Có thể bạn quan tâm

Làng nghề nắn nồi đất huyện Hòn Đất – Kiên Giang

Trong khi có nhiều làng nghề đang dần bị mai một bởi sự thay thế của những tiến bộ của công nghệ, thì làng nghề nắn nồi đất ở huyện Hòn Đất – Kiên Giang lại là một ngoại lệ khá thú vị

Làng nghề nắn nồi đất tại huyện Hòn Đất – Kiên Giang đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng.

Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống này đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, chuyên tạo ra những sản phẩm  bằng đất nung như: cà ràng, nồi, om, ơ…

Xuất hiện vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, vị sư tổ của làng nghề là người Khmer, về sau người Việt đã học và phát triển thành nghề truyền thống của người Việt. Nghề nắn nồi là một thuật ngữ chứa một khái niệm chung chỉ công việc tạo ra các sản phẩm làm từ đất nung.

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ, phát triển nhất vào mùa nông nhàn, được người dân làm sau khi sạ lúa xong. Trước năm 1980, vùng này chỉ làm ruộng một vụ nên sau khi sạ lúa có khoảng thời gian dài rảnh rỗi người dân lại làm nghề…

Từ xưa, nghề nắn nồi đối với người dân ở đây chỉ là một nghề phụ.

Hòn Đất là huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, với thành phần dân cư chủ yếu gồm ba tộc người chính là Việt, Khmer và Hoa. Từ thị xã Rạch Giá, du khách đi khoảng 30km theo Quốc lộ 80 về hướng Tây Bắc sẽ đến trung tâm huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Trãi rộng trên một không gian bao la, du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, đan xen vào không gian ấy là cảnh mây trời và núi rừng, có cả cảnh biển bao la đang ẩn hiện trước mắt.

Cũng như bao nơi khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ  bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.

Sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo

Sau một tuần lễ, các sản phẩm được phơi khô và có thể đưa vào nung, gọi theo tiếng nhà nghề là “đốt nồi”.  Công đoạn đốt nồi khá đơn giản nhưng phải là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, trước kia cũng có nhiều thợ đốt nồi chuyên nghiệp đi đốt thuê nhưng đến nay ai cũng có thể đốt được. Trước khi “nung” người thợ phải sắp mọi sản phẩm lên mặt đất, chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có một lớp củi tràm. Người ta thường tiến hành đốt vào lúc ban đêm để dễ theo dõi lửa cháy cho đều. Thông thường, các loại sản phẩm “nặng lửa” được đặt ở trung tâm, loại “nhẹ lửa” sắp ở chung quanh để sản phẩm không bị sống hoặc chín quá.

Có vậy mới biết, sức sống của một làng nghề truyền thống không những phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống, mà còn là câu chuyện của thời gian, của quá khứ và những kỷ niệm đẹp, mang bóng dáng của miệt đồng quê, không dễ lãng quên.

Trước sự phát triển của kim loại, nhiều vật dụng đã thay thế các sản phẩm bằng đất nung nhưng  nghề nắn nồi ở Hòn Đất vẫn tồn tại và được nhiều người biết đến. Những hình ảnh cái nồi đất không phai mờ trong sinh hoạt của con người, càng ngày càng được tái hiện sinh động và chân thực dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nắn nồi. Giờ đây nhắc đến nồi đất là người ta nhớ đến một làng nghề nắn nồi ở Hòn Đất, một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Kiên Giang.

Thú nhận tình vụng trộm trước khi cưới

[vanhoamientay.com] Chàng trai nói với vị hôn thê:

– Em ạ! Chỉ còn hai ngày nữa là chúng mình sẽ làm lễ thành hôn, nên anh thấy cần phải thú thực với em về một vài mối tình vụng trộm lăng nhăng của anh.

Vị hôn thê của chàng vội cười:

– Ồ! Sao anh khéo vẽ vời đến thế. Anh quên rằng anh đã kể tất cả và xin lỗi em ngày hôm kia rồi hay sao.

Chàng bèn nhăn mặt:

– Phải, anh nhớ đã kể hết cho em, thế nhưng còn chuyện đêm hôm qua nữa chứ!

st

Cẩm nang du lịch Sóc Trăng

Với những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trái trĩu quả và nền ẩm thực phong phú, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi về với miền sông nước Sóc Trăng.

Cẩm nang du lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng được coi là một trong những thành phố đẹp và thơ mộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, với sự giao thoa của ba nền văn hóa Kinh, Hoa, Khmer. Những thông tin dưới đây hi vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch Sóc Trăng ấn tượng.

Thời tiết

Ở Sóc Trăng có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Du khách có thể đến Sóc Trăng vào bất kỳ mùa trong năm nhưng vào dịp tháng 11, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào lễ hội đua ghe ngo rất hấp dẫn và sôi động.

[adsres]

Phương tiện

Cách TP HCM khoảng 240 km, du khách có thể chọn đi bằng ôtô tự lái, xe khách hay một chuyến phượt bằng xe máy cũng khá dễ dàng vì đường xá thuận lợi. Thời gian đi mất khoảng 6 tiếng.

Các điểm tham quan

Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe

Vào tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân ở đây sẽ thả đèn nước, một hoạt động quan trọng trong lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo. Đèn nước thường là một chiếc bè làm từ cây chuối hoặc tre được lắp ghép thành chiếc thuyền với nhiều hoa văn trang trí lộng lẫy bên trong thắp nhiều đèn cầy. Lễ vật cúng thường là gạo, muối và các loại sản vật và trái cây, người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội này luôn hấp dẫn khách du lịch.

Lễ hội Ooc Om bok và đua ghe ngo

Các di tích lịch sử: chùa Dơi, chùa Đất Sét…

Ở Sóc Trăng có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ xưa mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Tầm Vu có niên đại gần 350 năm, với công trình kiến trúc nghệ thật độc đáo đặc trưng của người Khmer nam bộ. Ngoài ra còn có chùa Dơi, chùa Đất Sét…

Khu căn cứ tỉnh ủy

Được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Toàn khu di tích được đặt trong rừng tràm với tổng diện tích 20.000 ha, được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, xung quanh là cây lá xanh mướt.

Bảo tàng Khmer

Trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Khmer qua nhiều thế hệ như: trang phục, kiến trúc nhà ở, chùa chiền, nhạc cụ.

Bảo tàng Khmer

Chợ nổi ngã năm

Là giao điểm của năm con sông đi năm ngả, rất nhộn nhịp. Du khách sẽ được tìm hiểu lối sinh hoạt của người dân với cảnh mua bán sầm uất trên xuồng ghe. Đây là dịp để bạn thưởng thức những trái cây đặc sản của miền sông nước.

Vườn cò Tân Long

Nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò và một số loài chim trong một khu vườn rộng lớn. Thú vị nhất là sáng sớm hay chiều về được ngắm những cánh cò bay lượn, tận hưởng không gian yên bình.

Khu du lịch sinh thái Cồn Mỹ Phước

Du khách sẽ được thưởng thức những loại trái cây như nhãn, chôm chôm, măng cụt… ở những vườn cây trái xum xuê trên đất cù lao sông Hậu, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân miệt vườn.

Món ngon

Bún nước lèo Sóc Trăng

Bún nước lèo Sóc Trăng nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Nước dùng được nấu từ dừa, sả, và một số loại mắm của người Khmer. Điểm trên bát bún là thịt lợn thái mỏng, tép, cùng ít gia vị như ớt, các loại rau.

Bún nước lèo Sóc Trăng

Bún gỏi dà

Giá và bún được trụng trong nước súp đậm đà rồi cho vào tô, thêm thịt ba chỉ thái sợi, tép, chút tương mặn và ớt bằm, ăn kèm xà lách và rau thơm. Điều khiến du khách không thể quên ở món ăn này là cách làm nước dùng gồm me chua, tương mặn khiến nước dùng rất đậm đà.

Bún vịt nấu tiêu

Thịt vịt ướp với tiêu cùng các gia vị khác rồi nấu sơ qua, đổ vào nước dùng được ninh bằng xương và nước dừa tươi, ăn kèm giá đỗ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế… rất hấp dẫn.

Mì sụa

Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành nên cọng mì có màu vàng óng. Người ta có thể chế biến mì sụa xào cùng các loại rau, nấm và hải sản hay thịt lợn, gà chấm với nước tương hoặc nước mắm giấm ớt. Còn mì sụa ngọt thường được nấu chè với trứng gà luộc có vị ngọt rất lạ miệng.

Bò nướng ngói

Rrước đây người ta dùng miếng ngói cong bằng đất nung để nướng thịt bò, về sau miếng ngói được thay bằng miếng thiếc tráng inox dày.

Bò nướng ngói

Cháo lòng Bưng Cóc

Được nấu bằng gạo ngon với cật, tim, gan, cuống họng, cuống phổi… Tuy nhiên, nét độc đáo của cháo lòng Bưng Cóc chính là món dồi heo được chế biến để ăn kèm.

Cháo cá lóc rau đắng

Gạo, cá lóc và rau đắng được chế biến thành món ăn đặc trưng vùng miền. Vị cá đồng thơm ngọt kết hợp với rau đắng và vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh rất quyến rũ.

Quà tặng

Bánh Pía

Có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của trứng vịt muối, vị ngon bùi của đậu xanh, khoai môn, và vỏ bánh nướng vàng giòn tan.

Bánh Pía

Bánh cống

Có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp.

Thần tiên bó tay trước phụ nữ

[vanhoamientay.com] Phụ nữ đã làm gì mà đến thần tiên cũng phải bó tay

Một tỷ phú đang đi dạo dọc bờ biển thì nhặt được một cái chai.

Khi ông ta mở nút thì một vị thần xuất hiện và nói:

– Vì sự giải thoát này, ta cho anh một điều ước.

Tỷ phú đã có mọi thứ trên đời, ông nói:

– Tôi hay đến Hawaii nghỉ mát, nhưng lại sợ đi máy bay và tàu thủy, hãy tạo cho tôi một cây cầu từ đây đến đó.

Vị thần đắn đo vài phút rồi nói:

– Điều đó thật khó thực hiện. Phải đóng hàng triệu trụ lớn xuống biển sâu, đổ hàng tỷ tấn bê tông giữa đại dương… Rồi còn thuỷ triều, bão táp, động đất… Yêu cầu này thật quá sức của ta.

Ông tỷ phú đành thay đổi điều ước:

– Thế thì hãy nói cho tôi những bí ẩn của phụ nữ. Điều gì khiến họ khóc và cười, tại sao tính khí họ thất thường, làm thế nào để họ hài lòng?

Vị thần trở nên lúng túng hơn, chân tay thừa thãi, cuối cùng chặc lưỡi:

– Thôi được, anh muốn cây cầu cho hai hay bốn làn xe?

st
Bánh Tét Lá Cẩm

Bánh Tét Lá Cẩm

Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh Tét Lá Cẩm

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ 

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung


Cá lóc nướng trui – món ngon ruộng đồng

Từ một món ăn dân dã, cá lóc nướng trui đã trở thành món đặc sản mà người dân Nam Bộ đãi khách phương xa hay dùng trong cả những dịp lễ tết. Cá lóc ngon nhất là vào đầu mùa mưa, bụng đầy trứng; hoặc ra giêng cá trưởng thành, béo.

Cá lóc ngon nhất là vào đầu mùa mưa, bụng đầy trứng.

Cá lóc là loài cá thịt ngon và hiền, ít xương và nhiều đạm trong các loài cá đồng. Cá lóc có 2 loại, loại cá lóc nuôi thường con to, có trọng lượng từ 1-2 kg; tuy nhiên loại cá lóc đồng được ưa chuộng nhất bởi cá được bắt tự nhiên từ trong ruộng, đồng, thịt ngọt, con nhỏ khoảng vài trăm gram đến nửa kg.

Cá lóc nướng trui ra đời từ những buổi làm đồng của những người nông dân Nam Bộ. Sau khi ngăn lạch, tát đìa, cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng lộng gió.

Từ món ăn đơn giản đó, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành một đặc sản mà du khách khi đến Nam bộ đều muốn được một lần thưởng thức. Với món ăn này muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên. Vì những con cá đó tuy không nhiều thịt nhưng lại săn chắc, có vị ngọt thơm chứ không bở và tanh như cá lóc nuôi. Tuy nhiên, ngày nay cá lóc trong tự nhiên rất khan hiếm nên người ta thường sử dụng cá nuôi để chế biến món ăn này. Ngoài ra, hình thức nướng trui rơm cũng ít phổ biến trong thời gian gần đây, mà chủ yếu nướng trên than hồng là nhiều. Thế nên một phần nào đó đã làm giảm đi hương vị thơm ngon cho món ăn đã đi vào thơ ca, đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người.

Cách chế biến cá lóc nướng trui

Chế biến cá lóc nướng trui không hề khó nhưng nó cũng đòi hỏi sự khéo tay cũng như kinh nghiệm của người làm bếp.

Cá phải còn sống được rửa sạch, xiên một cành tre tươi dọc theo thân cá rồi cắm ngược đầu cá xuống đất, sử dụng tre tươi sẽ không bị cháy trong quá trình nướng, Rơm được chất đống phủ lên mình cá, nhiều nhất là phần đầu cá, vì đây là phần rất khó chín. Người nướng phải canh lượng rơm vừa đủ để khi vừa cháy hết là cá vừa chín tới, nếu thiếu lửa thì cá sẽ bị sống, ngược lại cá sẽ chín khô, mất nước không ngon.

Cá nướng chín được bày ra trên lá chuối, cạo bỏ phần vảy cháy đen bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng ươm thơm nức đầy hấp dẫn.

Cách chế biến cá lóc nướng trui

Rau ăn kèm cá lóc nướng trui

Món ăn này phải thưởng thức với một rổ rau sống tươi ngon. Ngoài các loại rau quen thuộc như xà lách, húng quế, diếp cá tùy theo vùng hoặc theo mùa mà có thêm các loại rau khác như lá cóc, lá sộp, lá sài, quế vị, lá cách, bông điên điển, bông súng… Ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như dưa leo, chuối chát, khế chua, giá, bún tươi, bánh tráng… cùng chén nước mắm chua ngọt hoặc chén mắm nêm đậm đà, thơm ngon. Và tất nhiên không thể thiếu một ít bánh hỏi rưới mỡ hành hay bún tươi.

Một miếng bánh tráng mỏng được trải bên dưới, bên trên là các loại rau, bánh hỏi, thêm một miếng thịt cá trắng tinh là đủ để hấp dẫn bạn. Tùy theo sở thích mà bạn có thể chọn nước chấm chua ngọt hay mắm nêm.

Rau ăn kèm cá lóc nướng trui

Vị đậm đà hơi cay của nước chấm, vị thanh mát, thơm nồng của các loại rau cùng phần thịt cá chín mềm, thơm ngọt… tất cả hòa quyện vào nhau đem lại cảm giác ngất ngây cho người ăn. Là một món ăn nổi tiếng nên cá lóc nướng trui được bán nhiều ở các tỉnh Nam bộ, nếu có một lần đặt chân đến đây, bạn đừng quên tìm và thưởng thức món ăn dân dã đầy hấp dẫn này.

Cá lóc ngon nhất là vào đầu mùa mưa, bụng đầy trứng; hoặc ra giêng cá trưởng thành, béo. Chính vì vậy, dù nướng lửa than, lửa rơm hay cách nào cũng ngon tuyệt.


Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Khi những thửa ruộng còn trơ gốc rạ cũng là lúc chuột đồng đã no lúa, béo tốt và chắc thịt. Mùa này đi về miền Tây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều bà con nông dân bài bán chuột. Chuột đồng nướng muối ớt là món nổi bật trong các đặc sản miền Tây được người dân chế biến nhiều sau mùa gặt.

Về miền Tây ăn chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng miền Tây

Chuột đồng thường sống trong những cánh đồng, ruộng lúa, xuất hiện quanh năm tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi những cánh đồng lúa bắt đầu thu hoạch cũng là lúc bà con nơi đây ra đồng săn chuột vì thời điểm này chuột thường xuất hiện nhiều. Do chỉ chuyên ăn lúa cho nên thịt chuột sạch, béo, chắc và ngọt.

Có nhiều cách bắt chuột. Nếu khi lúa chín nhưng chưa cắt thì người dân sẽ dùng lưới vây, đặt bẫy lồng sau đó dùng dây có treo vỏ lon để tạo ra tiếng động, khiến chuột chạy ra khỏi lúa, rồi kéo cho chuột gom lại bắt. Tuy nhiên, hiện cách săn chuột phổ biến nhất là dùng chó săn để đánh hơi những hang chuột đang sống. Ngoài ra, bà con còn đào hang, bẫy, xiên từ trong ruộng lúa hoặc chỉ cần hun khói vào hang là chuột sẽ đua nhau chạy ra…

Chuột đồng miền Tây

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức, tốn thời gian thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khìa nước dừa, rô ti… món nào cũng béo và ngon miệng.

Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn phổ biến, không thể thiếu trên bàn nhậu và được nhiều người ưa thích.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Chuột làm sạch và rửa lại với muối và gừng một lần nữa để loại bỏ mùi tanh, để ráo, ướp gia vị bao gồm muối, ớt, hạt nêm, ít sả và tỏi băm, để khoảng 30 phút.

Thịt chuột đã thấm gia vị, đem nướng trên lửa than đến khi chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên. Khi nướng, muối sẽ ngấm đều, tạo nên hương vị đậm đà của thịt chuột. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

Cách làm chuột đồng nướng muối ớt

Thịt chuột nướng muối ớt không có mùi lạ mà thơm phức, có vị ngọt, dai chắc như thịt gà và đặc biệt là rất ít mỡ. Khi ăn, xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi, có thể chấm với muối ớt chanh sẽ tăng thêm vị đậm đà cho món ăn. Không cần cầu kỳ, chỉ với muối tiêu thêm chanh ớt là thịt chuột đã đủ dậy lên mùi vị đặc trưng của món nướng. Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế thì chẳng gì bằng nữa.

Chuột đồng là món ăn ngon, song không phải ai cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhiều người tò mò xen lẫn sợ hãi khi nếm hương vị của món ăn này. Tuy nhiên, hãy thử một lần được trải nghiệm qua món chuột đồng nướng muối ớt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn những dư vị tuyệt vời mà món ăn độc đáo này mang lại.

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!