Có thể bạn quan tâm

Bánh cuốn ngọt miền Tây, lạ mà quen

[vanhoamientay.com] Nếu là dân miền Tây thứ thiệt thì sẽ không thể không biết đến một loại bánh cuốn ngọt hay còn gọi là bánh ướt ngọt, nếu trước đây đi khắp miền Tây ta sẽ dễ dàng bắt gặp loại bánh này được bày bán. Nhưng hiện nay, loại bánh này đã khó tìm.

Bánh ướt ngọt mới nghe đã thấy ngọt, ngọt từ trong bánh ra ngoài, ngọt lòng những đứa con Nam bộ xa xứ

Vỏ bánh được làm bằng bột, bột năng, bột gạo, bột sắn dây, vì vậy vỏ bánh rất dai hơi hơi giống bánh da lợn, nhung không cứng, ko quá cũng không quá mềm, vị ngọt có thể gia giảm tùy ý.

Đặc biệt để qua ngày hôm sau trong tủ lạnh mà bánh vẫn còn độ dẽo trong, chỉ cần hâm cho ấm là ăn y như mới làm

Mỗi lá bánh mỏng mịn, xanh mướt màu lá dứa hay vàng ngà màu đường điểm xuyết thêm màu xanh vàng của đậu xanh cùng màu trắng của các sợi dừa đã tạo nên một nét hấp dẫn và độc đáo riêng. Nhân bánh gồm đậu xanh nấu chín, khoai môn nấu chín, dừa bào thành sợi nhỏ.

Khi tráng bột bánh phải thật khéo sao cho lá bánh càng mỏng càng ngon bởi vì điểm đặc biệt nhất của bánh cuốn là mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ phía sau nên từng được ví là thứ bánh “gió thổi bay”

Vỏ bánh dai, mềm, có vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh và khoai môn, kết hợp với chén muối mè thơm lừng không còn gì ngon hơn nữa. Bánh cuốn ngọt có thể được xem là một món ăn thanh đạm nhưng không kém phần hấp dẫn, vị ngon tinh tế so với các loại bánh ngọt khác.

Băng Tâm tổng hợp

Một tên đẹp trai lọt vào mắt vợ tôi

[vanhoamientay.com]

– Tuần trước, một viên cát lọt vào mắt vợ tôi, phải đi bác sĩ gắp ra mất 50 nghìn đồng.

– Nhằm nhò gì.

Người kia đáp.

– Tuần trước nữa, cái váy lọt vào mắt vợ tôi, tôi phải tốn 500 nghìn đồng đấy.

Lúc này sếp đi ngang nghe hai nhân viên nói chuyện liền lên tiếng:

– Dỏng tai lên và đừng có mà than thở, một tên cao 1,85 m, nặng 80 kg lọt vào mắt của vợ tôi, thế là đi tong một nửa gia sản.

st

Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp

Tết Đoan ngọ – mùng 5 tháng 5

Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm” (ca dao).

Dù không rộn ràng, náo nhiệt như ngày Tết cổ truyền nhưng Tết Đoan ngọ vẫn được lưu truyền và có một vị trí nhất định trong lòng người dân đất Việt. 

Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm

Năm nay Tết Đoan ngọ rơi vào ngày 20/6 dương lịch. Có thể nói, đây là một trong những ngày Tết quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Không ai biết chính xác Tết Đoan ngọ có từ khi nào, chỉ nhớ thời xưa, khi nông dân ăn mừng vì trúng mùa thì rất nhiều sâu bọ kéo đến phá hoại. Giữa lúc bà con không biết làm gì thì có một ông lão xuất hiện. Theo lời ông, mỗi nhà hãy lập bàn cúng bánh ú tro, trái cây và vận động thể lực. Không ngờ sâu bọ hết thật! Trước khi đi, ông lão còn dặn, mỗi năm cứ đến ngày này phải làm như vậy- đó là ngày mùng 5 tháng 5 âl.

Cũng có nhiều gia đình giữ phong tục của gia đình, cứ đến mùng 5-5, bà sẽ bắt những con côn trùng (kiến, sâu, gián…) quanh nhà đem lên chảo nóng chiên. Kèm theo đó là những lời khấn tốt đẹp sẽ đến với gia đình, xóm làng. Bởi vậy, Tết Đoan ngọ còn được gọi với cái tên là ngày diệt sâu bọ.

Năm nào cũng vậy, cách mùng 5-5 một tuần, các khu chợ lại nhộn nhịp hẳn lên, nhất là khu vực bán hoa, trái cây. Sẽ thật là thiếu sót khi nhắc đến Tết Đoan ngọ, mà không nói về bánh ú lá tre – loại bánh luôn hiện diện trên các mâm cúng ông bà.

Không chỉ là dịp để mọi người nhớ đến tích xưa, mà còn dịp để nhiều gia đình tăng thêm thu nhập từ nghề gói bán ú nước tro.

Nghề gói bánh ú từ bà mình

Kế thừa nghề gói bánh ú từ bà mình, chị Bé Hai (TP. Long Xuyên) đã gắn bó với nó từ thời con gái. Ngày thường, chị vẫn gói bánh ú tro (bánh ú lá tre) để bán. Tuy nhiên, số lượng bán tăng hơn nhiều khi Tết nửa năm đến. Hơn một tuần nay, mọi người đến đặt hàng rất đông. Có người đặt mua đến 700 cái bánh. Tất nhiên, giá bán vẫn không thay đổi dù là ngày Tết. Ngoài việc để cúng, loại bánh này có vị thanh mát. Nguyên liệu bánh chỉ là đậu xanh và nếp ngâm nước tro nên hợp khẩu vị nhiều người.

Ở thành thị đôi khi vì công việc nên Tết Đoan ngọ trông không rơm rả như ở vùng quê. Về những vùng nông thôn, người dân ăn mừng Tết Đoan ngọ rôm rả hơn nhiều. Tôi nhớ khi còn bé, cứ đến mùng 5 tháng 5 thì anh em chúng tôi được ba mẹ mua cho quần áo đẹp đi viếng ông bà. Mẹ đi chợ mua thật nhiều đồ về cúng như Tết Nguyên đán vậy.

Thường, mâm cơm cúng mùng 5 được mọi người dọn lên vào giờ trưa. Sau khi người có vai vế lớn nhất cúng lạy mới tới con cháu. Sau nghi thức cúng, mọi người sẽ cùng ngồi lại thưởng thức bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương.

Qua thăng trầm cuộc sống, Tết Đoan ngọ ngày nay có đôi chút khác xưa. Song, niềm mong ước, những ý nghĩa tốt đẹp mà nó mang lại vẫn là những giá trị không gì thay thế được.

Đổi vị cuối tuần với bún cá Châu Đốc

[vanhoamientay.com] Thịt cá mềm ngọt, nước lèo có màu vàng đặc trưng của nghệ cùng hương vị đậm đà đem là những nét đặc trưng riêng của bún cá Châu Đốc.

Món bún cá đã trở thành món ăn quen thuộc của dân miền Tây, có thể nhắc đến bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang… nhưng nổi tiếng hơn cả là bún cá Châu Đốc, An Giang, vì món bún cá nơi đây gần như giữ nguyên hương vị nguyên sơ của món bún cá.

Món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia, trải qua nhiều nhiều biến tấu trong món ăn đã trở thành ón ăn đặc trưng của người Việt. Món ăn đơn giả chỉ gồm có cá lóc, nước lèo và bún tươi, vài miếng thịt heo quay, điểm nhấn trong món ăn được tạo nên từ những miếng cá lóc tươi ngon được rút xương tỉ mỉ và xào sơ với nghệ và mùi vị nước lèo không lẫn vào đâu được.

Nước lèo là phần tốn nhiều thời gian nhất, người nấu phải dùng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước dùng trong. Nước lèo có mùi vị đậm đà, lớp mỡ trong nước lèo chỉ mỏng nhẹ, không gây ngán. Sẽ ngon hơn nếu bạn thưởng thức cùng với một ít ớt bột,  đi ăn bún cá Châu Đốc mà thiếu ớt bột thì xem như món ăn mất đi một nửa vị ngon. Thật vậy chỉ khi được ăn đúng điệu thì bún cá mới cho hương vị đặc trưng và tạo được dư âm đối với thực khách khi thưởng thức.

Sở dĩ người nấu chỉ sử dụng cá lóc cho món ăn này là vì thịt chắc, ít xương, ăn không bở ngán, đầu cá lóc cũng nhiều thịt hơn một số loại cá nước sông khác, lại mang nét đặc trưng của vùng đất này. Đầu cá sẽ được giữ nguyên dành cho những vị khách thích thưởng thức cùng với đĩa nước mắm ngon có chút ớt xanh sẽ vô cùng thú vị.

Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc chính là thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn nhẹ. Đó thật sự là một sự kết hợp đầy ngẫu hứng nhưng tạo nên một hương vị tuyệt vời khó có thể quên.

Món bún thì rau xanh là không thể thiếu: các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bắp chuối bào và đặc biệt là bông điên điển. Sự hấp dẫn và thơm ngon từ món bún này chắc chắn sẽ khiến các bạn nhớ mãi không thôi.

Băng Tâm tổng hợp

Nhớ món mít non kho xá xị

[vanhoamientay.com] Mít là loại cây ăn quả được trồng phổ biến khắp nước ta. Mít già hay non đều có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các món ngon chế biến từ mít cũng rất dễ thực hiện, trong đó có món mít non kho xá xị nước dừa ăn với cơm nóng rất ngon, một món ăn dân dã đậm đà nhưng lại rất lạ miệng còn được gọi là mít kho tàu.

Ở miền quê, hầu như nhà nào cũng trồng rất nhiều mít chung quanh bờ vườn. Hàng năm, người dân quê nơi đây bắt đầu chế biến các món ăn từ khi quả mít còn non cho đến khi già chín mới thôi. Không hiểu sao họ vẫn cứ thích ăn các món canh được chế biến từ mít như món mít non nấu canh lá lốt, mít xào tôm tép, mít trộn gỏi, mít kho với cá, nhút mít… và “hảo” nhất có lẽ là món mít kho tàu.

Món ăn dân dã này được người dân nơi đây nghĩ ra, chế biến làm ăn thử thấy ngon và truyền miệng nhau phổ biến ra các miền lân cận. Mít kho xá xị quả là một trải nghiệm thật sự thú vị và vô cùng mới lạ cho bữa cơm người Việt.

Món món mít non kho xá xị  vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ, vừa thích hợp ăn mặn và cả ăn chay, nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến đơn giản, đảm bảo sẽ là một món ăn ưa chuộng cho cả gia đình được nhiều người biết đến bởi nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và… quyến rũ nên càng kích thích vị giác.

Làm món mít kho phải có những quả mít xanh còn non, hạt còn mềm, sớ mịn, mít tươi trên cây hái xuống là phải làm liền mới ngon. Mít non rất nhiều mủ, quả mít được gọt vỏ dưới vòi nước chảy, để tránh nhựa dính vào tay và quần áo.

Quả mít non sau khi được gọt vỏ, cắt dọc thành nhiều miếng ngâm nước pha chút muối khoảng 10 phút, rửa lại nước lạnh, sau đó cắt miếng theo sớ dày khoảng 3- 4cm.

Cho dầu vào chảo phi tỏi cho thơm, rồi cho mít vào chiên vàng hai mặt, múc ra rổ tre cho ráo dầu. Xếp mít đã chiên vào nồi. Đổ nước dừa tươi vào ngập xăm xắp cùng với gia vị xá xị, nước tương, muối, bột ngọt… cho vừa khẩu vị, kho với ngọn lửa liu riu, cho đến khi nước dừa rút cạn, mít mềm có màu nâu sẫm là được. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Bên cạnh vị ngọt rất đặc biệt từ mùi hương xá xị thơm nồng “làm mới” món ăn, tạo nên hương vị đặc trưng của nó, trở thành một lựa chọn cho sự “ưa thích” của khẩu vị và “ngũ quan” của mỗi cá nhân để tự khẳng định mình, cùng kết hợp tạo thành một món ăn hấp dẫn, hương vị thơm nức phù hợp thay đổi khẩu vị cho cả gia đình.

Nguồn nguyên liệu lại vừa được hái ở vườn nhà giữa không gian đồng quê pha lẫn mùi thơm của hương mạ non, hương lúa, rơm rạ, mùi thơm dịu nhẹ của hoa nhài, hoa cúc, hoa bưởi… tất cả hòa quyện với nhau thành một hương vị dân dã rất đặc biệt, khó có gì sánh bằng.

Món ăn ngọt thơm thấm thía tinh hoa ẩm thực cứ vấn vương nơi đầu lưỡi đã đem đến cho gia đình sự hấp dẫn độc đáo khi được trải nghiệm những món ngon tuyệt hảo làm cho không khí gia đình càng thêm đầm ấm. Vị ngọt ngọt và bùi bùi của mít hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của xá xị và nước dừa, khiến ăn rất “tốn cơm”.

Có thể nói món mít kho xá xị nước dừa đã trở thành “thương hiệu” riêng, có sức hấp dẫn đến lạ lùng khiến thực khách ghé thăm tò mò muốn khám phá món ăn này. Khi được thưởng thức, thấy ngon thiệt lại đậm đà khẩu vị mới thỏa sự tò mò, khiến thực khách dù chỉ ăn một lần thôi cũng đủ nhớ đời…

Báo Vĩnh Long

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga

[vanhoamientay.com] Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Bà Phạm Thị Việt Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, một trong hai nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Sinh ra trong gia đình ba thế hệ theo cách mạng, 14 tuổi, bà Nga tham gia kháng chiến, phát thuốc, nuôi quân. Có lẽ vì vậy mà bất cứ ai gặp bà ngay từ lần đầu không cảm thấy xa lạ mà vô cùng gần gũi, nồng hậu, chất phác.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Gắn bó với DHG từ những năm 1980 – khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP. Cần Thơ.
Công ty CP Dược Hậu Giang phát triển qua các thời kỳ: từ Công ty Vật Tư Y tế Cần Thơ đến Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang.

Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang.

Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT.

DHG hiện có trên 300 sản phẩm lưu hành trên toàn quốc với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến. Doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm, với gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Năm 1988, bà nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang với tiền thân là một đơn vị chuyên cung ứng thuốc cho bộ đội trong kháng chiến và bà con ở nông thôn. Trải qua 10 năm thăng trầm, Dược Hậu Giang dưới bàn tay chèo lái của nữ tướng Phạm Thị Việt Nga đã tăng trưởng vượt bậc, từ 25 sản phẩm sản xuất năm 1989 lên tới 173 sản phẩm vào năm 1999. Năm 2011, Dược Hậu Giang đạt doanh thu gần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 416 tỷ đồng, tăng 4,5 lần về doanh thu và 7,5 lần lợi nhuận sau 7 năm cổ phần hóa.

Xuất phát điểm gần 80% người dân thành thị không biết về thương hiệu thuốc nội địa, Dược Hậu Giang ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, phủ kín hệ thống bệnh viện đa khoa cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong kháng chiến và chịu tiếng thiệt thòi là ít học, bằng nỗ lực bản thân bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2003 với đề tài nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam. Bà Nga đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhờ những thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

Theo Báo Thanh Niên
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!