Có thể bạn quan tâm

Núi Sam An Giang – Điểm thu hút khách du lịch

 [vanhoamientay.com] Cách trung tâm Thành Phố Long Xuyên, An Giang khoảng 60km đi về hướng tây theo Quốc lộ 91 là đến thị xã Châu Đốc, nơi có ngọn núi mà nhiều người biết và muốn đến đó là Núi Sam. Núi có tên Núi Sam vì từ xa ta thấy núi có dáng dấp như một con Sam đeo bám trên cánh đồng xanh mênh mông.

Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên trên biển (lúc biển còn bao phủ toàn vùng), là nơi có nhiều Sam sinh sống nên được gọi là “Học lãnh Sơn” nghĩa là núi con Sam.

 Núi Sam có diện tích khoảng 280 ha, với độ cao vừa phải (241m), đây là loại núi trẻ, có cây xanh bóng mát, mỗi mùa hè đến trên sườn Núi Sam lại được tô điểm rực rỡ một màu đỏ của phượng vĩ, làm Núi Sam càng tươi mát hơn cùng với những hang động kỳ thú. Bên cạnh đó còn có cả một hệ thống kênh rạch bao quanh, cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính trên sườn núi tạo nên một phong cảnh đẹp, hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú.

Vào thời nhà Nguyễn Núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với phong cảnh ấy, nên từ hai thế kỷ trước qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia “Vĩnh Tế Sơn”) thì Núi Sam đẹp như một bức tranh phong thuỷ. Di tích lịch sử và danh thắng Núi Sam đã in dấu trên sách sử từ đó. Từ lâu hình ảnh Núi Sam đã thấm đậm trong tâm hồn người dân An Giang nói riêng và niềm Nam nói chung. Bởi vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá được Bộ Văn Hoá công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ…

Núi Sam còn có nhiều đền chùa am cốc, đặc biệt trong số đó Miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc rất đẹp và tôn nghiêm hàng năm có lễ Vía vào tháng 4 từ sau tết Nguyên Đán, đông đảo khách trong và ngoài nước đến hành hương, cầu phúc lộc và chiêm ngưỡng. Và như thế từ lâu, Núi Sam đã trở thành một trong những nơi hành hương quan trọng của nhiều người dân. Ngày lễ chính, cũng là một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc: đó chính là lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam” được diễn ra hàng năm vào những ngày 23 đến 27/04 âm lịch.

Những truyền thuyết in trên núi đá

Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.

Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá…

Bên cạnh cái hang được gọi là “vương địa” đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù – người có tiếng nói êm dịu – tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh.

Được biết khối đá này đã xuất hiện từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi… Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…

Băng Tâm tổng hợp

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin

Bánh mì – ẩm thực đường phố Việt Nam trên toàn thế giới

[vanhoamientay.com] Bánh mì – món bánh trên đường phố Việt Nam, đã được người nước ngoài ca ngợi trong xuốt thời gian gần đây, có vẻ như món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Có một điều tôi vẫn luôn ấm ức mỗi khi nghĩ về ẩm thực Việt Nam trên thế giới, đó là người ta cứ cố dịch hết tên các món ăn tiếng Việt ra tiếng Anh. Phở hay bún cứ chung chung thành noodle còn đôi khi bún lại bị đánh đồng thành soup. Kể cả sự chuyển ngữ này có đúng đi nữa, tôi vẫn thật lòng không muốn người ta làm vậy. Chẳng ai gọi Sushi là fish and rice, chẳng ai gọi Tom Yum là spicy soup hay Thai soup và cũng chẳng ai gọi Beef bourguignon là beef stew cả. Tại sao phở không cứ đơn giản là phở và bún không cứ đơn giản là bún? Dù khó phát âm, nhưng đó là món ăn của người Việt và chẳng thể tuyệt hơn nếu cái tên của nó được biết đến với chính tiếng Việt, một cái tên mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến bát phở nóng với nước xương thơm lừng mùi quế hồi và những lát thịt bò tái chín mềm, chứ không phải là một bát mì kiểu Hàn, kiểu Nhật hay kiểu Trung Quốc rất đỗi chung chung.

Tôi cứ ấm ức như thế cho tới mãi đợt gần đây, khi khắp các trang web về du lịch hay ẩm thực thế giới, các food blog và thậm chí cả những blogger lừng danh về lifestyle, tất cả như… phát điên vì món bánh mì. Và họ gọi bánh mì đúng là “banh mi” một cách say mê và đầy ngưỡng mộ, chứ không phải “Vietnamese baguette” hay bất cứ cái tên tiếng Anh nào khác. Tôi nghĩ đây thực sự là một dấu ấn khi mà bánh mì đã thực sự khiến người nước ngoài phải nhớ đến nó bằng cái tên riêng, một cái tên độc nhất vô nhị trong trí óc họ mỗi khi muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam. Và với tôi, điều này còn thể hiện được rằng, món bánh mì đã thật sự “soán ngôi” của phở và trở thành món ăn Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất.

Khó mà tin được, phải không? Cả một thập kỉ, món ăn chúng ta tự hào đem khoe với người nước ngoài nhất là phở. Phở xuất hiện ở mọi nơi, trên mọi tạp chí và mọi cuốn sách hướng dẫn du lịch. Nó trở thành môt biểu tượng, một thứ mà bạn phải ăn khi đến Việt Nam. Thậm chí, nếu có một cuộc khảo sát khi đó thì cam đoan tất cả đều sẽ nói họ đến Việt Nam và thích ăn phở. Nhưng dường như tất cả mọi chuyện vừa mới thay đổi chỉ trong 1-2 năm trở lại đây. Khi tất cả những gì khiến người nước ngoài nói đến về ẩm thực Việt Nam là bánh mì. Bánh mì ở khắp mọi nơi, ở trên các mặt báo, ở các bài trải nghiệm du lịch của các food blogger. Ở Anh hay Mỹ (và tất nhiên là nhiều nước phương Tây khác), những cửa hàng bánh mì mọc lên như nấm với những cái tên như Bun mee, Banh mi My Tho (Mỹ) hay Kêu, Banh Mi Bay, Banhmi11 (Anh). Ở Malay, có một thương hiệu bánh mì mang tên Ô Bánh Mì và nó thực sự là một “cú nổ lớn” khi trở thành địa điểm yêu thích của người Malay. Tại Thái Lan, có một xe bán bánh mì lưu động ở khắp thành phố và nó trở thành cái tên được chú ý và săn đón nhất. Yum Brands -Tập đoàn sở hữu KFC và Pizza Hut thậm chí đã mở ra một tiệm bánh mì ở Texas và đặt tên thân thương là Banh Shop. David Farley – cây viết về ẩm thực và du lịch của BBC đã hào phóng cho rằng: Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới! Còn Iamfoodblog – Blooger ẩm thực nổi tiếng thẳng thừng tuyên bố: Tôi nghĩ rằng bánh mì là loại sandwich mà tôi mến mộ nhất! Thật sự, thế giới đang phát cuồng bởi cơn sốt bánh mì, một sự ám ảnh hoàn toàn mới và tất cả những gì người ta nghĩ đến bây giờ chỉ là bánh mì mà thôi.

Tôi không cảm thấy lạ khi người Tây mê mẩn bánh mì đến thế. Với nhiều sự tương đồng với món sandwich (và tất cả chúng ta đều biết họ yêu món sandwich như thế nào), thì bánh mì thực sự là môt làn gió mới nếu đặt đứng cạnh những CubaSandwich hay Kebab hoặc những chiếc sandwich footlong kiểu Mỹ dài khủng khiếp và đầy ự những rau diếp, bacon cùng vài ba loại pho mát. Sự yêu thích bánh mì có thể giải thích bởi món ăn này là kết quả của một cú va chạm hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh tuý của ẩm thực Việt, nó mang đầy đủ đặc điểm của một món ăn hiện đại mà bất cứ người bận rộn nào cũng cần. Nó gần gũi với người phương Tây nhưng cũng mang đầy hương vị cầu kỳ, tinh tế của châu Á.

Ý tôi là, các bạn thấy đấy, có ai lại không thích bánh mì cơ chứ? Tôi còn nhớ ngày bé, sáng nào cũng được mẹ để lại cho 5-10 nghìn ăn sáng. Thế là trong lúc bố mẹ đi vắng, tôi đạp xe ra con phố cạnh nhà mua bánh mì ăn. Ngày ấy, một chiếc bánh mì tôi ăn chỉ có giá 5 nghìn, vỏ giòn rụm còn nhân thì ngập những miếng xúc xích bì màu đỏ hồng tai tái. Hoặc đôi khi, chỉ cần bánh mì với thứ bơ rẻ tiền nhàn nhạt và vài ba nắm ruốc trải vào, thế là đủ để một đứa trẻ ăn uống đơn giản như tôi có thể thoả mãn. Và trời! Các bạn có nhớ cái tiếng đó không, tiếng lớp vỏ bánh mì vỡ vụn ra trong miệng khi bạn cắn miếng đầu tiên. Nó là thứ âm thanh rộn ràng và vui tươi nhất mà một món ăn có thể tạo ra. Rồi lớp ruột mềm mại như một lớp đệm bên trong nữa, chúng được thấm đều bơ và nước thịt nên lại càng đậm đà. Và làm sao chúng ta có thể bỏ qua phần nhân, phần nhân mới thực sự là linh hồn của chiếc bánh. Thịt xá xíu, pa tê, giò chả hay trứng rán, xúc xích bì,… mỗi hàng bánh mì lại có một cách riêng để khiến phần nhân của mình trở nên đặc biệt. Chúng vừa béo ngậy, vừa đậm đà, vừa đầy hương vị như một khu rừng. Rồi cuối cùng là một chút vị thanh chua của dưa góp và chỉ với vài sợi rau thơm, cả chiếc bánh đã ngào ngạt hương vị thảo mộc, tất cả quyện vào với lớp vỏ thần kỳ và đó, chúng ta có một thiên đường vị mặn, ngọt, giòn, dai, mềm, một thiên đường của tất cả các hương vị trên trần thế.

Chúng ta đã có phở “mở đường” cho ẩm thực Việt Nam đến với quốc tế, đã có hủ tiếu khiến cho ngay cả một gã đầu bếp được mệnh danh là “Ác quỷ” như Gordon Ramsay cũng phải ngả mũ và thừa nhận là một trong những món ăn ngon nhất ông từng ăn trong đời. Và bây giờ, chúng ta có bánh mì – hiện tượng “sandwich” khiến cả thế giới phải sùng mộ. Điều tuyệt vời nhất, đó là không chỉ món ăn trở nên nổi tiếng, mà còn cả một nền văn hoá, phong thái của cả một dân tộc thể hiện trong đó cũng được truyền tay nhau qua một món ăn giản dị. Con đường ngắn nhất để đên trái tim là qua dạ dày. Vậy nên, đôi khi, chẳng cần một chiến dịch gì to tát, chẳng cần một cái gì đấy hoành tráng, chỉ một chiếc bánh cũng đủ để kéo bạn bè thế giới gần hơn với chúng ta rồi.

PiterDeeDee / MASK Online

Theo Kênh14

Áo bà ba, nét đẹp phương nam

Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là lớp trung niên trở lên. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian…

Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. Khi đó, không thể lao động nhọc nhằn trong trang phục áo dài, vốn là trang phục truyền thống lúc bấy giờ, ông cha ta đã “biến tấu” và làm nên chiếc áo bà ba giản dị, gọn gàng, nhẹ nhàng và tiện lợi cho người mặc trong khi làm lụng vất vả mà vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, dịu dàng.

Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa. Cụ thể hơn là trang phục của người “Ba Ba”, một nhóm người Hoa sống trên đảo Pesnang thuộc Malaysia ngày nay, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Áo bà ba vốn là loại áo không có cổ. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tùy sở thích mỗi người. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tả  vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần ôm nhẹ thân mình người phụ nữ. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương ứng với thân hình.

Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm hình hài vóc dáng dịu dàng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng làm say đắm lòng người.

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Vậy mà hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp của một thời hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…

Miền nam khí hậu nóng ẩm quanh năm với hai mùa mưa nắng đi về, nên vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát, nhằm giúp người mặc cảm thấy thoải mái, mát mẻ ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nếu ngày xưa, người ta dùng lá bàng, vỏ cây đà, cây cóc… để nhuộm lên nâu của áo, thì nay, màu sắc, họa tiết và hoa văn đã được đưa vào áo bà ba, làm cho áo thêm đẹp, thêm duyên. Phải chăng vì thế mà áo bà ba vẫn muôn đời là đại diên cho nét đẹp mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ miền đất Nam bộ thân thương.

Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa.

Áo bà ba mang đến nét duyên đằm thắm, dịu dàng cho người mặc, cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, hiền hòa giữa sông nước miền Tây Nam bộ.

Nếu so sánh các trang phục truyền thống trong và người nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã. Chỉ thế thôi nhưng nó đã dệt nên những bản hòa tấu nhẹ nhàng trầm bổng nối hai bờ quá khứ và hiện tại, làm nao lòng bao lữ khách qua đây.

Dù cuộc sống vội vã hơn, ồn ã hơn, dù thời gian có làm cho bao giá trị thay đổi, nhưng đó dây trên con đường thời gian đằng đẵng, mẹ ta, chị ta, em ta vẫn mặc chiếc áo ấy như một nét hồn quê vẫn còn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi ta tìm về bên cõi nhớ…

Không phải ngẫu nhiên mà GS,TS Trần Văn Khê khi nói về không gian văn hóa Nam bộ luôn nói tới chiếc áo bà ba như mội nét đẹp độc đáo. Ông thường nhắc nhở đừng bao giờ để mất nét đẹp đó trong trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo Báo An Giang

Ngon lạ với bún Suông, Trà Vinh

[vanhoamientay.com] Ai từng ghé Trà Vinh sẽ có cơ hội thường thức món bún dân dã – bún suông, 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á

Bún suông còn được gọi là bún đuông, bún này có xuất xứ từ Trà Vinh, Suông cũng như một dạng chả tôm (được gọi là suông tôm), có người thì mang hấp, có người thì đem chiên, vừa tươi ngon vừa mềm mịn được tạo hình như một con đuông. Sự hấp dẫn của món ăn này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh, nước lèo phải dùng xương heo để nấu, nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt, vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

 Để làm suông tôm, tôm lột bỏ vỏ, đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn, thêm một ít hạt tiêu cho chả tôm thơm ngon. Sau đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để “nặn” suông như ngón tay út và thả vào chảo dầu nóng hay là nồi nước sôi. Khi suông nổi lên và vàng ươm, là suông đã chín.

Tạo hình của cọng suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh,  có màu đỏ gạch của tôm.

Theo như một chủ quán chia sẻ, thì ở Trà Vinh chỉ còn vài điểm bán loại bún này , và chỉ bán một buổi chứ không thể bán cả ngày vì công đoạn làm suông tôm rất công phu và mất nhiều thời gian.

Tô bún suông gồm một ít nạc heo, một ít giò heo và suông tôm, món ăn này ăn kèm bắp cải trắng bào sợi, giá và hành ngò. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3 (bán vào buổi sáng) hoặc quán bún suông Diệu trong chợ Bến Thành. (theo Ngoisao)

Bún Suông Trà vinh được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập, công nhận là 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2014

Tự hào biết mấy về ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn bình dị, dân dã nhất  trở thành đặt sản vùng miền, rồi được ghi tên trên những trang vàng của ẩm thực thế giới. Hãy cùng vanhoamientay.com quản bá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam nhé.

 Băng Tâm tổng hợp

Về với sân chim Vàm Hồ, Bến Tre

[vanhoamientay.com] Dọc ven bờ sông Ba Lai, sân chim Vàm Hồ, Bến Tre được bao phủ bởi hơn 15ha rừng chà là nguyên sinh và nhiều thảm thực vật phong phú .

Khu du lịch sinh thái sân chim Vàm Hồ có diện tích khoảng 68ha, thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre theo đường tỉnh 885, đến thị trấn Ba Tri rồi rẽ về ngã Tân Xuân là đến Vàm hồ, đoạn đường dài khoảng 52 km. Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Người ta biết đến vùng đất này từ hơn 100 năm nay với tên gọi là cù lao Lá, với độ cao trung bình khoảng 1,2 m so với mặt nước biển, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các loài thực vật phát triển tạo thành một dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục ha xuôi theo dòng Ba Lai.

Đó chính là nơi trú ngụ của hơn nửa triệu loài chim, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám…; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo….; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn….

Cứ đến mùa sa giông, khi những cơn mưa đầu nguồn kéo về (khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch), vườn chim Vàm Hồ lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm tốt nhất để các loài chim quần cư và sinh sản.Trên các ngọn chà là, tổ chim treo oằn những cành cây, không chỉ có các loài chim bản xứ, thỉnh thoảng, các loài chim di cư từ những vùng khác như Trung Quốc, Nga, Úc trên đường bay tới biển Đông ghé qua tá túc, tìm thức ăn rồi lại đi tiếp.

Đến đây du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, đến tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngã lưng trên chiếc võng mắc đung đưa giữa hàng dương. Sau khi tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã từ tôm, cá, rùa… vừa bắt từ dưới ao lên.

Những buổi chiều hoàng hôn với vô vàng âm thanh khác nhau của các loài chim khi kéo về tổ, du khách sẽ cảm nhận cuộc sống hoang dã, về với hệ sinh thái tự nhiên nhất, trong lành nhất của miền Tây đất nước.

Theo BenTre

Thi hài dưới mộ Anh hùng Nguyễn Trung Trực là ai?

Bất chấp phản đối của hậu duệ anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực và cán bộ hưu trí, gần 30 năm tỉnh Kiên Giang vẫn cho rằng thi hài trong mộ chính là hài cốt của cụ Nguyễn.

Ly kỳ việc tìm hài cốt cụ Nguyễn

Ngày 27-10-1868 (tức 12-9 âm lịch), cụ Nguyễn bị quân Pháp bắt và chém đầu tại chợ Rạch Giá. Về thi thể của cụ được nhiều người cho rằng Pháp đã bêu đầu ông giữa chợ để thị uy nhưng đến đêm có người cướp mất. Cho đến nay, không có tài liệu nào xác định thi thể cụ Nguyễn được chôn ở đâu. Theo giả thiết, thi thể cụ được chôn nơi kín đáo, bí mật vì sợ người dân khai quật hài cốt của cụ để làm biểu tượng tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Có ý kiến rằng Pháp chôn hài cốt của cụ Nguyễn trong dinh Tham biện, cho đóng cọc và xiềng xích chung quanh. Lại có nhận định, cụ Nguyễn được chôn trong khuôn viên tòa bố (dinh tỉnh trưởng) thời đó có ngôi mộ bao bọc dây xích chung quanh. Tuy nhiên, có người xác định đây là mộ của một viên trung úy hải quân Pháp, dây xích vòng quanh là dây trang trí và trong đó có cả một mũi neo bằng sắt.

Khoảng năm 1970-1971, tỉnh trưởng Kiên Giang ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Tài đã cho đúc tượng đồng cụ Nguyễn dựng trước Nhà lồng chợ Rạch Giá. Ông đã từng treo giải thưởng, ai tìm thấy hài cốt của cụ để an táng sẽ được thưởng 1 triệu đồng và 1 vé du lịch Singapore nhưng không có kết quả. Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm, đến năm 1986, qua sự khai quật của nhà văn Sơn Nam, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên tòa bố cũ và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ cụ Nguyễn ở thị xã Rạch Giá. Từ đó đến nay, những ngày lễ, giỗ, hàng ngàn người đến cúng bái tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Bị chặt đầu nhưng còn nguyên xương đốt cổ

Tháng 4-1986, theo sự chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, Bảo tàng Kiên Giang tổ chức khai quật ngôi mộ dưới gốc một cây đa trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang được cho là nơi chôn xác cụ Nguyễn. Bảo tàng Kiên Giang đã mời ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành động vật học và nhân chủng học tại TPHCM tham gia giám định hài cốt. Nội dung chính biên bản khai quật của bảo tàng ghi nhận xét của ông Lê Trung Khá (không có chữ ký của ông Khá và ghi sai họ thành Nguyễn Trung Khá): “Xương tộc Việt, đàn ông. Người cao khoảng 1,60m, người này khoảng 50 tuổi, bộ xương này đã chôn trên 100 năm. 7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên. Người này ăn trầu, có vẻ nghèo vì mộ bằng đất, ván hàng gỗ tạp và không có vật lễ mang theo”. Thật hết sức bất ngờ, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém đầu khi ông mới 30 tuổi nhưng xương cổ, xương hàm còn nguyên (?!).

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Khương Ninh, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn và một số cán bộ lão thành lẫn cán bộ đương nhiệm ở Kiên Giang đã phản biện cho rằng đó không phải là hài cốt của cụ. Một trong những người phản ứng mạnh mẽ việc vội vã xác định ngôi mộ và hài cốt của cụ Nguyễn là ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nay đã mất) và con trai là Nguyễn Tiến Dũng (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang). Sau 30-4-1975, ông Thanh được cấp nhà trong khuôn viên dinh tham biện cũ của Pháp và ngôi mộ được khai quật nằm sát cạnh ngôi nhà của ông đã có văn bản gởi lãnh đạo tỉnh, không chỉ với tư cách một lãnh đạo địa phương mà còn với tình cảm của người ngưỡng mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Trong văn bản, ông Thanh viết: “Khi rõ lại (xem lại) ngôi mộ kế nhà tôi, tôi phản đối vì ngôi mộ này trước khai quật tôi có đến xem, là ngôi mộ hòm rương cây danh mộc tốt, có đầu, mình tay chân đủ, chôn cất đàng hoàng. Hỏi bà con lão thành người ta nói là một người tay sai làm nhà dol Tây có công, khi chết nó có chính sách chôn cất đàng hoàng”.

Ông Ninh đã cất công truy tìm tài liệu, phát hiện đến hai biên bản giám định hết sức sơ sài và có nhiều khuất tất.  Biên bản thứ nhất phân nội dung của ông Lê Trung Khá ghi tuổi của xương khai quật được là 50 tuổi. Thế nhưng biên bản thứ hai, tuổi được sửa còn 40. Biên bản được sửa là bản sao bằng giấy than màu xanh của bản chính. Theo lời ông Nguyễn Khương Ninh, ông đã đến TPHCM tìm gặp ông Lê Trung Khá. Ông Khá khẳng định, hai biên bản của Bảo tàng Kiên Giang lập không ghi đúng nội dung giám định của ông. Chính tay ông Khá đã viết hai biên bản giám định, một bản do ông giữ, còn một bản giao cho ông Dương Văn Truyện (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang).

Ông Khá xác định nội dung giám định là: “7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên, chứng tỏ người chết không bị chém đầu, còn nhiều chiếc răng bị mòn vẹt dính chất vôi, chứng tỏ người chết cao niên và có ăn trầu”. Ông Khá xác định bộ hài cốt này không phải của cụ Nguyễn Trung Trực. Còn biên bản giám định hài cốt do ông giữ đã được đưa vào lưu trữ tại TPHCM.

Ngoài ông Thanh, ông Ninh kịch liệt phản đối việc nhận thi hài người khác cho rằng của cụ Nguyễn, các nhân sĩ tên tuổi như giáo sư bác sĩ Trần Cửu Kiến cũng lên tiếng góp ý. Ngay thực tế khách quan của bộ hài cốt là bằng chứng hiển nhiên không có đặc thù của thân thế cụ Nguyễn bị chết chém năm 30 tuổi nhưng xương của hài cốt đã 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Ngôi mộ bằng đá, chạm khắc hoa văn, có bia chữ Hán. Lẽ nào người Pháp lại ưu ái quý trọng cụ Nguyễn đến mức xây mộ đá khắc bia nằm ngay trong dinh tỉnh trưởng? Chính Thống Đốc Nam Kỳ đã bác bỏ đề nghị của Huỳnh Công Tấn xin tha cho cụ Nguyễn vì lý do “người này đã giết quá nhiều binh lính và sĩ quan Pháp”.

Chủ tỉnh Kiên Giang là Arnoux (có người ghi là Reneoul), biết đọc chữ Hán, khi đi dự lễ kỳ yên ở đình Vĩnh Thanh Vân nhìn thấy bài vị cụ Nguyễn thờ trong đình đã hầm hầm bỏ về làm hương chức hội tế Rạch Giá sợ xanh mặt. Bên cạnh đó, thi hài vị Anh hùng dân tộc nhưng được khẳng định bằng biên bản chung chung, phản khoa học. Đáng tiếc, tỉnh Kiên Giang vẫn không xem xét trả lời trước công luận, liệu có xứng đáng với sự hy sinh của bậc tiền nhân?

Theo Công an TP.HCM
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!