Có thể bạn quan tâm

Cách làm bánh ú nước tro – Văn hóa miền Tây

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Ngày nay, chiếc bánh ú nước tro còn xuất hiện trong dịp lễ tết, hay đám giỗ.

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam.

Bánh ú nước tro có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh được gói bằng lá tre bên ngoài, bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Thành phần có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu.

Ngày xưa, để có nước tro làm bánh, người ta lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong. Ngày nay phần nước tro đã có bán ngoài chợ nên tiện lợi hơn nhiều. Ngoài ra khi làm chúng ta cần lưu ý nếu nếp có độ trong ít thì không đẹp và trong nhiều quá thì bánh có hậu đăng đắng. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm.

Cách làm bánh ú nước tro:

– Nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo nếp vào thau nước lạnh có hòa một ít muối, ngâm khoảng 5-6 tiếng, đãi lại cho sạch.

– Cho nếp vào thau sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro (một muỗng nước hòa với 1 lít nước), mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng. Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

– Sau đó, nếp xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để ráo nước

– Đậu xanh đã đãi vỏ, ngâm vào thau nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đậu xanh chín mềm.

– Khi đậu vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đậu mịn ra. Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội, vo viên tròn nhỏ.

Cách làm bánh ú nước tro

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn,

– Khi gói bánh, người ta cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Sau khi gói xong, bánh được xếp vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá.

Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng để cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.

Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh… tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.

Canh chua bông so đũa cá rô đồng

[vanhoamientay.com] Mỗi năm mỗi khi ngọn gió chướng lao xao trở về với bờ bãi của vùng sông nước Cửu Long thì cũng là lúc những bông so đũa nở vàng cả mặt nước. Và món canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo không thể bỏ qua.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đồng ruộng bao la. Nơi đây có sản lượng và trữ lượng cá nước ngọt lớn nhất nước. Về ĐBSCL “ăn cá” là thú vui ẩm thực rất hấp dẫn. Có rất nhiều loại cá ngon ở đồng bằng.

Canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo của vùng sông nước ĐBSCL. Nồi canh được nấu toàn nguyên liệu tươi sống tại chỗ nên rất hấp dẫn. Cá rô là loại cá có thịt ngọt, thơm, béo khá dễ mua ở các chợ.

Mùa mưa, mùa nước nổi, cá rô theo nước lên đồng tìm thức ăn. Nông dân giăng lưới, đặt lọp bắt được rất nhiều. Cá chừng non ba ngón tay khép lại, người ta gọi là cá rô “mề”, loại này đạt chất lượng nhất. Với khoảng 9 con cá rô mề, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi, móc mang, để nguyên con là có thể có nồi canh ngon.

Dân gian hay sử dụng bông so đũa chế biến thành các món ăn phong phú và đa dạng. Ở thôn quê người ta thường hái bông so đũa lúc sáng sớm, còn tươi, nhặt bỏ cuống và nhụy đắng, bỏ đài, rửa nhẹ dưới vòi nước để tránh bầm dập mất ngon.

Thành phần dinh dưỡng của bông so đũa rất cao với nhiều protid, vitamin tốt cho sức khỏe. Đặc biệt hai loại sắc tố là agathin màu đỏ và xanthoagathin màu vàng có nhiều trong bông so đũa, là những chất có tác dụng chống ôxy hóa tế bào.

Nồi nước bắc lên, khi nước sôi dằn ít muối hột. Sả bằm phi nhẹ, ớt xắt lát để vào khi nước sôi dịu xuống. Nêm đường, bột ngọt, tí nước mắm ngon. Lần lượt bỏ cà, khóm, me vô nồi nước. Nếu có con mẻ tán nhuyễn làm chất chua thì rất tuyệt. Nêm lẩu bằng rau ngò om là đúng điệu nhất, bởi loại rau này có mùi thơm rất dân dã.

Cá rô thả vào nồi lẩu vừa chín vớt ra dĩa, chấm với nước mắm ngon nguyên chất. Rau nhúng vào nồi lẩu sôi liu riu ít nhiều tùy theo ý thích của bạn, ăn với bún hoặc cơm. Thịt cá rô thơm béo, bông súng mềm dịu, nước lẩu chua hơi cay sẽ làm cho du khách khoái khẩu, ăn xuất mồ hôi “giải nghể”!

Một bữa tiệc dân dã với món canh chua bông so đũa cá rô đồng sẽ làm bạn nhớ mãi miền đất trù phú này.

Theo Vĩnh Long Online

Đọt choại luộc, món ăn mùi nhớ

[vanhoamientay.com] Đọt choại có thể xem là một món ăn mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi, loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt

Nghe 2 từ đọt choại (còn gọi chại, chạy), kỷ niệm trong tôi chợt hiện về. Có thể nói cây choại gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi. Choại là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá…. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thật “bá phát”!!…

Đọt choại non không những được ưa chuộng để chế biến các thức ăn, mà dây choại già cũng lắm hữu dụng. Tôi vẫn nhớ như in – trước khi lũ về trắng xóa cánh đồng – để chuẩn bị đồ nghề đánh bắt cá, ba tôi thường vào rừng chặt những dây choại già, bó từng bó phơi khô sau đó bện đăng, đó, lợp…, và làm dây buộc cột, kèo nhà tránh giông bão rất bền chắc, vì dây choại khi ngấm nước rất dẻo. Sau này, dây choại già còn được thêm công dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nữa.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi nằm trong vùng bị địch tạm chiếm. Gia đình ba má tôi quyết bám trụ, không chịu di tản. Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, mỗi khi ra đồng kiếm thức ăn rất ngại vì sợ cảnh bom rơi đạn lạc. Vì thế, quanh đi ngoảnh lại chỉ có rau, củ quanh nhà. Và, món ăn được má tôi chế biến thường xuyên trong những bữa cơm, đó là: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), hay đọt choại sống ăn kèm với cá hủn hỉn kho quẹt.

Tuy đạm bạc như thế nhưng nồi cơm lúc nào cũng được vét sạch, và phần cơm cháy khét còn lại dưới đáy nồi, anh em chúng tôi dùng đũa bếp cạy lên và chia nhau mỗi người một miếng ăn với nước mắm kho quẹt hay đường thẻ (loại đường mía màu vàng, đổ khuôn có hình chữ nhật), và được xem như là món “quà vặt” tráng miệng.

Hôm nay, tôi đang ngồi trong quán sang trọng, ấm cúng với người bạn thân, trước những món ăn dân dã được biến tấu ít nhiều. Dĩa đọt choại luộc giòn, xanh mướt (tuy cũng có những cọng già, chắc do chủ tiếc rẻ vì hàng hiếm), trông khá bắt mắt, khác với dĩa đọt choại luộc nơi quê nhà xanh màu cỏ úa, mềm nhũn vì luộc quá lửa. Chắc là đầu bếp đã dùng bí quyết, bỏ vào nồi nước sôi một ít muối trước khi luộc chín, và sau đó phủ một lớp dầu ăn lên cho bóng mượt.

Còn dĩa cơm cháy thì trông rất hấp dẫn, đồng nhất một màu vàng ruộm, cắt đôi hình bán nguyệt, giòn thơm, béo ngậy vì được chiên trên chảo mỡ, khác với miếng cơm cháy khét, khô cứng, có vị đăng đắng xưa kia. Món nước mắm kho quẹt cũng là nước mắm nhỉ Phú Quốc, thơm ngon, có màu cánh gián, sền sệt, không giống nhiều với mùi vị nước mắm đồng mặn quéo kết hợp tinh túy từ thịt của con cá sặt, cá rô, cá linh… với hạt muối quê nhà. Không những thế, quán còn “vẽ duyên” thêm đường, tóp mỡ, hành, cùng một trái ớt sừng chín đỏ.

Thử bẻ một miếng cơm cháy, quẹt một chút nước mắm kho quẹt đưa vào miệng nhai giòn tan, thêm vào cọng đọt choại luộc có vị thơm thoảng, nhơn nhớt để trung hòa vị ngọt mặn của nước mắm. Tất cả quyện thấm vào vị giác, len xuống tận cổ! Chạnh lòng, nhớ về miền quê nghèo da diết, nơi đó có ba má và những người nông dân lam lũ cần cù…

Theo Ấp Bắc

Món ăn miền Nam lên bàn tiệc 5 sao

[vanhoamientay.com] Không cầu kỳ trong cách nấu nướng, nguyên liệu chế biến lại đơn giản, nhưng sức hấp dẫn của những món ăn miền Nam … đủ khiến những ai mới thử lần đầu đã nhớ mãi.

  1. Gỏi củ hũ dừa tôm một nắng

Gỏi củ hũ dừa là một trong những món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Củ hũ dừa là phần thân non rất trắng trên cùng của cây dừa. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.  Món gỏi này kết hợp với vị ngọt tự nhiên của tôm mới chỉ qua một lần phơi nắng tạo hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn với khi trộn chung cùng tôm khô hoặc thịt ba chỉ. Củ hũ dừa dân dã hòa quyện tinh tế với vị thơm ngọt của tôm một nắng đưa món này đến gần hơn với thực khách nước ngoài.

Gỏi củ hũ dừa có vị chua ngọt vừa ăn, hợp khẩu vị cả gia đình. Củ hũ dừa thường được chế biến làm thức ăn và thanh đạm vì ít béo.

Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo trong cách chế biến của đầu bếp, những nguyên liệu tưởng chừng đơn giản, “nhà quê” đã được nâng lên thành các món ăn cao cấp và ngự trị trên bàn tiệc của khách sạn 5 sao ở Sài Gòn.

Đây là món ăn đạt giải nhì vòng loại cuối cùng cuộc thi “Chiếc thìa vàng 2014” diễn ra vào ngày 7 đến 8-10 tại TP HCM.

  1. Lẩu gà lá chúc nước cốt dừa

Lá chúc, thuộc họ chanh rừng, mọc nhiều ở An Giang, cho hương vị thật độc đáo, trái, lá chúc hương thơm nồng, vị the the độc đáo, được sử dụng như một loại gia vị giúp món ăn dậy mùi thanh ngọt. Gà nấu với nước cốt dừa thêm lá chúc cho vị đậm đà, khó lẫn với bất kỳ món ăn nào bởi hậu vị ngọt dịu của nước dừa thấm vào từng miếng thịt gà và hương thơm nồng đượm của lá chúc. Món ăn đúng điệu khi dùng kèm với bún, cù nèo, bông bí, bông súng, so đũa. Chính sự kết hợp độc đáo của những nguyên liệu bình dị, chân quê này giúp món ăn này chinh phục được ban giám khảo và nhận giải nhì.

  1. Tôm càng xông lá chúc

Sự kết hợp giữa tôm càng xanh (loại tôm sống tự nhiên trong môi trường sông nước) và lá chúc đem lại cho món ăn sự hấp dẫn, ngon miệng bởi vị ngọt tự nhiên của tôm vẫn giữ nguyên.

Món ăn mang đến khẩu vị khác biệt khi mỗi miếng thịt tôm pha lẫn mùi thơm nồng của lá chúc. Chính sự biến tấu mới mẻ này ghi điểm với thực khách, giám khảo trong cuộc thi và nhận giải nhì.

  1. Gỏi mắm hào hoa điên điển

Bông điên điển nở nhiều nhất vào mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Vị nhẫn đắng của nó thích hợp để ăn kèm với các món mặn hoặc nấu canh chua hay lẩu. Nếu muốn phá cách một chút, bạn có thể thưởng thức điên điển với cách kết hợp mới cùng gỏi mắm hào.

Lưu ý chọn mắm ngon, pha thêm tỏi ớt, chanh, cùng các gia vị cho vừa ăn, có thể cho ít gừng để khử mùi tanh của mắm hào. Vị ngọt tự nhiên của mắm xen lẫn với vị nhẫn đặc trưng nhưng giòn giòn của điên điển sẽ là trải nghiệm ẩm thực khó quên cho người mới lần đầu thưởng thức. Đây cũng là món ăn nhận giải nhì.

5. Gỏi cá lá bàng

Cây bàng hiện diện khắp nơi người ta đã sử dụng hạt bang để làm mức, nhưng sử dụng lá bàng chế biến món ăn thì không phải ai cũng nghĩ tới.

Điểm đặc biệt của món ăn này là thịt cá tươi hòa quyện với vị hăng hăng của những chiếc lá bàng non mang đến trải nghiệm ẩm thực khác biệt cho người thưởng thức. Đó còn là sự kết hợp độc đáo giữa nguyên liệu dân dã, gần như không phải mất tiền để mua (lá bàng) với loài hải sản cao cấp vốn chỉ có ở biển đảo (cá mú đỏ). Đây là điểm cộng để đầu bếp khách sạn cao cấp ở TP HCM lọt vào vòng trong.

Có nhiều cách chế biến món ăn từ loài cá đắt đỏ này, nhưng không phải nơi nào cũng đưa vào thực đơn món gỏi cá lá bàng.

Cách chế biến như sau: nước tương, đường, giấm, mù tạt xanh trộn với nhau thành hỗn hợp nước gỏi rồi nhúng cá vào. Hành tây, khế chua, dưa leo, ớt đỏ trộn với nước gỏi. Sau đó lấy lá bàng non cuộn tất cả thành cuốn vừa ăn, dùng cọng hành đã trụng qua nước sôi cột lại.

6. Cá lóc nướng lá dứa

Nếu đã thử qua cá lóc nướng trui hay nướng trên giấy bạc, bạn nên trải nghiệm thêm món cá lóc nướng lá dừa để cảm nhận hương vị độc đáo riêng của nó.

Món cá lóc nướng dân dã nơi đồng ruộng sau những buổi nông nhàn ở vùng quê ngày nào, giờ đây, nó đã có mặt ở những bàn tiệc sang trọng tại Sài Gòn. Vị ngọt của cá lóc đi cùng mùi thơm dịu đặc trưng của lá dứa là gợi ý cho những ai đã ngấy với thực đơn thông thường và muốn đổi khẩu vị. Món ăn này đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi “Chiếc thìa vàng” để có mặt ở vòng bán kết.

7. Chè hạt bàng

Nếu đã ngấy với các loại chè bán đầy khắp các chợ, siêu thị, thực khách có thể thử qua chè hạt bàng dân dã. Sự đơn giản nhưng hấp dẫn của món chè nằm ở nguyên liệu chế biến, gồm: nếp, đậu xanh, nước cốt dừa, hạt bàng. Chỉ cần như thế là bạn đã có ngay chén chè có vị bùi của hạt bàng, béo thơm của đậu xanh và nước dừa, hòa quyện với từng hạt nếp dẻo mềm cho vị thơm ngon rất riêng, giúp món ăn thắng giải trong cuộc thi.

Cuộc thi do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, Tổng cục du lịch Việt Nam cùng nhãn hàng Ly’s Horeca của công ty Gốm sứ Minh Long I tổ chức.

8. Chả giò chuối cau

Chỉ cần biến tấu một chút, món chả giò khai vị trở nên lạ miệng hơn khi kết hợp cùng chuối cau. Chính vị ngọt tự nhiên của chuối cau hòa với phần thịt, cua đã tẩm ướp gia vị tạo nên độ mặn ngọt vừa phải trong từng cuốn chả giò. Khi ăn sẽ giảm cảm giác ngấy.

Tận dụng nguyên liệu sẵn có hoặc chọn nguyên liệu dễ tìm, gần gũi với đời sống thường nhật và cố gắng phát huy giá trị dinh dưỡng của chúng vào bữa ăn là điều mà nhiều đầu bếp hiện nay hướng đến. Chính sự giản dị, dân dã trong thành phần món ăn và cách chế biến không quá cầu kỳ đã chiếm được cảm tình của người sành ăn, hay đó là người mới lần đầu nếm thử đi nữa.

Các món ăn này được chế biến tại vòng loại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng khu vực TP HCM. Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã trao 2 giải nhất cho Khách sạn Đệ Nhất và Khách sạn Caravelle; 6 giải nhì cho: Khu du lịch Văn Thánh, Nhà hàng Kingdom, Khách sạn Kim Đô – nhà hàng Boulevard, nhà hàng Hoa Mua – khu du lịch Bình Quới 1, khách sạn Kim Đô – Royal Café và The Compass Parkview. 8 đội thi này sẽ đại diện cho khu vực TP HCM tham dự vòng bán kết khu vực miền Nam được tổ chức tại TP HCM vào ngày 19-11-2014.

Theo vnexpress

Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Lúc hưng thịnh, chiếu Cà Mau ngược xuôi khắp mọi miền đất nước và từng xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Campuchia. Chiếu Cà Mau được nhiều người ưa chuộng bởi cách dệt thủ công truyền thống rất bền đẹp. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau đang ngày càng teo tóp lại.

  • Nỗi niềm bị lãng quên

Có lẽ trong chúng ta – người dân Nam bộ – không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca xuất sắc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu – chiếu Cà Mau!

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu?

Theo những người cố cựu trong nghề thì ở Cà Mau, nghề dệt chiếu từng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương: Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), nhưng nổi tiếng nhất là chiếu lẫy của Tân Thành, TP Cà Mau.

Chiếu lẫy là những chiếc chiếu dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang một ý nghĩa nhất định nào đó, có thể là chim muông, hoa lá… được người mua đặt để dành cho những dịp đặc biệt trang trí giường ngủ cho đôi uyên ương ngày cưới, tặng bạn bè, người thân. Để có được những đôi chiếu lẫy, người làng chiếu trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm qua.

Với sự khéo léo và sức sáng tạo tuyệt vời, người dệt chiếu đã lẫy những sợi lác có màu sắc khác nhau tạo nên hàng trăm mẫu mã như: hình rồng phụng dành cho đám cưới, chiếu có câu đối chúc may mắn vào dịp lễ, tết, hình chim muông, thắng cảnh, sông nước, núi non… Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng trên thị trường. Chiếu Cà Mau từng cùng với chiếc xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến với người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau ngày càng teo tóp lại. Xã Tân Thành, nơi có làng chiếu một thời vang bóng hiện cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Người làm nghề dệt chiếu ở đây chỉ còn dệt khi có người đặt trước, bởi nếu dệt sẵn mà không có người mua thì lỗ nặng.

Chị Trần Như Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, nói trong tiếc nuối: “Bây giờ thu nhập chính của người dân là cá chình, cá bống tượng nên hầu như nhà nào cũng cuốc đất lên để làm ao nuôi cá. Một vụ thu hoạch cá có khi còn hơn một năm làm chiếu nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề. Từ đó, diện tích trồng lác của xã ít đi thấy rõ”.

Theo số liệu thống kê của hội phụ nữ xã, hiện Tân Thành chỉ còn không quá 60 gia đình giữ nghề dệt chiếu. Họ bỏ nghề không chỉ vì lợi nhuận từ con cá, con tôm mà còn bởi khó khăn đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu, nguồn lao động tại chỗ.

Chị Phan Mỹ Giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Thành, cho biết, toàn ấp chỉ còn khoảng 14 hộ gia đình dệt chiếu, hầu hết đều là những người lâu năm gắn bó với nghề. Phần lớn những hộ này có ít đất sản xuất hoặc coi dệt chiếu như một nghề phụ để trang trải chi phí đầu tư nuôi cá.

Chị Phan Thị Út, 41 tuổi, dệt chiếu từ thuở nhỏ nhưng giờ cũng không còn theo nghề, tâm sự: “Trước đây tôi dệt một năm trên một trăm đôi chiếu, giá bán mỗi đôi không dưới 200.000 đồng. Giờ đây, do đầu ra không ổn định, hơn nữa con cái lại chọn nghề khác để làm nên nhà không còn người, đành bỏ nghề chuyển hẳn qua nuôi cá”.

Căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi mà chị Út đang ở cũng bắt đầu từ nghề dệt chiếu. Chị luyến tiếc chia sẻ: “Mình cũng muốn giữ nghề lắm nhưng đành chịu. Dệt chiếu đòi hỏi nhiều công lao động, cả gia đình phải trồng lác rồi thu hoạch, phơi, nhuộm, con cái không theo nghề thì biết làm sao. Mướn người làm rất khó, bởi thanh niên bây giờ hầu hết đều lên các tỉnh trên để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân cả”.

  • Làng nghề về đâu?

Không như trước, bây giờ muốn làm chiếu, người dân làng nghề không chỉ bỏ công mà còn phải đầu tư tiền bạc nhiều hơn. Trước đây, lác mọc hoang, muốn làm chiếu thì ra đồng chặt đem về, nhưng hiện tại ruộng hoang không còn nên muốn có lác phải mua. Do khan hiếm nên giá lác cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chị Cao Thị Hồng, ấp 6, cho biết: “Giá một công lác mấy năm trước chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại 4 triệu đồng, có khi người ta còn không thèm bán. Mua lác không có chuyện trả theo kiểu gối đầu hay mua thiếu, phải trả tiền liền, nếu không họ bán cho người khác”.

Chính vì cần có vốn ban đầu để làm chiếu nên hiện không ít hộ gia đình ở làng chiếu Tân Thành gặp khó. Chị Trần Như Thảo cho biết thêm, để làm chiếu mỗi hộ gia đình cần đầu tư ít nhất 3 triệu đồng để mua nguyên liệu như: lác, bố, màu… Những người trong làng nghề cũng được hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.

Một nguyên nhân nữa khiến cho máy dệt chiếu có nguy cơ thành… đồ cổ đó là chất lượng, kiểu dáng chiếu dệt bằng máy không thể sánh bằng chiếu thủ công. Cũng vì người sử dụng không ưa chuộng những chiếc chiếu “thiếu thẩm mỹ” nên sản phẩm do máy dệt chiếu làm ra rất khó tiêu thụ.

Nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, sản phẩm làm ra vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng ngày một tàn lụi. Chị Phan Thị Út cho biết: “Giá chiếu bán ra không hề giảm mà vẫn tăng hàng năm theo giá thị trường. Hiện một đôi chiếu bông có giá từ 250.000 – 300.000 đồng trở lên. Người dệt chiếu vẫn sống được với nghề bởi một gia đình có thể dệt trên trăm đôi chiếu/năm. Tuy nhiên, để sống được với nghề người dân cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng với những chính sách hợp lý, có vậy họ mới yên tâm gắn bó với nghề”.

Được biết, trước đây, xã Tân Thành đã thành lập hợp tác xã dệt chiếu nhưng được một thời gian, hiện hợp tác xã này gần như không còn hoạt động do chia tách địa giới hành chính thành xã Tân Thành và phường Tân Thành.

Trong nỗ lực khôi phục nghề dệt chiếu, hợp tác xã dệt chiếu Tân Thành cũng được Nhà nước đầu tư một máy dệt chiếu hiện đại, nhưng chỉ được sử dụng thời gian đầu còn bây giờ thì xếp đống, nằm một chỗ. Chị Phan Mỹ Giới chia sẻ, máy được đầu tư gần 40 triệu đồng, tuy hoạt động khá tốt, rút ngắn được thời gian dệt nhưng hiện nay đầu ra không có, nguyên liệu lại khan hiếm nên không thể hoạt động được.

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau tồn tại đã bao đời, khôi phục làng nghề truyền thống cũng là tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo SGGP


Lúc nhúc rắn, lổm ngổm cua và bạt ngàn chuột… tại chợ miền Tây

Vào mùa lũ, ở miền Tây xuất hiện những khu chợ chuyên bán đặc sản săn bắt được nhờ nước lên, như lươn, rắn, rùa, chuột, ốc, cua… Khi lũ rút, những chợ này cũng vắng khách dần người ta gọi là chợ miền Tây.

Rắn được bán tại rất nhiều nơi ở miền Tây, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất là các chợ vùng biên giới An Giang. Anh Nguyên Văn Tuấn, chủ cơ sở thu mua rắn ở chợ Khánh An, huyện An Phú (An Giang) cho biết, cứ từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là cơ sở anh tăng cường nhân công để mua, bán mặt hàng này.

Bà Lương Thị Của, hơn 5 năm trong nghề kinh doanh rắn ở chợ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An phú – An Giang thì cho biết, mặt hàng này chưa bao giờ vắng khách mua. Hiện mỗi ngày bà bán đến vài trăm kg rắn cho thương lái ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Giá cao nhất là rắn ri voi với 550.000 đồng/kg, các loại khác như rắn trun là 150.000 đồng /kg, hổ ngựa 200.000 đồng/kg, rắn bông súng 110.000 đồng/kg…

Năm nay ngoài những loại thông thường còn có cả loại rắn lục đuôi đỏ (loại cực độc, thường tấn công người dân nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây) được người dân Campuchia mang qua bán để phục vụ ngâm rượu và làm thuốc cho nam giới, với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/con tùy trọng lượng.

Rắn mối cũng khá đắt hàng với giá bán từ 80.000 -90.000 đồng/kg. Loài này phần lớn được nhập từ Campuchia với số lượng rất lớn mỗi ngày.

Mùa lũ cũng là mùa nhiều điểm bán rùa mọc lên. Các loại rùa quý hiếm cũng có mặt tại chợ, với giá bán từ 280.000 đến 350.000 đồng/kg, nhưng phần nhiều khách hàng là các nhà hàng, quán ăn lớn.

Bà Ngô Phương Mai, bán rùa tại chợ Khánh An, cho biết, cứ vào mùa nước nổi là bà sang Campuchia mua rùa về bán, vì loài này trong nước giờ rất hiếm. Giá rùa mùa lũ thường rẻ bằng một nửa so với các tháng khô.

Chuột đồng ở miền Tây có quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung trong mùa lũ, do đồng ruộng ngập nước, chuột phải chạy lên các gò cao, thuận tiện cho việc săn bắt. Chợ Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Mỗi ngày nơi đây cung cấp hàng chục tấn chuột đồng cho các quán nhậu ở ĐBSCL và TP.HCM.

Giá chuột trong mùa nước nổi vì thế cũng rẻ hơn, chuột sống từ 45.000 đến 55.000 đồng/kg, chuột làm sạch 90.000 đến 120.000 đồng/kg.

Chợ cua đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp được xem là chợ cua lớn nhất miền Tây. Vào thời điểm này, mỗi ngày nơi đây tập kết hơn 100 tấn cua lớn nhỏ để vận chuyển lên TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực

Giá cua mùa lũ loại thấp nhất chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Anh Trương Nguyễn Cảnh, ở huyện Tân Hưng – Long An, cho biết, mỗi ngày anh đặt 400 cái lợp (dụng cụ bắt cua) bắt trên 150 kg cua rồi chuyển về chợ bán sỉ cho thương lái.

Chợ ốc đồng ở thị trấn Long Bình – An Giang cũng là nơi mua bán ốc lớn nhất miền Tây, mỗi ngày nơi đây thu mua và bán sỉ hàng chục tấn ốc cho nhu cầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Chợ cá linh non mùa lũ ở huyện An Phú, dù họp dã chiến nhưng chính là nơi thu mua cá linh lớn nhất để phân phối đi các nơi. Hàng ngày, ngoài ngư dân miền Tây còn có nhiều ngư dân Campuchia mang cá sang bán.

Cùng với các chợ rùa rắn, côn trùng, thủy hải sản, nhiều nhóm chợ nhỏ mua, bán sỉ các mặt hàng rau, hoa thủy sinh trong mùa lũ như bông súng, điên điển cũng được lập ở ven bến sông các vùng biên giới An Giang và Đồng Tháp.

Ở tất cả các chợ lẻ, mùa này bông điên điển là loại chiếm số lượng lớn nhất tại các quầy rau củ, với giá khoảng 40.000 đồng/kg

Theo Baomoi

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đi theo dọc Quốc lộ 1A về Miền Tây, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều quán ăn bán các món đặc sản miền Tây, trong đó có Cháo cá lóc rau đắng.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đây là món ăn mang hương vị đặc trưng dân dã, không những ngon mà còn giúp giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc thịt hiền, ngọt, còn rau đắng là vị thuốc giúp phòng và trị nhiều bệnh. Hãy một lần trổ tài và thưởng thức để cảm nhận vị ngon của món ăn này nhé.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

1 con cá lóc lớn

Nấm rơm

1 nắm gạo dẻo

Rau đắng, giá sống

Gia vị, hành tím…

Cách nấu cháo cá lóc

Các lóc làm sạch, đánh hết vẩy và bỏ nội tạng, lưu ý không để vỡ mật sẽ làm cá bị đắng.

Tiến hành luộc cá với khoảng một lít nước, hành tím đập giập, một ít hạt nêm, khi nước sôi sẽ xuất hiện bọt, nên vớt bỏ phần bọt này để nước luộc cá trong hơn, nấu cháo ngon và đẹp mắt hơn.

Điểm đặc biệt của cháo cá lóc miền Tây là dùng nước luộc cá này để nấu cháo, từ đó vị ngọt của cá sẽ lan đều vào vào từng hạt cháo.

Gạo tiến hành rang qua đến khi ngã màu vàng và thơm, sau đó cho vào nồi nước lúc cá khi nảy để nấu thành cháo. Bí quyết để gạo nhanh nở hơn là nên để gạo vào nước đang sôi. Hạt gạo rang sẽ bung nỡ như những cánh hoa lài rất thơm.

Nấm rơm rửa sạch cắt đôi và cho luôn vào nồi cháo để nấu cùng.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

Thịt cá sau khi gỡ xương xong, ướp cùng với ít hạt nêm, tiêu, đợi cá thấm gia vị cho cá vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Đến khi cháo nở đều thì nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn, thêm ít hành lá cắt nhuyễn.

Khi ăn múc cháo ra tô lớn sau đó ăn kèm với rau đắng, giá sống và ít gừng cắt sợi, ít hạt tiêu, nước mắm trong, thêm vài lát ớt. Nếu muốn trình bày cầu kỳ hơn, có thể bắt nồi cháo trên chiếc lò nhỏ và trụng rau đắng như hình thức ăn lẩu.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Lưu ý không nên để rau đắng nấu cùng cháo vì nếu rau đắng chín quá sẽ rất đắng và khó ăn.

Những ngày đông, cả nhà quay quần quanh bếp lửa, húp sùm sụp chén cháo cá lóc rau đắng thì không còn gì bằng. Món cháo cá lóc rau đắng này có tác dung giải cảm cho cơ thể rất tốt, bởi lẽ bản thân rau đắng cũng đã là một vị thuốc rất tốt cho việc giải độc cơ thể.

Miền Tây sông nước luôn nổi tiếng với những món ăn độc đáo, nhất là món ăn từ cá. Dù cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm nhưng món cháo cá lóc rau đắng đã đi sâu vào tiềm thức của khá nhiều người xa quê. Những khi trái gió trở trời lại thèm tô cháo cá lóc mẹ nấu, đó không chỉ là món ăn giải cảm mà còn là món ăn tinh thần của quê hương.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!