Có thể bạn quan tâm

10 món ăn hấp dẫn ở quê hương công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Nếu bạn có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu, một vùng đất sông nước mênh mông và tươi đẹp  thì đừng nên bỏ lỡ những món ăn này nhé, bánh tằm, bún bò cay hay lẩu mắm…

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá.

  1. Lẩu Mắm

Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa… và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình…

  1. Bánh tằm 

Là một trong những món ăn đặc trưng  miền Tây, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Bạc Liêu đều nhất định muốn thử bánh tằm bì. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.

  1. Nhãn

Nhãn là một trong những đặc sản địa phương nổi tiếng, vị thanh ngọt và hương thơm quyến rũ. Nơi có nhiều nhãn ngon là những khu vườn tại xã Hiệp Thành – đây cũng là điểm du lịch thu hút khách thập phương ở Bạc Liêu.

  1. Bánh xèo

Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ âu cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.

  1. Bún bò cay

Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với những con người nơi đây. Nguyên liệu một bát bún gồm thịt bò nấu cùng sa tế, bún trắng ăn kèm rau thơm, giá. Một trong những địa điểm bán bún cò cay ngon là Phường 5.

  1. Bún nước lèo

Đến vùng đất cực nam của tổ quốc, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

  1. Cua, ốc mỡ, ốc len

Với lợi thế hơn 56km đường bờ biển, vùng đất trù phú này luôn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, cuốn hút du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến. Những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ là cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len xào dừa…

  1. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

  1. Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

10. Ba khía

Ba khía là một loài thuộc họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung chỗ nước lợ, mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên chúng được đặt tên Ba khía. Ngoài Ba khía luộc và muối, mắm Ba khía với hương vị cay, mặn, ngọt là một đặc sản nổi tiếng, thường ăn kèm cơm cháy giòn rụm.

Theo vnexpress

Lễ hội Ok Om Bok Nam Bộ

Lễ hội Ok Om Bok, còn được gọi là Phochia Praschanh som paes khee, là lễ Cúng Trăng. Lễ hội này diễn ra hầu như khắp các tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lớn nhất và được biết nhiều nhất là ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng). Vài năm qua, lễ hội này đã được tổ chức tại TX.Trà Vinh (Trà Vinh), TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Ô Môn (TP.Cần Thơ)

Trong vô số lễ hội quanh năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ba lễ hội quan trọng là Chol Chnam Thmay, Dolta và Ok Om Bok. Nhưng lễ hội Ok Om Bok được tổ chức rôm rả hơn cả.

Lễ hội Ok Om Bok ở các nơi thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (“Um Tuk Ngua”). Ghe ngo dài khoảng 24 m, ngang 1,2 m, làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar – linh vật của người Khmer. Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ. Hoa văn đẹp đẽ này còn được chăm chút trên từng cây dầm. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng, chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng, như Ok Om Bok. Sư cả và đồng bào trong phum sóc phải lựa chọn thanh niên cường tráng làm “Ch’rò-wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc giữ vai trò chính “Chih-khbal” (người cầm lái) cùng “Yông-lith” (phụ lái) cho ghe. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer mặc đồng phục đẹp, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển.

Trong ánh nắng chói chang hoặc trong cơn mưa tầm tã, tiếng cồng, tiếng còi từng nhịp từng nhịp thắt tim vang lên cùng tiếng mái dầm thọc sâu xuống mặt nước ngầu bọt sóng, đưa chiếc ghe vượt lên phía trước trong tiếng hoan hô khích lệ vang dậy của hàng chục ngàn khán giả. Đua ghe ngo ngày nay được xem như một ngày hội chung của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh, hào hùng, tài nghệ điêu luyện của các tay bơi tranh tài trên sông, mang đậm tinh thần thể thao, đoàn kết, vui tươi. Cho nên, cuộc đua kéo dài tới xế chiều và tuy có phân định thắng thua nhưng các tay bơi đều vui vẻ, hân hoan trong tinh thần đoàn kết.

Xế chiều, nếu ở Sóc Trăng người ta đến hồ Nước Ngọt, còn ở Trà Vinh thì tập trung về Ao Bà Om tham dự lễ Cúng Trăng. Ao Bà Om là một thắng cảnh độc đáo của Trà Vinh nổi tiếng khắp Nam bộ từ hơn một thế kỷ nay.

Có câu hát rất phổ biến ở Trà Vinh nhằm ca ngợi hai thắng cảnh của địa phương này đến nay vẫn còn lưu truyền:
“Biển Ba Động nước xanh cát trắng
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây
Xin mời du khách về đây
Viếng qua thì biết chốn này thần tiên !”

Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8, cách trung tâm TX.Trà Vinh khoảng 5 km, theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Trước kia, từ Quốc lộ 53 vào ao là mấy con đường mòn lầy lội mùa mưa, cát ngập mắt cá chân mùa nắng, quanh co xuyên qua các phum sóc ẩn mình trong bóng mát cây xanh. Từ nhiều năm nay, con đường vào ao đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, có đường xe hai chiều, dãy phân cách trồng hoa cỏ xinh tươi. Ao Bà Om có hình chữ nhật nên thường được gọi là Ao Vuông, rộng khoảng 10 ha. Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi sen, súng dập dờn cánh lá với những đóa hoa tinh khiết vươn cao nét đẹp. Bao bọc quanh ao là bốn gò cát cao, mấp mô với các hàng sao, dầu cổ thụ rợp che bóng mát. Hấp dẫn nhất là một số gốc đại thụ này nhô lên khỏi mặt đất, có nơi cao khỏi đầu người, với nhiều hình thù quái dị nhưng độc đáo không đâu có. Lại có nơi hai cây cổ thụ mọc gần nhau, cành nối cành tạo sự “liên thông”, gắn kết, cũng là nét kỳ lạ, khó nơi nào có được. Ao Bà Om được nhiều người sánh là Đà Lạt của Đồng bằng sông Cửu Long nhờ bốn hàng sao dầu đại thụ quanh ao lúc nào cũng rì rào nhạc lá, tạo không khí mát mẻ như mùa xuân. Ao Bà Om được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa vào ngày 25-8-1992.

Đêm lễ hội, bốn con đường đất bao bọc quanh Ao Bà Om, cả triền dốc bốn đường quanh ao và mặt đường quanh ao “phủ rợp” người là người. Kẻ ngồi từng nhóm, người thả bước dạo chơi hoặc thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, cũng như mua sắm vật kỷ niệm bày bán khắp nơi. Sụp tối, các “nghệ sĩ chân đất” làm xôm tụ bởi các điệu múa lâm-thôn, hát rô-băm, hát dù-kê, hát à-day, thi đấu cờ ốc, đấu võ, kéo co, đi cà khêu, biểu diễn trang phục các dân tộc, ăn cốm dẹp đầu mùa… Tiếng trống xa-dăm, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt khiến lòng bạn quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi, vui tươi. Bạn sẽ quên mất mình là ai, cùng hòa bước chân trong điệu lâm-thôn đầy mê hoặc, trong điệu hát giao duyên trai gái à-day tình tứ…

Đêm vui Ok Om Bok cứ thế diễn ra trong tiếng hát hòa trong tiếng các loại nhạc cụ, các điệu múa thành một “đêm trắng” lãng mạn lôi cuốn mọi người đến khó quên!

Theo Báo Hậu Giang

Ngon lạ với bún Suông, Trà Vinh

[vanhoamientay.com] Ai từng ghé Trà Vinh sẽ có cơ hội thường thức món bún dân dã – bún suông, 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á

Bún suông còn được gọi là bún đuông, bún này có xuất xứ từ Trà Vinh, Suông cũng như một dạng chả tôm (được gọi là suông tôm), có người thì mang hấp, có người thì đem chiên, vừa tươi ngon vừa mềm mịn được tạo hình như một con đuông. Sự hấp dẫn của món ăn này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh, nước lèo phải dùng xương heo để nấu, nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt, vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

 Để làm suông tôm, tôm lột bỏ vỏ, đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn, thêm một ít hạt tiêu cho chả tôm thơm ngon. Sau đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để “nặn” suông như ngón tay út và thả vào chảo dầu nóng hay là nồi nước sôi. Khi suông nổi lên và vàng ươm, là suông đã chín.

Tạo hình của cọng suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh,  có màu đỏ gạch của tôm.

Theo như một chủ quán chia sẻ, thì ở Trà Vinh chỉ còn vài điểm bán loại bún này , và chỉ bán một buổi chứ không thể bán cả ngày vì công đoạn làm suông tôm rất công phu và mất nhiều thời gian.

Tô bún suông gồm một ít nạc heo, một ít giò heo và suông tôm, món ăn này ăn kèm bắp cải trắng bào sợi, giá và hành ngò. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3 (bán vào buổi sáng) hoặc quán bún suông Diệu trong chợ Bến Thành. (theo Ngoisao)

Bún Suông Trà vinh được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập, công nhận là 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2014

Tự hào biết mấy về ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn bình dị, dân dã nhất  trở thành đặt sản vùng miền, rồi được ghi tên trên những trang vàng của ẩm thực thế giới. Hãy cùng vanhoamientay.com quản bá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam nhé.

 Băng Tâm tổng hợp

Biện pháp hữu hiệu giúp sống thọ

[vanhoamientay.com] Theo bạn biện pháp sống thọ là gì?

Khách khứa cũng như bạn bè, ai cũng hết lời khen đám cưới vàng của ông chủ nọ.

Mặc dù đã bước sang tuổi thất thập, song trông ông cũng còn rất trẻ trung và hoạt bát. Có vị khách tò mò, hỏi:

– Thưa ngài bí quyết gì khiến ngài có thể giữ được trẻ trung đến như vậy?

– Đó là khí trong lành!

Thấy vị khách có vẻ chưa hiểu, ông chủ tiếp lời:

– Khi cưới nhau, chúng tôi đã thỏa thuận trước với nhau rằng nếu có dấu hiệu sắp bùng nổ “chiến sự” giữa vợ chồng thì một trong hai phải chạy ngay ra khỏi nhà. Do đó mà nhiều năm nay tôi được hít thở bầu không khí trong lành.

– Ồ thì ra là vậy!

st

Thêm trái Dư trong mâm ngày tết

Vào 1,2 năm trở lại đây trên mâm ngũ quả ở các tỉnh miền Tây còn có thêm trái Dư để cầu mong cho năm mới được dư dã tiền bạc

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết chính là theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên và theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Riêng ở miền Nam, các loại quả trong mâm khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, cầu mong sự thịnh vượng như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các tên như “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”.

Vào 1,2 năm trở lại đây trên mâm ngũ quả ở các tỉnh miền Tây còn có thêm trái “dư” (tên gọi của người địa phương), để cầu mong cho năm mới được dư dã tiền bạc. Tại một số chợ miền Tây trái dư thường xuất hiện từ 25 tết với giá từ 10.000 – 20.000Đ, qua 30 tết thì loại trái này không còn bán nữa.

Theo một nhà vườn ở Sóc Trăng thì trái dư được biết đến khoảng 3,4 năm trở lại đây, ban đầu người ta trồng làm kiểng vì trái có màu vàng rất đẹp và chưng được lâu, sau đó có thương lái đến tận nhà để thu mua bán lại vào dịp tết điều này làm cho loại trái này càng thêm được giá.

Hiện nay, ở chợ hoa tết cũng xuất hiện những chậu cây tạo hình thú được kết từ quả dư.

Trái “dư” có tên khoa học là Solanum mammosum L thuộc họ Cà – Solanaceae. Đây là loại cây thân nhỏ, có thể cao đến 1,5m, có nhiều lông và gai, hoa màu vàng lam hay tím. Cây ra hoa quả quanh năm, chủ yếu vào mùa thu, mùa đông.

Quả vàng, bóng, dài từ 5-8cm, phình rộng ở gốc và có nhiều u lồi ở gần cuống. Theo nhiều người trái dư càng giá trị khi 5 phần “thịt dư” trên trái đều nhau, đều đó thể hiện cho sự dư dả tròn đầy, xung túc.

Cây họ cà này có nguồn gốc ở Trung Mỹ (Virginia) được nhập trồng để làm cảnh, ngày nay có khi chúng ta gặp mọc hoang dã ở một số nơi như Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Tuy nhiên trái dư chỉ để chưng trong dịp tết chứ không thể ăn vì cây chứ chất solanin nên cây được sử dụng như một chất gây mê. Ở Hải Nam, người ta dùng cả cây để trị bệnh tràng nhạc. Ở Saint – Dominica, người ta dùng dạng cao để trị bệnh đau vùng tâm vị….

Băng Tâm

Những cây cầu thân quen quanh TP Vĩnh Long

Những chiếc cầu thân quen quanh thành phố Vĩnh Long ngày nào giờ đã được xây lại to hơn, kiên cố hơn, những chiếc cầu nối nhịp bờ vui giúp người dân di lại dễ dàng hơn, đồng thời góp phần nâng tầm diện mạo của TP Vĩnh Long

Thành phố Vĩnh Long có truyền thống lịch sử cách đây từ hơn 300 năm trước, với tên gọi Long Hồ Dinh. Nơi đây sớm hình thành đô thị với cảnh mua bán tấp nập trên bến, dưới thuyền. Hàng hóa chủ yếu là nông sản, hoa quả và các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Vĩnh Long được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007, đầu mối giao thông thuỷ bộ và là một trong những đô thị sinh thái miệt vườn của vùng ĐBSCL

Với sự quan tâm đầu tư của trung ương và của tỉnh, những cây cầu thân thuộc với người dân sống tại Vĩnh long như cầu Lộ , cầu Cái Cá , Cầu Cái Cam , cầu Bình Lữ , cầu Tân Hữu , cầu Vồng , cầu Lầu , cầu Thiềng Đức , cầu Bạch Đằng .. được xây dựng lại to hơn, đẹp hơn để người dân đi lại thuận tiện, đồng thời góp phần nâng tầm diện mạo của TP Vĩnh Long. NSNA Vinh Hiển ghi nhận được những thay đổi này qua góc nhìn đặc biệt từ trên cao…- Báo Vĩnh Long

Cầu Ông Me Lớn nằm trên QL 53 đi về huyện Long Hồ .

Cầu Ông Me Lớn nằm trên QL 53 đi về huyện Long Hồ .

Cầu Vồng vừa được khánh thành năm 2014, nối liền Phường 8 và Phường 3 thay thế cây cầu cũ già nua và xuống cấp

Cầu Vồng vừa được khánh thành năm 2014

Cầu Tân Hữu nối từ đường Nguyễn Huệ (Phường 2) qua đường Đinh Tiên Hoàng (Phường 8) được xây dựng song lập rộng rãi tránh đươc ùn tắc giao thông thường xuyên của những năm trước

Cầu Tân Hữu nối từ đường Nguyễn Huệ

Cầu Hưng Đạo Vương nối liền từ Phường 1 qua đường Trần Đại Nghĩa thuộc Phường 4 ( bên trái ảnh là cầu Lầu và cầu Thiềng đức)

Cầu Hưng Đạo Vương

Mang dáng dấp cầu Mỹ thuận thu nhỏ, cầu Bạch Đằng nối liền Phường 5 và Phường 1 (chợ Vĩnh long) tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân khu vực này.

Cầu Mỹ thuận thu nhỏ

Cầu Thiềng Đức đã được xây mới rộng rãi thay cây cầu sắt lót sàn cầu bằng gỗ nối từ Phường 1 qua Phường 5

Cầu Thiềng Đức

Cầu Cái Cá nằm trên con đường một chiều đi từ Phường 1 về Phường 2 nối liền đường Tô Thị Huỳnh và đường Lưu Văn Liệt

Cầu Cái Cá

Cầu Lộ nối liền Phường 1 và Phường 2. Theo nhiều người sống tại Vĩnh long qua nhiều lần trùng tu, cây cầu còn nguyên thủy kiến trúc ban đầu với các trụ đèn xây hài hòa hai bên thành cầu .

Cầu Lộ nối liền Phường 1 và Phường 2

Cầu Cái Cam nối liền xã Trường An và Phường 9, TP Vĩnh Long

Cầu Cái Cam nối liền xã Trường An và Phường 9, TP Vĩnh Long

Về Cần Giuộc thăm chùa Tôn Thạnh

[vanhoamientay.com] Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Long An là vùng đất mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long với những cánh đồng mênh mông và vườn trái cây trĩu quả do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bồi đắp.

 Có thể nói, Long An là một điểm đến hết sức lý tưởng của du khách bởi nơi đây có một nền văn hóa đã hình thành và phát triển rất lâu đời trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỉ I đến thế kỉ VI sau Công Nguyên. Đó là nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng từ tinh hoa văn hóa Ấn Độ

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc ở tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc Long An khoảng 3 km, nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An và ngay chính tại nơi đây nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống làm thơ, làm thầy thuốc và sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với lịch sử kháng Pháp, ban đầu có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.

Ngôi chùa cổ kính này nằm khuất trong rừng cây xanh tốt um tùm lối vào Chùa là một con đường trải đá dài thẳng tấp. Hai bên là hoa kiểng muôn màu. Khoảng vài trăm mét phía tay phải bạn sẽ thấy bia tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu uy nguy.

 “ Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.

Dinh Lang Sa nửa khắc đặng rửa hờn, chút phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ…”

 Đi thẳng vào phía trong khu vườn có tháp 3 tầng hình lục giác cao 4,5m là nơi yên nghỉ của Tổ sư Viên Ngộ, nghe kể lại rằng, lúc đầu Chùa có cấu trúc kiểu chữ Tam. Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, hiện tại Chùa có kiến trúc lối chữ Đinh, diện tích 940m2 nằm trong khuôn viên rộng khoảng 33.410m2.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, Chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa thay vào đó là tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lộp ngói, tường gạch. Tuy nhiên, Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng, cỏ chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỉ XIX và các hoành phi câu đối, chữ Hán sơn son thếp vàng .

 Những ai đã đến với Chùa Tôn Thạnh thì đều có một cảm giác như trải lòng mình ra suốt chặng đường dài của lịch sử.Gần 200 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của nhà thơ trẻ tuổi Viên Ngộ buổi đầu một mình đứng ra khai phá rừng hoang, tạo nên cuộc sống an lành cho người dân lao động cần cù tại vùng đất Cần Giuộc, một người đã góp phần mở mang xây dựng phố chợ ngày một sung túc, giao thông ngày một thuận lợi, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Long An, Cần Giuộc.

Đến viếng Chùa Tôn Thạnh thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén hương tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào ở đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chuyến tham quan của quý khách chắc hẳn sẽ rất thú vị và bổ ích.

Theo longangov

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!