Có thể bạn quan tâm

Khu di tích căn cứ Tỉnh Ủy, Hậu Giang

[vanhoamientay.com]Khu căn cứ Tỉnh ủy còn gọi là căn cứ Bà Bái, nằm ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, được bao bọc bởi bốn chiến hào: kênh Xáng, Lái Hiếu (phía đông nam), kênh Cả Cường (phía đông bắc), kênh cũ (phía tây bắc) và kênh Bà Bái (phía tây nam).

Lối dẫn vào khu căn cứ tỉnh ủy là một con đường nhỏ rợp bóng, ánh nắng mặt trời nhuộm thêm cho cảnh vật một màu vàng thi vị….Trước kia, đây là nơi ngăn chặn các cuộc càng quét, đánh phá, bao vây của địch rất có hiệu quả. Những tán cây rậm rạp như giúp che phủ cho người lính trẻ dũng cảm. Hiện nay, đây là nơi tham quan của rất nhiều du khách, cũng như các bạn học sinh, sinh viên-giới trẻ ngày nay học tập truyền thống bất khuất kiên cường của cha ông ta thời trước.

Khu di tích bao gồm: hội trường, nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh ủy Cần Thơ, rộng 151m2, được làm từ các vật liệu chính là: tràm, đước, sắn và mù u… Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của ban thường vụ và đồng chí Bí thư.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của toàn miền Nam, các đồng chí trong Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ cũng từ đây đi theo các mũi tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các trọng điểm khác của “Vùng IV chiến thuật”, đánh chiếm sân bay Trà Nóc, dinh tỉnh trưởng Cần Thơ. Vào hồi 11h30 ngày 30/4/1975, tiếng nói đầu tiên của UBND cách mạng được phát lên sóng của đài phát thanh Cần Thơ.

Từ năm 1980, nhà này được sử dụng để trưng bày các hiện vật về di tích. Ngoài ra còn hàng chục các lán trại của các cơ quan trực thuộc, nhưng hiện nay không giữ được do vật liệu xây dựng mang tính dã chiến, nhanh bị phá hỏng.

Năm 1986, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã trùng tu khu di tích. Toàn bộ cột của hội trường và hai hầm tránh pháo được đúc bằng bê tông cốt sắt, nhưng hình dáng, màu sắc và qui cách giống hệt như xưa.

Băng Tâm tổng hợp

Về Đồng Tháp ăn bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo Cao Lãnh, Đồng Tháp không những nổi tiếng bỡi loại bánh làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi, mà trên hết là bánh với nhân từ thịt vịt.

Về Đồng Tháp ăn bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo là món ăn quen thuộc của cả miền Trung và miền Nam, thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật nhất tại miền Tây Nam bộ phải kể đến bánh xèo Cao Lãnh, Đồng Tháp. Loại bánh làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi với nhân thịt vịt

Bánh xèo có cách chế biến khác nhau

Gạo được chọn làm bánh là loại gạo mới, có mùi thơm và thuộc nhóm gạo khi nấu cơm thì cơm khô nở chứ không phải loại gạo dẻo. Gạo mang đi ngâm, xay nhuyễn hòa với nước cốt dừa, chút muối, hành lá xắt nhuyễn. Nguyên liệu cơ bản để làm nhân là củ sắn (củ đậu) và giá đậu xanh.

Tại Cao Lãnh cùng với của sắn và giá, các đầu bếp thường làm bánh xèo nhân tôm thịt và bánh xèo thịt vịt. Tôm được dùng là tôm đất hoặc tôm sú. Thịt heo phải chọn phần thăn để thịt mềm. Bắt chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng. Sau đó cho lần lượt các loại nhân vào. khi bánh giòn thì gấp lại làm đôi.

Bánh xèo thịt vịt 

Bánh xèo thịt vịt được xem là đặc trưng của Cao Lãnh. Vịt làm sạch, lóc bỏ bớt các xương to, còn chừa xương nhỏ, bằm nhuyễn cả con. Thay vì cho thịt heo và tôm làm nhân, bánh xèo thịt vịt chỉ dùng thịt vịt kèm củ sắn và giá. Điều thú vị nhất của món này là thực khách sẽ có cảm giác cái giòn giòn lợn cợn của xương vịt khi nhai.

Bánh xèo thịt vịt 

Muốn có cái bánh ngon, đầu bếp phải chú ý rất nhiều chi tiết, kể cả thời gian chiên bánh lẫn kỹ thuật lật gấp bánh. Bánh chiên xong sẽ được lót lá chuối tươi để có mùi thơm.

Bánh thành phẩm được bày lên đĩa, ngươi ăn có thể tùy theo sở thích, hoặc xé từng miếng cho vào chén rồi chan nước mắm, hoặc cuốn với rau thơm.

Về Đồng Tháp ăn bánh xèo Cao Lãnh

Nước mắm chua ngọt và đồ chua làm từ củ cải trắng, cà rốt được xem là linh hồn của món ăn. Theo dân sành ăn, hàng quán hơn nhau ở chỗ pha nước mắm. Quán nào nước mắm không ngon, quán đó chắc chắn vắng khách.

Bên cạnh nước mắm, điều khiến món bánh xèo trở nên hấp dẫn và cũng là thành phần không thể thiếu đối với món bánh xèo đó chính là rau. Tại khu bánh xèo Cao Lãnh nổi tiếng trên đường Lê Duẩn (TP Cao Lãnh), ngoài xà lách, rau quế, húng cây, diếp cá, thì đọt bằng lăng, lá cát lồi (trị đau khớp), lá lốt, lá cách hái từ vườn là những thứ “phụ kiện” làm tăng thêm tính hấp dẫn và giúp người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.

Về Đồng Tháp ăn bánh xèo Cao Lãnh

Quán ăn hủ tiếu Mỹ Tho

[vanhoamientay.com] Nếu một lần về miền Tây ngang qua đất Tiền Giang, bạn hãy ghé Mỹ Tho ăn hủ tiếu nhé. Hủ tiếu Mỹ Tho một đặc sản ngon nhất vùng

Ðiều làm nên hương vị riêng khiến cho hủ tiếu Mỹ Tho trở nên nổi tiếng kể từ thập niên sáu mươi chính nhờ việc chọn loại gạo làm ra cọng bánh và nồi nước lèo pha chế của các đầu bếp trứ danh đất Mỹ Tho. Đặc điểm của Hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai dai, hương vị hơi chua, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác.

– Hủ tiếu chú 7: Tiệm thuốc tây Thảo Nguyên (hướng Lê Lợi lên dốc cầu Nguyễn Trãi) nhìn xéo qua: Hủ tiếu ở đây đặc biệt bởi sợi hủ tiếu nhỏ, dai, nước chấm ngon, nguyên liệu : thịt lát, gan, bao tử, phèo, hoành thánh

 – Hủ tiếu xíu mại gần hủ tiếu chú 7 ( đối diện điểm tiếp dân P7) : Hủ tiếu ở đây đặc biệt khi bạn kêu thêm 1 viên xíu mại ăn kèm, ngoài ra ở đây cũng có bán bánh mì xíu mại

 – Hủ tiếu 8 Lài : đối diện NH Vietcombank đường Đinh Bộ Lĩnh: hủ tiếu ở đây đặc biệt vì có thêm miếng hoành thánh chiên, khi ăn hết tô phía đáy có tôm khô rất ngon

 – Hủ tiếu 10 Tuấn : kế bên hủ tiếu 8 Lài: hủ tiếu ở đây đặc biệt sẽ ngon khi bạn kêu thêm 1 chén hột gà

 – Hủ tiếu Rùa : gần dốc cầu Hùng Vương, ở đây bạn kêu 1 tô hoành thánh không hoặc bánh canh thì ngon hơn hủ tiếu

 Hủ tiếu đầu giếng nước đường Ấp Bắc, bạn có thể đổi khẩu vị khi kêu hủ tiếu lấy tôm, mực hoặc trứng cút.  Ngoài ra còn có 1 số quán ăn tạm được khác như:

– Hủ tiếu 4 Lùn gần chợ cũ

 – Hủ tiếu Tuyết Trinh đường Ấp Bắc

 – Hủ tiếu 44 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

 – Quán ủ tiếu gần bảo hiểm Bảo Việt

Vào bất kỳ tiệm bán hủ tiếu nào ở Mỹ Tho cũng sẽ nhìn thấy trên bàn ăn những thứ lỉnh kỉnh như: lọ nước mắm, tương xì dầu, tương ớt, tương đen, chanh, giá sống, ớt hiểm, tỏi, ớt sừng trâu sắc xéo. Rỗ rau thường có ngò gai, quế là những thứ không bao giờ thiếu. Nước lèo đặc biệt ngon nhờ những bí quyết gia truyền.

Hủ tiếu Mỹ Tho vang danh một vùng

[vanhoamientay.com] Hủ tiếu Mỹ Tho món ăn vang danh một vùng bởi những nét đặc trưng mà món ăn này mang đến. Nhìn qua hủ tiếu Mỹ Tho cũng giống với các loại hủ tiếu khác nhưng khi thưởng thức các bạn mới cảm nhận hết được cái riêng của món ăn này.

Mỹ Tho là thành phố của Tiền Giang, tỉnh được xem như cửa ngõ để du khách khám phá vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với vườn trái cây nặng trĩu bốn mùa, đặc biệt món hủ tiếu Mỹ Tho chính là điểm nhấn của vùng đất này. Chắc hẳn du khách khi ghé thăm Mỹ Tho không thể bỏ qua món ăn này để hoàn thiện chuyến thăm của mình.

Hủ tiếu Mỹ Tho là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Nhìn sơ qua, hủ tiếu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại, với thành phần chính là sợi hủ tiếu, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này.

Đặc điểm của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai và giòn giòn thơm ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Nguyên liệu ăn kèm khá phong phú nên thực khách có thể thoải mái lựa chọn thịt nạc, lòng, xương hay hải sản… tùy theo ý thích. Ngoài hai thành phần đó, cái hấp dẫn người ăn nhất chính là nước dùng. Ngoài vị ngọt của nước hầm xương, còn có cái mằn mặn của tôm khô, ngọt nhẹ của củ cải, tạo cảm giác dìu dịu nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.

Khi chế biến, sợi hủ tiếu được chần sơ qua nước sôi, các loại rau như hẹ, xà lách, giá được cho lên trên, tùy yêu cầu người ăn mà chủ quán có thể cho xương, lòng hoặc hải sản vào, chan ngập nước dùng. Rắc thêm một ít hành phi và tiêu lên trên, bạn sẽ được thưởng thức một tô hủ tiếu thơm và ngon theo đúng điệu của dân miền Tây.

Đơn giản là vậy nhưng hủ tiếu Mỹ Tho đã làm nên thương hiệu và ghi điểm trong lòng thực khách tứ phương mỗi khi đến với vùng đất này. Đến Mỹ Tho mà chưa ăn hủ tiếu thì coi như mất hết một nửa điều thú vị. Điểm nhấn chính của tô hủ tiếu chính là sự pha trộn của các hương liệu tạo nên nước dùng thơm ngon, thu hút bất cứ thực khách nào mỗi khi nhìn thấy.
Trước sức hấp dẫn và hương vị tuyệt vời mà hủ tiếu Mỹ Tho mang đến các bạn hãy thưởng thức món ăn này thử một lần để cảm nhận hết cái ngon của ẩm thực miền Tây nhé!

Theo Kinhdo20nam

Nhớ món mít non kho xá xị

[vanhoamientay.com] Mít là loại cây ăn quả được trồng phổ biến khắp nước ta. Mít già hay non đều có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các món ngon chế biến từ mít cũng rất dễ thực hiện, trong đó có món mít non kho xá xị nước dừa ăn với cơm nóng rất ngon, một món ăn dân dã đậm đà nhưng lại rất lạ miệng còn được gọi là mít kho tàu.

Ở miền quê, hầu như nhà nào cũng trồng rất nhiều mít chung quanh bờ vườn. Hàng năm, người dân quê nơi đây bắt đầu chế biến các món ăn từ khi quả mít còn non cho đến khi già chín mới thôi. Không hiểu sao họ vẫn cứ thích ăn các món canh được chế biến từ mít như món mít non nấu canh lá lốt, mít xào tôm tép, mít trộn gỏi, mít kho với cá, nhút mít… và “hảo” nhất có lẽ là món mít kho tàu.

Món ăn dân dã này được người dân nơi đây nghĩ ra, chế biến làm ăn thử thấy ngon và truyền miệng nhau phổ biến ra các miền lân cận. Mít kho xá xị quả là một trải nghiệm thật sự thú vị và vô cùng mới lạ cho bữa cơm người Việt.

Món món mít non kho xá xị  vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ, vừa thích hợp ăn mặn và cả ăn chay, nguyên liệu dễ tìm, cách chế biến đơn giản, đảm bảo sẽ là một món ăn ưa chuộng cho cả gia đình được nhiều người biết đến bởi nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và… quyến rũ nên càng kích thích vị giác.

Làm món mít kho phải có những quả mít xanh còn non, hạt còn mềm, sớ mịn, mít tươi trên cây hái xuống là phải làm liền mới ngon. Mít non rất nhiều mủ, quả mít được gọt vỏ dưới vòi nước chảy, để tránh nhựa dính vào tay và quần áo.

Quả mít non sau khi được gọt vỏ, cắt dọc thành nhiều miếng ngâm nước pha chút muối khoảng 10 phút, rửa lại nước lạnh, sau đó cắt miếng theo sớ dày khoảng 3- 4cm.

Cho dầu vào chảo phi tỏi cho thơm, rồi cho mít vào chiên vàng hai mặt, múc ra rổ tre cho ráo dầu. Xếp mít đã chiên vào nồi. Đổ nước dừa tươi vào ngập xăm xắp cùng với gia vị xá xị, nước tương, muối, bột ngọt… cho vừa khẩu vị, kho với ngọn lửa liu riu, cho đến khi nước dừa rút cạn, mít mềm có màu nâu sẫm là được. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Bên cạnh vị ngọt rất đặc biệt từ mùi hương xá xị thơm nồng “làm mới” món ăn, tạo nên hương vị đặc trưng của nó, trở thành một lựa chọn cho sự “ưa thích” của khẩu vị và “ngũ quan” của mỗi cá nhân để tự khẳng định mình, cùng kết hợp tạo thành một món ăn hấp dẫn, hương vị thơm nức phù hợp thay đổi khẩu vị cho cả gia đình.

Nguồn nguyên liệu lại vừa được hái ở vườn nhà giữa không gian đồng quê pha lẫn mùi thơm của hương mạ non, hương lúa, rơm rạ, mùi thơm dịu nhẹ của hoa nhài, hoa cúc, hoa bưởi… tất cả hòa quyện với nhau thành một hương vị dân dã rất đặc biệt, khó có gì sánh bằng.

Món ăn ngọt thơm thấm thía tinh hoa ẩm thực cứ vấn vương nơi đầu lưỡi đã đem đến cho gia đình sự hấp dẫn độc đáo khi được trải nghiệm những món ngon tuyệt hảo làm cho không khí gia đình càng thêm đầm ấm. Vị ngọt ngọt và bùi bùi của mít hòa quyện với mùi thơm đặc trưng của xá xị và nước dừa, khiến ăn rất “tốn cơm”.

Có thể nói món mít kho xá xị nước dừa đã trở thành “thương hiệu” riêng, có sức hấp dẫn đến lạ lùng khiến thực khách ghé thăm tò mò muốn khám phá món ăn này. Khi được thưởng thức, thấy ngon thiệt lại đậm đà khẩu vị mới thỏa sự tò mò, khiến thực khách dù chỉ ăn một lần thôi cũng đủ nhớ đời…

Báo Vĩnh Long

Cách làm bánh ú nước tro – Văn hóa miền Tây

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Ngày nay, chiếc bánh ú nước tro còn xuất hiện trong dịp lễ tết, hay đám giỗ.

Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam.

Bánh ú nước tro có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh được gói bằng lá tre bên ngoài, bên trong là nếp và nhân đậu xanh. Thành phần có vẻ đơn giản nhưng để làm ra chiếc bánh ú nước tro thì phải trải qua nhiều công đoạn hết sức công phu.

Ngày xưa, để có nước tro làm bánh, người ta lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong. Ngày nay phần nước tro đã có bán ngoài chợ nên tiện lợi hơn nhiều. Ngoài ra khi làm chúng ta cần lưu ý nếu nếp có độ trong ít thì không đẹp và trong nhiều quá thì bánh có hậu đăng đắng. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm.

Cách làm bánh ú nước tro:

– Nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm gạo nếp vào thau nước lạnh có hòa một ít muối, ngâm khoảng 5-6 tiếng, đãi lại cho sạch.

– Cho nếp vào thau sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro (một muỗng nước hòa với 1 lít nước), mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng. Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

– Sau đó, nếp xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để ráo nước

– Đậu xanh đã đãi vỏ, ngâm vào thau nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đậu xanh chín mềm.

– Khi đậu vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đậu mịn ra. Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội, vo viên tròn nhỏ.

Cách làm bánh ú nước tro

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn,

– Khi gói bánh, người ta cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Sau khi gói xong, bánh được xếp vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá.

Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng để cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.

Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh… tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.


Nét đẹp chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang

[vanhoanmientay.com] Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Tây Nam bộ. Sau bao mưa nắng dãi dầu, sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững với vẻ đẹp lộng lẫy của mình.

Chùa tọa lạc trên một mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 ha, thuộc làng Mỹ Hòa, nay là xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Trước kia, chùa vốn là một thảo am do ông Tri huyện Bùi Công Đạt xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Đề. Khi ngài viên tịch, ngôi chùa hương tàn khói lạnh.

Năm 1890, bổn đạo đến chùa sắc tứ Linh Thứu thỉnh Hòa thượng Quảng Ân – Chánh Hậu về trụ trì. Năm 1895, ngài đã tổ chức xây lại ngôi chùa. Chùa lại bị hư hỏng nặng vì trận bão năm 1904. Từ năm 1907 đến năm 1911, ngài đã khuyến giáo tín đồ đóng góp công của đại trùng tu ngôi chùa và mời điêu khắc gia Tài Công Nguyên đảm nhận phần trang trí và tạc các tượng thờ trong chùa.

Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến viếng thăm chùa là vẻ đẹp tráng lệ của cổng Tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933. Nét độc đáo của cổng Tam quan này thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng trang trí theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc cả Á lẫn Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản…chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ Gô-tích. Từ xa trông vào, du khách có thể hình dung ngôi chùa như Ăngco có 5 tháp.

Ở chính điện có bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907-1908. Trên bàn thờ có nhiều pho tượng như A Di Đà, Thích Ca, La Hán và các tượng Bồ Tát… Bộ tượng cổ nhất ở chùa Vĩnh Tràng là bộ Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) được làm bằng đồng. Tượng Ngọc Hoàng cũng bằng đồng to bằng người thật.

Hai bên tường trong chánh điện là bàn thờ Thập Điện Minh Vương Bồ Tát. Đặc biệt ở đây còn có bộ tượng Thập Bát La Hán và những tác phẩm chạm khắc bằng gỗ độc đáo, mà một số nghệ nhân ở Nam bộ đã tạo vào năm 1907. Bộ tượng này bằng danh mộc, mỗi tượng cao khoảng 0,8 m, bề ngang gối 0,58 m được đặt hai bên điện Phật, mỗi vị La Hán có bửu bối riêng của mình tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Các tượng La Hán này được tạo hình cân đối, sinh động, cưỡi trên những con thú như: trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác…

Trong khuôn viên chùa còn có nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ nên tạo được cảm giác yên lành, thanh thản trong lòng du khách, đồng thời cũng là trang điểm cho ngôi chùa thêm lộng lẫy hơn.

Có thể nói, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ nhất, đẹp nhất ở miền Tây Nam bộ. Vì lẽ đó, hàng ngày chùa đón nhận một lượng lớn khách từ thập phương về đây viếng thăm, cúng bái.

Theo Báo Hậu Giang
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!