Có thể bạn quan tâm

Bánh cống Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Nhắc đến Sóc Trăng người ta không chỉ nhắc đến bánh Pía mà còn một loại bánh cũng rất hấp dẫn người ăn đó chính là bánh cống Sóc Trăng

Mỗi địa phương có thể có cách chế biến đôi chút khác nhau. Tuy nhiên, đến Sóc Trăng, thực khách muốn được thưởng thức loại bánh cống ngon nhất phải tìm đến chợ ven lộ Xoài Cà Nã (Đại Tâm – Mỹ Xuyên), cách thị xã Sóc Trăng khoảng 8km.

Cách làm bánh cống không phức tạp, tất cả phụ thuộc vào bàn tay khéo léo của người đầu bếp trong cách chọn nguyên liệu, pha chế bột, đổ bánh đều và đẹp.

Chiếc khuôn làm bánh cống tròn nhỏ hơn miệng ly uống cà phê đá, chiều cao khoảng 20 cm. Vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ, người làm bánh phải chọn thứ gạo tốt nhất, phải là gạo lúa mùa thơm ngon, sau đó đem ngâm hai đêm rồi mới xay, xay xong lại pha nước muối loãng, ngâm cùng với bột trong cùng một cái hũ khoảng từ một đến hai đêm nữa. Có như thế, vỏ bánh mới đảm bảo yêu cầu. Nhân bánh cống có thành phần gồm tôm, thịt băm, đậu xanh nguyên hạt đã nấu chín, trứng gà. Bí quyết bánh ở đây ngon là thịt heo băm được trộn với củ hành tím – một loại nông sản trồng rất nhiều ở ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Mùi củ hành trong chiếc bánh sau khi chiên chín hòa quyện với rau sống ăn kèm rất ngon.

Để làm ra một chiếc bánh cống người bán sẽ múc một ít bột cho vào chiếc cống, sau đó là một lớp đậu xanh, thịt băm trộn củ hành tím và phủ lên trên cũng bằng một lớp bột. Trên cùng vài con tép luộc chín.

Cách ăn bánh tương tự bánh xèo, bánh ăn kèm rau sống và chấm nước mắm chua. Trong đĩa rau sống có xà lách, rau rơm, húng lủi, diếp cá,vài lá bắp cải sống. Lá cải sau khi được tách ra khỏi bắp cần thiết ngâm nước muối có ít nước đá để giúp lá cải được giòn.

Món nước chấm cho món bánh cống Sóc Trăng cũng khá đặc trưng, phải là nước mắm chính hiệu cá cơm Phú Quốc, gừng cay nồng giã nhỏ, chanh chua thanh thanh đặc trưng.

Bánh cống Sóc Trăng tuy đơn giản nhưng ít nơi nào có thể bắt chước được bởi đó là món ăn truyền thống độc đáo mà cũng độc quyền của miền đất Sóc Trăng.

Băng Tâm tổng hợp

Cách đòi nợ của bác sĩ

[vanhoamientay.com] Cách đòi nợ của bác sĩ như thế này thì không trả không được

Bác sĩ vừa khám xong cho một bệnh nhân, cô y tá thắc mắc:

– Tại sao ông bắt anh ta kiêng nhiều thứ thế, chỉ được ăn rau thôi à?

– Uhm! Chính xác là như thế.

– Nhưng tôi thấy bệnh anh ta đâu có liên quan gì đến việc ăn uống.

– Cô không biết đó thôi. Hắn đang nợ tôi một khoản tiền, để hắn ăn tiêu thoải mái thì bao giờ mới trả được?!

st

Chàng trai nổi cáu khi đang tỏ tình

[vanhoamientay.com] Phải thật bình tỉnh khi tỏ tình các chàng trai ạ, không thì em sẽ ra đi và không bao giờ trở lại…

Một chàng trai tỏ tình với một cô gái, anh ta nói.

– Em có biết rằng anh…. yêu… yêu… em… em không?

– Vậy thì anh đi mà nói với nó!

Chàng trai luống cuống:

– Không… không phải, ý anh muốn nói là… anh anh… yêu… em…

– Vậy thì để anh ta nói với em…

– Không… không phải… anh muốn nói là… anh … yêu … em … em…

– Vậy thì anh đi mà nói với nó…

Chàng trai bực bội với giọng khó chịu:

– Trời ơi! là trời, không phải thế… anh muốn nói rằng… anh anh…yêu… em… em.

Cô gái cáu:

– Vậy thì để anh ta đi nói với nó.

st

Chuột đồng quay lu đất Đồng Tháp

[vanhoamientay.com] Những chú chuột đồng ăn no lúa béo múp míp đã chín rộm vàng, thịt ăn thì thơm ngon nhưng nhìn không phải ai cũng dám thử, nhưng sau khi thưởng thức chắc chắn các bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ ngay đấy.

Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, đâu đâu cũng có món thịt chuột đồng mời gọi khách, ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ, chuột đồng vừa là món ăn vừa là đặc sản chỉ có khi tới mùa gặt. Thưởng thức chuột đồng người ăn sẽ cảm thấy mê mẩn và nhớ mãi không thôi.

Món chuột đồng quay vàng vô cùng bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến mọi người xuýt xoa khen ngợi, bạn sẽ vỡ òa cảm xúc khi nếm hương vị tuyệt vời của món ăn này. Nếu đã có đôi lần nếm thử chuột đồng chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi không thôi và muốn quay lại miền Tây để thưởng thức nó một lần nữa.

Hàng thịt chuột quay lu ở mảnh đất Đồng Tháp lúc nào cũng đông khách khi vào mùa lúa, chuột đồng là đặc sản. 8h sáng, hàng mới bắt đầu bắc lò. Trong lúc chờ, bạn có thể nhâm nhi uống tách trà và nghe chuyện người Đồng Tháp bắt chuột.

Chuột có nhiều loại, nhưng phải là những chú chuột sống ngoài đồng, ăn lúa mới dùng để quay, rán được vì thịt thơm, không bị hôi. Chuột để quay lu phải là những chú đã ăn no lúa chín, béo múp míp. Vì thế, chuột đồng sau mùa gặt béo múp là những chú chuột ngon nhất để quay lu.

Người dân sau mùa gặt quây đuổi chuột trên gò, giăng lưới để đôi khi lại đốt rơm hum khói. Có những con được thịt ngay giữa đồng bằng cách thui rơm để nhậu lai rai. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng, mùi sữa, ngon tuyệt.

Chuột bắt về khoảng 5 – 7 con/kg, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu. Chiếc lu này còn được gọi là mái đầm, tùy cỡ lu mà mỗi mẻ quay được khoảng từ 8 – 30 con. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng.

Khi gắp ra đĩa, nếu không bảo là chuột, dễ tưởng nhầm đó là một chú lợn “bao tử” vừa được quay. Mùi thơm hấp dẫn. Muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo được bày ra. Cầm miếng thịt chuột lên nếm, da giòn tan, thịt thơm và mềm. Không còn cảm giác ghê ghê ban đầu là ăn thịt chuột, chỉ thấy thịt chuột thật là ngon. Bởi thế, người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê”.

Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10.

Băng Tâm tổng hợp. Ảnh ST
Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.


Nguyễn Trung Trực 14 tuổi được phong thần?

[vanhoamientay.com]Một số người đã gán ghép cho Anh hùng Nguyễn Trung Trực những điều không đúng thực tế, không phù hợp với lịch sử. Trải qua nhiều năm, người thân của cụ nhiều lần đòi lại sự thật đúng với lịch sử nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xem xét lại.

Những sắc phong khó hiểu

Trong đơn gởi các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Khương Ninh (SN 1949, hậu duệ đời thứ năm của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, hiện ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) đã nêu những nhầm lẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. Trong lễ hội kỷ niệm ngày cụ qua đời, có nghi thức hết sức quan trọng thu hút hàng ngàn người tham gia. Đó là lễ rước sắc thần kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những lần tìm hiểu, ông Ninh được Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, hiện đình có đến hai sắc thần gồm: Sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân do vua Tự Đức ấn phong năm 1852 và sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) do vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian trên.

Theo tự điển tiếng Việt, sắc thần là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần do nhà vua phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng. Các vị thần được phong tặng có thể là nhân vật lịch sử có công với nước hoặc có công khai hoang lập làng… Việc cho rằng năm 1852, vua Tự Đức ấn phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý bởi cụ sinh năm 1838. Lúc bấy giờ, cụ mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh làm sao được phong thần. Có cả văn bản của chính triều đình Huế, vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ “Cơ mật viện trích tư sự” đề ngày 6-2 năm Tự Đức 24 (1872) cho biết: “Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng…”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực nhưng được để trang trọng ở đình và làm lễ rước hoành tráng.

Một cán bộ tỉnh Kiên Giang cho rằng Nguyễn Trung Trực là câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không được làm nhập nhằng. Ngôi đình trên nguyên là miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ do một nhóm ngư phủ xây dựng. Năm 1852, vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ bằng chữ nho, an vị bên trong đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cụ Nguyễn, người dân lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó quản cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam kỳ. Ông Ninh nhiều năm liền đề nghị các cơ quan chức năng, việc rước sắc thần, nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn quốc gia Nam Hải đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc vua phong cho Nguyễn Trung Trực.

Hậu duệ ở tận… Cà Mau

Thời gian dài, một số cơ quan chức năng thừa nhận giả thiết hết sức phi lý cho rằng, hậu duệ của cụ Nguyễn ở tận Cà Mau. Tháng 10-1988, Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc bảo tàng tỉnh Kiên Giang) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Tiếp đó là hai người em gái, thứ tư là Nguyễn Công Khanh, thứ năm là Nguyễn Thành Luông, bà thứ sáu (không rõ), bà thứ bảy và Nguyễn Văn Thơ. Hiện tại, Cà Mau có sáu ngôi mộ chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng hay còn gọi là Nguyễn Cao Thăng và mẹ là Lê Kim Hồng. Thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ.

Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu chỉ đạo bà Nguyễn Thị Mai Lan đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ được cho là của thân phụ mẫu Nguyễn Trung Trực. Bà Thu còn đề xuất ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang xuất chi 20.000.000 đồng để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ. Ngày 23-4-2001, UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định số 406/UBND tỉnh kế hoạch xây dựng nhà mồ cho cụ Nguyễn Cao Thăng – thân phụ Nguyễn Trung Trực. Ngày 3-1-2002, các cơ quan chức năng khánh thành ngôi nhà mồ này được báo đài đưa tin.

Ông Nguyễn Khương Ninh đã khiếu nại giả thiết phi thực tế trên. Từ năm 1990, ông Ninh đã làm tờ trình kiến nghị chính quyền địa phương và Sở Văn hóa – Thể thao (VHTT) tỉnh Kiên Giang cho đi xác minh để làm sáng tỏ. Năm 1991, ông Mạc Liêm, Phó giám đốc sở chỉ đạo cán bộ sở cùng ông Ninh đi xác minh. Tổ xác minh kết luận: Dòng họ Bến Lức – Long An và dòng họ Cái Bè – Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ của hai chi này. Còn dòng họ Tân Thuận, Minh Hải (Cà Mau) không đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để bảo vệ tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và bảo tàng tỉnh Kiên Giang cần xem xét để chấn chỉnh sửa sai. Một chi tiết rõ nhất về sự bất hợp lý của chi tộc ở Cà Mau là tuổi của bà Đạt ở chi tộc này chỉ bằng tuổi con bà Đạt ở Long An.

Trong bức tâm thư gởi các cơ quan chức năng, ông Ninh tha thiết, những vấn đề liên quan đến cụ Nguyễn phải trả về đúng lịch sử và đúng sự thật. Mới đây, ngày 9-9-2014, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL có văn bản thông báo đã nhận đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Khương Ninh về các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Cục đã chuyển thư kiến nghị bản sao đến Sở VHTT&DL Kiên Giang để xem xét giải quyết. Nhưng rất tiếc, đến nay sở vẫn chưa có trả lời và lễ kỷ niệm 146 năm mất Nguyễn Trung Trực vẫn làm sai ngày và vẫn tổ chức rước sắc thần Nguyễn Trung Trực.

Theo Báo Công An TPHCM

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!