Có thể bạn quan tâm

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Về đất công tử Bạc Liêu ăn bánh tằm bì

[vanhoamientay.com] Ngoài món bánh củ cải nổi tiếng thì bánh tằm bì là món ăn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm vùng đất công tử Bạc Liêu.

Hãy bắt đầu một ngày du ngoạn Bạc Liêu bằng món bánh tằm bì độc đáo và lạ miệng của người dân ở đây. Đây là một món ăn dân dã nên bạn có thể thưởng thức món ăn từ gánh hàng rong, quán vỉa hè hoặc trong một ngôi chợ nào đó bất kỳ. Tuy là món ăn phổ biến nhưng hầu như không ai biết món ăn này có từ lúc nào, vì sao có tên gọi đó?… Trong những câu chuyện vui của người dân ở đây, sở dĩ có tên gọi như vậy vì sợi bánh tằm nhìn giống con tằm, ăn với bì nên có tên gọi là bánh tằm bì.

Mặc dù không biết chắc về tên gọi và nguồn gốc nhưng món ăn với sợi bánh làm từ bột gạo, ăn kèm với bì, rau cùng nước cốt dừa… với vị vừa mặn vừa ngọt đã làm mê mẩn biết bao nhiêu du khách khi lần đầu ăn món này. Tuy là món ăn bình dân, nguyên liệu không có gì đặc biệt nhưng để có được một đĩa bánh tằm bì thơm ngon, béo ngậy đòi hỏi không ít công sức của người bán.

Sợi bánh chính là thành phần quan trọng nhất của món ăn. Một đĩa bánh tằm bì được đánh giá là ngon khi sợi bánh phải trắng muốt, mềm, dai và không bị đứt đoạn. Để làm được điều đó thì khâu nhồi bột là quan trọng nhất, bột gạo được pha với bột năng theo tỷ lệ nhất định rồi nhồi với nước sôi. Nhồi bột đến lúc bột mềm, mịn, dẻo mà không dính tay là được. Bột được chia thành từng viên nhỏ, dùng tay se viên bột thành những sợi tròn dài. Ngày nay, nhiều nơi bán bánh tằm bì thường cán bột thành từng lát mỏng, rồi thái thành sợi như bánh canh. Cách làm này tuy nhanh nhưng sợi bột sẽ không đẹp và không dai bằng.

Sau khi làm xong, cho sợi bánh vào nồi luộc chín. Xả lại với nước lạnh nhiều lần rồi để ráo. Tiếp đến trộn bánh với ít dầu ăn để những sợi bánh không dính vào nhau. Ngoài sợi bánh thì bì và nước cốt dừa ăn kèm cũng quan trọng không kém. Bì được thái thành từng sợi mỏng đều nhau, trộn với thịt nạc thái sợi và thính gạo vừa giòn vừa bùi.

Nước cốt dừa của món ăn này rất đặc biệt, người bán phải tỉ mỉ pha chế làm sao để nó vừa mặn vừa ngọt, béo nhưng lại không ngấy. Nước cốt dừa được nấu với lửa thật nhỏ, trong khi nấu phải canh để nước dừa không sôi bùng lên, chỉ hơi lăn tăn là được. Tiếp đến hòa tan ít bột năng (hoặc bột bắp) rồi cho vào nước cốt dừa, nêm gia vị mặn ngọt là được.

Ngoài ra, bánh tằm bì còn có giá chần, mỡ hành cùng dưa leo, các loại rau thơm thái nhỏ, có nơi còn có thêm cà rốt, củ cải thái sợi ngâm chua…. Bánh tằm bì được cho vào một chiếc đĩa, bì cho lên trên, tiếp đến là các loại rau, rưới đều nước cốt dừa lên rồi mang cho thực khách. Khi ăn món này, thực khách trộn lẫn các thành phần lại với nhau, nếu chưa vừa miệng thì có thể chan thêm ít nước mắm ngọt được chủ quán chuẩn bị sẵn.

Tuy chỉ là món ăn sáng dân dã của người dân ở đây nhưng đĩa bánh tằm bì vừa có vị mằn mặn, vừa hơi ngọt được hòa quyện vào nhau một cách rất hài hòa chắc hẳn sẽ là điều bất ngờ và thú vị cho những thực khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn này.

Theo Vnexpress

Thằng bé ranh ma

[vanhoamientay.com] Một cậu bé chơi bóng, lỡ chân đá vỡ kính cửa sổ nhà nọ. Bà chủ nhà chạy ra giữ chặt quả bóng quát thằng bé.

– Mày mà không sửa lại cửa kính cho bà thì đừng hòng lấy bóng về!

Một lát sau, cậu bé gõ cửa bảo:

– Bố cháu sẽ đến sửa ngay!

Quả nhiên, một người đàn ông đem theo hộp đồ nghề đang đi tới. Bà ta bèn cho thằng bé cầm bóng đi. Người đàn ông sửa xong, nói:

– Xin bà 10 đô!

– Ơ, ông không phải bố thằng bé sao?

Bà chủ ngạc nhiên kêu lên.

Người đàn ông cũng trợn tròn mắt:

– Thế bà không phải mẹ nó à?

st

Lễ hội Ok Om Bok Nam Bộ

Lễ hội Ok Om Bok, còn được gọi là Phochia Praschanh som paes khee, là lễ Cúng Trăng. Lễ hội này diễn ra hầu như khắp các tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer cư ngụ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lớn nhất và được biết nhiều nhất là ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng). Vài năm qua, lễ hội này đã được tổ chức tại TX.Trà Vinh (Trà Vinh), TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Ô Môn (TP.Cần Thơ)

Trong vô số lễ hội quanh năm của đồng bào dân tộc Khmer, có ba lễ hội quan trọng là Chol Chnam Thmay, Dolta và Ok Om Bok. Nhưng lễ hội Ok Om Bok được tổ chức rôm rả hơn cả.

Lễ hội Ok Om Bok ở các nơi thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (“Um Tuk Ngua”). Ghe ngo dài khoảng 24 m, ngang 1,2 m, làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar – linh vật của người Khmer. Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ. Hoa văn đẹp đẽ này còn được chăm chút trên từng cây dầm. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng, chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng, như Ok Om Bok. Sư cả và đồng bào trong phum sóc phải lựa chọn thanh niên cường tráng làm “Ch’rò-wa” (quân dầm bơi), đồng thời cử một người có uy tín trong phum sóc giữ vai trò chính “Chih-khbal” (người cầm lái) cùng “Yông-lith” (phụ lái) cho ghe. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer mặc đồng phục đẹp, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển.

Trong ánh nắng chói chang hoặc trong cơn mưa tầm tã, tiếng cồng, tiếng còi từng nhịp từng nhịp thắt tim vang lên cùng tiếng mái dầm thọc sâu xuống mặt nước ngầu bọt sóng, đưa chiếc ghe vượt lên phía trước trong tiếng hoan hô khích lệ vang dậy của hàng chục ngàn khán giả. Đua ghe ngo ngày nay được xem như một ngày hội chung của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, để mọi người vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh, hào hùng, tài nghệ điêu luyện của các tay bơi tranh tài trên sông, mang đậm tinh thần thể thao, đoàn kết, vui tươi. Cho nên, cuộc đua kéo dài tới xế chiều và tuy có phân định thắng thua nhưng các tay bơi đều vui vẻ, hân hoan trong tinh thần đoàn kết.

Xế chiều, nếu ở Sóc Trăng người ta đến hồ Nước Ngọt, còn ở Trà Vinh thì tập trung về Ao Bà Om tham dự lễ Cúng Trăng. Ao Bà Om là một thắng cảnh độc đáo của Trà Vinh nổi tiếng khắp Nam bộ từ hơn một thế kỷ nay.

Có câu hát rất phổ biến ở Trà Vinh nhằm ca ngợi hai thắng cảnh của địa phương này đến nay vẫn còn lưu truyền:
“Biển Ba Động nước xanh cát trắng
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây
Xin mời du khách về đây
Viếng qua thì biết chốn này thần tiên !”

Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8, cách trung tâm TX.Trà Vinh khoảng 5 km, theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Trước kia, từ Quốc lộ 53 vào ao là mấy con đường mòn lầy lội mùa mưa, cát ngập mắt cá chân mùa nắng, quanh co xuyên qua các phum sóc ẩn mình trong bóng mát cây xanh. Từ nhiều năm nay, con đường vào ao đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu, có đường xe hai chiều, dãy phân cách trồng hoa cỏ xinh tươi. Ao Bà Om có hình chữ nhật nên thường được gọi là Ao Vuông, rộng khoảng 10 ha. Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi sen, súng dập dờn cánh lá với những đóa hoa tinh khiết vươn cao nét đẹp. Bao bọc quanh ao là bốn gò cát cao, mấp mô với các hàng sao, dầu cổ thụ rợp che bóng mát. Hấp dẫn nhất là một số gốc đại thụ này nhô lên khỏi mặt đất, có nơi cao khỏi đầu người, với nhiều hình thù quái dị nhưng độc đáo không đâu có. Lại có nơi hai cây cổ thụ mọc gần nhau, cành nối cành tạo sự “liên thông”, gắn kết, cũng là nét kỳ lạ, khó nơi nào có được. Ao Bà Om được nhiều người sánh là Đà Lạt của Đồng bằng sông Cửu Long nhờ bốn hàng sao dầu đại thụ quanh ao lúc nào cũng rì rào nhạc lá, tạo không khí mát mẻ như mùa xuân. Ao Bà Om được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa vào ngày 25-8-1992.

Đêm lễ hội, bốn con đường đất bao bọc quanh Ao Bà Om, cả triền dốc bốn đường quanh ao và mặt đường quanh ao “phủ rợp” người là người. Kẻ ngồi từng nhóm, người thả bước dạo chơi hoặc thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, cũng như mua sắm vật kỷ niệm bày bán khắp nơi. Sụp tối, các “nghệ sĩ chân đất” làm xôm tụ bởi các điệu múa lâm-thôn, hát rô-băm, hát dù-kê, hát à-day, thi đấu cờ ốc, đấu võ, kéo co, đi cà khêu, biểu diễn trang phục các dân tộc, ăn cốm dẹp đầu mùa… Tiếng trống xa-dăm, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt khiến lòng bạn quên hết mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống mà hòa mình vào cuộc lễ rộn ràng, sôi nổi, vui tươi. Bạn sẽ quên mất mình là ai, cùng hòa bước chân trong điệu lâm-thôn đầy mê hoặc, trong điệu hát giao duyên trai gái à-day tình tứ…

Đêm vui Ok Om Bok cứ thế diễn ra trong tiếng hát hòa trong tiếng các loại nhạc cụ, các điệu múa thành một “đêm trắng” lãng mạn lôi cuốn mọi người đến khó quên!

Theo Báo Hậu Giang

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin

Đậm đà món vịt nấu chao

[vanhoamientay.com] Vịt nấu chao món ăn đã không còn xa lạ đối với nhiều người miền Tây bởi sức hấp dẫn mà món ăn mang lại. Đối với người miền Tây thì món ăn từ vịt được ưa chuộng hơn, thay vì là gà như người miền Bắc hoặc Trung . Từ đó người ta chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn như: vịt kho gừng, cháo vịt, gỏi vịt… trong đó vịt nấu chao là món ăn công phu được nhiều người lựa chọn.

Có thể nói hương vị đặc trưng của món vịt nấu chao được tạo nên từ những nguyên liệu chính là chao và khoai môn hòa hợp với thịt vịt,… Chẳng ai biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu, nhưng theo nhận xét của nhiều người thì đây là món ăn xuất phát từ vùng quê dân dã. Bỡi lẽ, nguyên liệu món ăn rất dễ tìm, một hủ chao nhỏ, vài ba tép xả, củ khoai, vài cọng rau muống ngoài vườn là đã tạo nên một hương vị thơm nồng quyến rũ.

Một bí quyết không thể bỏ qua giúp khử mùi lông vịt là khi chế biến, vịt phải được khử mùi bằng gừng và rượu trắng, sau đó mới rửa sạch. Thịt vịt được chặt thành miếng vừa phải, ướp với chao, dầu hào, sả băm nhuyễn,… để khoảng 20 phút. Tiếp đến phi tỏi vàng xào thịt đã ướp cho săn lại và cho nước dừa tươi vào, hầm lửa đều. Khoai môn được sắc thành miếng lớn, nhỏ tùy ý, chiên vàng để tạo mùi thơm, vị bùi hơn của khoai môn và giữ cho khoai không bị vỡ trong quá trình hầm. Cho khoai vào nồi vịt nấu chao hầm tiếp đến khi vị khoai thắm vào thịt vịt. Thời gian hầm từ 30 phút đến 1 giờ tùy theo loại vịt. Sau khi vịt chín là có thể thưởng thức ngay được rồi đấy.

Vịt nấu chao thường ăn kèm với bún, mì gói hay cơm trắng. Các loại rau dùng để trụng ăn với món này cũng khá đa dạng nhưng ngon nhất vẫn là rau muống đồng và cải xanh. Món vịt nấu chao càng đậm đà và hấp dẫn hơn với nước chấm được pha chế từ chao, đường mía, một ít nước cốt chanh và ớt đỏ băm nhuyễn.

Nghe qua thôi cũng đã cảm nhận được sức hấp dẫn không thể chối từ của món ăn này mang đến cho thực khách. Tuy đơn giản mộc mạc nhưng món ăn này được xem là đặc sản của người miền Tây mỗi khi đãi khách. Chỉ cần xắn tay lên một chút là đã có món đặc sản đãi cả nhà rồi đấy. Vịt nấu chao thực sự là một món ăn thu hút, hấp dẫn để bạn có thêm lựa chọn mỗi khi ra ngoài ăn cùng gia đình. Còn gì thích thú hơn bằng vào những ngày tiết trời hơn se lạnh cùng gia đình, người thân quây quần bên nồi lẫu vịt nấu chao đang nghi ngút khói.

Vịt nấu chao món ăn đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa ẩm thực người dân miền sông nước từ bao đời nay. Ngày nay món ăn này đã trở thành thương hiệu của nhiều người khi nhắc đến ẩm thực miền Tây. Chắc chắn sau khi thưởng thức món ăn này các bạn sẽ vô cùng thích thú và hài lòng vì sự lựa chọn của mình đấy. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm một món ăn mới trong sổ tay ẩm thực của mình.

Đậm đà món vịt nấu chao


Bún nước lèo Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Để có được nồi nước lèo ngon phải kiếm con cá lóc đồng tối thiểu trên 0,5kg, được cá có trứng càng hấp dẫn vì nồi nước lèo sẽ nổi váng trứng vàng ươm, bắt mắt. Cá làm sạch, cắt thành hai phần đầu và đuôi: đầu dính với bộ đồ lòng là phần ngon nhất.

Tép bạc hoặc tôm thẻ luộc, bỏ vỏ cứng. Thêm mấy miếng thịt heo quay xắt miếng cỡ lóng tay hoặc chả cá thác lác, cá mè vinh thì tô bún càng ngon miệng. Nước lèo có thể nấu bằng nước dừa tươi để tăng thêm vị ngọt, cho mắm bò hóc vào nồi nước lèo đang sôi.

Ngải bún nướng sơ qua lửa than và gốc sả đập dập thả vô nấu tiếp. Hớt bọt kỹ, đến khi nước trong thả cá làm sạch vào.

Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo, nước mắm hòn Lại Sơn hay nước mắm Phú Quốc mới đúng điệu và làm tăng hương vị đậm đà. Đây là món ăn thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương.

Theo Vietnamnet
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!