Có thể bạn quan tâm

Le le xào bầu – món ăn dân dã mà cao sang

[vanhoamientay.com] Thịt le le được coi là món ngon đại bổ, le le xào bầu được coi là món chính trong bữa cơm. Và nước chấm phải là thứ chua – cay – ngọt. Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã vừa cao sang này…

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt le le là một món ăn có đẳng cấp, một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực. Cũng chính vì vậy thịt le le từ lâu đã trở nên quý hiếm, giá cao hơn thịt vịt gắp nhiều lần. Giới sành điệu ẩm thực thì coi đây là “hàng độc”, nằm trong nhóm đại bổ

Thịt le le vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng lại kết hợp với bầu nên càng đậm đà thi vị, vượt trội các loài gia cầm khác. Ở vùng bưng biền, các bà nội trợ thường chế biến le le thành nhiều món ngon độc đáo như nấu cháo, luộc, rôti nước dừa…đặc biệt là món “le le xào bầu”.

Le le là một loài chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu, nơi có nhiều lung bào, nhất là ở Đồng Tháp và vùng tứ giác Long Xuyên.

Le le thân hình cũng giống như vịt nhưng con lớn nhất chỉ nặng khoảng 300g. Nếu so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và mắc hơn nhiều lần.

Thịt đem ướp thịt với tiêu, hành, tỏi. ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu độ 15 phút cho thấm đều. Kế đến bắc chảo lên xào cho đến khi thịt săn lại. Tiếp theo cho bầu vào xào chung, thêm nhiều hành cọng hoặc hành lá. Bầu, nên chọn những trái còn tươi, không quá non, cũng không quá già, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ, dài chừng 5 cm.

Với bàn tay khéo léo của người nội trợ, món le le xào bầu có thể trở thành một món ăn hấp dẫn, vừa thơm ngon vừa quyến rũ. Sở dĩ bầu trở thành món ăn đa phong cách như thế bởi vừa mềm, ngọt dịu, đậm đà hương vị đồng quê. Một dĩa le le xào bầu vừa dọn ra đã bốc mùi thơm phức nhờ người nội trợ biết chăm chút từ cách xào, cách chọn gia vị và nêm nếm cho vừa ăn.

Nên nhớ, khi xào đừng để cho bầu chín quá sẽ mất ngon. Thịt bầu còn hơi giòn là hấp dẫn nhất. Le le xào bầu vừa ngon, ngọt, vừa đậm đà, mùi vị đặc trưng nhờ nước bầu và gia vị thấm vào thịt, đồng thời thịt cũng thấm vào bầu.

Theo Tuổi Trẻ

Canh chua bông so đũa cá rô đồng

[vanhoamientay.com] Mỗi năm mỗi khi ngọn gió chướng lao xao trở về với bờ bãi của vùng sông nước Cửu Long thì cũng là lúc những bông so đũa nở vàng cả mặt nước. Và món canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo không thể bỏ qua.

ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, đồng ruộng bao la. Nơi đây có sản lượng và trữ lượng cá nước ngọt lớn nhất nước. Về ĐBSCL “ăn cá” là thú vui ẩm thực rất hấp dẫn. Có rất nhiều loại cá ngon ở đồng bằng.

Canh chua bông so đũa cá rô đồng là một món ngon bình dị nhưng độc đáo của vùng sông nước ĐBSCL. Nồi canh được nấu toàn nguyên liệu tươi sống tại chỗ nên rất hấp dẫn. Cá rô là loại cá có thịt ngọt, thơm, béo khá dễ mua ở các chợ.

Mùa mưa, mùa nước nổi, cá rô theo nước lên đồng tìm thức ăn. Nông dân giăng lưới, đặt lọp bắt được rất nhiều. Cá chừng non ba ngón tay khép lại, người ta gọi là cá rô “mề”, loại này đạt chất lượng nhất. Với khoảng 9 con cá rô mề, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi, móc mang, để nguyên con là có thể có nồi canh ngon.

Dân gian hay sử dụng bông so đũa chế biến thành các món ăn phong phú và đa dạng. Ở thôn quê người ta thường hái bông so đũa lúc sáng sớm, còn tươi, nhặt bỏ cuống và nhụy đắng, bỏ đài, rửa nhẹ dưới vòi nước để tránh bầm dập mất ngon.

Thành phần dinh dưỡng của bông so đũa rất cao với nhiều protid, vitamin tốt cho sức khỏe. Đặc biệt hai loại sắc tố là agathin màu đỏ và xanthoagathin màu vàng có nhiều trong bông so đũa, là những chất có tác dụng chống ôxy hóa tế bào.

Nồi nước bắc lên, khi nước sôi dằn ít muối hột. Sả bằm phi nhẹ, ớt xắt lát để vào khi nước sôi dịu xuống. Nêm đường, bột ngọt, tí nước mắm ngon. Lần lượt bỏ cà, khóm, me vô nồi nước. Nếu có con mẻ tán nhuyễn làm chất chua thì rất tuyệt. Nêm lẩu bằng rau ngò om là đúng điệu nhất, bởi loại rau này có mùi thơm rất dân dã.

Cá rô thả vào nồi lẩu vừa chín vớt ra dĩa, chấm với nước mắm ngon nguyên chất. Rau nhúng vào nồi lẩu sôi liu riu ít nhiều tùy theo ý thích của bạn, ăn với bún hoặc cơm. Thịt cá rô thơm béo, bông súng mềm dịu, nước lẩu chua hơi cay sẽ làm cho du khách khoái khẩu, ăn xuất mồ hôi “giải nghể”!

Một bữa tiệc dân dã với món canh chua bông so đũa cá rô đồng sẽ làm bạn nhớ mãi miền đất trù phú này.

Theo Vĩnh Long Online

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Kiên Giang không những nổi tiếng với địa danh mang tên “hòn ngọc biển đông” mà khi đến Kiên Giang bạn đừng quên thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây. Bún cá Kiên Giang là một trong những món ăn góp phần tạo nên tên tuổi của vùng đất này.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Dù chỉ là món ăn bình dân nhưng khi thưởng thức chắc người ăn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi hương vị tuyệt vời mà món bún cá này mang lại.

Bún cá Kiên Giang có nguyên liệu là những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng. Cá đồng sẽ cho thịt thơm, dai và có vị ngọt chứ không mềm và bở. Bởi lẽ chọn cá là một trong những phần cực kỳ quan trọng để có thể nấu thành một món bún ngon.

Cá làm sạch rồi cắt thành 3 khúc, phần đầu phải làm cho thật kỹ, khéo léo tách đầu ra sao cho dính nguyên cả bộ đồ lòng cá. Làm sạch bao tử, rồi dùng muối rửa thật sạch vì nếu không sạch thì còn tanh, mất ngon, cẩn thận đừng để vỡ mật và gan cá.

Cá luộc chín, sau đó gỡ riêng phần thịt, xương rồi giã nát, cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Chính nhờ quá trình này nên nước dùng bún cá luôn có vị ngọt thanh tự nhiên.

Tô bún cá Kiên Giang còn hấp dẫn người ăn nhờ phần trứng cá được đánh tơi vàng ươm trên bề mặt. Vào mùa cá không có trứng, trứng cá sẽ được thay thế bằng lòng đỏ trứng gà pha với tôm tươi bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín.

Trong tô bún cá Kiên Giang không thể thiếu loại tép đất, hoặc tép bạc. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng

Người có tay nghề nấu nước lèo, khi ăn vào bạn vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt và vị mặn rất hấp dẫn.

Món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng. Đơn giản là vậy mộc mạc là vậy nhưng khi thưởng thức chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bị mê hoặc

Khi thưởng thức món ăn này không thể thiếu đĩa rau sống cùng chén nước mắm ớt nguyên chất đậm đà. Những dư vị ngọt ngào, thơm thơm từ các nguyên liệu sẽ khiến bạn khó có thể quên.

“Ai về Rạch Giá, Kiên Giang

Ăn tô bún cá chứa chan tình người”.

Đậm đà bún cá Kiên Giang

Tục đi tu để thành người của người Khmer Nam bộ

Tục đi tu để thành người vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì theo họ, tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.

Tục đi tu để thành người thường được tổ chức vào ngày đầu Tết Chôl Chnam Thmây. Vào ngày này, gia đình nào muốn đưa con vào chùa tu (vài tháng trước đó, người con trai này phải vào chùa học thuộc vài bài kinh cơ bản) sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank-Bom-Buôn để người đi tu từ giã họ hàng, bạn bè và được mọi người cầu chúc sức khoẻ. Khi vào lễ, anh ta cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải gọi là Pênexo, chứng tỏ rằng anh ta từ bỏ thế tục. Lúc đó người ta gọi anh là Nec (rồng).

Để vào lễ, buổi tối họ mời sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam bảo và thọ giới theo Phật. Sáng hôm sau, khi cơm nước xong, họ đưa con trai lên chùa, có bạn bè thân quyến mang lễ vật cùng đi theo. Đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở đây có một nhà sư ngồi gọi là Uppachhe giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các nec nghe.

Sau đó mới cầm áo cà sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Khi vị thượng toạ chấp thuận thì nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa. Tiếp theo là lễ thọ giới 10 điều của Phật giáo:

  1. Không sát sinh
  2. Không trộm cắp
  3. Không tà dâm
  4. Không nói dối
  5. Không uống rượu
  6. Không ăn ngoài bữa
  7. Không xem múa hát
  8. Không dùng đồ trang sức
  9. Không chiếm ghế cao và giường êm
  10. Không đụng đến vàng bạc

Cuối cùng, các nhà sư cùng Phật tử tụng kinh cầu phước cho người mới tu hành và chúng sinh để chấm dứt buổi lễ.

Đi tu đồng thời theo nếp nghĩ truyền thống của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, ngày nay người con trai Khmer vì theo học ở một trường nào đó hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì không phải đi tu và luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa.

Theo Đại Đoàn Kết

Những bãi biển miền Tây đẹp

[vanhoamientay.com] Miền Tây không nổi tiếng bỡi những bãi biển phẳng lỳ, nước trong xanh mà biển miền Tây nổi tiếng với những nét riêng của mình, người ta thường gọi với cái tên thân thương là “biển miệt vườn’’

Biển Tân Thành, Biển và Nghêu

Bạn muốn bình yên ngắm mặt trời lặng, thong thả dạo bước trên bãi cát dài và mịn trải dài dưới chân, ngắm biển sinh sôi, người nông dân nuôi trồng trên biển thì mời bạn về với biển Tân Thành, Gò Công.

Biển Tân Thành dài hơn 7 km, nằm gần cửa sông nên nước khá đục. Tuy nhiên bạn đừng nên thất vọng vì đây thật sự là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, lớp cát mềm mịn, êm như nhung mà ít nơi nào có được. Mặt biển phẳng như mặt ao, kéo dài hàng cây số. Bạn cứ việc tung tăng trên cát, vọc nước, vọt cát và ngắm những chòi nghêu đang chênh vênh giữa biển.

Tận hưởng không khí mát lành, thư giãn trong không gian yên tĩnh, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của ngư dân, thưởng thức những món đặc sản. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, du khách còn thích thú với việc tự tay xúc nghêu và chế biến món ăn

Từ Mỹ Tho, trên Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 50 khoảng 50kmlà đến Gò Công và đi thêm hơn 10 cây số nữa là đến biển Tân Thành.

Biển Ba Động, Trà Vinh

Tuy được khai thác từ lâu, nhưng biển Ba Động vẫn còn giữ được nét hoang sơ với những đụn cát nhấp nhô, hàng phi lao xanh vút, bãi cát phẳng lì sống động với vỏ ốc nhiều màu sắc.

Tên của bãi biển Ba Động được xuất phát từ những triền cát trắng.  Ngoài ra, Ba Động khác các bãi biển của vùng đất Cửu Long ở những đợt sóng dồn dập. Nơi đây được ví như biển miền Trung với không khí đậm mùi biển, thức những đặc sản là chù ụ, hải sản cùng họ với cua, còng nhưng hình dáng ù lì, chậm chạp hơn, nếu chưa thưởng thức chù ụ xem như chưa đến Ba Động.

Bãi biển Ba Động thuộc xã Trường Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Biển Mũi Nai, Hà Tiên

Vắng và tự nhiên, điều này trở thành một nét riêng quyến rũ những ai muốn về với thiên nhiên. Muốn tận hưởng cảm giác lãng mạn của biển, bạn nên chờ đến buổi chiều. Ngồi trên bãi cát nhìn ánh hoàng hôn xuống dần, im lặng nghe tiếng lao xao của gió vờn trên sóng, của bầy hải âu chao lượn cuối trời mới thấy hết nét thi vị của biển.

Mang đậm đặc trưng của biển miền Tây Nam Bộ, Mũi Nai được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của biển Mũi Nai, rừng Tà Pang, những hòn đảo xa xa trên biển hay ngọn hải đăng trầm mặc. Thưởng thức hải sản tươi ngon, trái cây theo mùa với giá trẻ là một trong những điểm thu hút bước chân của người lữ hành.

Biển Nam Phố, Kiên Giang

Nơi đây còn giữ nguyên những gì của thiên nhiên hoang dã. Cây cối mọc xanh tươi, tự nhiên. Những hàng dừa cao vút hàng chục năm tuổi như những mái tóc dài xõa xuống bờ biển xinh đẹp. Quanh năm, sóng biển chỉ là những đợt lăn tăn, không ồn ào như các vùng biển khác. Người đi biển bảo rằng, đây là vùng biển lành, không đá ngầm, không có vùng nước xoáy. Có những lúc mặt biển phẳng lặng đến mức người ta cứ ngỡ là mặt hồ giữa mùa thu yên ả.

Ở Nam Phố có hai bãi tắm là Hòn Heo và Bãi Ớt, mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên.

Biển Nam Phố thuộc xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Biển Khai Long, Cà Mau

Bãi biển Khai Long nằm phía biển Đông trong khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đứng ở bãi Khai Long, du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Khai Long có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, cường độ sóng không lớn. Khi mặt trời lặn, cả vùng biển rực sáng.

Biển Khải Long sở hữu nước biển trong xanh sẽ khiến du khách ồ lên thích thú. những du khách thích cảm giác mạnh chọn thám hiểm rừng ngập mặn. Việc luồn lách qua những lau sậy, vừa tìm cách thoát khỏi những cành đước khẳng khiu vừa như muốn chạm nhẹ, mang lại cho họ những trải nghiệm hiếm có trong một chuyến du lịch biển.

 Biển Khai Long ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Băng Tâm tổng hợp

Trái Lê ki ma trở lại ĐBSCL

[vanhoamientay.com]   Lê ki ma hay quả trứng gà có tên khoa học Pouteria lucuma, thuộc họ Sapotaceae, là loại cây ăn quả bản xứ vùng Andes, Nam Mỹ. Quả có giá trị dinh dưỡng cao và nguồn hydrat cacbon lớn, vitamin và khoáng chất dồi dào.

Lê ki ma có hàm lượng niacin (vitamin B3), beta-caroiten, sắt và chất xơ, là những thành phần chống ô xy hóa cực mạnh cho da và cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Lê ki ma còn giúp tăng tỷ lệ hồng cầu trong máu, kích thích hoạt động của hệ thần kinh, chống trầm cảm, giảm cholesterol và triglecirid trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và béo phì, hạn chế các cơn nhồi máu cơ tim, tăng hiệu quả của hệ miễn nhiễm và tăng lực rất tốt.

Trái lê-ki-ma ở Việt Nam còn được gọi là trái lứt (miền Bắc còn gọi quả trứng gà). Đây là loại trái cây đã có từ lâu ở ĐBSCL và tưởng chừng như đã tuyệt chủng. Nhưng trong những năm gần đây, nhà vườn khôi phục giống cây này vì trái chín được thị trường ưa chuộng và có giá cả ổn định.

Trong những ngày gần đây, nếu có dịp đi ngang qua phường Ba Láng, quận Cái Răng, hoặc trên đường vào phường Thới An Đông, TP. Cần Thơ, chú ý quan sát sẽ thấy những sạp bán trái cây san sát bên lề đường chất đầy những quả lê-ki- ma vàng ươm trông thật bắt mắt.

Năm nay, nhà vườn trúng mùa lê- ki -ma, ngoài tiêu thụ nội địa còn XK sang thị trường Campuchia nữa. Hàng ngày, sạp trái cây của ông bán được khoảng 20 – 30 kg trái lê -ki -ma chín, giá 12.000 đ/kg.

Hãy thử nhâm nhi một ly sinh tố lê ki ma, bạn sẽ biết vì sao thức uống này được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu là: 2 kg lê ki ma, 100 gr dừa nạo, 4 hũ yaourt, 250 ml sữa tươi. Cách thực hiện: Lê ki ma gọt vỏ, bỏ hột, tán nhuyễn và đem xay chung với dừa nạo, yaourt, sữa tươi, chúng ta sẽ được một thức uống màu vàng cam rất đẹp, thơm ngon và bổ dưỡng.

Lê ki ma có hương vị hấp dẫn nên trở thành nguyên liệu chính cho nhiều món tráng miệng, bánh, salad, kem lạnh, yaourt, nước cốt, thức uống… Ngoài ăn tươi thì lê ki ma còn được chế biến thành bột, có thể bảo quản được một năm. Để chọn được trái lê ki ma ngọt, bở, thơm, không nên ham trái láng đẹp mà nên chọn trái hình trái tim, một đầu nhọn, vỏ mỏng

Băng Tâm tổng hợp

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Nằm ở ngay trung tâm huyện Tri Tôn, An Giang, Núi Tà Pạ hay gọi là đồi Tà Pạ có vẻ đẹp như một bức tranh thủy mạc, quyến rũ biết bao du khách trong và ngoài nước.

Về Tri Tôn thăm đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ thuộc xã Núi Tô, cách Tri Tôn khoảng 1km, là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh “Thất Sơn” huyền bí. Đồi Tà Pạ có độ cao trên 120m so với mực nước biển, nhưng do sau một thời gian dài khai thác đá, đồi chỉ còn lại độ cao khiêm tốn là 45m.

Từ chợ Tri Tôn đi hết đường Nguyễn Trãi theo hướng về Khu du lịch đồi Tức Dụp, bạn sẽ đến chùa Tà Pạ, người dân hay gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer). Cổng chùa được xây dựng hoành tráng với đôi cột đá, phía trên có tượng thần Bốn Mặt.

Chùa Núi hay chùa Chưn Num (theo tiếng Khmer).

Từ cổng chùa đi khoảng 400m là sẽ lên tơí đỉnh đôì Tà Pạ. Đồi Tà Pạ mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành cùng nhiều vạch ngang, vạch dọc, nhiều cột đá cao lêu nghêu, nham nhở, những tảng đá đỏ quạch màu gan gà, những bức tường đá góc cạnh như có ai đẽo gọt thành những hình thù kỳ quái.

Trên đỉnh đồi hoang sơ này có một hố sâu 7m lúc nào cũng có nước xanh màu ngọc bích, gọi là hồ Tà Pạ. Hồ xuất hiện cách đây khoảng gần 10 năm, là dấu vết còn sót lại của quá trình khai thác đá. Dù chỉ là vô tình được tạo ra nhưng đã trở thành một cảnh quan hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách.

Hồ được bao bọc bởi những vách đá sừng sững  từ trên nhìn xuống nước trong vắt đến tận đáy, những chỗ có độ sâu lớn thì nước có màu xanh thẫm. những chỗ cạn hơn thì có màu xanh nhạt, nhưng có chỗ màu đen, màu cam sẫm hay màu vàng nhạt. Những màu sắc đó cũng là do những tảng đá bên dưới góp phần tạo nên. Khi trời trong xanh nước hồ hiện lên một màu ngọc bích, phẳng lỳ như một mặt gương. Chính vì thế hồ Tà Pạ xinh đẹp như một bức tranh thủy mạc.

Hồ Tà Pạ

Đồi Tà Pạ giống như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, đẹp quyến rũ lòng người đến từng góc cạnh. Nơi đây còn có không khí trong lành, môi trường sạch đẹp, du khách đến đây còn cảm nhận được sự hoang dã và trù phú của vùng đất này, sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa trên núi của Phật giáo dòng Nam tông Khmer, sự mến khách của người dân bản địa…

Đến với An Giang bạn không chỉ đến với hồ Tà Pạ mà sự kết hợp với núi Cô Tô sẽ làm bạn có chuyến đi thêm phần thú vị. Từ trên núi nhìn xuống thung lũng cánh đồng thung lũng Tà Pạ hiện lên rất đẹp. Đặc biệt trong mùa lúa chín, màu vàng của lúa trải bạt ngàn xa ngút tầm mắt trên đó có tô điểm những cây dầu tạo nên sự kết hợp hài hòa, quyến rũ.

Đồi Tà Pạ

Đồi Tà Pạ vì thế có sức thu hút mạnh mẽ đối với “dân phượt”, những tay săn ảnh trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, ngày lễ; là nơi hẹn hò lý tưởng, nơi chụp hình cưới tuyệt đẹp của những đôi vợ chồng nguyện gắn bó trăm năm…

Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!