Có thể bạn quan tâm

Canh chua cá lóc Nam bộ

[vanhoamientay.com] Canh chua cá lóc món ăn đã làm nên thương hiệu của người Nam bộ bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang lại. Có thể nói canh chua cá lóc đúng kiểu của người Nam bộ phải vừa có cả vị chua của thơm, me lẫn vị ngọt của cá lóc. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải.

Canh chua cá lóc thường được người Nam bộ sử dụng làm món canh chính trong gia đình, tạo cảm giác ngon miệng và mát mẻ khi ăn. Có thể nói ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có canh chua nhưng canh chua Nam bộ vẫn là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi sự hòa quyện giữa cá lóc và các loại rau cộng thêm cách nêm nếm chua ngọt của người miền Nam mang đến dấu ấn riêng cho món ăn này.

Có lẽ, món canh chua Nam Bộ ra đời đáp ứng đòi hỏi của cơ thể con người với môi trường sống ở vùng sông nước, sình lầy hoang dã có sáu tháng nắng và sáu tháng mưa lũ. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền nhiệt đới, sau giờ lao động vất vả, một bát canh chua thật đậm đà pha chút mặn, ngọt và cay, với khúc cá to đùng và nhiều loại rau quả như để vừa phục hồi sinh lực, vừa giải nhiệt.

Từ yêu cầu đó mà tài nghệ của các bà, các cô nội trợ được thôi thúc để cải tiến món canh chua đặc sản cho gia đình. Kể từ khi lưu dân đến sinh cơ lập nghiệp cho đến nay đã trải qua hơn 300 năm, một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện món canh chua độc đáo.

Và có lẽ món canh chua đầu tiên của lưu dân Việt là cá dưa nấu với quả bần chín. Bởi vì buổi đầu lưu dân sống quây quần quanh cửa sông, vùng duyên hải, nơi có nhiều cây bần bám trụ sinh sôi, nảy nở. Dưới gốc bần có một loài cá mắn đẻ, thịt ngọt, chuyên ăn quả bần chín rụng mà lớn, thế rồi con cá này là hợp “gu” với quả bần trong bát canh chua.

Món canh chua về sau cứ thêm thực đơn kéo dài ra, vượt quá con số 2 của thuở ban đầu. Nào là canh chua cá lóc nấu với me trái, canh chua cá tra nấu với măng chua hay bắp chuối…Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.

Cá và rau quả đều nấu vừa chín, không rục, không nát. Nước canh phải thật chua, hơi ngọt dịu, cay và nêm hơi già mắm muối. Tô canh múc ra trông thật đẹp mắt, cá chín căng thịt trắng phau, cà chua hồng hào, ớt đỏ tươi, đậu bắp và rau xanh, giá trắng muốt… hơi nóng bốc lên tỏa ra thơm lừng. Tô canh chua thể hiện sự trù phú của vùng sông nước miệt vườn và sự hào phóng của con người Nam Bộ.

Có rất nhiều, rất nhiều dạng canh chua, nhưng qua thử thách suốt 300 năm, món canh chua cá lóc và cá bông lau nấu với me vẫn được xem là chuẩn mực đặt ở đầu bảng các loại canh chua Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Ông chồng tức giận vì vợ sinh đôi

[vanhoamientay.com] Trong bệnh viện phụ sản, một người đàn ông tỏ vẻ giận dữ.

Người bên cạnh hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Vợ tôi vừa mới sinh đôi.

– Thế thì anh phải hạnh phúc chứ! Tại sao lại giận dữ thế?

– Tôi muốn biết ai là bố của đứa thứ hai!

st

Bánh cuốn ngọt miền Tây, lạ mà quen

[vanhoamientay.com] Nếu là dân miền Tây thứ thiệt thì sẽ không thể không biết đến một loại bánh cuốn ngọt hay còn gọi là bánh ướt ngọt, nếu trước đây đi khắp miền Tây ta sẽ dễ dàng bắt gặp loại bánh này được bày bán. Nhưng hiện nay, loại bánh này đã khó tìm.

Bánh ướt ngọt mới nghe đã thấy ngọt, ngọt từ trong bánh ra ngoài, ngọt lòng những đứa con Nam bộ xa xứ

Vỏ bánh được làm bằng bột, bột năng, bột gạo, bột sắn dây, vì vậy vỏ bánh rất dai hơi hơi giống bánh da lợn, nhung không cứng, ko quá cũng không quá mềm, vị ngọt có thể gia giảm tùy ý.

Đặc biệt để qua ngày hôm sau trong tủ lạnh mà bánh vẫn còn độ dẽo trong, chỉ cần hâm cho ấm là ăn y như mới làm

Mỗi lá bánh mỏng mịn, xanh mướt màu lá dứa hay vàng ngà màu đường điểm xuyết thêm màu xanh vàng của đậu xanh cùng màu trắng của các sợi dừa đã tạo nên một nét hấp dẫn và độc đáo riêng. Nhân bánh gồm đậu xanh nấu chín, khoai môn nấu chín, dừa bào thành sợi nhỏ.

Khi tráng bột bánh phải thật khéo sao cho lá bánh càng mỏng càng ngon bởi vì điểm đặc biệt nhất của bánh cuốn là mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ phía sau nên từng được ví là thứ bánh “gió thổi bay”

Vỏ bánh dai, mềm, có vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh và khoai môn, kết hợp với chén muối mè thơm lừng không còn gì ngon hơn nữa. Bánh cuốn ngọt có thể được xem là một món ăn thanh đạm nhưng không kém phần hấp dẫn, vị ngon tinh tế so với các loại bánh ngọt khác.

Băng Tâm tổng hợp

Về đâu nghề chiếu Cà Mau

Lúc hưng thịnh, chiếu Cà Mau ngược xuôi khắp mọi miền đất nước và từng xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Campuchia. Chiếu Cà Mau được nhiều người ưa chuộng bởi cách dệt thủ công truyền thống rất bền đẹp. Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau đang ngày càng teo tóp lại.

  • Nỗi niềm bị lãng quên

Có lẽ trong chúng ta – người dân Nam bộ – không ai không biết đến bài ca Tình anh bán chiếu nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu qua giọng ca xuất sắc của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Bài ca ấy đã góp phần tôn vinh và tạo nên ấn tượng sâu sắc, đậm đà cho nghề dệt chiếu – chiếu Cà Mau!

Con người Việt Nam, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được nằm trên manh chiếu nhỏ. Khi trưởng thành, đến ngày cưới, lòng nôn nao đi chọn đôi chiếu Tân hôn. Và đến khi lìa đời, thân xác cũng được tẩm liệm bằng đôi chiếu mới. Nghĩa là suốt cuộc đời gắn liền với chiếu, nhưng lại có mấy ai hiểu được cái nắng mưa, cực nhọc của người thợ dệt tảo tần làm ra đôi chiếu?

Theo những người cố cựu trong nghề thì ở Cà Mau, nghề dệt chiếu từng phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương: Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), nhưng nổi tiếng nhất là chiếu lẫy của Tân Thành, TP Cà Mau.

Chiếu lẫy là những chiếc chiếu dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang một ý nghĩa nhất định nào đó, có thể là chim muông, hoa lá… được người mua đặt để dành cho những dịp đặc biệt trang trí giường ngủ cho đôi uyên ương ngày cưới, tặng bạn bè, người thân. Để có được những đôi chiếu lẫy, người làng chiếu trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm qua.

Với sự khéo léo và sức sáng tạo tuyệt vời, người dệt chiếu đã lẫy những sợi lác có màu sắc khác nhau tạo nên hàng trăm mẫu mã như: hình rồng phụng dành cho đám cưới, chiếu có câu đối chúc may mắn vào dịp lễ, tết, hình chim muông, thắng cảnh, sông nước, núi non… Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng trên thị trường. Chiếu Cà Mau từng cùng với chiếc xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến với người tiêu dùng.

Nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, các làng nghề dệt chiếu của Cà Mau ngày càng teo tóp lại. Xã Tân Thành, nơi có làng chiếu một thời vang bóng hiện cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề. Người làm nghề dệt chiếu ở đây chỉ còn dệt khi có người đặt trước, bởi nếu dệt sẵn mà không có người mua thì lỗ nặng.

Chị Trần Như Thảo, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, nói trong tiếc nuối: “Bây giờ thu nhập chính của người dân là cá chình, cá bống tượng nên hầu như nhà nào cũng cuốc đất lên để làm ao nuôi cá. Một vụ thu hoạch cá có khi còn hơn một năm làm chiếu nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề. Từ đó, diện tích trồng lác của xã ít đi thấy rõ”.

Theo số liệu thống kê của hội phụ nữ xã, hiện Tân Thành chỉ còn không quá 60 gia đình giữ nghề dệt chiếu. Họ bỏ nghề không chỉ vì lợi nhuận từ con cá, con tôm mà còn bởi khó khăn đầu ra cho sản phẩm, vốn đầu tư ban đầu, nguồn lao động tại chỗ.

Chị Phan Mỹ Giới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Tân Thành, cho biết, toàn ấp chỉ còn khoảng 14 hộ gia đình dệt chiếu, hầu hết đều là những người lâu năm gắn bó với nghề. Phần lớn những hộ này có ít đất sản xuất hoặc coi dệt chiếu như một nghề phụ để trang trải chi phí đầu tư nuôi cá.

Chị Phan Thị Út, 41 tuổi, dệt chiếu từ thuở nhỏ nhưng giờ cũng không còn theo nghề, tâm sự: “Trước đây tôi dệt một năm trên một trăm đôi chiếu, giá bán mỗi đôi không dưới 200.000 đồng. Giờ đây, do đầu ra không ổn định, hơn nữa con cái lại chọn nghề khác để làm nên nhà không còn người, đành bỏ nghề chuyển hẳn qua nuôi cá”.

Căn nhà tường khang trang với đầy đủ tiện nghi mà chị Út đang ở cũng bắt đầu từ nghề dệt chiếu. Chị luyến tiếc chia sẻ: “Mình cũng muốn giữ nghề lắm nhưng đành chịu. Dệt chiếu đòi hỏi nhiều công lao động, cả gia đình phải trồng lác rồi thu hoạch, phơi, nhuộm, con cái không theo nghề thì biết làm sao. Mướn người làm rất khó, bởi thanh niên bây giờ hầu hết đều lên các tỉnh trên để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân cả”.

  • Làng nghề về đâu?

Không như trước, bây giờ muốn làm chiếu, người dân làng nghề không chỉ bỏ công mà còn phải đầu tư tiền bạc nhiều hơn. Trước đây, lác mọc hoang, muốn làm chiếu thì ra đồng chặt đem về, nhưng hiện tại ruộng hoang không còn nên muốn có lác phải mua. Do khan hiếm nên giá lác cũng cao hơn trước rất nhiều.

Chị Cao Thị Hồng, ấp 6, cho biết: “Giá một công lác mấy năm trước chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại 4 triệu đồng, có khi người ta còn không thèm bán. Mua lác không có chuyện trả theo kiểu gối đầu hay mua thiếu, phải trả tiền liền, nếu không họ bán cho người khác”.

Chính vì cần có vốn ban đầu để làm chiếu nên hiện không ít hộ gia đình ở làng chiếu Tân Thành gặp khó. Chị Trần Như Thảo cho biết thêm, để làm chiếu mỗi hộ gia đình cần đầu tư ít nhất 3 triệu đồng để mua nguyên liệu như: lác, bố, màu… Những người trong làng nghề cũng được hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng xem ra hiệu quả chưa cao.

Một nguyên nhân nữa khiến cho máy dệt chiếu có nguy cơ thành… đồ cổ đó là chất lượng, kiểu dáng chiếu dệt bằng máy không thể sánh bằng chiếu thủ công. Cũng vì người sử dụng không ưa chuộng những chiếc chiếu “thiếu thẩm mỹ” nên sản phẩm do máy dệt chiếu làm ra rất khó tiêu thụ.

Nghề dệt chiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, sản phẩm làm ra vẫn có chỗ đứng trên thị trường nhưng ngày một tàn lụi. Chị Phan Thị Út cho biết: “Giá chiếu bán ra không hề giảm mà vẫn tăng hàng năm theo giá thị trường. Hiện một đôi chiếu bông có giá từ 250.000 – 300.000 đồng trở lên. Người dệt chiếu vẫn sống được với nghề bởi một gia đình có thể dệt trên trăm đôi chiếu/năm. Tuy nhiên, để sống được với nghề người dân cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng với những chính sách hợp lý, có vậy họ mới yên tâm gắn bó với nghề”.

Được biết, trước đây, xã Tân Thành đã thành lập hợp tác xã dệt chiếu nhưng được một thời gian, hiện hợp tác xã này gần như không còn hoạt động do chia tách địa giới hành chính thành xã Tân Thành và phường Tân Thành.

Trong nỗ lực khôi phục nghề dệt chiếu, hợp tác xã dệt chiếu Tân Thành cũng được Nhà nước đầu tư một máy dệt chiếu hiện đại, nhưng chỉ được sử dụng thời gian đầu còn bây giờ thì xếp đống, nằm một chỗ. Chị Phan Mỹ Giới chia sẻ, máy được đầu tư gần 40 triệu đồng, tuy hoạt động khá tốt, rút ngắn được thời gian dệt nhưng hiện nay đầu ra không có, nguyên liệu lại khan hiếm nên không thể hoạt động được.

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau tồn tại đã bao đời, khôi phục làng nghề truyền thống cũng là tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo SGGP

Đẩy côn mùa nước tràn đồng

Đẩy côn mùa nước tràn đồng

Đẩy Côn – Giàn Côn là công cụ mà người dân Vùng Trũng Đồng Tháp Mười quê tôi mưu sinh vào mùa nước tràn đồng, chẳng biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết người dân nơi đây xem đẩy côn là một nghề thực thụ suốt 20 năm qua.

Đẩy Côn – Giàn Côn là công cụ mưu sinh vào mùa nước tràn đồng

Lũ về, nước trắng xoá một vùng, mang theo phù sa bồi thêm cho đất và mang theo biết bao cá tôm hào sảng, tạm gát lại công việc đồng án, người dân quê tôi bắt tay vào một mùa mưu sinh mới, mùa đẩy côn bắt cá lóc đồng.

Nếu có dịp về với Vùng trũng vào mùa nước nổi, thưởng thức con cá lóc đồng nướng trui thơm phức, ngọt lịm, bạn có bao giờ thắc mắc những người nông dân dùng công cụ gì để bắt cá không?
Bạn sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi biết được suốt 20 năm qua người dân “săn” cá lóc trên những cánh đồng tràn nước là bằng đẩy Côn…

Đẩy cồn là hình thức đánh bắt hiệu quả

Đẩy Côn là công cụ không những giúp người dân mang lại nguồn kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ nguồn sinh thái, chỉ bắt cá trưởng thành không bắt cá nhỏ như các công cụ khác.
Hiểu một các nôn na giàn côn là công cụ khua nước, khi chạm vào côn cá giật mình chúi xuống bùn, người dân sẽ quan sát vị trí cá chúi nhờ tim nước rồi dùng nơm bắt.
Côn được làm bằng những cọng sắt to bằng ngón tay út, có độ dài 1,5 m; một đầu côn được buộc vào một sợi dây nilông và được nối liền lại với nhau thành một hàng “rào sắt”, có khoảng cách từ 20 – 30 cm. Chọn hai cây tre dài, thẳng làm luồng côn, hai luồng côn được xếp theo hình chữ V đặt mở mũi xuồng. Mỗi luồng côn có chiều dài từ 12 – 15m. Để giữ cân bằng hai luồng côn cũng như điều chỉnh hai luồng côn cao hay thấp phụ thuộc vào cột trụ dựng đứng, có chiều cao khoảng 3 – 4 m để gánh hai luồng côn.


Khi bắt đầu đẩy côn, người ta chỉ cần mắc các côn vào luồng côn và điều chỉnh luồng côn cho phù hợp với mực nước. Sau đó người đẩy côn lên xuồng dùng xào đẩy xuồng đi tới. Khi đó, luồng côn cũng được kéo theo và cá va chạm với các côn sẽ chúi xuống đất, tạo thành bong bóng nước nổi lên mặt nước. Lúc này, người đẩy côn, chỉ việc dùng nơm bắt cá.

Đẩy côn thường bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, còn buổi chiều là khoảng 15 giờ, vì thời gian này nhiệt độ thấp, cá mới lên ruộng nhiều. Theo người dân vùng lũ, trong các loại hình đánh bắt cá thì dùng côn khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân miền Tây. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, vì để “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn cũng đòi hỏi phải có sức khỏe để lội trên đồng ruộng ngập nước, dầm mưa dãi nắng gần như suốt cả buổi. Đặc biệt, phải có tài quan sát bong bóng nước của cá, làm được điều này chỉ có những người nông dân tay lắm chân bùn sống giữa vùng sông nước, am hiểu tập tính của cá.

Đẩy cồn là hình thức đánh bắt hiệu quả

Mùa nước nổi cá về lũ lượt, đẩy côn là một nghề giúp người nông dân vùng lũ mưu sinh, đẩy côn không chỉ bắt được cá lóc mà còn bắt được cá trê, cá rô đồng, sống giữa thiên nhiên, chúng không to con, có nhiều kích cỡ, nhưng thịt thơm mềm có vị ngọt hậu là thứ đặc sản đồng quê giản dị mà đậm đà hương vị đến một cách kì lạ.

Đẩy côn không chỉ là công việc, hay dụng cụ bắt cá là đúng nghĩa hơn là “nghề”, nghề “săn” cá lóc đồng bằng đẩy côn xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng đặc biệt là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long… Khi nước lũ về, những cánh đồng tràn nước trắng xóa, nghề đẩy côn của người dân vùng lũ miền Tây bắt đầu hoạt động nhộn nhịp.

Đẩy côn là một nghề giúp người nông dân vùng lũ mưu sinh

Cảm ơn những con nước về đã mang đến quê hương vùng trũng biết bao hào sảng, mang đến nét văn hoá đặt trưng chỉ có riêng ở Vùng, mang đến một miền ký ức vô cùng đẹp cho người con xa xứ như tôi.


Bánh đúc mặn Cần Thơ

[vanhoamientay.com] Là dân miền châu thổ, chắc không ai xa lạ với món bánh đúc mặn của đất Cần Thơ. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến món ăn ngon đến lạ.

Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê.

Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm.

Muốn bột không bị mềm, nhão, phải chọn gạo cũ, ngon ngâm vài giờ rồi xay thành bột, trộn bột với nước cốt dừa. Nêm bột với đường, muối… cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.

Riêng tôm, phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng hai muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn.

Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm, thịt, củ sắn bằm ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt cho vừa khẩu vị. Phi hành thơm rồi cho hỗn hợp vào chảo xào chín. Gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhân bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn. Nếu không có gạch tôm thì mới sử dụng màu hạt điều thay thế.

Cuối cùng là khâu hấp bánh. Trước khi đổ bột vào khuôn, phải thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính. Xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi,  múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại.

Chờ vài phút sau, khi bột vừa chín, đổ tiếp lớp thứ hai, và cứ thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, xúc hỗn hợp nhân đổ lên trên và hấp cho chín hẳn. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra, xắt miếng hình chữ nhật hoặc hình thoi

Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.

Không khó để hiểu vì sao bánh đúc lại hấp dẫn người ăn đến vậy. Bánh đúc là thứ đặc sản thôn quê, nó ẩn chứa nét tinh tế trong ẩm thực và cả cái tình của người dân xứ đồng bằng.

Băng Tâm tổng hợp

Cách làm bánh tằm bì ngọt béo

[vanhoamientay.com] Có lẽ chính do sợi bột gạo se lại bằng tay và luộc chín nhìn như con tằm, ăn cùng với bì nên bánh có tên là bánh tằm bì. Người ăn món này đầu tiên đều cảm thấy sửng sốt vì món ăn vừa mặn lại vừa ngọt. Ngọt bởi nước cốt dừa và mặn vì nước mắm chua ngọt chan kèm.

Nếu mảnh đất Cố Đô nổi tiếng với món chè bột lọc bọc heo quay thì đất Bạc Liêu cũng làm lạ lẫm người ăn với vị ngọt kết hợp vị mằn mặn của món bánh tằm. Cách làm món bánh tằm bì này cũng không khó lắm, cùng thực hiện nhé

Nguyên liệu:

– 400g bột gạo, 100g bột năng.

– 200g dừa nạo, nước mắm, đường, hành lá, muối, hạt nêm, xà lách, dưa leo, rau thơm.

Cách làm bánh tằm bì:

– Trộn chung bột mì và bột năng, thêm 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa hạt nêm, cho nước sôi vào rồi nhồi đến khi bột dẻo, không dính tay là được.

– Chia bột thành những viên tròn nhỏ, cán mỏng, thái thành sợi vừa ăn. Sau đó vo tròn sợi bánh tằm. Đun nước sôi, cho bột vào luộc chín. Vớt ra xả lại với nước lạnh, để ráo nước, trộn với một ít dầu cho sợi bánh không dính vào nhau.

– Bì trộn thính mua loại làm sẵn. Thịt heo nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái sợi.

– Làm nước cốt dừa:

Dừa nạo vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt dừa vào nồi nấu lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào với nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

– Làm nước mắm: Hòa tan nước mắm, nước dừa tươi cùng một ít đường, đun sôi, nếm thử thấy vừa ăn là được. Để nguội, cho tỏi ớt giã nhuyễn vào, vắt thêm tí chanh là hoàn tất.

Nếu bạn thích thì ăn kèm với một viên xíu mại nữa nhé. Một đĩa tằm bì hoàn chỉnh sẽ có dưa leo, xà lách, giá, rau thơm… lót dưới cùng, sau đó tới đám bánh tằm trắng phau, phía trên là một lớp bì và thịt nạc heo, nhúm đậu phộng rang, mấy sợi đồ chua gồm củ cải, cà rốt cùng với chút xanh của hành lá phi với dầu tô điểm cho dĩa bánh sinh động và bắt mắt.

Những sợi bánh làm bằng bột gạo và bột năng được se một cách thủ công, không khuôn, sợi bánh trắng đụt, to tạo độ “xừn xựt” khi nhai, bì giòn mền nước cốt dừa béo ngậy. Bì là công phu nên mùi thơm vương vấn chân răng. Vị chua ngọt, cai mặn của nước mắm và mùi thơm của cách loại rau xanh, dưa leo bằm nhuyễn tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị khó quên, miễn ăn là ghiền.

Theo Vnexpress
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!