Có thể bạn quan tâm

Lễ hội đua bò vùng Bảy Núi, An Giang

Từ lâu, vùng Bảy Núi (An Giang) thu hút nhiều du khách đến thăm không những vì đặc sản, phong cảnh, mà nơi đây còn được thu hút bỡi một lễ hội truyền thống, đó là lễ hội đua bò được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Ðôn-ta (lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) của đồng bào Khmer Nam Bộ, từ  29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch)

Lễ hội đua bò là một trong những lễ hội lớn mang tính truyền thống của người Khơ-me, mang đậm mầu sắc dân gian, để biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với tổ tiên và công lao của những người đã khuất.

Trong lễ ”Đôn-ta” ngoài tập tục thả thuyền, sau khi đến chùa làm lễ rước vong linh ông bà tổ tiên về cùng chung vui với gia đình, người Khơ-me thường kết những bè chuối để làm thuyền, trên thuyền bày đủ các phẩm vật đã cúng, mỗi thứ một ít, sau đó đem thả xuống dòng nước cạnh nơi ở hoặc ao hồ, sông rạch gần nhà… Cũng vào dịp này, khách đến thăm phúm, sóc sẽ được bà con Khơ-me đón tiếp nồng hậu, tiếp đãi chu đáo. Vì họ quan niệm khách là sứ giả của tổ tiên về thăm gia đình, con cháu…

Người Khơ-me còn tổ chức hội đua bò truyền thống. Từ năm 1990 đến nay, Tết Ðôn-ta và lễ hội đua bò Bảy Núi ở An Giang đã được luân phiên tổ chức tại chùa Thamit, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và chùa Tà Miệt, huyện Tri Tôn.

Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số qui định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau… Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Có bò còn được đeo cặp lục lạc vàng rực, rộn ràng những tiếng nhạc vui tai. Những “nài đua bò” được người dân địa phương gọi là người cầm vàm, sẽ điều khiển đôi bò trong cuộc đua. Ðôi bò phải kéo theo chiếc bừa cây và người cầm vàm đứng trên đó điều khiển.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn – cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc. Người cầm vàm của đôi bò thắng cuộc sẽ được mọi người tôn vinh là người cầm vàm bò “can đảm” nhất vùng

Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.

Về đây, không những được xem lễ đua bò vùng Bảy Núi, An Giang mà du khách được ngắm nhìn, thưởng ngoạn cảnh quan vùng sông nước Châu Ðốc, viếng thăm Tây An Cổ Tự và miếu bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc khai phá vùng đất An Giang và đào kênh Vĩnh Tế.

Băng Tâm tổng hợp

Canh chua cá lóc Nam bộ

[vanhoamientay.com] Canh chua cá lóc món ăn đã làm nên thương hiệu của người Nam bộ bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang lại. Có thể nói canh chua cá lóc đúng kiểu của người Nam bộ phải vừa có cả vị chua của thơm, me lẫn vị ngọt của cá lóc. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải.

Canh chua cá lóc thường được người Nam bộ sử dụng làm món canh chính trong gia đình, tạo cảm giác ngon miệng và mát mẻ khi ăn. Có thể nói ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có canh chua nhưng canh chua Nam bộ vẫn là món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi sự hòa quyện giữa cá lóc và các loại rau cộng thêm cách nêm nếm chua ngọt của người miền Nam mang đến dấu ấn riêng cho món ăn này.

Có lẽ, món canh chua Nam Bộ ra đời đáp ứng đòi hỏi của cơ thể con người với môi trường sống ở vùng sông nước, sình lầy hoang dã có sáu tháng nắng và sáu tháng mưa lũ. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền nhiệt đới, sau giờ lao động vất vả, một bát canh chua thật đậm đà pha chút mặn, ngọt và cay, với khúc cá to đùng và nhiều loại rau quả như để vừa phục hồi sinh lực, vừa giải nhiệt.

Từ yêu cầu đó mà tài nghệ của các bà, các cô nội trợ được thôi thúc để cải tiến món canh chua đặc sản cho gia đình. Kể từ khi lưu dân đến sinh cơ lập nghiệp cho đến nay đã trải qua hơn 300 năm, một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện món canh chua độc đáo.

Và có lẽ món canh chua đầu tiên của lưu dân Việt là cá dưa nấu với quả bần chín. Bởi vì buổi đầu lưu dân sống quây quần quanh cửa sông, vùng duyên hải, nơi có nhiều cây bần bám trụ sinh sôi, nảy nở. Dưới gốc bần có một loài cá mắn đẻ, thịt ngọt, chuyên ăn quả bần chín rụng mà lớn, thế rồi con cá này là hợp “gu” với quả bần trong bát canh chua.

Món canh chua về sau cứ thêm thực đơn kéo dài ra, vượt quá con số 2 của thuở ban đầu. Nào là canh chua cá lóc nấu với me trái, canh chua cá tra nấu với măng chua hay bắp chuối…Tất cả các loại trái và lá rừng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng mỗi thứ có vị chua, độ chua khác nhau, tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Nói đến nồi canh chua mà bỏ quên vai trò của rau thơm thì quá bất công. Bởi vì dù thịt cá ngon cỡ nào, người nấu khéo léo đến đâu mà thiếu ngò om, húng chanh, ngò gai, húng quế… coi như nồi canh đó chẳng còn ý nghĩa gì. Các loại rau nêm ngoài mùi thơm, kích thích vị giác còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, lợi tiểu và chống được vi khuẩn. Mới nhìn nồi canh chua đẹp mắt, hài hòa với đầy đủ ngũ sắc (đen, đỏ xanh, trắng, vàng) và ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt) cũng đủ tác động vào mọi giác quan, giúp người ta chưa ăn đã thấy ngon.

Cá và rau quả đều nấu vừa chín, không rục, không nát. Nước canh phải thật chua, hơi ngọt dịu, cay và nêm hơi già mắm muối. Tô canh múc ra trông thật đẹp mắt, cá chín căng thịt trắng phau, cà chua hồng hào, ớt đỏ tươi, đậu bắp và rau xanh, giá trắng muốt… hơi nóng bốc lên tỏa ra thơm lừng. Tô canh chua thể hiện sự trù phú của vùng sông nước miệt vườn và sự hào phóng của con người Nam Bộ.

Có rất nhiều, rất nhiều dạng canh chua, nhưng qua thử thách suốt 300 năm, món canh chua cá lóc và cá bông lau nấu với me vẫn được xem là chuẩn mực đặt ở đầu bảng các loại canh chua Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Trị đau lưng bằng đậu đen

[vanhoamientay.com] Đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Một số cách trị bệnh bằng đậu đen:

Trị đau lưng: đậu đen 100g, giã giập, cho vào ít giấm xào cho nóng lên để âm ấm, đắp vào vùng lung đau, có thể để qua đêm. Hay đậu đen 50g, đuôi heo hoặc đuôi bò 1 cái. Hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái.

Mỗi tuần ăn 2 – 3 lần, kết quả khá tốt.

Trị phụ nữ sau khi sinh bị suy yếu, chóng mặt, hoa mắt do mất máu: đậu đen 50g, gà ác 1 con, hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi tuần ăn 2 lần, rất mau lại sức

Trị mắt mờ ở người cao tuổi, nhìn không rõ, hay bị hoa mắt, chóng mặt:đậu đen 100g, mè đen 100g. Sao khô, tán bột, trộn đều. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê (8g). Uống lâu ngày, mắt dễ chịu hoặc đỡ mờ hơn

Trị âm hư hỏa vượng (biểu hiện sốt về chiều, đau đầu, mặt bừng nóng, mắt đỏ, dễ tức giận): đậu đen 50g, lá dâu tằm ăn 20g. Đổ vào 1 lít nước, nấu cho sôi kỹ, lọc lấy nước uống dần trong ngày.

Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm: 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng lâu, dùng dạng nước sắc mỗi ngày 15 – 20g hoặc đem tán bột, mỗi lần uống 5g.

Trị phù thũng do thận hư yếu: đậu đen 100g, rễ cỏ tranh 15g. Nấu với 1 lít nước, uống dần trong ngày. Có thể uống lâu dài cho đến khi khỏi bệnh.

Trị chứng viêm gan mạn: Ngoài những thuốc đặc trị, nên dùng 100g đậu đen nấu lấy nước uống thường xuyên có tác dụng giải được độc tố trong gan ra ngoài.

Ra mồ hôi nhiều do thể trạng suy nhược: đậu đen 30g, phù tiểu mạch 30g, đại táo 15g, sắc uống trong ngày. Hoặc đậu đen 60g, hoàng kỳ 30g, sắc uống.

Viêm da lở loét do nhiệt độc hoặc ngộ độc thuốc và thực phẩm: đậu đen 30g, cam thảo sống 9g, sắc uống. Tiểu ra máu: đậu đen 30g, đậu xanh 30g, rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.

Rối loạn tiền đình (hay bị chóng mặt): đậu đen 30g, ngải cứu 45g, trứng gà 1 quả. Luộc 3 vị cho tới khi trứng chín. Ăn trứng, uống nước sắc.

Làm giải rượu: uống nước sắc đậu đen càng nhiều càng tốt.

Giải khát, làm hết khô miệng ban đêm: đậu đen 80g, lê 1 quả, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống hằng ngày.

Chữa phong thấp, gân co gối nhức, trong bụng nóng, đại tiện bón: đậu đen ngâm nước, ủ cho mộng dài từ 2 – 3cm rồi phơi khô, dùng 1 thăng rồi cho nửa lạng giấm vào trộn đều, sao vàng tán nhỏ. Mỗi lần uống 1 muỗng nhỏ với rượu trước khi ăn, ngày uống 2 – 3 lần, tác dụng rất hay.

Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt: đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm, lấy 50 – 100g nấu uống trong ngày.

BS. HOÀNG TRUNG 

Theo Sức Khỏe Đời Sống

Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM

Trại rắn Đồng Tâm, Tiền Giang

[vanhoamientay.com] Cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 5km, trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là vương quốc các loài rắn của Việt Nam, với hơn 400 loài rắn các loại.

Dù bạn là người yêu rắn, dù bạn là người sợ rắn thậm chí bạn ghét rắn, thì hãy một lần đến với vương quốc này để chiêm ngưỡng thế giới tuyệt vời của loài bò sát không chân này.

Trại rắn Đồng Tâm là tên gọi quen thuộc mà người dân vẫn hay gọi, còn tên chính thức là Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, thuộc ấp Bình Đức, xã Tân Thuận, huyện Châu Thành,Tiền Giang

Bạn chỉ việc mua vé vào trung tâm người lớn là 25.000 đồng/vé và trẻ em 15.000 đồng/vé là có thể bước vào một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của rắn. Đầu tiên đến phòng chiếu phim để được nghe giới thiệu về trung tâm nuôi rắn đặc biệt này. Trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được. Là một người có kiến thức sâu rộng, am tường và say mê các loài rắn, Trung tá Được muốn xây dựng một trại rắn đa dạng để lấy huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn.

Trong không gian rộng khoảng 30ha xanh mát của những cây cổ thụ cao vút là một khu du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Đến đây bạn như lạc vào “mê cung rùng rợn” nhưng đầy hấp dẫn, một thế giới chỉ có rắn và rắn.

Trại rắn Đồng Tâm được chia thành 3 khu vực nuôi chứa các động vật bò sát. Theo chân người hướng dẫn viên, du khách lạc bước vào một thế giới mới mẻ gây tò mò về những con vật được cho là ghê rợn, nguy hiểm.

Đầu tiên là khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước, bốn bề xây tường cao ngang ngực người lớn, có một cửa ra vào. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 – 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là tiểu đảo, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ẩn của cóc, nhái, ễnh ương… đây là nguồn thức ăn cho rắn.

Tiểu đảo có mấy chòm cây xanh cao ngang tường hồ. Trên chòm lá là những con rắn bò lúc nhúc. Thoạt nhìn ai cũng cảm thấy lo sợ lẫn chút hoang mang bởi chỉ đứng cách những chú rắn không xa. Nhưng bạn đừng lo bỡi các chuyên gia đã tính toán mọi thứ cẩn thận để rắn không thể phóng khỏi những tàn cây, vượt qua tường”.

Với cây sắt dài, một đầu có móc, người hướng dẫn viên nhẹ nhàng móc một chú rắn đưa về phía du khách để giới thiệu đặc tính sinh trưởng cùng những hoạt động tương thích của nó… Thật thích thú, vì sẽ không có bao nhiêu cơ hội bạn đến gần với loại bò sát được cho là khá nguy hiểm này.

Lần lượt đi qua các chuồng hồ, du khách dần hiểu sâu về thế giới loài rắn nào là rắn lục, rắn gáo, rắn nước, rắn ri voi, rắn ri cá… đây là những loại rắn hiền, không có độc.

Rời khu nuôi chứa rắn này là khu nuôi rắn độc, như rắn hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, rắn hổ mái gầm… Đặc biệt là rắn hổ mang chúa, một loại rắn cực độc, được xếp bậc “E” trong Sách Đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc chuồng riêng biệt.

Để nuôi được loài rắn dữ này là cả một kỳ công và đầy nguy hiểm. Người nuôi rắn độc khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc cắn người. Chăm sóc rắn chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, người nuôi phải thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.

Trung tâm có đến vài trăm con rắn hổ chúa, một con rắn hổ chúa ăn 1,5kg rắn tạp/lần. Mỗi tuần cho ăn 2 lần. Còn rắn hổ mang chỉ ăn cóc, nhái và chuột. Vì vậy trong mùa nắng, Trung tâm phải trữ rất nhiều thức ăn thậm chỉ là cả tấn trong tủ đông để cho rắn ăn dần.

Ngoài ra, ở đây còn nuôi cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công, đà điểu, nhím, kỳ đà, vượn má vàng…

Đến trại rắn, du khách sẽ nghe kể về nhiều trường hợp bị rắn cắn thập tử nhất sinh được cứu sống nhờ huyết thanh kháng nọc rắn. Những câu chuyện ly kỳ tưởng chừng không bao giờ có, vậy mà đã xảy ra nơi đây. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã chữa trị tốt cho rất nhiều người bị rắn cắn, không có trường hợp nào tử vong.

Để lấy huyết thanh rắn là cả một kỳ công, mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1 đến 2 giọt nọc/con. Mỗi năm, một con rắn chỉ cho khoảng mười mấy giọt nọc. 10 gram nọc rắn có thể điều chế một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước trong 1 năm. Tuy nhiên, chỉ với 1gram nọc rắn là có thể giết chết 165 người với trọng lượng trung bình 60kg/người!

Đến với trại rắn Đồng Tâm là đến với bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở ĐBSCL. Trong đó, đáng kể nhất là rắn hổ chúa 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg.

Mỗi loài vật đều có nét đẹp riêng của chúng, đối với rắn trong chí tưởng tượng của đa số người là rất nguy hiểm, không thể đến gần. Nhưng đến với trại rắn Đồng Tâm chắc hẳn bạn sẽ có suy nghĩ khác hơn, vẫn có nhiều loài rắn hiền lành, không độc… và dù chúng rất độc đi nữa nhưng nếu biết cách khai thác thì chúng vẫn có lợi cho con người. Thế giới về rắn vẫn luôn là một thế giới kỳ bí cần chúng ta tìm hiểu.

Theo Báo CanTho

Đậm đà món vịt nấu chao

[vanhoamientay.com] Vịt nấu chao món ăn đã không còn xa lạ đối với nhiều người miền Tây bởi sức hấp dẫn mà món ăn mang lại. Đối với người miền Tây thì món ăn từ vịt được ưa chuộng hơn, thay vì là gà như người miền Bắc hoặc Trung . Từ đó người ta chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn như: vịt kho gừng, cháo vịt, gỏi vịt… trong đó vịt nấu chao là món ăn công phu được nhiều người lựa chọn.

Có thể nói hương vị đặc trưng của món vịt nấu chao được tạo nên từ những nguyên liệu chính là chao và khoai môn hòa hợp với thịt vịt,… Chẳng ai biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu, nhưng theo nhận xét của nhiều người thì đây là món ăn xuất phát từ vùng quê dân dã. Bỡi lẽ, nguyên liệu món ăn rất dễ tìm, một hủ chao nhỏ, vài ba tép xả, củ khoai, vài cọng rau muống ngoài vườn là đã tạo nên một hương vị thơm nồng quyến rũ.

Một bí quyết không thể bỏ qua giúp khử mùi lông vịt là khi chế biến, vịt phải được khử mùi bằng gừng và rượu trắng, sau đó mới rửa sạch. Thịt vịt được chặt thành miếng vừa phải, ướp với chao, dầu hào, sả băm nhuyễn,… để khoảng 20 phút. Tiếp đến phi tỏi vàng xào thịt đã ướp cho săn lại và cho nước dừa tươi vào, hầm lửa đều. Khoai môn được sắc thành miếng lớn, nhỏ tùy ý, chiên vàng để tạo mùi thơm, vị bùi hơn của khoai môn và giữ cho khoai không bị vỡ trong quá trình hầm. Cho khoai vào nồi vịt nấu chao hầm tiếp đến khi vị khoai thắm vào thịt vịt. Thời gian hầm từ 30 phút đến 1 giờ tùy theo loại vịt. Sau khi vịt chín là có thể thưởng thức ngay được rồi đấy.

Vịt nấu chao thường ăn kèm với bún, mì gói hay cơm trắng. Các loại rau dùng để trụng ăn với món này cũng khá đa dạng nhưng ngon nhất vẫn là rau muống đồng và cải xanh. Món vịt nấu chao càng đậm đà và hấp dẫn hơn với nước chấm được pha chế từ chao, đường mía, một ít nước cốt chanh và ớt đỏ băm nhuyễn.

Nghe qua thôi cũng đã cảm nhận được sức hấp dẫn không thể chối từ của món ăn này mang đến cho thực khách. Tuy đơn giản mộc mạc nhưng món ăn này được xem là đặc sản của người miền Tây mỗi khi đãi khách. Chỉ cần xắn tay lên một chút là đã có món đặc sản đãi cả nhà rồi đấy. Vịt nấu chao thực sự là một món ăn thu hút, hấp dẫn để bạn có thêm lựa chọn mỗi khi ra ngoài ăn cùng gia đình. Còn gì thích thú hơn bằng vào những ngày tiết trời hơn se lạnh cùng gia đình, người thân quây quần bên nồi lẫu vịt nấu chao đang nghi ngút khói.

Vịt nấu chao món ăn đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa ẩm thực người dân miền sông nước từ bao đời nay. Ngày nay món ăn này đã trở thành thương hiệu của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực miền Tây. Chắc chắn sau khi thưởng thức món ăn này các bạn sẽ vô cùng thích thú và hài lòng vì sự lựa chọn của mình đấy. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm một món ăn mới trong sổ tay ẩm thực của mình.

Đậm đà món vịt nấu chao


Phụ nữ nên làm việc nhẹ nhàng

[vanhoamientay.com] Phụ nữ chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi

Một ông chồng tâm sự với bạn:

– Cậu biết không, phụ nữ cần được làm những công việc nhẹ nhàng. Như vợ tớ chẳng hạn, mỗi ngày cô ấy mang trên tay không quá một kg.

– Thế cô ấy làm việc gì?

– Bán vé số!

st
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!