Có thể bạn quan tâm

Món ăn vừa ngon vừa lạ từ nấm mối

Nấm mối là một đặc sản được thiên nhiên ban tặng cho con người. Do mọc trong tự nhiên nên nấm mối sạch, không độc, rất thơm ngon và bổ dưỡng. Nấm mối xào mướp hương vừa dễ chế biến vừa có vị ngọt tự nhiên ngon miệng. Cháo nấm mối nóng hổi cho những buổi chiều chuyển mưa.

Do mọc trong tự nhiên nên nấm mối sạch, không độc, rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Nấm mối xào mướp hương

Nấm mối có hàm lượng dinh dưỡng tự nhiên, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa và ức chế sự sinh trưởng của các virus. Từ giữa tháng 4-7 âm lịch hằng năm, khắp vùng miệt vườn Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh dẫn lên các khu đồn điền cao su, cây ăn trái Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, dọc dài các tỉnh Tây Nguyên đến tận miền cao Việt Bắc, nơi nào có gò mối đùn đất, nơi đó có thể tìm thấy nấm mối đâm chồi, sinh sôi từ meo nấm do nước miếng mối chúa kết hợp với vi sinh thực vật ươm mầm.

Nấm mối xào mướp hương

heo kinh nghiệm của người dân, nấm mối nhanh mọc cũng chóng tàn, vì vậy, để hái được những cây nấm mối còn nguyên, chưa nở xòe ra thì phải đi lúc trời chưa kịp sáng (khoảng 3-4h).

Nấm mối ăn mềm nhưng không bở, có vị thơm, ngọt ngon giống thịt gà nên còn có tên gọi khác là “kê nhục”. Nấm mối thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nấu canh, xào, để khô dùng nấu các món ăn chay…

Nấm mối xào không đã ngon, khi kết hợp với các nguyên liệu khác hương vị thơm ngon lại tăng lên gấp bội. Chỉ cần một ít nấm mối thêm một quả mướp hương là bạn đã có món xào ngon miệng cho bữa cơm gia đình.

Nấm mối sau khi hái về được rửa sạch, cái lớn chẻ đôi, ngâm vào nước muối pha loãng trong vài phút, rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo là đã sử dụng được.

Cháo nấm mối nóng hổi

Thứ nấm không trồng được nên nhiều khi có tiền cũng khó mà mua. Nấm mối được xem là đặc sản quý, hiếm. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối làm được nhiều món ngon

Cháo nấm mối nóng hổi

Với những ngày mưa gió, món cháo nấm mối bốc khói chắc chắn là món ăn ngon miệng mà bạn không thể bỏ qua. Chế biến món cháo này không mất nhiều thời gian, nhưng bạn phải biết cách sơ chế nấm. Theo kinh nghiệm của người dân, để cháo có vị ngọt và thơm ngon như thịt gà, bạn không nên dùng dao thái nấm mà nên dùng tay xé. Nấm sau khi rửa sạch, dùng tay xé thành từng sợi vừa ăn. Phi thơm hành, cho nấm vào xào sơ qua với một ít gia vị cho thấm.

Đợi nồi cháo nở bung, cho nấm đã xào vào nấu sôi lại, nêm gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc cháo ra bát, rắc lên trên ít hành ngò, tiêu và dùng khi còn nóng. Cháo nấm mối hấp dẫn người ăn vì vị ngọt tự nhiên của nó, dù không cần nước hầm xương, bột ngọt, hay đường mà vị ngọt thanh đến lạ lùng. Nó còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt, nhuận trường rất hiệu quả.

Ngoài ra, với hương vị đặng trưng mà các loại nấm khác không có được, lại dễ chế biến, nên người miền Tây có các món ăn đặc sản từ nấm mối.

Bánh xèo miền Tây

[vanhoamientay.com]Bánh xèo miền Tây là món ăn dân gian rất nổi tiếng, hương vị đậm đà dân dã của món ăn khiến thực khách không thể nào quên được.

Xuất phát từ tiếng đổ bột vào chảo phát ra tiếng “xèo” mà loại bánh này được gọi tên là “bánh xèo”. Bánh có vị ngon đặc biệt, bánh mang những đặc trưng của văn hóa ẩm thực dân gian Nam Bộ.

Tùy theo sở thích của từng vùng, mà nhân bánh có thể là giá, đu đủ hoặc bông điên điển, thịt ba rọi, tép, thịt gà, hoặc thịt vịt bằm nhuyễn… Bánh được ăn kèm với nhiều loại rau như diếp cá, rau thơm, nhiều nơi bà con còn ăn với đọt xoài non, lá cách, lá lụa… nhưng nhất thiết không thể thiếu cải bẹ xanh.

Nước chấm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng vị ngon cho bánh xèo, nước mắm chấm bánh xèo phải có củ cải trắng, củ cải đỏ cắt sợi.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng thưởng thức bằng ngũ giác trong ẩm thực bánh xèo được ông cha ta áp dụng thực tế: nghe được tiếng xèo xèo khi chiên bánh, nhìn thấy sắc vàng của vỏ bánh, xanh của rau, đỏ, trắng, cam của nước chấm, nhân bánh… và ngửi được mùi thơm, nếm được vị ngon, béo. Độc đáo nhất là ăn bằng tay để cảm nhận được hết hương vị đặc trưng.

Cái ngon của bánh xèo miền Tây không chỉ từ cái bánh, mà hơn hết còn ở ý nghĩa sâu xa. Bởi, người Miền Tây không đổ bánh xèo mà ăn một mình. Thường thì phải cả gia đình xum họp.

Không có gì ngạc nhiên khi bánh xèo luôn hiện diện trong mâm cúng tết Đoan Ngọ, hay các dịp lễ – hội, đám tiệc khác. Bỡi lẽ có thể nó từ lâu, bánh xèo đã trở thành món “quốc hồn” trong ẩm thực của người Nam Bộ.

Băng Tâm tổng hợp

Dưa cải – món quê mà không quê

[vanhoamientay.com] Bước qua tháng 8 âm lịch bắt đầu có cá linh non, cá sặt non từ đầu nguồn xuống, một bữa cơm chiều với món cá kho lạt thì không thể nào thiếu món ăn kèm là dưa cải, dưa cải chấm cá kho lạt, chỉ nhắc tới thôi là tự dưng thấy thèm.

Hầu như loại rau củ quả nào cũng có thể làm dưa chua được, nhưng với dưa cải thì không món nào qua.

Cải dùng làm dưa là giống cải tùa xại,người ta còn gọi là cải xại (xại cũng có nghĩa là cải),  cải này có vị cay nồng hơn các loại cải khác. Nó chỉ dùng cho việc làm dưa! Cải tùa xại rất dễ trồng, có thể gieo hột trồng trực tiếp hoặc gieo hột trên liếp ương và bầu.

Cải tùa xại trồng trên đất rẫy, mọc thành từng bụi giống như cây cải xanh, nhưng cọng cải tùa xai tròn, to và cứng hơn nhiều. Cây tốt có thể có chiều dài 6-7 tấc, cọng cải tròn lớn bằng ngón tay cái.

Cải này có đặc điểm cứng cọng nhưng nấu vừa chín tới ăn vẫn ngọt và mềm chớ không cứng, không dai, ăn không hết thì để thêm chút muối hâm đi hâm lại nhiều lần cọng cải vẫn ngon như lúc mới nấu, không bị nhũn hay rã ra như các loại cải khác.

Mẹ tôi từng chia sẻ bí quyết làm dưa cải ngon với bà con trong xóm:

Cải nhổ lên phải lúc có nắng cho héo để chuyên chở không bị giập gãy bẹ, trước khi làm dưa phải trụng cải bằng nước sôi cho vừa ngả màu xanh của cải, rồi đem rửa sạch từng bẹ từng cây.

Rửa xong vắt cho khô ráo nước xếp vô khạp, xếp cho đầy khạp, càng dẽ dặt càng tốt, xong đậy lá chuối gài lại cho chắc, không cho nổi lên. Trong khi đó nước lóng phèn cho thật trong nêm chút muối và cho bột nghệ vào (bột nghệ làm cho cây cải vàng và thơm) rồi đổ vô khạp dưa cải.

Qua 4 đêm là cải bắt đầu chua có thể dùng được. Dưa cải rất dễ làm, nhưng cũng rất khó làm sao cho dưa cải vừa ăn, cọng cải vàng và thơm thấy thèm.

Khâu rửa cải phải thật sạch, không còn bợn để cho dưa cải có nước vàng óng ánh. Muốn cho cải chua, giòn không phải dễ, khi nhổ cải không quá già, không quá non, khi trụng cải không quá chín, ít nhất phải có trải qua kinh nghiệm nhiều lần mới làm ngon được.

Do vậy, dưa cải của mẹ tôi làm ngon có tiếng trong xóm, ra chợ ai dùng qua cũng khen đáo để. Món dưa cải đã có lâu đời trong dân dã, người ở nông thôn, thành thị ai cũng ưa thích vì nó có mùi vị chua chua, nồng nồng rất ấn tượng lại kích thích vị giác.

Dưa cải còn được chế biến nhiều món ăn như: bao tử xào dưa cải, giò heo hầm dưa cải, thịt sườn kho dưa cải,… Trong bữa ăn, vị chua chua làm tăng kích thích khẩu vị và giúp thức ăn dễ tiêu hóa. Là món dân dã nhưng nay dưa cải có mặt trong thực đơn của nhà hàng cao cấp góp phần cho ẩm thực Việt đa dạng và phong phú.

Mỗi lần lên mâm cơm, thấy dĩa dưa cải xắt ra trộn với đường, bột ngọt có tỏi ớt phất mùi chua chua là tôi nhớ đến mẹ tha thiết. Nhớ người mẹ quê đã một thời vất vả luôn chế biến những món đơn sơ đạm bạc thành những món ăn hương vị ngon ngọt, đậm đà chứa đầy.

Theo VinhLongOnline

Chợ đêm Tây Đô, đậm chất Nam Bộ

[vanhoamientay.com] Chợ đêm Tây Đô cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Đây là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn.

Chợ đêm Tây Đô Tuy mới hoạt động trong vài năm gần đây nhưng chợ đêm Tây Ðô được xem là một điểm du lịch văn hóa đặc trưng, nổi bật và hấp dẫn ở Cần Thơ, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách phương xa. Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối chung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước.

Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.

Chợ đêm Tây Ðô hiện nay có kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh và mang đậm phong cách Nam Bộ. Chợ được chia theo từng gian hàng rất khoa học, thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Ðường đi lối lại trong chợ được nhựa hóa và thoáng rộng.

Các sản phẩm tại chợ đêm Tây Ðô rất phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cư dân và du khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Ngoài mục đích phục vụ mua bán hàng hóa, chợ đêm Tây Ðô cũng có những dịch vụ giải trí mới, hiện đại như: trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời và các chương trình vui chơi khác.

Ðến chợ đêm Tây Ðô, du khách sẽ có một chuyến du lịch thú vị. Bức tranh tổng hợp này đã phác hoạ chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng hạ nguồn sông Mê Kông nổi tiếng này.

Theo Lukhach24h
Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đi theo dọc Quốc lộ 1A về Miền Tây, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều quán ăn bán các món đặc sản miền Tây, trong đó có Cháo cá lóc rau đắng.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đây là món ăn mang hương vị đặc trưng dân dã, không những ngon mà còn giúp giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc thịt hiền, ngọt, còn rau đắng là vị thuốc giúp phòng và trị nhiều bệnh. Hãy một lần trổ tài và thưởng thức để cảm nhận vị ngon của món ăn này nhé.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

1 con cá lóc lớn

Nấm rơm

1 nắm gạo dẻo

Rau đắng, giá sống

Gia vị, hành tím…

Cách nấu cháo cá lóc

Các lóc làm sạch, đánh hết vẩy và bỏ nội tạng, lưu ý không để vỡ mật sẽ làm cá bị đắng.

Tiến hành luộc cá với khoảng một lít nước, hành tím đập giập, một ít hạt nêm, khi nước sôi sẽ xuất hiện bọt, nên vớt bỏ phần bọt này để nước luộc cá trong hơn, nấu cháo ngon và đẹp mắt hơn.

Điểm đặc biệt của cháo cá lóc miền Tây là dùng nước luộc cá này để nấu cháo, từ đó vị ngọt của cá sẽ lan đều vào vào từng hạt cháo.

Gạo tiến hành rang qua đến khi ngã màu vàng và thơm, sau đó cho vào nồi nước lúc cá khi nảy để nấu thành cháo. Bí quyết để gạo nhanh nở hơn là nên để gạo vào nước đang sôi. Hạt gạo rang sẽ bung nỡ như những cánh hoa lài rất thơm.

Nấm rơm rửa sạch cắt đôi và cho luôn vào nồi cháo để nấu cùng.

Nguyên liệu nấu cháo cá lóc rau đắng

Thịt cá sau khi gỡ xương xong, ướp cùng với ít hạt nêm, tiêu, đợi cá thấm gia vị cho cá vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Đến khi cháo nở đều thì nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn, thêm ít hành lá cắt nhuyễn.

Khi ăn múc cháo ra tô lớn sau đó ăn kèm với rau đắng, giá sống và ít gừng cắt sợi, ít hạt tiêu, nước mắm trong, thêm vài lát ớt. Nếu muốn trình bày cầu kỳ hơn, có thể bắt nồi cháo trên chiếc lò nhỏ và trụng rau đắng như hình thức ăn lẩu.

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Lưu ý không nên để rau đắng nấu cùng cháo vì nếu rau đắng chín quá sẽ rất đắng và khó ăn.

Những ngày đông, cả nhà quay quần quanh bếp lửa, húp sùm sụp chén cháo cá lóc rau đắng thì không còn gì bằng. Món cháo cá lóc rau đắng này có tác dung giải cảm cho cơ thể rất tốt, bởi lẽ bản thân rau đắng cũng đã là một vị thuốc rất tốt cho việc giải độc cơ thể.

Miền Tây sông nước luôn nổi tiếng với những món ăn độc đáo, nhất là món ăn từ cá. Dù cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm nhưng món cháo cá lóc rau đắng đã đi sâu vào tiềm thức của khá nhiều người xa quê. Những khi trái gió trở trời lại thèm tô cháo cá lóc mẹ nấu, đó không chỉ là món ăn giải cảm mà còn là món ăn tinh thần của quê hương.


Ghe ngo – truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Lễ hội Óc om bóc hay đua ghe ngo truyền thống của người Khmer là một trong những lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của người Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 03 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Trong lễ hội Óc om bóc, có nhiều lễ: lễ cúng trăng, lễ thả đèn nước, lễ thả đèn gió… và sinh động nhất là hội đua ghe ngo. Năm 2013, hội đua ghe ngo được nâng lên thành Festival Đua ghe ngo, mang tầm khu vực và quốc gia.

Chiếc ghe ngo mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt của người Khmer.

Ghe ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer, tạo ra và tham gia tranh tài. Do đó, sự thắng bại giữa các ghe ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu. Vì vậy, nhằm để tạo nên sự thành công của ghe đua, người Khmer Nam Bộ đã vận dụng nhiều phương thức, kỹ thuật khác nhau trong việc tạo ra ghe ngo cũng như trong tham gia thi đấu. Yếu tố tâm linh cũng là một trong những yếu tố giúp thành công cho ghe ngo

Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, nhưng này nay, việc tìm cây sao vừa to, vừa dài rất khó khăn, nên người Khmer đã dùng những mảnh ván với nhau để thay thế.

Ghe ngo được làm gần giống hình con rắn dài khoảng từ 25 đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên, như hình đầu rắn. Ở đuôi ghê hay gọi là sau lái cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu một chút. Người ta đóng từ 24 đến 27 cây thanh ngang trên chiếc ghe, để vừa cho hai người ngồi. Mỗi ghe phải đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy, như ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) có 53 người, ghe ngo chùa Ông Mek (Trà Vinh) 57 người.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; Một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.

Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng, đây là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh…

Biểu tượng ghe ngo chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) là con chim, Chùa Champa (Sóc Trăng) chọn biểu tượng con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) biểu tượng con cá nược…Người Khmer tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh và mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh. Nếu biểu tượng của ghe là rắn thần Naga, thì các họa tiết hai bên sườn ghe cũng toát lên được hình ảnh của một con rắn, khi ghe lướt sóng, người xem sẽ có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần đang lượn sóng.

Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người Khmer đã dùng một cây hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe. Người Khmer gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, thường là cây sao có đường kính khoảng 0,2m.

Ghe ngo của người Khmer Nam Bộ

Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu, mội hoạt động liên quan đến ghe đều phải cử hành lễ cầu xin, như: lễ khởi công làm ghe ngo, lễ khánh thành ghe ngo, lễ mặc áo cho ghe ngo

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành 2 tài sản văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo độc đáo và quý giá của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.


Người sáng lập thương hiệu kẹo dừa Bến Tre

[vanhoamientay.com] Người đã sáng lập ra thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre khá nổi tiếng trên thị trường đó là bà Phạm Thị Tỏ, người ta thường gọi bà là bà Hai Tỏ hay với một cái tên rất gần gũi và thân thương là Bà già đeo kính.

Khi vừa đặt chân đến nơi được mệnh danh là thủ phủ của dừa- vùng đất sông nước Bến Tre, khách vãng lai dễ dàng bắt gặp ven hai bên đường, các bảng hiệu lớn nhỏ quảng cáo đặc sản Kẹo dừa Bến Tre, điểm đặc biệt rất giống nhau là một tấm hình chân dung của một người phụ nữ đeo kính trông rất hiền từ và giản dị

Bà Phạm Thị Tỏ năm nay đã 75 tuổi, với hơn 30 năm gắn bó với nghiệp sản xuất kẹo dừa. Bà đến với nghề từ hai bàn tay trắng, một người phụ nữ mang theo 8 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà tâm sự rằng: “Phải làm thì mới có ăn, nhưng phải làm cái gì để có thể nuôi đầy đủ những đứa con mình ăn học nên người, tôi là một người mẹ, không đành tâm nhìn con mình khổ”, bà làm đủ nghề buôn bán các thứ, do thời buổi bao cấp, các công việc của bà đều chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vì không đủ nuôi các con. Bằng với nghị lực, kiên cường và tấm lòng bao la của một người mẹ, bà không hề chùn bước. Khó khăn và thất bại không hạ gục được người phụ nữ mang đậm chất miền Tây chịu thương, chịu khó này. Và rồi, bà nhận ra rằng dừa chính là linh hồn của đất Bến Tre, là nguồn sống của người dân nơi đây, dừa xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, thiên nhiên cao quí đã ban tặng cho mảnh đất quê hương bà là dừa, không dừa nơi đâu có thể tốt như dừa ở Bến Tre, thế là bà tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này để sản xuất ra kẹo dừa, một sản phẩm mà theo bà, vừa mang nét đặc trưng của xứ dừa, vừa mang được hương vị tinh túy của cây dừa chính là nước cốt béo ngậy quyện với mạch nha.

Những buổi ban đầu khi va chạm với nghề, bà vấp phải nhiều sự khó khăn, bà chia sẻ: “Thành công chỉ có giá trị khi xuất hiện sau thất bại”, một mình bà phải vượt qua tất cả, khó khăn và thất bại không đánh gục nổi người phụ nữ ấy.

Bà kể khi nhận ra giấy gói kẹo của mình không được đẹp khi xuất đi bán so với các cơ sở khác, bà phải suy nghĩ để tự tay thiết kế giấy gói kẹo riêng cho sản phẩm của mình, thời ấy, chưa có đèn điện như bây giờ, đêm nào, bà cũng chong đèn cắt dán thủ công cho giấy gói. Đến khi vấn đề này được giải quyết thì sản phẩm gặp ngay một vấn đề khác, đó là kẹo bị dính vào giấy bọc bên ngoài, làm giảm chất lượng, bà cũng phải suy nghĩ tìm tòi ra giải pháp, và rồi, thật là một ý tưởng sáng tạo, nhấn mạnh được điểm khác biệt của sản phẩm với các đối thủ cạnh tranh, bà thiết kế một giấy gói nhỏ bằng bánh tráng mỏng bọc bên trong, không bị dính mà còn tạo được vị đặc trưng riêng.

Đấy là những vấn đề nhỏ thường gặp phải trong khâu sản xuất, còn những vấn đề lớn lao khác liên quan đến chủ quyền thương hiệu, sự sống còn của công ty, chén cơm của công nhân bị đánh mất, bà cũng tự xắn lấy tay giải quyết, người phụ nữ này phải ngược xuôi đến xứ người đấu tranh đòi lại quyền công bằng. Bà nói: “Mình tạo ra nó, thì nó cũng như là con mình vậy, đâu ai nhẫn tâm khi thấy con mình bị cướp mất”, với lòng dũng cảm và sự quyết tâm giành lại thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre”, bà đã thành công vẻ vang ngay tại đất khách, tạo một điểm sáng trong ngành sản xuất kẹo dừa nói riêng và ngành sản xuất sản phẩm nói chung, một tấm gương sáng đáng noi theo.

Trên thương trường là vậy, trở về với cuộc sống thực tại, bà vẫn là một người mẹ, một người bà, luôn vun vén cho gia đình luôn đầy đủ và hạnh phúc. Những người con bà đều thành đạt theo đúng như nguyện vọng ngày xưa và đang giúp bà củng cố cho sự nghiệp sản xuất kẹo dừa ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh đó, bà tích cực tham gia các công tác hoạt động xã hội ở địa phương, làm từ thiện, xây dựng trùng tu đền miếu. Bà tâm sự: “Ngày xưa, còn nghèo, sợ con mình đói khổ, bây giờ, có đồng ra đồng vào, thấy người khác khổ, tôi không đành”.

Trách nhiệm trong công việc cao, yêu thương nhân công, đề cao giá trị sản phẩm đến khách hàng, đã giúp công ty của bà và thương hiệu kẹo dừa Bến Tre ngày càng được khẳng định vị trí trong lòng của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Với ý tưởng, chiến lược kinh doanh đúng đắn, kết hợp chính xác lợi thế cạnh tranh của vùng đất quê hương là dừa, thêm vào đó đạo đức nghề nghiệp và sự uy tín cao, bà đã rất thành công, gặt hái khá nhiều huy chương, bằng khen của Chính phủ, của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre tặng, danh hiệu cao quí Top 10 Nữ Doanh Nhân Việt Nam liên tiếp 2 năm 2012-2013 và nhiều thành tích vô giá khác.

Xuất phát từ tấm lòng thương con bao la của một người mẹ và tình người với nhân công, bà đã gây dựng nên một công ty vững chắc, một thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” vững mạnh, xứng đáng là một hình tượng người phụ nữ hiện đại trong thời đại mới nhưng vẫn mang phẩm chất cao đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam: “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”

Theo Keoduabentre
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!