Có thể bạn quan tâm

Cầu tre miền quê duyên dáng vùng sông nước

Chiếc cầu tre miền quê miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước. Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Trước kia, sông rạch là huyết mạch kinh tế của người dân nông thôn, ngày ấy, vùng quê còn nghèo, cây cầu tre đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu tre từ người lớn đến trẻ em dường như đã quen với “nhịp lắc” và cái gập ghềnh mỗi khi đến trường hay đi học về.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Có lẽ cái sợi đây gắn kết ấy đã có từ khi đứa trẻ ra đời, hình ảnh cây cầu tre đã theo lời ru của mẹ mà lớn lên theo năm tháng. Rồi dù ta có trưởng thành, đi xa hình ảnh cây cầu tre thuở bé vẫn theo chân mỗi người như hành trang quý báo, kết chặt nghĩa tình, gợi lên sự dịu dàng yêu thương.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến vùng sông nước mênh mông trù phú, cùng với các chiếc cầu tre, chiếc xuồng ba lá chiếm một vị trí văn hóa quan trọng trong đời sống. Nếu hình ảnh cây cầu tre quen thuộc với người dân miệt vườn thì nó lại là nỗi sợ của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên “chiếc lưng trần” của cây cầu giống đôi chân của một cụ già.

Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, con rạch, cây cầu bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt bởi bám rong, bùn. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Cầu tre miền quê là vậy, lúc nào cũng đơn sơ và giản dị. Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại là cây cầu đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước quê mùa. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu đã “hòa mình” vào cuộc sống ở kênh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mỗi ngày như mọi ngày mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê..

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

Cầu tre duyên dáng tình quê

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ, cây cầu tre cũng mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng này… Giờ đây, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu tre quê hương.

Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.

Mẹo dân gian giúp trị ho cho trẻ

[vanhoamientay.com] Các chuyên gia y tế khuyên, khi trẻ bị ho cha mẹ không nên để trẻ dùng kháng sinh mà nên áp dụng một số bài thuốc dân gian để trị ho cho trẻ 

Trẻ bị ho khiến cha mẹ lo lắng. Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), không chỉ người dân mà thậm chí đôi khi cả các bác sĩ cũng lạm dụng thuốc kháng sinh. Ho ở trẻ là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất. Tốt nhất cha mẹ nên sử dụng nhựng bài thuốc dân gian sau.

Nước vo gạo và rau diếp cá

Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn trộn đều với một chén nước vo gạo, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống sẽ giúp trị ho

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn

Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn bỏ vào chén sứ, thêm một ít nước lọc và một ít mật ong đem hấp cách thủy khoảng 10-15 phút, mỗi lần cho bé uống 2-3 thìa cà phê, uống 3 lần/ một ngày.

Cây xương sông

Lá xương sông nên sử dụng búp lá non, không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn chữa khàn tiếng do viêm thanh quản. Lá xương sông và một ít lá hẹ: rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều với đường. Hấp cách thủy, rồi để nguội cho trẻ uống trong ngày.

Củ nghệ tươi

Củ nghệ tươi đem giã nhỏ, thêm nước lọc, 5g đường phèn đưa vào chưng cách thủy 10 phút cho bé uống, mỗi lần uống ½ thìa cà phê tùy vào độ tuổi của bé. Cứ như thế ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.

Quất xanh

2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Hạt quả quất xanh

Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường sẽ giúp trị ho hiệu quả

Lê + đường + xuyên bối

Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào bên trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ. 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thuỷ chừng 30 phút. Ngày cho bé ăn 2 lần. Có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm.

Nước củ cải luộc

4-5 lát củ cải trắng cho vào một nồi nhỏ với ít nước, đun sôi, sau đó để lửa liu riu thêm 5-10 phút. Cho bé uống nước này khi còn nóng điều trị ho, khô mũi, đau hong, ho khan, có đờm.

Hoa hồng bạch

Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với lượng đường phèn vừa đủ, một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống 3-4 lần/ngày, 1 thìa/lần.

Nước tỏi hấp trị ho cho trẻ

Lấy 2-3 tép tỏi, đập dập, cho vào bát, thêm một nửa chén nước, 1 viên đường phèn, hấp cách thuỷ 15 phút. Chỉ cần uống nước tỏi hấp này khi còn ấm, ngày 2-3 lần, vửa tốt cho dạ dày, phổi, vừa trị được ho, cảm lạnh.

Tỏi và mật ong

Giã nát hai tép tỏi, trộn với hai thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy. Chú ý không được hấp chín tỏi, nếm thử thấy vị hắc mùi tỏi là được. Cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1 – 2 lần. Trước khi uống, nên cho bé uống nước lọc trước

Lá hẹ và đường phèn

Chọn khoảng 5-10 lá hẹ và một ít đường phèn mang hấp cách thủy. Sau đó lấy nước cho bé uống. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-3 thìa.

Đu đủ chín

Một quả đu đủ gọt bỏ vỏ (lưu ý là đu đủ chín cây), cho 100ml mật ong vào, sau đó đun lên để ăn. Bài thuốc này dùng để chữa ho không có đờm.

Trà cam thảo

Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.

Húng chanh và quất

Chọn khoảng 15 – 16 lá húng chanh và từ 4 – 5 quả quất xanh, rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống liên tục 1 – 2 lần/ngày đến khi hết ho.

Theo Gia Đình

Bánh Tét Lá Cẩm

[vanhoanmientay] Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của người miền Nam thường được làm trong các dịp lễ Tết hoặc đám giỗ. Bánh được ưa chuộng không chỉ đẹp bởi màu tím rực rỡ, mà còn bởi mùi vị đặt trưng.

Bánh  được nấu bằng cách dùng lá cẩm để lấy nước xào với nếp dẻo, nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp,nếp được dùng để làm bánh tét này phải là nếp ngon, ngâm với nước lá cẩm để có màu tím hồng rất bắt mắt. Lá cẩm tươi luộc lên với một ít nước, sau đó ngâm trong khoảng 8 giờ mới tạo ra màu sẫm đẹp.

Hột nếp ngon, phải thử bằng cách cắn trong răng. Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo. Loại nếp này khi nấu thành bánh sẽ khiến miếng ăn mất ngon, bị “chỏi” vì lẫn những hột khô cứng.

Nhân của bánh tét lá cẩm cũng là đậu xanh, có thịt, đặc biệt nhất là có thêm hột vịt muối. Sau khi gói và luộc bánh chừng 4-5 tiếng đồng hồ, bánh chín được cắt ra vừa thơm ngon vừa có màu sắc đẹp rực rỡ, tô điểm cho mâm cỗ ngày Tết

Lá chuối gói bánh không được non hoặc già quá, được lau sạch, không cần phết dầu, vì nước cốt dừa trong hột nếp khi nấu tiết ra đủ để không làm nếp dính lá khi nấu bánh chín. Xào cũng là khâu quan trọng. Nếu xào dư liều nước, bánh nhão, không ngon.

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ gói dẻ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Màu tím hồng của nếp cẩm làm nổi bật lớp nhân đậu xanh chắc nịch, thịt mỡ trong veo và trứng muối vàng ươm. Khi thưởng thức, miếng nếp thơm và béo quyện trong miếng thịt mềm như có thể tan chảy cùng vị đậu xanh, trứng muối mặn mặn bùi bùi… khiến bất cứ ai thử qua cũng không thể cưỡng lại vị thơm ngon đậm đà của bánh.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ – ghi dấu khá đậm nét trong nền ẩm thực miền Tây Nam Bộ nói chung

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Hãy tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống hàng ngày cùng bạn bè, người thân tìm về hương đồng gió nội, tận hưởng cảm giác thư thái khi khám phá khu du lịch Xẻo Quýt mùa nước nổi này

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quýt có diện tích 50ha, trong đó có 20h là rừng tràm, Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một căn cứ quân sự, ngày nay Xẻo Quýt trở thành địa điểm nổi tiếng trong những chuyến du lịch về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Khi xưa Xẻo Quýt toàn cỏ dại hoang vu, địa thế hiểm trở nên được Tỉnh ủy Kiến Phong thời đó (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ lãnh đạo kháng chiến. Rừng tràm này chính là thành quả của người dân địa phương trồng để bảo vệ, che chở cán bộ hoạt động cách mạng. Những công sự, hầm tránh bom, hầm bí mật, nhà họp… mà nhân dân xây dựng hiện được giữ gìn nguyên vẹn.

Đến với Xẻo Quýt, du khách sẽ cảm nhận ngay một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tham quan Xẻo Quýt vào mùa khô, bạn sẽ len lỏi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo dưới tán tràm mát rượi. Mùa nước lên, trên chiếc xuồng ba lá, những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo đưa bạn luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào những di tích nằm khuất trong rừng tràm mênh mông.

Khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp

Ở đây môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp… Vì vậy mà người ta gọi Xẻo Quýt là Đồng Tháp Mười thu nhỏ, trên đường đi du khách sẽ được những cô du kích mời ăn nhẹ món ăn dân dã và là đặc sản ở vùng này: cơm nắm lá sen muối mè.

Bên cạnh đó, khu di tích Xẻo Quýt với môi trường sinh thái hết sức đa dạng với hơn 170 loài thực vật: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… và 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rái cá, rùa hộp…

Bạn sẽ được sống lại khung cảnh của chiến khu xưa khi chứng kiến những hầm tránh bom chử A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z được đào đắp bằng đất được phục chế nguyên vẹn như trước. Ngoài ra còn có những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh.

Giữa thiên nhiên hoang dã đặc trưng hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, bạn có thể nghe rõ tiếng mái dầm khuấy nước rào rạt, tiếng cá quẫy nước và tiếng gió thổi rì rào trên lá. Hít đầy không khí trong lành vô lồng ngực, cảm giác những bụi bặm chốn thành đô phút chốc như được gột sạch.

Một điểm thú vị khi đến Xẻo Quýt là du khách sẽ được “Đi xuồng gỡ chài”, lắc lư trên xuồng ba lá men theo rừng tràm để đi gỡ chày bắt cá, tôm,… những sản phẩm thu được sẽ được người dân địa phương chế biến thành những món đặc sản như: cá trê chiên mắm xoài, ốc bưu hấp hèm…

Cá lóc nướng sen, chuột đồng nướng, lươn đồng nấu chua, ếch nướng mọi, là những món ăn đặc sản của nơi đây, còn gì thú vị hơn khi vừa dùng cơm vừa thưởng thức và giao lưu đờn ca tài tử, rồi tự do khám phá tham quan rừng tràm nguyên sinh, câu cá giải trí, hoặc mắc võng nằm nghĩ dưới tán rừng tràm xanh mượt…

Khu di tích căn cứ Tỉnh Ủy, Hậu Giang

[vanhoamientay.com]Khu căn cứ Tỉnh ủy còn gọi là căn cứ Bà Bái, nằm ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, được bao bọc bởi bốn chiến hào: kênh Xáng, Lái Hiếu (phía đông nam), kênh Cả Cường (phía đông bắc), kênh cũ (phía tây bắc) và kênh Bà Bái (phía tây nam).

Lối dẫn vào khu căn cứ tỉnh ủy là một con đường nhỏ rợp bóng, ánh nắng mặt trời nhuộm thêm cho cảnh vật một màu vàng thi vị….Trước kia, đây là nơi ngăn chặn các cuộc càng quét, đánh phá, bao vây của địch rất có hiệu quả. Những tán cây rậm rạp như giúp che phủ cho người lính trẻ dũng cảm. Hiện nay, đây là nơi tham quan của rất nhiều du khách, cũng như các bạn học sinh, sinh viên-giới trẻ ngày nay học tập truyền thống bất khuất kiên cường của cha ông ta thời trước.

Khu di tích bao gồm: hội trường, nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh ủy Cần Thơ, rộng 151m2, được làm từ các vật liệu chính là: tràm, đước, sắn và mù u… Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của ban thường vụ và đồng chí Bí thư.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của toàn miền Nam, các đồng chí trong Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ cũng từ đây đi theo các mũi tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các trọng điểm khác của “Vùng IV chiến thuật”, đánh chiếm sân bay Trà Nóc, dinh tỉnh trưởng Cần Thơ. Vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975, tiếng nói đầu tiên của UBND cách mạng được phát lên sóng của đài phát thanh Cần Thơ.

Từ năm 1980, nhà này được sử dụng để trưng bày các hiện vật về di tích. Ngoài ra còn hàng chục các lán trại của các cơ quan trực thuộc, nhưng hiện nay không giữ được do vật liệu xây dựng mang tính dã chiến, nhanh bị phá hỏng.

Năm 1986, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã trùng tu khu di tích. Toàn bộ cột của hội trường và hai hầm tránh pháo được đúc bằng bê tông cốt sắt, nhưng hình dáng, màu sắc và qui cách giống hệt như xưa.

Băng Tâm tổng hợp

Phụ nữ nên làm việc nhẹ nhàng

[vanhoamientay.com] Phụ nữ chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi

Một ông chồng tâm sự với bạn:

– Cậu biết không, phụ nữ cần được làm những công việc nhẹ nhàng. Như vợ tớ chẳng hạn, mỗi ngày cô ấy mang trên tay không quá một kg.

– Thế cô ấy làm việc gì?

– Bán vé số!

st

Nhớ món mít non kho xá xị

[vanhoamientay.com] Mít là loại cây ăn quả được trồng phổ biến khắp nước ta. Mít già hay non đều có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các món ngon chế biến từ mít cũng rất dễ thực hiện, trong đó có món mít non kho xá xị nước dừa ăn với cơm nóng rất ngon, một món ăn dân dã đậm đà nhưng lại rất lạ miệng còn được gọi là mít kho tàu.

Ở miền quê, hầu như nhà nào cũng trồng rất nhiều mít chung quanh bờ vườn. Hàng năm, người dân quê nơi đây bắt đầu chế biến các món ăn từ khi quả mít còn non cho đến khi già chín mới thôi. Không hiểu sao họ vẫn cứ thích ăn các món canh được chế biến từ mít như món mít non nấu canh lá lốt, mít xào tôm tép, mít trộn gỏi, mít kho với cá, nhút mít… và “hảo” nhất có lẽ là món mít kho tàu.

Món ăn dân dã này được người dân nơi đây nghĩ ra, chế biến làm ăn thử thấy ngon và truyền miệng nhau phổ biến ra các miền lân cận. Mít kho xá xị quả là một trải nghiệm thật sự thú vị và vô cùng mới lạ cho bữa cơm người Việt.

Món món mít non kho xá xị  vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ, vừa thích hợp ăn mặn và cả ăn chay, nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến đơn giản, đảm bảo sẽ là một món ăn ưa chuộng cho cả gia đình được nhiều người biết đến bởi nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và… quyến rũ nên càng kích thích vị giác.

Làm món mít kho phải có những quả mít xanh còn non, hạt còn mềm, sớ mịn, mít tươi trên cây hái xuống là phải làm liền mới ngon. Mít non rất nhiều mủ, quả mít được gọt vỏ dưới vòi nước chảy, để tránh nhựa dính vào tay và quần áo.

Quả mít non sau khi được gọt vỏ, cắt dọc thành nhiều miếng ngâm nước pha chút muối khoảng 10 phút, rửa lại nước lạnh, sau đó cắt miếng theo sớ dày khoảng 3- 4cm.

Cho dầu vào chảo phi tỏi cho thơm, rồi cho mít vào chiên vàng hai mặt, múc ra rổ tre cho ráo dầu. Xếp mít đã chiên vào nồi. Đổ nước dừa tươi vào ngập xăm xắp cùng với gia vị xá xị, nước tương, muối, bột ngọt… cho vừa khẩu vị, kho với ngọn lửa liu riu, cho đến khi nước dừa rút cạn, mít mềm có màu nâu sẫm là được. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Bên cạnh vị ngọt rất đặc biệt từ mùi hương xá xị thơm nồng “làm mới” món ăn, tạo nên hương vị đặc trưng của nó, trở thành một lựa chọn cho sự “ưa thích” của khẩu vị và “ngũ quan” của mỗi cá nhân để tự khẳng định mình, cùng kết hợp tạo thành một món ăn hấp dẫn, hương vị thơm nức phù hợp thay đổi khẩu vị cho cả gia đình.

Nguồn nguyên liệu lại vừa được hái ở vườn nhà giữa không gian đồng quê pha lẫn mùi thơm của hương mạ non, hương lúa, rơm rạ, mùi thơm dịu nhẹ của hoa nhài, hoa cúc, hoa bưởi… tất cả hòa quyện với nhau thành một hương vị dân dã rất đặc biệt, khó có gì sánh bằng.

Món ăn ngọt thơm thấm thía tinh hoa ẩm thực cứ vấn vương nơi đầu lưỡi đã đem đến cho gia đình sự hấp dẫn độc đáo khi được trải nghiệm những món ngon tuyệt hảo làm cho không khí gia đình càng thêm đầm ấm. Vị ngọt ngọt và bùi bùi của mít hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của xá xị và nước dừa, khiến ăn rất “tốn cơm”.

Có thể nói món mít kho xá xị nước dừa đã trở thành “thương hiệu” riêng, có sức hấp dẫn đến lạ lùng khiến thực khách ghé thăm tò mò muốn khám phá món ăn này. Khi được thưởng thức, thấy ngon thiệt lại đậm đà khẩu vị mới thỏa sự tò mò, khiến thực khách dù chỉ ăn một lần thôi cũng đủ nhớ đời…

Báo Vĩnh Long
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!