Có thể bạn quan tâm

Các địa điểm du lịch Bến Tre nổi tiếng

Không những nổi tiếng là một xứ sở những vườn dừa, Bến tre còn nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái, nổi tiếng với các địa điểm du lịch như: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa), Cồn Ốc, Cồn Qui, Cồn Tiên,…

Được biết đến là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khí hậu ôn hòa thuận lợi phát triển nông nghiệp lúc nước, đồng thời là vùng đất có nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, vú sữa… Hơn thế nữa Bến Tre còn có điều kiện thuận tiện để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

Khu du lịch làng bè

Một số địa điểm du lịch có tiếng ở Bến Tre

Du lịch Bến Tre: Cồn Phụng (Cồn Ông Đạo Dừa)

Thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.

Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là “Xứ giả của hòa bình”, chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre 15km. Đây là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

 Về thăm nơi đây, con dân Việt Nam như sống lại cùng lịch sử hào hùng của dân tộc cha ông xưa.

Du lịch Bến Tre: Làng du kích Đồng Khởi

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Cồn Ốc cách thị xã Bến Tre khoảng hơn 10km có chiều dài 8,3km, rộng hơn 1km. Đây là cồn nổi lớn nhất trên sông Hàm Luông. Từ một cồn nhỏ, thấp ban đầu, có nhiều ốc bám vào các loài cây ngập nước trên nền phù sa và sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trở thành một nguồn lợi đáng kể của dân địa phương từ đó cồn mang tên Cồn Ốc. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, Cồn Ốc mới có người đến khai phá và định cư. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều gia đình ở Cồn Ốc đã nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những ngày đen tối khó khăn nhất. Đến với Cồn Ốc khách du lịch còn được thưởng thức thủy hải sản vùng nước ngọt lợ và các loại hoa quả đặc sản nơi đây.

Du lịch Bến Tre: Cồn Ốc

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Đây là một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi…Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.

Du lịch Bến Tre: Cồn Qui

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Ở trên sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 23km (đường bộ), 15km (đường sông). Với diện tích 7ha, ven bờ Cồn Tiên gồm đất pha cát, mỗi khi thủy triều xuống lộ ra bãi cát rộng lớn. Hằng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), hàng vạn du khách từ các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, kể cả Sài Gòn đổ về đây tắm lội, vui chơi, thưởng thức trái cây của các nhà vườn trong vùng.

Du lịch Bến Tre: Cồn Tiên

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Vườn cây ăn trái Cái Mơn là một làng quê thuần chất Nam Bộ với những con đường nhỏ hẹp bao phủ bởi rặng cây xanh nặng trĩu quả ngọt. Làng nghề Cái Mơn là nơi chuyên cung ứng các loại cây giống như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon, các loại cây có múi, các loại cây cảnh hình nai, phượng, rồng… Đến với vườn cây ăn trái Cái Mơn là đến với du lịch miệt vườn chính gốc.

Du lịch Bến Tre: Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc và nhiều loại chim khác. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ gồm: 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ. Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Đây là vùng đất thuộc địa phận hai xã Mỹ Hoà và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre khoảng 52km, cách Tp. Hồ Chí Minh 120km đường bộ, 100km đường thủy.

Du lịch Bến Tre: Sân chim Vàm Hồ

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Chùa Tuyên Linh ở xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm. Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Tại đây, ngày 19/5 hàng năm đều diễn ra ngày hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và mít-tinh kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Du lịch Bến Tre: Chùa Tuyên Linh

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai, sinh ngày 1.7.1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định năm 1843. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình chạy về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long ( nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ). Tại đây ông dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Hàng năm, vào ngày 1/7 là ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước vào bậc nhất của Nam Bộ nói riêng, của Việt Nam nói chung trong thời kỳ chống Pháp. Lễ hội 1.7 được tổ chức long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần sôi nổi với những hoạt động như biểu diễn võ thuật, múa lân, đánh trống hội, liên hoan đờn ca tài tử, thi hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, thi nấu mâm cơm ngày giỗ, triển lãm ảnh nghệ thuật, thi viết thư pháp, ngâm thơ, diễn cải lương, tuồng cổ.

Du lịch Bến Tre: Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu

Ngoài ra Bến Tre có nhiều điểm thú vị để đi du lịch, có biển, có vườn, có nhiều đặc sản trái cây và nhiều di tích văn hóa, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, và các loại hình du lịch miệt vườn sông nước…

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Kiên Giang không những nổi tiếng với địa danh mang tên “hòn ngọc biển đông” mà khi đến Kiên Giang bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây. Bún cá Kiên Giang là một trong những món ăn góp phần tạo nên tên tuổi của vùng đất này.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Dù chỉ là món ăn bình dân nhưng khi thưởng thức chắc người ăn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi hương vị tuyệt vời mà món bún cá này mang lại.

Bún cá Kiên Giang có nguyên liệu là những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Cá đồng sẽ cho thịt thơm, dai và có vị ngọt chứ không mềm và bở. Bởi lẽ chọn cá là một trong những phần cực kỳ quan trọng để có thể nấu thành một món bún ngon.

Cá làm sạch rồi cắt thành 3 khúc, phần đầu phải làm cho thật kỹ, khéo léo tách đầu ra sao cho dính nguyên cả bộ đồ lòng cá. Làm sạch bao tử, rồi dùng muối rửa thật sạch vì nếu không sạch thì còn tanh, mất ngon, cẩn thận đừng để vỡ mật và gan cá.

Cá luộc chín, sau đó gỡ riêng phần thịt, xương rồi giã nát, cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Chính nhờ quá trình này nên nước dùng bún cá luôn có vị ngọt thanh tự nhiên.

Tô bún cá Kiên Giang còn hấp dẫn người ăn nhờ phần trứng cá được đánh tơi vàng ươm trên bề mặt. Vào mùa cá không có trứng, trứng cá sẽ được thay thế bằng lòng đỏ trứng gà pha với tôm tươi bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín.

Trong tô bún cá Kiên Giang không thể thiếu loại tép đất, hoặc tép bạc. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng

Người có tay nghề nấu nước lèo, khi ăn vào bạn vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt và vị mặn rất hấp dẫn.

Món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng. Đơn giản là vậy mộc mạc là vậy nhưng khi thưởng thức chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bị mê hoặc

Khi thưởng thức món ăn này không thể thiếu đĩa rau sống cùng chén nước mắm ớt nguyên chất đậm đà. Những dư vị ngọt ngào, thơm thơm từ các nguyên liệu sẽ khiến bạn khó có thể quên.

“Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người”.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Về Cần Thơ thăm nhà cổ Bình Thủy

[vanhoamientay.com] Có một điểm tham quan ở Cần Thơ, du khách có dịp ĐBSCL không nên bỏ qua là ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương, còn gọi là nhà cổ Bình Thủy

Ngôi nhà cổ Bình Thủy có 5 gian 2 mái này được gia đình họ Dương xây dựng theo kiến trúc Pháp đến nay gần 150 năm, vẫn còn khá nguyên vẹn. Địa chỉ này còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, bởi hậu duệ đời thứ 5 sinh trưởng trong ngôi nhà này là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 1960, ông Ngôn sưu tầm được nhiều giống hoa lan quý hiếm rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan và kết hợp đón khách du lịch đến tham quan ngôi nhà cổ vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm tìm hiểu và cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 là ông Dương Minh Hiển cùng gia đình tiếp tục kế thừa và giữ gìn ngôi nhà.

Căn nhà cổ Bình Thủy rộng 5 gian 2 chái, ngang 22m, sâu 16m, nằm trên lô đất có diện tích 6.000m2. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng 8 mét có độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30 cm. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn 10 cm. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ.

Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis XIV, cặp đèn treo thế kỷ XIX, lavabô, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3 mét của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.

Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam bộ: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, chim, công, tôm, cua, nho…

Kiến trúc ngôi nhà: phòng cách bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ theo Đông phương. Điều này cho thấy sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm hco bộ mặt văn hóa ở vùng đất mới này ngày càng phong phú và đa dạng. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường với nhiều bộ phim nổi tiếng, như: Chân trời nơi ấyNhững nẻo đường phù saCon nhà nghèoNợ đời… Đặc biệt là bộ phim nước ngoài rất nổi tiếng: L’ amant (Người tình) của đạo diễn Pháp J.J Annaud.

Đến nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác như vị trí trong bữa ăn của một gia đình xưa như thế nào (người con trai ngồi bên phải, con gái ngồi bên trái và cha mẹ ngồi giữa mặt hướng ra cửa chánh…), hòn non bộ vì sao xây trước cửa lớn; kích cỡ non bộ cùng tỉ lệ đá và nước theo nghiêm luật nào? Làm thế nào để phước vô họa ra và thể hiện được khát vọng của gia chủ về một giang san thái bình, gia đạo an vui, cốt cách hướng thiện (Thất sơn ngũ nhạc, Tiên ông đánh cờ, Ngư tiều canh mục, Tiều phu đốn củi, Ngư ông câu cá…).

Ngôi nhà còn chứa trong nó một “kho cổ vật” được tích trữ, gìn giữ qua nhiều đời nay, như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam -Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1.5 m, dày hơn 6 cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng, tách chén nậm trà – rượu đời Minh – Thanh (một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 572 năm, 2 cái lục cao 0.2 tấc đời Thành Hóa 1465)…

Thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thủy đã lẫy lừng “lục tỉnh” từ lâu lắm rồi và cũng dệt ra bao giai thoại đầy ngưỡng mộ. Thập niên 70, khi chỉ cần bỏ ra 2-3 cây vàng mua được căn nhà lầu giữa phố chợ đã có người dám trả cho bình Thượng ngọc men xanh cao 1.2 m những 25 cây vàng. Ly kỳ hơn là chuyện gia chủ mua cặp ngà voi châu Phi cao tới 2.2m trên Sài Gòn những năm 40. Cặp ngà này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng TPHCM…

Đây là một công trình kiến trúc có giá trị dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh nhất là sự xâm hại của thời gian, phủ thờ họ Dương đã may mắn còn tồn tại tới ngày nay và được các thế hệ nối tiếp, chăm sóc và giữ gìn cẩn thận.

Theo thesaigontimes

Trở về tuổi thơ với món chuối quết dừa

[vanhoamientay.com] Nếu bây giờ, ai đó chưa từng ăn, chưa từng nghe qua thì sẽ cảm thấy lạ với cái tên này, vì cái tên nghe sao lạ lạ, ngộ ngộ. Thực ra, cái tên gọi cũng chính là cách làm món ăn này đấy, “chuối quết dừa” chỉ là chuối đem đi quết với dừa, nghe mà sao thân quen quá.

Nếu như trẻ con Sài Gòn thế hệ 8x, 9x có những món ăn vặt là sô cô la, kẹo hay bánh quy… thì trẻ con miền nông thôn như tôi lại có món ăn vặt được làm từ khoai lang, củ mì hay chuối… Trong đó, có một món mà tôi khá thích, đó là chuối quết dừa cho chính tay mẹ làm.

Món chuối quết dừa trông bên ngoài giống như cốm dẹp, Ăn vào vừa dẻo của chuối vừa béo của dừa, vừa ngọt ngọt, mặn mặn. Đây là món ăn dân dã, giản dị và khá quen thuộc với bọn trẻ 8x như tôi.

Vì ở nông thôn nên sau nhà tôi lâu lâu lại có buồng chuối, tranh thủ hôm nào mẹ không ra đồng thì cả nhà lại quay quần làm món này. Mó ngon mà chẳng tốn tiền mua.

Để làm món này ngon nhất thì chuối dùng để làm phải là chuối già (hay còn gọi là chuối xanh, chuối già là tên gọi của quê tôi) chuối già phải thật già, có vẻ ngoài tròn trịa, không còn gân chuối, da thẳng. Sauk hi đốn buồng chuối từ cây vào mẹ thường cắt từng trái ra rồi cắt bỏ hai đầu, đen ngâm vài giờ trước khi nấu. Mẹ nói ngâm chuối trước để chuối ra bớt mũ, mặt khác chuối sẽ thơm mùi nước , như vậy sẽ ngon hơn. Nấu chuối cũng khá đơn giản, chỉ cần xếp chuối gọn vào một cái nồi, đổ nước xăm xắp mặt, cho thêm tý muối, nấu khi nào vỏ chuối nứt ra hết, ruột chuối hơi vàng ngà làm được.

Khi chuối chín, vớt ra người nấu lưu ý là nên xối nước lạnh lên chuối, như vậy sẽ giúp thịt chuối xoăn lại làm tăng thêm độ dẻo.

Để món ăn tuyệt nhất, cần chọn loại dừa thật ngon, đó là dừa vừa rám nắng, chỉ vừa chuyển sang khô, có cơm mềm, béo nhưng không gắt dầu. Nạo dừa nên nạo thành từng sợi dài.

Chuối lột vỏ, để vào cái thau to và quết cùng với dừa nạo, thêm chút đường, chút muối, sẽ giúp vị ngọt mặn, béo hòa quyện đậm đà.

Mỗi khi mẹ quết chuối là tôi hay ngồi cạnh để đưa từng trái chuối vào thau cho mẹ, chuối không cần phải quết quá nhuyễn sẽ bị mất ngon, cái âm thanh “kịch kịch” do cái chày quết vào cái thau nghe rất vui tay. Đôi khi, có miếng nào văng ra khỏi thau là tôi “bóc lủm” ngay, rồi cười toe toét.

Quết xong anh em đứng xếp hàng để cho mẹ chia phần, mẹ thường nắn cho mỗi đứa mỗi phần tròn vo rất dẻo rồi chúng tôi mang đi khắp nhà để ăn. Đôi khi vì hơi “ham ăn” tôi đòi mẹ nắn cho tôi một phần khá to, ăn xong tôi bỏ luôn buỗi cơm chiều hôm đó.

Món này bây giờ người ta ăn món này trong dĩa cho đẹp mắt và lịch sự, rắc thêm đậu phộng rang giã nhuyễn ăn kèm với rau thơm, rau ghém lá cách… hoặc bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị béo, bùi của chuối, dừa nạo, vị ngọt lẫn chua của nước chấm hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của các thứ rau vườn tạo thành một món ăn thật hấp dẫn.

Dù thời gian có làm món ăn thay đổi như thế nào nhưng cái hương vị đặt trưng của món chuối quết dừa ngày xưa vẫn không thay đổi. Vẫn đậm đà và yêu biết bao món ăn từ tay mẹ làm.

Băng Tâm tổng hợp

Cách làm đậu bắp nhồi cá thác lác nướng

Cá thác lác là loài cá nước ngọt đặc tính thịt cá dẻo, dai có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: chả cá thác lác chiên hoặc hấp, dồn khổ qua, chiên giòn… Đậu bắp nhồi cá thác lác nướng là món ăn rất dễ thực hiện nhưng lại rất ngon.

Đậu bắp nhồi cá thác lác nướng

Nguyên liệu thực hiện

– 300g chả cá thát lát, bạn có thể dùng cá file rô phi, hay cá ba sa xay thật nhuyễn để làm chả

– 100g thịt nạt heo xay
– Đậu bắp
– Muối, tiêu, hành lá và hạt nêm
– Tương ớt ăn kèm.

Cách làm đậu bắp nhồi cá thác lác nướng

– Cá thác lác được nạo bằng muỗng, bạn có thể mua chả cá trộn với thịt nạt heo xay, tỷ lệ là 1 thịt – 3 cá, ướp gia vị muối, tiêu, hạt nêm, một chút dầu ăn và hành thái nhỏ. Dùng thìa lớn quết đều, quết càng lâu thịt cá càng dai.

– Có khi người ta làm sạch cá rồi băm nhuyễn cả thịt lẫn xương để làm món ăn cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và sau khi sinh, người mới ốm dậy, người cao tuổi gầy yếu.

– Đậu bắp rửa sạch, dùng dao xẻ dọc giữa thân đậu. Móc bỏ hột, ngâm đậu vào nước đá lạnh để đậu ra bớt chất nhờn. Ngâm tầm 30 phút.

– Ớt ra để ráo, dùng thìa múc từng thìa chả cá nhồi vào giữa bụng đậu bắp.

– Khuôn có lót giấy nướng, xếp từng miếng đậu bắp đã nhồi cá vào khuôn. Đem nướng ở lò ở nhiệt độ 180 độ C từ 20 đến 30 phút, hoặc nướng trên than.

– Bề mặt chả cá vàng đều mặt, lấy ra dùng nóng.

Đậu bắp nhồi cá thác lác nướng

Bạn có thể đem chiên đậu bắp nhồi chả cá hay hấp cũng ngon.


Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Khi nhắc đến những địa điểm vui chơi ở Cần Thơ hầu như Làng du lịch Mỹ Khánh luôn được nhắc đến đầu tiên như một thông tin gợi ý hiển nhiên cho bất cứ du khách nào

Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4,2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.

Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.

Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía “Đêm nằm năm ở” đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất… Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ…

Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.

Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép… vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.

Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!