Có thể bạn quan tâm

Về thăm di tích Ấp Bắc, Tiền Giang

[vanhoamientay.com] Khu di tích Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú  huyện Cai Lậy – Tiền Giang cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10 km về hướng Động. Đây là di tích lịch sử ghi chiến thắng Ấp Bắc  02/01/1963 đã đánh bại các chiến thuật bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ.

Đến với khu di tích, du khách sẽ được đi trong quần thể rộng lớn khoảng 2ha, với hai phân khu chức năng, khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng.

Rời khu vực tượng đài, là đến khu mộ 3 chiến sĩ gang thép. Ba ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trục thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm.

Những Ấp Bắc, Củ Chi, Bến Cát,
Địa danh này được Bác biểu dương.
Đã rộn ràng những bài ca, câu hát,
Tên tuổi anh cả nước biểu dương.

Khu vực 2 gồm có Nhà trưng bày hiện vật, phía dưới nhà trưng bày là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh, tạo cảnh quan chung quanh khu di tích rất khang trang sạch đẹp, phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện lại như cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.

Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên này là tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép cao sừng sửng, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch, phảng phất hình ảnh của những chiến sĩ cầm cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng De Castrie ở trận Điện Biên Phủ năm nào. Hình ảnh uy nghi của các anh như đưa ta trở về cảnh súng nổ, bom rền hơn 40 năm về trước.

Từ khi khu di tích được khánh thành đến nay đã đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho học sinh trong tỉnh về truyền thống đấu tranh bất khuất của tổ tiên trong sự nghiệp giữ nước. Rời khu di tích, nhìn hai bên đường là những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy dưa chi chít quả căng tròn. Lác đác trên cánh đồng, nhiều mô hình bằng xi-măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy. Tất cả như minh chứng cho một sức sống mới trên mảnh đất anh hùng.

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất miền Tây

Được làm bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn với chiều ngang 2,15m, dài 4m, bộ ván ngựa độc đáo ở An Giang này được trả giá đến hơn 3 tỷ đồng.

Chủ nhân của bộ ván ngựa 3 tỷ đồng độc nhất vô nhị này là anh Nguyễn Thanh Hải, ở ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang). Là người buôn bán gỗ, sau nhiều làm ăn, anh Hải quyết định chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch, sinh thái. Hiện tại, anh Hải là giám đốc một khu du lịch tư nhân ở huyện Châu Phú, An Giang.

Ngôi nhà cổ được anh xây dựng để thờ cúng tổ tiên. Đồ đạc trong nhà cũng hầu hết được làm bằng gỗ, với nhiều món độc nhất vô nhị, với tổng trị giá ước tính 45 tỷ đồng, trong đó có bộ ván ngựa được trả giá lên tới 3 tỷ đồng

Để có được bộ ván trên chủ nhân của nó phải bỏ công gần 3 năm tìm kiếm. Bộ ván ngựa bằng gỗ gõ bông lau nặng 2,2 tấn được tìm thấy tại vùng giáp ranh Việt Nam – Lào. Ông chủ khu du lịch ở miền Tây chia sẻ thêm, lúc nhìn thấy tấm gỗ anh thích đến nỗi không thể thốt nên lời. Khi người chủ phát giá, anh không mặc cả mà chi tiền mua luôn. “Lúc ấy, trong kho có 3 tấm gỗ gõ bông lau kích thước bằng nhau được xẻ sẵn. Tôi xin mua 2 tấm nhưng người chủ nhất định không bán. Cuối cùng, họ nể tình khách ở xa lặn lội đến nơi, nên bán chia cho 1 miếng”, anh Hải nhớ lại. Về nhà, anh dùng chính tấm gỗ đó làm ra bộ ván ngựa độc nhất vô nhị ở miền Tây hiện nay.

Bộ ván ngựa này chính là một trong những vật dụng thu hút khách đến tham quan khu du lịch tư nhân của mình.  theo những người sành đồ gỗ, ước tính cây gõ bông lau phải trên 500 năm tuổi. Ngoài ra, bộ ván tạo cho người nằm cảm giác mát lưng và có thể trị được nhức mỏi, cảm thông thường.

Theo Người Đưa Tin

Vẻ đẹp yên bình mảnh đất An Giang

Tạm gác những bộn bề để tìm về với vẻ đẹp yên bình của An Giang, ngồi thưởng thức tô bún cá, hòa mình vào lễ hội đặc sắc của người Khmer hay ngắm phong cảnh hữu tình

Nằm phía tây nam Tổ Quốc, An Giang là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật và khung cảnh hữu tình khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đến thăm.

Đến An Giang, bạn có thể bị hớp hồn bởi Búng Bình Thiên, một hồ nước êm đềm với phong cảnh hữu tình.

Vùng đất Tịnh Biên, Tri Tôn là nơi có nhiều hàng thốt nốt xanh rì thường được dùng để làm ra các loại đặc sản như: chè thốt nốt, nước thốt nốt tươi, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt… Rong ruổi trên những con đường ở vùng Thất Sơn này, bạn sẽ cảm thấy một làng quê thanh bình trôi qua chầm chậm.

Con người nơi đây rất mộc mạc, dễ gần. Vào những dịp lễ hội đặc sắc của người Khmer, bạn sẽ dễ dàng hòa mình vào tiếng nhạc như một người dân địa phương.

Xứ này có một kênh đào rất nổi tiếng mang tên Vĩnh Tế chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, trên đường từ thành phố Châu Đốc xuống đến thị xã Hà Tiên. Đây từng là kênh đào dài nhất, lớn nhất và được thi công lâu nhất qua trong lịch sử phong kiến.

Ở Châu Đốc còn có lễ hội cấp Quốc Gia “Vía bà chúa Xứ núi Sam”, một lễ hội tín ngưỡng hằng năm được rất nhiều du khách tham gia từ khắp nơi về vía bà.

Cùng thuộc An Giang nhưng bún cá Long Xuyên và bún cá Châu Đốc lại có nhiều khác biệt. Bún cá Châu Đốc được nêm nếm cho hợp khẩu vị người Việt.

Nếu có thời gian, hãy ghé qua rừng tràm Trà Sư. Nơi đây xưa kia là một vùng đất hoang vu, nhiều cỏ dại mọc. Sau đó được khai phát, gieo trồng tràm và trở thành một vùng sinh thái đa dạng. Rất nhiều bạn trẻ thích du lịch bụi chọn đây là điểm dừng chân.

Vào mùa nước nổi, An Giang khiến bạn bất ngờ bởi những đặc sản ngon lành như cá linh, cá rô non, bông điên điển… Những món ăn dân dã đó đã vang danh khắp nơi và lôi kéo khách thập phương tìm đến.

Nếu có dịp ghé ngang vùng Bảy Núi, du khách không nên bỏ qua món bánh canh Vĩnh Trung theo hương vị Khmer. Quanh chợ Vĩnh Trung chỉ có dăm quán bán món này, nổi tiếng nhất phải kể đến quán của chị Oanh Na và Út Sắc.

Theo Tintucmientay

Làng nghề chiếu Cà Mau

[vanhoamientay.com] Chiếu luôn gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam và Việt Nan có rất nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng mà Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề chiếu tiêu biểu.

Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, Cà Mau còn nổi tiếng với những địa danh một thời làm nghề chiếu như: Tân Duyệt Đầm Dơi, Tân Lộc Thới Bình… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiếu bông hoa Tân Thành. Bằng những nguyên liệu như: sợi lác, dây bố và khung dệt… những phụ nữ ở đây đã dệt nên những đôi chiếu bền, đẹp và tạo nên thương hiệu chiếu Cà Mau.

Từ những bụi lát mọc hoang trên những bãi đầm, người dân Cà Mau dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp với họa tiết được dệt trực tiếp bằng những sợi lát nhuộm màu chứ không in như một số loại chiếu vùng khác, từ đó làng nghề chiếu Cà Mau được hình thành.

Dệt, đan chiếu thảm từ cây lát là nghề sản xuất thủ công có tiềm năng to lớn ở Cà Mau với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào là cây lát. Người dân ở đây hộ nào cũng có từ 1 – 2 khung dệt trở lên. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Tân Thành với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hàng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

Theo bà Châu Thị Niệm, nghệ nhân đã theo nghề dệt chiếu 72 năm, nghề dệt chiếu Cà Mau hình thành từ hàng trăm năm trước, có nguồn gốc từ nước ngoài và truyền vào miền Nam vào khoảng thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành. Mặc dù có lúc bị cạnh tranh dữ dội bởi các loại chiếu ni lông ngoại nhập, nhưng chiếu Cà Mau vẫn âm thầm tồn tại.

Theo Khám Phá VN

Ông chồng phòng xa

[vanhoamientay.com] Ông chồng đi chơi về khuya, vừa mở cửa đã thấy vợ chống nạnh tay lăm lăm chiếc gậy.

Thấy vậy, ông ta vội vàng chạy vào bên trong, vừa chạy vừa gọi điện thoại.

Bà vợ càng điên tiết:

– Ông đi cả buổi tối chưa đủ sao, giờ này còn gọi điện thoại cho con nào hả?

– Tôi gọi xe cấp cứu ấy mà! Thế không phải mình định cho tôi đi bệnh viện như lần trước ư?

– !?

st

Về Tiền Giang du lịch cù lao Thới Sơn

[vanhoamientay.com] Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL, cách TP HCM khoảng 85 km. Về cù lao Thới Sơn bạn sẽ được đến với vùng sinh thái có nét nguyên sơ, môi trường sinh thái của miệt vườn, được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ như chèo xuồng, đi xe ngựa…

Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt cu khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa… đặc trưng của người Nam Bộ.

Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này, người ta sẽ quên sự ồn ào của phố phường. Miền Tây sông nước sẽ cho bạn có ngay một cảm giác thật yên bình, trong một không gian thoáng đãng bởi nét đặc trưng, với hình ảnh của sông nước trong veo, những hàng cây xanh ngát.. Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, giữa hàng thủy liễu ven sông luôn nghiêng mình ngả bóng đón chào.

Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê. Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với đầy trăng, gió, sóng nước mênh mang. Khách có thể đi thuyền trên sông, ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm trong tiếng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Đến cù lao Thới Sơn, bạn được thưởng thức một loại nước uống với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn… Nam nữ có thể thay áo bà ba và xuống ao để tự mình có thể bắt cá.

Bạn sẽ được thả hồn vào không khí trong lành của miền Tây khi tận mắt thấy được cảnh làng quê thanh bình, hàng dừa xanh mát. Điểm thú vị nhất là ngồi trên xuồng để đến cồn Thới Sơn. Dọc theo dòng sông dài gần 2 km là những hàng dừa rợp bóng cùng hàng trăm chiếc xuồng nối tiếp nhau tạo cho bạn cảm giác thật thư thái, dễ chịu.

Sau cù lao Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan.

Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!