhất là ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng). Vài năm qua, lễ hội này đã được tổ chức tại TX.Trà Vinh (Trà Vinh), TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Ô Môn (TP.Cần Thơ)

Trong vô số lễ hội quanh năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ba lễ hội quan trọng là Chol Chnam Thmay, Dolta và Ok Om Bok. Nhưng lễ hội Ok Om Bok được tổ chức rôm rả hơn cả.

Lễ hội Ok Om Bok ở các nơi thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (“Um Tuk Ngua”). Ghe ngo dài khoảng 24 m, ngang 1,2 m, làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar – linh vật của người Khmer. Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ. Hoa văn đẹp đẽ này còn được chăm chút trên từng cây dầm. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng, chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng, như Ok Om Bok. Sư cả và đồng bào trong phum sóc phải lựa chọn thanh niên cường tráng làm “Ch’rò-wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc giữ vai trò chính “Chih-khbal” (người cầm lái) cùng “Yông-lith” (phụ lái) cho ghe. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer mặc đồng phục đẹp, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển.

Trong ánh nắng chói chang hoặc trong cơn mưa tầm tã, tiếng cồng, tiếng còi từng nhịp từng nhịp thắt tim vang lên cùng tiếng mái dầm thọc sâu xuống mặt nước ngầu bọt sóng, đưa chiếc ghe vượt lên phía trước trong tiếng hoan hô khích lệ vang dậy của hàng chục ngàn khán giả. Đua ghe ngo ngày nay được xem như một ngày hội chung của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh, hào hùng, tài nghệ điêu luyện của các tay bơi tranh tài trên sông, mang đậm tinh thần thể thao, đoàn kết, vui tươi. Cho nên, cuộc đua kéo dài tới xế chiều và tuy có phân định thắng thua nhưng các tay bơi đều vui vẻ, hân hoan trong tinh thần đoàn kết.

Xế chiều, nếu ở Sóc Trăng người ta đến hồ Nước Ngọt, còn ở Trà Vinh thì tập trung về Ao Bà Om tham dự lễ Cúng Trăng. Ao Bà Om là một thắng cảnh độc đáo của Trà Vinh nổi tiếng khắp Nam bộ từ hơn một thế kỷ nay.

Có câu hát rất phổ biến ở Trà Vinh nhằm ca ngợi hai thắng cảnh của địa phương này đến nay vẫn còn lưu truyền:
“Biển Ba Động nước xanh cát trắng
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây
Xin mời du khách về đây
Viếng qua thì biết chốn này thần tiên !”

Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8, cách trung tâm TX.Trà Vinh khoảng 5 km, theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Trước kia, từ Quốc lộ 53 vào ao là mấy con đường mòn lầy lội mùa mưa, cát ngập mắt cá chân mùa nắng, quanh co xuyên qua các phum sóc ẩn mình trong bóng mát cây xanh. Từ nhiều năm nay, con đường vào ao đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, có đường xe hai chiều, dãy phân cách trồng hoa cỏ xinh tươi. Ao Bà Om có hình chữ nhật nên thường được gọi là Ao Vuông, rộng khoảng 10 ha. Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi sen, súng dập dờn cánh lá với những đóa hoa tinh khiết vươn cao nét đẹp. Bao bọc quanh ao là bốn gò cát cao, mấp mô với các hàng sao, dầu cổ thụ rợp che bóng mát. Hấp dẫn nhất là một số gốc đại thụ này nhô lên khỏi mặt đất, có nơi cao khỏi đầu người, với nhiều hình thù quái dị nhưng độc đáo không đâu có. Lại có nơi hai cây cổ thụ mọc gần nhau, cành nối cành tạo sự “liên thông”, gắn kết, cũng là nét kỳ lạ, khó nơi nào có được. Ao Bà Om được nhiều người sánh là Đà Lạt của Đồng bằng sông Cửu Long nhờ bốn hàng sao dầu đại thụ quanh ao lúc nào cũng rì rào nhạc lá, tạo không khí mát mẻ như mùa xuân. Ao Bà Om được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa vào ngày 25-8-1992.

Đêm lễ hội, bốn con đường đất bao bọc quanh Ao Bà Om, cả triền dốc bốn đường quanh ao và mặt đường quanh ao “phủ rợp” người là người. Kẻ ngồi từng nhóm, người thả bước dạo chơi hoặc thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, cũng như mua sắm vật kỷ niệm bày bán khắp nơi. Sụp tối, các “nghệ sĩ chân đất” làm xôm tụ bởi các điệu múa lâm-thôn, hát rô-băm, hát dù-kê, hát à-day, thi đấu cờ ốc, đấu võ, kéo co, đi cà khêu, biểu diễn trang phục các dân tộc, ăn cốm dẹp đầu mùa… Tiếng trống xa-dăm, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt khiến lòng bạn quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi, vui tươi. Bạn sẽ quên mất mình là ai, cùng hòa bước chân trong điệu lâm-thôn đầy mê hoặc, trong điệu hát giao duyên trai gái à-day tình tứ…

Đêm vui Ok Om Bok cứ thế diễn ra trong tiếng hát hòa trong tiếng các loại nhạc cụ, các điệu múa thành một “đêm trắng” lãng mạn lôi cuốn mọi người đến khó quên!

Theo Báo Hậu Giang

Chong chóng và gió

Gió có vị gì nhỉ? Không ai biết.

Gió có màu gì nhỉ? Không ai biết.

Gió có mùi gì nhỉ? Không ai biết.

[vanhoamientay.com] Nhưng chong chóng biết. Gió có vị mặn của nước mắt chong chóng. Gió có màu bạc của thời gian và sự chờ đợi. Gió có mùi máu đang rỉ ra từ trái tim chong chóng.

Đã có chuyện tình giữa nắng và mưa. Và đây là chuyện tình giữa gió và chong chóng….^^

Gió nhẹ, chong chóng quay. . .

 Cậu lúc nào cũng quay mãi thế à? “ Chợt gió hỏi chong chóng.

” Ừ, có lẽ vậy! Vì cậu thổi nên tớ phải quay! “

” Vì tớ sao? “ Gió ngạc nhiên.

 Vì cậu. Vì cậu mà tớ quay, cũng vì cậu mà tớ sống.  Nếu tớ không quay thì tớ là một cái chong chóng chết. “

” Nếu. . . nếu có một ngày. . . tớ không ở bên cậu nữa. . . “ Gió ngập ngừng.

” Tớ không biết. Trên đời này có vô vàn ngọn gió và vô vàn chong chóng. Bình thường thì chong chóng cần gió. Gió như là nguồn sống của chong chóng. Chong chóng thiếu gió, chong chóng không còn sức sống nhưng gió thiếu chong chóng thì gió vẫn vậy. “ Chong chóng nhẹ nhàng trả lời gió.

” Ừhm. Có lẽ… “ Gió đáp, với tất cả sự thờ ơ.

Chong chóng hiểu hết tất cả. Rằng một ngày kia, gió sẽ chán chong chóng. Rằng chong chóng sẽ già đi theo thời gian nhưng gió thì không. Rằng ngày đó đã sắp đến rồi. Chong chóng thở dài. Chong chóng sắp già mất rồi. Hai ngày, chong chóng không được gặp gió. Có lẽ là chong chóng nhớ gió. Rồi. . . Trời gió lên, chong chóng quay. . . Gió đến rồi!! Gió vẫn thế, vẫn thờ ơ và vô tình. Chong chong nhìn gió, không tin vào mắt mình. Gió, là gió. . . Nhưng đáp trả lại sự nhiệt tình của chong chóng chỉ là một làn gió nhẹ, đủ để chong chóng rung động.

” Tớ phải đi! “ Đột ngột gió lên tiếng.

” Cậu phải đi à? Cậu đi đâu? “ Chong chóng hỏi, trong hoảng loạn.

” Xa lắm, họ rủ tớ đi, các cơn gió khác. Chúng tớ phải đi, vì sắp đến mùa khô rồi!! “

” Thật sao? “ Điều chong chóng lo sợ cuối cùng cũng tới. ” Cậu có về không? “

” Thế cậu có đợi không? “ Gió hỏi lại.

” Tớ đợi. Chỉ cần cậu nói có về là tớ tin cậu có về! “ Chong chóng lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng có niềm tin tuyệt đối vào người khác.

” Ừh. Nếu cậu đợi thì tớ sẽ về… “ Gió đáp.

” Cậu sẽ về thật chứ? Khi nào thì cậu về? “

” Nhanh thôi, khoảng năm mười ngày gì đó! “ Gió trả lời. ” Tin tớ nhé!? “

” Tớ tin cậu, cậu đi đi! Tớ sẽ chờ! Cậu sẽ về, sẽ mang cho tớ bông hoa màu tím chứ? “ Chong chóng nói, lòng lại nhen lên niềm hy vọng.

” Chắc chắn!! Hoa màu tím nhé!! “ Gió khẽ cười.

Chong chóng không nói gì cả, chỉ biết lặng nhìn gió đi.

Rồi gió đi. Chong chóng ở lại và chờ đợi. Chờ mỏi mòn.

Một ngày, hai ngày. Một tuần, hai tuần. Rồi một tháng, hai tháng. Gió vẫn không về. Chong chóng vẫn đợi. Chong chóng tin gió. Tin vào lời hứa của gió. Năm đó, khô hạn, nắng nóng. Trời lặng không chút gió. Mọi người đã đi đến vùng khác. Riêng chong chóng vẫn ở mãi nơi này. Chong chóng sợ nếu mình đi thì khi gió quay về sẽ không gặp. Chong chóng sợ không gặp được gió.
Cậu ấy sẽ về! Cậu ấy hứa rồi mà! Cậu ấy bảo nếu mình đợi thì cậu ấy sẽ về!

Mình phải tin vào cậu ấy! Cậu ấy không lừa mình! Cậu ấy không nói dối!

Phải tin, ai nói gì mình mặc kệ! Cậu ấy sẽ về! Phải tin tưởng! Phải tin. . .

Cứ thế, chong chóng đã đợi hơn mười năm! Chong chóng vẫn cứ tin, chong chóng vẫn cứ đợi, chong chóng vẫn cứ hy vọng! Màu vàng cam ngày xưa, giờ chỉ là một màu bàn bạc, màu của thời gian, màu của sự chờ đợi. Nhưng chong chóng vẫn đợi!

Rồi một ngày kia. Đã có người phát hiện ra chong chóng. Là một cơn gió. Trời gió lên, chong chóng quay. . . Gió!? Chong chóng quay, chong chóng lại tràn đầy sức sống nhưng. . đó k phải là gió, chỉ là hơi từ miệng một cô bé. ” Gió ở đâu? ” Chong chóng tự hỏi. Có lẽ gió đã quên chong chóng rồi, có lẽ bây giờ gió đang ở bên một chong chóng nào khác. Có lẽ là thế. Nhưng. . . gió đã hứa là sẽ về với chong chóng rồi kia mà. Cô bé vẫn đang thổi. Chong chóng quay nhưng chong chóng không hạnh phúc. Đây không phải là gió của chong chóng. Đây không phải là cơn gió mà chong chóng đã chờ đợi suốt mười năm. Gió của chong chóng khác,  gió của chong chóng tuy vô tình nhưng khi làm chong chóng quay lại có cảm giác khác. Không, không phải! Không phải gió của chong chóng. Chong chóng không muốn quay vì cô bé. Chong chóng chỉ muốn quay vì gió thôi. Nhưng cô bé cuối cùng cũng vứt bỏ chong chóng như cơn gió kia đã từng làm hồi mười năm trước. Chong chóng lại trơ trọi một mình. Lại tiếp tục héo hon vì chờ đợi. Lại tiếp tục hy vọng vào lời hứa của gió. Mười năm rồi. Chong chóng cứ thế chờ đợi trong vô vọng. Chong chóng chỉ mong gặp được gió, dù chỉ một lần thôi cũng được. Gặp để lòng chong chóng thôi day dứt. Ngày ấy chong chóng không dám nói. Chong chóng sợ. . .

Gió à! Cậu về đi! Tớ vẫn đang chờ cậu! Vẫn đang chờ!

Tớ nhớ cậu lắm! Cậu đang định bỏ rơi tớ đấy à?

Đừng làm vậy nhé! Bỏ rơi người khác là không tốt đâu!

Liệu có ai hiểu tại sao gió lại bỏ chong chóng?? Gió sợ, sợ tính cách ương bướng, thích cái mới của mình làm chong chóng tổn thương. Nhưng gió làm vậy đã để chong chóng tổn thương nặng nề hơn. Gió đã làm chong chóng phí hoài cả đời mình để chờ đợi. Gió ác lắm! Chong chóng vẫn tin gió, chong chóng không trách gió, chong chóng có một niềm tin mãnh liệt.

Gió có vị gì nhỉ? Không ai biết.

Gió có màu gì nhỉ? Không ai biết.

Gió có mùi gì nhỉ? Không ai biết.

Nhưng chong chóng biết. Gió có vị mặn của nước mắt chong chóng. Gió có màu bạc của thời gian và sự chờ đợi. Gió có mùi máu đang rỉ ra từ trái tim chong chóng.

Chong chóng không dám thừa nhận mình đã yêu gió. Nhưng đó vẫn là sự thật. Chong chóng yêu gió. Chong chóng chờ gió là để nói ra điều này để thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn. Mục tiêu của chong chóng chỉ có vậy. Chong chóng không dám mơ đến gió. Chong chóng không cần gió yêu chong chóng. Chong chóng chỉ cần gió về thôi. Liệu chong chóng có đòi hỏi cao quá không? Mười năm sống trong hy vọng, mười năm con vịt cứ nghĩ mình là thiên nga, mười năm ảo tưởng, mười năm sống như người mộng du đã làm chong chóng không còn chút sức lực nào nữa. Chong chong không chịu nổi cái cảm giác ngột ngạt này nữa rồi.
Không! Mình phải sống! Mình phải đợi! Gió sẽ về! Sẽ về mà!

Đã hứa! Gió không nuốt lời đâu!

Nghe này chong chóng! Yêu thương là tin tưởng!

Chong chóng yêu gió thì chong chóng phải tin gió chứ!

Gió sẽ trở lại! Chút nữa thôi! Cố lên nào chong chóng!

Trời gió lên, chong chóng quay. . .

Gió, là gió! Là cơn gió đó! Gió về rồi! Chong chóng lại quay, chong chóng hạnh phúc!

” Dối trá! Cậu bảo chỉ năm mười ngày! “ Chong chóng nghẹn ngào.

” Xin lỗi, tớ. . . “

” Đừng xin lỗi! “ Chong chóng hét lên. ” Tớ không tha thứ cho cậu đâu!! Bây giờ và mãi mãi!! “

” Nghe tớ giải thích, chong chóng! Chấp nhận lời xin lỗi của tớ đi! Tớ thực sự muốn quay lại với cậu nhưng sức khỏe của tớ không cho phép! Tớ không thể đi đoạn đường xa như vậy để về với cậu được, gần 400 km! Tớ cũng nhớ cậu lắm! Tớ. . . tớ cần cậu chấp nhận lời xin lỗi này! “

” Cậu bỏ tớ hơn mười năm, rồi bay giờ trở về xin lỗi là xong hết sao? “

” Tớ đã thực hiện lời hứa với cậu rồi mà! “ Gió yếu ớt đáp.

” Lời hứa!? Thế cậu có nhớ cậu hứa gì không? “

” Tớ không còn nhiều thời gian nữa! Tớ không biết có thể tìm cho cậu bông hoa màu tím không? Tớ sẽ cố! Nhưng sợ không kịp! Tớ sắp chết rồi! “ Gió nói, nhẹ nhàng như tuyết rơi.

“Hả? Cái gì? Không còn nhiều thời gian nữa!? Sợ không kịp!? Sắp chết?”

Chong chóng không tin! K phải! Sao gió có thể chết được!?

” Cậu . . . mà chết thì tớ phải làm sao!? “

” Xin lỗi, tớ thực sự không muốn bỏ lại cậu một mình trên cuộc đời này! Nhưng. . . “ Gió nói mà cố không để giọng mình khác đi.

” Cậu mà bỏ rơi tớ là không bao giờ tớ tha thứ cho cậu đâu! “ Chong chóng hét, giọng lạc đi. ” Tớ yêu cậu!! “

” Trước đây tớ luôn phân vân liệu cậu có yêu tớ không? Bây giờ thì tớ xác định được rồi! Tớ về không uổng phí! Bông hoa màu tím, tớ sẽ tìm, chờ nhé! “

” Không!!! Tớ không để cậu đi đâu! Tớ sợ lắm! Cậu đừng để tớ lại một mình, tớ sợ lắm! “ Chong chóng nói trong nước mắt.

” Tớ không bỏ cậu đâu! Tớ đã về rồi kia mà! Một chút thôi! Về ngay!! “ Gió khẽ hôn lên chong chóng. Rồi lại đi. Rồi lại bỏ chong chóng.

Chỉ còn lại một mình chong chóng. Chong chóng không thể giữ chân được gió. Gió quen tự do rồi.

Cơn gió không dừng chân nơi đây. . .

Xin lỗi cậu nhiều lắm. chong chóng!!! Tớ không muốn cậu đau khổ vì tớ!

Trên đời này còn nhiều cơn gió nữa mà! Đâu phải chỉ có tớ là gió!

Đừng khóc, thấy cậu khóc tớ đau lòng lắm! Cậu đừng khóc!

Đừng vì tớ mà đau khổ, đừng vì tớ mà làm bất kì chuyện gì dại dột!

Tớ không muốn cậu thấy tớ chết!

Tớ sẽ chịu đau khổ một mình! Tớ sẽ không để cậu tổn thương lần nữa đâu!

Xin lỗi cậu, vì tất cả những gì tớ có lỗi!

Chong chóng lặng nhìn gió!

Cậu về để làm gì? Cậu ác lắm! Cậu làm vậy sao tớ vui được?

Thà cậu nói cậu ghét tớ, thà cậu nói cậu đã có chong chóng khác!

Thà là vậy! Có lẽ tớ dễ chịu hơn bây giờ!

Chứ bây giờ lòng tớ đau lắm cậu biết không?

Một câu nói dối như ngày xưa để tớ tiếp tục sống vui vẻ đối với cậu khó lắm sao?

Chỉ là một câu nói để tớ yên lòng thôi mà! Không được sao?

st

Cá lau kiếng hầm sả, món lạ miền Tây

[vanhoamientay.com] Trước đây, cá lau kiếng ít được mọi người biết đến, song hiện nay người dân miền Tây lại rất khoái khẩu với loại cá này.

Cá lau kiếng (còn gọi là cá dọn bể, cá tỳ bà), tên khoa học là Hypostomus punctatus, là loại cá nước ngọt – xuất xứ từ Nam Mỹ – được người chơi cá cảnh nhập về từ Hồng Kông, Singapore. Ðây là loài cá ăn tạp chất thải của các loại cá khác hoặc rong, rêu bám trên thành bể. Cá có hình dạng xấu xí, chiều dài từ 30-70 cm, sinh sản quanh năm và dễ thích nghi với môi trường khi phát tán ra ngoài tự nhiên…

Mọi người đều phải công nhận thịt cá lau kính rất tuyệt, thịt trắng dẽ dặt, có người lại còn đồn thổi lên rằng, cá lau kiếng sinh sản mạnh nên có tác dụng bổ dương, trị nhức mỏi, đau lưng nữa…Thế là, cá lau kiếng được mang ra chợ bán với giá cả khá mềm (khoảng 15.000 đồng/kg) và được các “nghệ nhân ẩm thực” chế biến thành các món ngon “độc đáo” như: nướng muối ớt, nấu lẩu, hầm sả, làm khô,… Trong các món kể trên, người sành ẩm thực mỗi khi đến TP Cần Thơ đều thích nhất là món: Cá lau kiếng hầm sả.

Chế biến món này rất đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị các nguyên liệu chính như: cá lau kiếng 1 kg, đậu phộng, củ cải trắng, sả, ớt.

 Nên nhớ, vảy cá lau kiếng như một bộ giáp sắt rất cứng và bén, vì thế không thể dùng dao đánh được. Chỉ cần rửa cá với nước chanh cho sạch nhớt và bớt mùi tanh. Kế đến, đập vài tép sả để dưới đáy nồi và cho cá vào với nước dừa tươi, cùng đậu phộng (đã ngâm nước rửa sạch, để ráo), củ cải trắng (gọt vỏ rửa sạch, xắt khúc) hầm với ngọn lửa liu riu cho tới khi cá và các phụ liệu chín. Dùng đũa gắp cá ra gỡ bỏ vảy. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, nhắc xuống và chuyển tất cả qua nồi lẩu để giữ nóng. Chỉ cần dọn thêm một dĩa bún, dĩa rau sống (rau cần nước, cải bẹ xanh, mùng tơi…), cùng chén nước mắm Phú Quốc nguyên chất, vài trái ớt hiểm chín nữa là xong!

Thật thú vị, một ngày cuối tuần đẹp trời nào đó, bạn hãy đến khu vực Thới Thạnh, Thới Thuận, Thốt Nốt, TP Cần Thơ để khám phá món cá lau kiếng hầm sả này. Cho miếng cải bẹ xanh (hoặc rau cần ống) nhúng vào nồi nước dùng đang bốc khói cùng miếng bún đặt vào chén, giẽ miếng thịt cá lau kiếng màu trắng ngần chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Mùi thơm của rau, vị dai ngọt của thịt cá như ngấm dần và len lỏi vào khắp giác quan. Chan miếng nước dùng cùng ít đậu phộng, củ cải trắng vào chén “lua” một phát, sẽ cảm nhận được “tổng hoà” hương vị của một loài cá lạ “xấu tướng mà ngon” này!…

Theo Cà Mau

Làng hoa kiểng Cái Mơn

[vanhoamientay.com] Không khí rộn ràng những ngày giáp xuân, cùng cảnh sắc thiên nhiên độc đáo của làng hoa kiểng Cái Mơn sẽ đem cho bạn những trải nghiệm khó quên.

Về đây, bạn như ôm trọn cả không gian văn hoá “miệt vườn” với những dấu xưa miền “Nam kỳ lục tỉnh” (hay “lục tỉnh”) từng được tái hiện trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, với nếp nhà lá thân thương, chiếc xuồng ba lá xuôi ngược trên sông nước, mùi khói đốt đồng và câu hò xao xác trời chiều…

Làng hoa kiểng Cái Mơn ( thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), quê hương Trương Vĩnh Ký, nơi từ lâu không chỉ nổi tiếng  cây lành, trái ngọt mà còn hoa kiểng. Nhiều người vươn lên thành tỉ phú với vỏn vẹn 2 công đất nhờ cây giống, hoa kiểng. Nhà nhà nối nhau làm hoa kiểng.

Tết, không gì thú vị bằng những ngày trước Tết, nhất là ở miền quê – nơi còn lưu giữ phong vị văn hóa cổ truyền đậm nét. Đây chính là lúc những đứa con xa quê hương đến tận nhà dân xem gói, nấu bánh tét và thử các món ăn ngày Tết đậm chất dân dã của người địa phương.

Trong khung cảnh làng quê Nam bộ thanh bình, cả gia đình ngồi quây quần bên những chiếc nong, nia đựng đầy gạo, thịt và lá chuối xanh cùng làn khói bếp từ nồi bánh tét bốc lên mang theo cả tâm trạng nao nao với hình ảnh báo hiệu Tết đã đến gần.

Du khách cũng có đi sâu trong miệt vườn ở vùng đất phương Nam để ngắm những loài hoa chân phương như cúc, dã yến thảo, lan, huệ, hồng tỷ muội… ở làng hoa Sa Đéc, Gò Công, làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) hay thăm vườn kiểng của nghệ nhân Năm Công – nghệ sĩ xứ miệt vườn đã sáng tạo nên những mẫu kiểng từng được đưa vào công viên Gardens by the Bay và công viên Bách Thảo Singapore…

Từ 20 tháng chạp cũng là lúc các phiên chợ nổi ở Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ)… bước vào mùa hội nhộn nhịp nhất trong năm. Nơi đây biến thành chợ đầu mối quy tụ mọi sản vật, hoa trái của cả vùng đồng bằng châu thổ trù phú Cửu Long. Đến đây vào dịp này, bạn sẽ có cơ hội chứng kiến quang cảnh buôn bán tấp nập “trên bến dưới thuyền”, không khí khẩn trương vận chuyển hàng hóa mang Tết đi khắp nơi, tiếng gọi bạn í ới làm xao động cả khúc sông quê.

Xứ sở miền “lục tỉnh” còn ban tặng cho con người nhiều sản vật thơm ngọt, mát lành. Chuyến du ngoạn miền Tây trước Tết của bạn sẽ đong đầy cảm xúc với quà mang về là những trái vú sữa, quýt hồng Lai Vung mơn mởn sắc vàng cam, mứt dừa Bến Tre hay các món khô Châu Đốc…

Băng Tâm tổng hợp

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.


Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Nếu miền Tây được mọi người biết đến với đặc sản nấm mối thì Phú Quốc nổi tiếng với nấm tràm, nấm tràm Phú Quốc là loại nấm ngon không thua kém gì với nấm rơm, nấm kim chi hay nấm bào ngư.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Cây tràm thường được trồng nhiều ở những khu rừng ngập mặn, loại cây này thường rụng lá tạo thành lớp mùn, khi những cơn mưa đầu mùa về, từ lớp mùn đó xuất hiện những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út, còn gọi là nấm búp nhô ra khỏi lớp vỏ và lá tràm. Nấm tràm có màu tím như màu quả măng cụt, bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn 1 tháng của đầu mùa mưa, từ khi mọc đến lúc tàn, vòng đời của nấm tràm chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.

Không những mọc dưới lớp mùn của lá tràm, nấm tràm còn mọc lên dưới những cây tràm có tuổi đời từ 3 năm trở lên. Tai nấm tràm phía trên có màu sẫm tím, phía dưới và thân có màu trắng tinh. Đặc biệt, nấm tràm Phú Quốc chỉ mọc khi trời ẩm ướt, khi có những cơn mưa giông lớn sau tháng ngày nắng hạn. Sở dĩ như vậy là vì mùa hè cây tràm tiết ra nhựa thấm xuống mặt đất, chờ khi ẩm ướt, có mưa giông thì nấm sẽ mọc.

Nấm tràm – đặc sản Phú Quốc

Đây là loại nấm tự nhiên nên người dân trên đảo Phú Quốc phải đi vào những khu đồng tràm để hái mang về đem chế biến. Người dân trên Đảo đã kết hợp một cách hoài hòa giữa nấm tràm Phú Quốc với hải sản tươi trên đảo như mực, tôm, hào bao … tạo ra món canh nấm tràm tuyệt hảo, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vừa là món ăn bổ dưỡng cho mọi gia đình.

Điều đặc biệt đối với những người mới ăn loại nấm này là sau khi ăn xong, bạn uống nước vào sẽ có cảm giác đắng miệng. Đây là 1 điểm đặc biệt của nấm tràm.

Để bớt vị đắng này, khi gọt nấm tràm xong thì ngâm trong nước muối khoảng 30 phút và luộc nấm bằng nước sôi. Nhưng nếu những người thích vị đắng thì chỉ cần rửa sạch không cần gọt bên ngoài nấm, để nguyên phần trên của tai nấm và không cần luộc.

Đặc sản nấm tràm Phú Quốc

Bạn nhớ lưu ý với bạn khi ăn canh nấm tràm Phú Quốc sau khi chế biến rồi bạn không nên hâm nóng lại, khi hâm nóng lại sẽ ăn không tốt.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!