Có thể bạn quan tâm

Nữ doanh nhân ngành sữa

Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, quê gốc Cần Thơ nhưng được sinh ra tại Pháp. Bà được coi là một hiện tượng trong giới nữ doanh nhân và là nữ doanh nhân ngành sữa Việt.

Dưới sự lãnh đạo tài năng của bà Kiều Liên doanh thu của Vinamilk đã đạt trên 1 tỷ USD, luôn là doanh nghiệp được đánh giá hàng đầu tại Việt Nam cũng như tại Châu Á.

Đội ngũ nhân sự của công ty quy tụ những kỹ sư, nhân viên có trình độ cao, nhiệt huyết trong công việc. Với sự đổi mới không ngừng trong kinh doanh, cùng tầm nhìn mới của bà Liên, 2014 này Vinamilk sẽ mở cuộc “viễn chinh” sang nước láng giềng Campuchia.

Nhớ lại lúc được phân công học ở Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên tin nó giống như “định mệnh”. Khi đó cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa, nhất là thời điểm đó (1969), ngành sữa ở Việt Nam chưa phát triển. 5 năm đại học cũng là khoảng thời gian khiến bà trăn trở nhiều về đường hướng sau khi tốt nghiệp. “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ”, vị lãnh đạo Vinamilk hồi tưởng. Song, thân phụ của bà cho rằng đây là ngành sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào thời bình. Lời khuyên này giúp bà Liên kiên định mục tiêu hoàn thành khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa có ý nghĩ sẽ xây dựng doanh nghiệp sữa lớn mạnh.

Trở về nước, bà được phân công làm kỹ sư theo ca tại nhà máy sữa Trường Thọ. Sau đó, trải qua nhiều vị trí khác nhau và tới năm 1992, bà trở thành người đứng đầu Công ty Sữa Việt Nam. Người điều hành Vinamilk từng trăn trở ngành sữa ở Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Vì thế, bà đã chủ trương phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam bằng cách chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu mua sữa tươi của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu nhập khẩu để kích thích chăn nuôi trong nước. Song song với đó, đầu năm 1990, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Đối tượng nhắm tới vẫn là thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bởi lượng tiêu thụ ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới.

Gần 20 năm giữ trọng trách “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại. Sau cổ phần hóa năm 2003, đến năm 2006 Vinamilk niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó vốn hoá trên thị trường là 530 triệu đôla Mỹ, qua 5 năm, nay vốn hoá đạt được 2 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 4 lần. Đà thăng hoa đó khiến Vinamilk định hướng phát triển thành tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành với sữa, các sản phẩm từ sữa và ngoài ngành sữa như bia, cà phê… thương hiệu Vinamilk. Thế nhưng việc hợp tác đầu tư liên doanh sản xuất bia Zorok cùng SabMiller, nhà máy sản xuất cà phê không như mong đợi, Vinamilk phải chuyển nhượng lại 2 dự án này để bảo toàn vốn.

Ngoài việc chờ can thiệp, người điều hành Vinamilk cho rằng bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì chờ lãi suất hạ, bản thân doanh nghiệp tự xoay sở nguồn vốn ở kênh khác, cắt giảm chi phí ở những khâu nào còn có thể, tìm đến phân khúc thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới… Vinamilk đặt mục tiêu cuối năm nay đạt doanh thu 1 tỷ USD, đứng trong top 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2017 với 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại khu vực châu Á do Tạp chí Forbes Asia bình chọn.

Theo thời gian, sự đam mê thay thế cho những bỡ ngỡ, thậm chí hoài nghi về chọn lựa ngành chế biến sữa khi còn là sinh viên. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên, dựa trên sự quan sát nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và sở thích tìm tòi thêm những hương vị mới lạ. Lạc quan khi cho rằng không khó khăn nào không thể vượt qua, mà chính những trải nghiệm này sẽ giúp bản thân dày dạn kinh nghiệm ứng chiến, nữ doanh nhân ngành sữa luôn tâm niệm phải tìm ra mắt xích nào đang có vấn đề trong tổng thể, từ đó chỉ việc giải quyết nó.

Theo VNEXPRESS

Cá linh non mùa nước nổi

[vanhoamientay.com] Như thông lệ hàng năm, cứ đến khoảng rằm tháng 7 âm lịch, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Công cuồn cuộn đổ về, nước lũ bắt đầu lên nhanh tại các huyện đầu nguồn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Và đây cũng là lúc bà con vùng thượng nguồn sông Cửu Long bắt đầu vào mùa đánh bắt cá linh non – một trong những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi.

Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Vào những ngày đầu mùa, cá linh non được bán tại chợ Long Xuyên, tỉnh An Giang lên đến 100.000-120.000 đồng/kg. Càng về sau, cá linh xuất hiện nhiều hơn, đến khi gần cuối mùa giá lại rẻ hơn.

Cá linh đầu mùa, hay người dân còn gọi là cá linh non, được xem là ngon nhất. Vì lúc này, cá linh chưa quá lớn, xương chưa cứng, thịt ngọt, bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh non thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn ngon, kết hợp với nhiều hương vị đặc trưng của mùa nước nổi. Trong đó, có thể kể đến món cá linh non kho nước dừa, hay nhúng lẩu chua, nhúng mắm.

Cá linh non đầu mùa là vậy, bước sang tháng 8 âm lịch, cá đã lớn gấp đôi, cỡ bằng ngón tay. Thời điểm này, cá ngon nhất là món canh chua nấu với bông điên điển và bông súng đồng, hay chiên giòn chấm nước mắm me cũng có thể “chấp nhận được”. Đến khi lũ rút, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông-Xuân thì cá linh mới thật sự hết “mùa”…

Cùng với cá linh non, những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi cũng bắt đầu xuất hiện trong đó, có thể kể đến điên điển – một loài cây bình dị nhưng lại có bông nở vàng rực theo các mé sông. Do có hương vị đặc biệt, lại rất giòn, ngọt nên bông điên điển thường được người dân dùng để chế biến thành nhiều món ăn. Trong đó, bông điên điển ăn kèm với lẩu cá linh nấu chua là đặc sản chỉ có ở mùa nước nổi.

Cá linh non kho nước dừa có lẽ là món ăn rất được nhiều người ưa chuộng. Ðối với món ăn này, cá linh non trước tiên phải làm sạch. Cá không cần đánh vảy nhưng phải bỏ đi phần ruột, sau đó tẩm gia vị cho vừa ăn. Ðối với món cá linh non kho nước dừa, gia vị tẩm ướp phải từ nước mắm cũng làm từ cá linh, và phải kho trong nồi đất mới đúng vị.

Món cá linh kho nước dừa sẽ ngon hơn khi dùng với cơm nóng, ăn kèm một ít lá sầu đâu non và thêm trái me dầm. Vị đăng đắng, chua chua cộng với vị ngọt bùi béo ngậy của cá linh đầu mùa sẽ là hương vị khó quên cho những ai thưởng thức.

Ðối với món ăn này, công đoạn sơ chế cá linh cũng không khác gì nhiều so với các món ăn khác.Tuy nhiên, cá linh cần phải ướp thêm ít tỏi băm nhuyễn, ít tiêu xay cho thêm đậm hương vị. Nước nấu lẩu cũng không kém phần quan trọng làm nên món ăn. Thông thường, người dân hay chọn nấu bằng giấm hoặc me để tạo vị chua cho nước lẩu. Tuy nhiên, nếu cầu kỳ hơn, có thể chọn trái bứa hoặc bần chín để tạo hương vị. Món ăn không chỉ ngon, mà còn lạ miệng và hấp dẫn.

Cá linh non là món ăn dân dã rất đặc trưng đầu mùa nước nổi. Trong những ngày đầu lũ, mỗi khi có dịp về ĐBSCL, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh, một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mê Công ban tặng.

Theo Cà Mau Online

Lạ miệng với trái giấm nấu canh chua cá

[vanhoamientay.com] Vị chua thanh đặc trưng của trái giấm tạo nên một hương vị rất riêng và lạ miệng cho món canh chua cá lóc đã quá đỗi quen thuộc.

Cây giấm, còn gọi bụp giấm hay cẩm thanh là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển.

Với không ít người, cây giấm còn là loại “hoa kiểng” trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.

Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch

Nguyên liệu nấu món ăn gồm có rau muống, thơm, đậu bắp và trái giấm. Cá lóc để nấu canh muốn ngon phải là loại cá lóc đồng, tuy nhiên, ngày nay thì rất hiếm, đa phần là cá lóc nuôi nên thịt không được ngọt và chắc. Lựa những con cá lóc còn sống, to khoảng bằng cổ tay là được. Làm sạch cá, cắt làm đôi, rửa sạch, để ráo. Đặt nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào nấu mềm.

Nêm gia vị cho nước dùng có vị chua thanh đậm đà là được. Tiếp đến cho cá lóc vào nấu chín. Khi nước sôi lại, cho tiếp các loại rau vào, nêm lại gia vị và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên bề mặt một ít hành lá, ngò om thái nhỏ cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi thơm. Ăn canh chua cá lóc nấu trái giấm không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất.

Trong những ngày trời nắng nóng, vị chua thanh của món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho gia đình. Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua cá nấu trái giấm thơm lừng.

Theo vnexpress

Thịt kho tàu đậm đà hương vị ngày tết

[vanhoamientay.com] Thịt kho tàu đã trở thành một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết của người miền Tây nói riêng và Nam bộ nói chung. Dường như đã thành thông lệ cứ đến gần tết người dân Nam bộ lại rủ nhau làm món thịt kho tàu để ăn tết như một phần tất yếu.

Ngày nay món ăn bắt cơm này còn hiện diện ngay trong bữa ăn hàng ngày của người dân việt. Để hiểu thêm về món ăn này, chúng ta hãy cùng sơ lược qua cách kho thịt của các vùng miền để thấy được nét đặc trưng của món thịt kho tàu miền Nam nhé. Miền Bắc lạnh giá thì gọi là thịt đông, nấu không có nước dừa và trứng luộc. Nhưng miền Nam nắng ấm lại nấu bằng nước dừa với vị béo ngậy. Và miếng thịt heo được cắt vuông vắn, lớn gấp 3 lần miếng thịt kho bình thường.

Nghe qua cái tên của món ăn là thịt kho tàu rất nhiều người sẽ nghĩ đây là món ăn được bắt nguồn từ Trung Hoa, tuy nhiên theo nhiều người Nam bộ xưa kể lại thì chữ “tàu”, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt”, như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Cũng có một số giả thuyết khác đặt ra về nguồn gốc của món ăn này tuy nhiên đến nay cũng chưa rõ đâu là giả thuyết đúng nhất.

Miếng thịt mềm rục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã được làm thanh đi bằng đường, thi thoảng có thêm vị hắc của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng. Tất cả đã làm nên hương vị tuyệt vời của món thịt kho tàu.
Có thể nói thịt kho tàu hiện nay đã trở thành món ăn thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của nhiều người Việt Nam trên cả nước bởi sức hấp dẫn mà món ăn này mang lại. Cách chế biến không quá khó, các bạn hoàn toàn có thể thử qua để mang đến bữa ăn ấm áp cho gia đình mình sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thịt kho tàu món ngon khó chối từ và dường như nó đã trở thành một phần văn hóa ẩm thực của người Nam bộ khi đi so sánh với các vùng miền khác trong cả nước.

Hy vọng đây sẽ là lựa chọn hàng đầu của các bạn mỗi khi tự tay nấu món ăn cho gia đình trong mỗi bữa tối. Thịt kho tàu món ngon đúng vị không thể chối từ.

Theo Vnexpress

Thân phận làm chồng

[vanhoamientay.com] Tan học, Tí chạy ngay về nhà và khoe với bố:

– Bố ơi! Trường con sắp tổ chức diễn kịch. Con có một vai trong đó! Con sẽ diễn vai làm chồng.

Ông bố lắc đầu thở dài:

– Tệ thật, thế họ không cho con một vai nào khác có thể nói được vài câu à!

st

Con đường khởi nghiệp của vua bánh Pía

[vanhoamientay.com] Ông chủ của Tân Huê Viên – công ty chế biến bánh pía lớn nhất Sóc Trăng, xuất thân từ phận làm thuê, khởi nghiệp làm bánh lạ đời chỉ với…con dao và một tấm nhôm, nhưng sau hơn 10 năm đã trở thành “vua bánh pía” của vùng đất miền Tây Nam Bộ.

Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.

Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu Giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.

Anh Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe.

Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.

Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: “Mình phải làm gì để có thể đổi đời?”. Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học.

Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.

Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: “Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết…”. Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để… mở lò sản xuất bánh.

Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn “đánh liều” hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu… để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.

Theo Doanhnhansaigon

Nón lá, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Nón lá là biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ, đất nước con người Việt Nam.

Nón lá biểu tượng sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam

Trên khắp mảnh đất mang hình chữ S, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá ở bất cứ nơi đâu. Tuỳ vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Nón lá tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Tôi lớn lên tại một miền quê nghèo Nam Bộ, hình ảnh chiếc nón lá – khăn rằn – áo bà ba đã in sâu vào tâm khảm tuổi thơ và trở thành hành trang bước vào đời.
Phải nói rằng khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở thành một liên kết tạo nên biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ… Chính vì thế từ trong thực tế cho đến những làn điệu dân ca, lời thơ, câu văn đều có bóng dáng nón gắn liền với người con gái Việt dịu dàng, gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

Nón lá gắn liền với người mẹ tảo tần mưa nắng.

“Quê hương là cầu tre nhỏ,
Mẹ về nón lá nghiêng che”

Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần, khoảng thế kỉ thứ 13. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng.
Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ đều có thể đội. Nón ra đồng với nông dân, nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự, nón trên đầu những người lao động. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người Việt.
Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam?

Trong đời sống hằng ngày, nón là một đồ dùng rất “thực dụng”.
Nón lá ở nước ta dù có nhiều loại, song nét đặc thù chung là rộng vành để che mưa, che nắng và có mái dốc để thoát nước mưa nhanh. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm…
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận…

Nét đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài và nón lá

Ngoài điều đó, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo.
Giữa kênh rạch, sông nước chằng chịt miệt vườn Nam Bộ, dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, những sợi tóc mai của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ… khiến ai đó đã phải ngẩn ngơ.

Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ.Trong chiếc nón bài thơ có biểu hiện những nét đẹp của cả một vùng văn hoá, người phụ nữ Huế khi ra đường, trang phục nhất thiết phải là chiếc áo dài và chiếc nón lá để đội đầu. Dù trời sáng sớm hay im mát, chiếc nón như là vật bất ly thân.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động cho mùa màng bội thu, khi trời tắt gió, nón dùng để quạt cho mát, khi lật ngửa, dùng đựng mớ rau mới hái ngoài đồng, ít trái cây, múc nước…
Ngày nay, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng của người Việt trong mắt của bạn bè quốc tế. Nón lá luôn được dành vị trí trong hành lí của các du khách khi đến Việt Nam.

Nón lá vẫn mãi là người bạn của người Việt.

Chiếc nón lá đâu chỉ là vật tiện dụng mà còn là nét đẹp thầm kín của văn hóa Việt, sẽ còn tồn tại mãi dù cuộc sống có đổi thay, hiện đại đến đâu, chiếc nón lá vẫn sẽ mãi là người bạn của người Việt.
Tôi chắc thế.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!