Có thể bạn quan tâm

Món khô vũ nữ chân dài ăn là ghiền

[vanhoamientay.com] Vùng Bảy Núi, An Giang không những nổi tiếng với lễ hội chọi Trâu hàng năm, mà nay vùng đất này còn được biết đến nhiều hơn với một loại khô khác độc đáo, khô vũ nữ chân dài.

Khô vũ nữ chân dài là cái tên mỹ miều của của khô nhái, Làng làm khô nhái ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên – An Giang.

Để có được món độc “vũ nữ chân dài” mà các quán nhậu hay gọi, người dân ở vùng này đã soi nhái ngoài đồng đến tận khuya. Người đi soi nhái thường là thanh niên vì chỉ có thanh niên mới nhanh tay, lẹ mắt và bắt thật chín xác từng con nhái trong đêm khuya hun hút.

Nhái cơm có quanh năm ở vùng đồng ruộng miền Tây, nên khô nhái cũng được sản xuất quanh năm. Nhờ khéo tay lại chế biến tinh tế nên không bao lâu, khô nhái miệt này trở thành món ngon nổi tiếng ở miền Tây. Nhái cơm con nhỏ, sau khi lột da, phơi khô chỉ còn bằng ngón tay. Do thơm ngon nên dân nhậu đã tặng cho loài khô này những cái tên khá mỹ miều  vũ nữ chân dài hay kiều nữ đại gia.

Để làm món khô mà ăn ăn cũng ghiền này, sau khi làm sạch nhái, chế biến bằng các gia vị và đem phơi 2 nắng mới có thể sử dụng được, nếu trời không nắng thì phải sấy bằng lò.

Với cái tên gọi thú vị cùng hương vị đậm đà, món khô nhái đang dần trở thành món ăn đậm chất miền Tây được ưa thích.

Người soi nhái chỉ cần bộ đồ nghề gồm: chiếc bình ắc quy, đèn soi, rọng sắt, cái chụp là có thể kiếm được 10 kg nhái một đêm hè; khoảng 4kg một đêm mùa đông.

Bình quân cứ 4 ký nhái tươi sẽ cho một ký khô. Giá nhái khô hiện khoảng  540.000 đồng/kg, còn vào dịp Tết lên đến 650.000 – 700.000 đồng/kg mà không có hàng để bán.

Khô nhái rất ngon, vừa thơm vừa giòn, có thể coi là món “lai rai” hấp dẫn, ít có món khô nào qua mặt được. Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt, vừa thơm ngon, ngọt dịu, vừa cay cay, mằn mặn, béo, giòn, mùi vị rất đặc trưng. Đúng là món khô vũ nữ chân dài này ăn à ghiền.

Băng Tâm tổng hợp

Lạ miệng với canh chua lươn nấu trứng kiến

Các món ăn từ lươn đã trở nên khá quen thuộc với những người con của vùng Nam Bộ, tuy nhiên canh chua lươn nấu trứng kiến còn lạ lẫm với nhiều người.

Canh chua lươn nấu trứng kiến

Tạm bỏ qua cách nấu lươn quen thuộc, người dân vùng Đồng Tháp Mười đã đem lươn nấu với trứng kiến tạo nên một món ngon lạ, mang đến cảm giác thú vị cho người thưởng thức.

Lươn đồng vào mùa con nào cũng mập tròn, da căng bóng mẩy. Người đồng bằng chế biến lươn với đủ cách và đã đem lại tiếng tăm cho món um, lươn xào lăn, dồi lươn, lươn nướng nồi đất, lẩu lươn… Món nào cũng làm tốn cơm của mấy bà nội trợ, hao rượu của dân chai lọ. Thế nhưng, ở vùng Đồng Tháp Mười, còn một món lạ đó là canh chua lươn trứng kiến.

Nói về món ăn này, người ta thêu dệt rằng trước đây, cứ vào mùa lũ, lươn cá đầy đồng, chất đạm không thiếu nhưng rau cỏ ngày càng hiếm. Nấu canh chua lươn có vài cọng rau muống đã quý rồi, tìm được ít lá me non dằn cho nồi canh chua ra nét nhưng vẫn còn thiếu. Trong khi loay hoay tìm thêm chất chua bổ sung thì mấy tổ kiến vàng trên mấy cây xoài, gốc mận trong vườn bày ra trước mắt gợi ý cho một món ăn mới ra đời.

Tìm tổ kiến để nấu canh chua phải chú ý, tổ kiến sau khi kết xong sẽ có lớp màng trắng liên kết các lá với nhau, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì bên trong tổ kiến chúa đã đẻ được khá nhiều trứng rồi. Lá cây làm tổ còn tươi mới xanh đậm, lúc này trứng kiến còn mới mọng sữa căng tròn, như vậy trứng mới ngon không lẫn nhiều kiến con đã nở.

 Mỗi nồi canh chua lươn bốn người ăn dùng hai tổ kiến vàng là dư dả. Tổ trứng kiến vừa thọc mang về để chỗ nắng, kiến không ưa nắng nên trong chốc lát chạy biến chỉ còn để lại đám trứng nhỏ như hạt gạo trắng ngà.

Lươn lựa con cỡ nửa cườm tay làm sạch. Đợi nước sôi cho nguyên con vào nồi nấu vài dạo, trút rau muống vào, thêm lá me non, nêm mắm muối cho vừa ăn, bắc nồi khỏi bếp. Lựa đám trứng kiến bị giập, bóp nát cho ra sữa rồi cho vào nồi cùng lúc với đám trứng nguyên. Gặp nóng, từng cái trứng se mặt rồi căng phồng lên, nước canh hơi đục màu trắng của sữa từ trứng kiến được bóp nát cũng bắt đầu dậy mùi.

 Múc muỗng canh nóng hổi có nhúm trứng kiến húp từ từ, những cái trứng nhỏ xíu như hạt gạo lạo xạo trong lưỡi thật thú vị. Trứng vỡ lụp bụp mùi thơm, vị béo bùi, vị chua hăng của trứng kiến hoà với vị chua của lá me non, vị ngọt thịt lươn làm thành một hương vị độc đáo, hoang sơ dân dã, mà vẫn thanh nhã nhẹ nhàng.

Ăn canh chua lươn trứng kiến phải thong dong thì mới thấy hết hương vị của món ăn, mới thấy sự tài tình khéo léo của người xưa biết tận dụng những gì mà thiên nhiên ban tặng.

Nếu có dịp về đất Đồng Tháp Mười hãy thưởng thức canh hua lươn nấu trứng kiến nổi tiếng này với vị béo ngậy, chua chua và giàu chất bổ dưỡng.

Áo bà ba, nét đẹp phương nam

Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là lớp trung niên trở lên. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian…

Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam bộ thuở sơ khai, cũng là tìm về gốc tích của chiếc áo bà ba. Khi đó, không thể lao động nhọc nhằn trong trang phục áo dài, vốn là trang phục truyền thống lúc bấy giờ, ông cha ta đã “biến tấu” và làm nên chiếc áo bà ba giản dị, gọn gàng, nhẹ nhàng và tiện lợi cho người mặc trong khi làm lụng vất vả mà vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, dịu dàng.

Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa. Cụ thể hơn là trang phục của người “Ba Ba”, một nhóm người Hoa sống trên đảo Pesnang thuộc Malaysia ngày nay, được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn khẳng định một điều rằng dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Áo bà ba vốn là loại áo không có cổ. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tùy sở thích mỗi người. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tả  vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần ôm nhẹ thân mình người phụ nữ. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương ứng với thân hình.

Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm hình hài vóc dáng dịu dàng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng làm say đắm lòng người.

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Khăn rằn, nón lá, áo bà ba theo các mẹ, các chị xông pha trong các cuộc nổi dậy, đồng khởi. Có biết bao chiếc áo bà ba nâu chàm, lam lũ, đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những nữ anh hùng Nam bộ, những người phụ nữ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc. Vậy mà hình ảnh các mẹ, các chị trong chiếc áo bà ba vẫn đẹp, vẫn mãi mãi lung linh trong sáng, dệt nên trang sử đẹp của một thời hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét duyên dáng thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp, áo bà ba đảm đang giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu lắt lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba, và nhớ người con gái trong chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng…

Miền nam khí hậu nóng ẩm quanh năm với hai mùa mưa nắng đi về, nên vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát, nhằm giúp người mặc cảm thấy thoải mái, mát mẻ ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt. Nếu ngày xưa, người ta dùng lá bàng, vỏ cây đà, cây cóc… để nhuộm lên nâu của áo, thì nay, màu sắc, họa tiết và hoa văn đã được đưa vào áo bà ba, làm cho áo thêm đẹp, thêm duyên. Phải chăng vì thế mà áo bà ba vẫn muôn đời là đại diên cho nét đẹp mộc mạc, duyên dáng của người phụ nữ miền đất Nam bộ thân thương.

Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa.

Áo bà ba mang đến nét duyên đằm thắm, dịu dàng cho người mặc, cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp mộc mạc, hiền hòa giữa sông nước miền Tây Nam bộ.

Nếu so sánh các trang phục truyền thống trong và người nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã. Chỉ thế thôi nhưng nó đã dệt nên những bản hòa tấu nhẹ nhàng trầm bổng nối hai bờ quá khứ và hiện tại, làm nao lòng bao lữ khách qua đây.

Dù cuộc sống vội vã hơn, ồn ã hơn, dù thời gian có làm cho bao giá trị thay đổi, nhưng đó dây trên con đường thời gian đằng đẵng, mẹ ta, chị ta, em ta vẫn mặc chiếc áo ấy như một nét hồn quê vẫn còn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi ta tìm về bên cõi nhớ…

Không phải ngẫu nhiên mà GS,TS Trần Văn Khê khi nói về không gian văn hóa Nam bộ luôn nói tới chiếc áo bà ba như mội nét đẹp độc đáo. Ông thường nhắc nhở đừng bao giờ để mất nét đẹp đó trong trong cuộc sống của người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Theo Báo An Giang

Bánh cuốn ngọt miền Tây, lạ mà quen

[vanhoamientay.com] Nếu là dân miền Tây thứ thiệt thì sẽ không thể không biết đến một loại bánh cuốn ngọt hay còn gọi là bánh ướt ngọt, nếu trước đây đi khắp miền Tây ta sẽ dễ dàng bắt gặp loại bánh này được bày bán. Nhưng hiện nay, loại bánh này đã khó tìm.

Bánh ướt ngọt mới nghe đã thấy ngọt, ngọt từ trong bánh ra ngoài, ngọt lòng những đứa con Nam bộ xa xứ

Vỏ bánh được làm bằng bột, bột năng, bột gạo, bột sắn dây, vì vậy vỏ bánh rất dai hơi hơi giống bánh da lợn, nhung không cứng, ko quá cũng không quá mềm, vị ngọt có thể gia giảm tùy ý.

Đặc biệt để qua ngày hôm sau trong tủ lạnh mà bánh vẫn còn độ dẽo trong, chỉ cần hâm cho ấm là ăn y như mới làm

Mỗi lá bánh mỏng mịn, xanh mướt màu lá dứa hay vàng ngà màu đường điểm xuyết thêm màu xanh vàng của đậu xanh cùng màu trắng của các sợi dừa đã tạo nên một nét hấp dẫn và độc đáo riêng. Nhân bánh gồm đậu xanh nấu chín, khoai môn nấu chín, dừa bào thành sợi nhỏ.

Khi tráng bột bánh phải thật khéo sao cho lá bánh càng mỏng càng ngon bởi vì điểm đặc biệt nhất của bánh cuốn là mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ phía sau nên từng được ví là thứ bánh “gió thổi bay”

Vỏ bánh dai, mềm, có vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh và khoai môn, kết hợp với chén muối mè thơm lừng không còn gì ngon hơn nữa. Bánh cuốn ngọt có thể được xem là một món ăn thanh đạm nhưng không kém phần hấp dẫn, vị ngon tinh tế so với các loại bánh ngọt khác.

Băng Tâm tổng hợp
Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tuổi thơ tôi trải dài theo những nhánh sông quê, trải dài theo những cây lộc vừng mộc hoang bên triền đê lộng gió, thời đó tôi chẳng biết cây lộc vừng có tên đẹp thế. Tụi nhỏ xóm tôi vẫn gọi cái tên thân quen là cây Chiếc

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tôi vẫn tự hỏi tại sao loại cây mọc hoang mà có hoa đẹp kiêu kỳ đến vậy, cánh hoa trắng tinh khôi, nở thành chùm.

Nhớ khi xưa, vào độ tháng 2 âm lịch, khi cây lộc vừng bung nở lá non, người dân quê tôi vẫn hái ăn kèm với cá kho, hay gói bánh xèo, vị chan chát của lá làm bữa ăn thêm lạ miệng, lá lộc vừng non có màu tím, bóng và mọng nước. Cũng nhờ thế, nơi đồng quê xa xôi, thức ăn thiếu thốn, những người lao động có thêm sức sau những bữa cơm ngon với rau rừng.

Hoa cây lộc vừng

Cũng có những món ăn được chế biến cầu kỳ hơn, lá lộc vừng non làm gỏi trộn với chanh, đậu phộng . Vì lá non có vị hơi chát nên mỗi khi lộc vừng ra lá, trở thành cái cớ để các mẹ đổ bánh xèo, làm làm món ngon ăn cùng lá.

Lộc vừng có hai loại, hoa màu trắng và hoa màu đỏ, loại cây có hoa màu trắng có hoa to hơn. Tuy nhiêu, loại hoa nào cũng có vẻ đẹp kiêu kỳ đáng tự hào của chúng.

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Bây giờ khi đời sống phát triển hơn, người ta vẫn dần ít ăn dần loại lá ngon một thời này. Không cần ra tận đồng xa hay lên rừng nữa, từ thành phố đến nông thôn có thể đâu đâu ta cũng thấy cây lộc vừng đứng trong sân nhà như một biểu tượng của sự mai mắn, sung túc.

Cây lộc vừng – từ quê ra phố

Tuy bị “thuần dưỡng” nhưng đến mùa lộc vừng vẫn thay lá, vẫn cho những đọt non. Nhìn lộc vừng trổ lá non, tôi nhớ về một thời tuổi nhỏ từng băng đồng chăn bò, làm đồng; nhớ về những bữa cơm giữa đồng lúc trời nắng chang chang hay mưa như trút, chỉ có cơm nguội muối vừng và lá cây lộc vừng non; nhớ mẹ tôi với dáng vóc lưng còng, nắm lá lộc vừng trên tay loay hoay chuẩn bị bữa ăn và miệng cứ khen ngon tấm tắc…

Quảng cáo


Vị đắng của gỏi Sầu Đâu

“Mấy cây Sầu Đâu

Ngoại thường ra hái lá,

Trộn gỏi đắng mà

Nghe ngọt lạ bờ môi

Giờ ngoại của tôi

Chân run run tóc bạc lưng còng,

Mấy cây Sầu Đâu đã già xơ xác lá,

Ngoại vẫn kiếm tìm

Xin cho được Sầu Đâu.”

Hình ảnh lá sầu đâu đã trở nên quen thuộc với những người con của vùng đất Nam Bộ, với người yêu những câu hát dân ca. Lá sầu đâu không chỉ làm lưu luyến người nghe trong những câu hát, mà vị đắng của lá còn làm vươn vấn biết bao người yêu ẩm thực vùng đất An Giang.

Lá sầu đâu

Ở miền Nam, cây sầu đâu còn gọi là cây xoan, nhưng khác với cây xoan ở miền Bắc và miền Trung. Nếu cây xoan mọc ở 2 miền này có hoa màu tím, lá có độc không ăn được thì cây xoan ở miền Nam có hoa màu trắng, lá có vị đắng, là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh như thanh nhiệt, ngủ ngon, đau nhức khớp…

Cây sầu đâu mọc nhiều ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên của An Giang, nếu có dịp ghé thăm vùng đất này của miền Tây bạn nhớ thưởng thức món gỏi sầu đâu nhé, vị đắng đặc trưng của món gỏi này sẽ làm luyến lưu thực khách đấy.

Cách chế biến món gỏi sầu đâu

Món gỏi này được chế biến khá đơn giản. Lá non và hoa sầu đâu sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước.

Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng.

Khô cá lóc hay khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ.

Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay.

Cho thêm vào một ít rau thơm, ngò rí và đậu phộng.

Chế biến món gỏi sầu đâu

Cách làm nước chấm

Nước chấm của món này là nước mắm me chua ngọt được chế biến khá công phu,

Đun me với ít nước đẻ lộc lấy nước chua, pha thêm nước mắm, ít đường, tỏi ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa từng vị chua, cay, mặn, ngọt.

Khi thưởng thức món này, người chưa quen sẽ thấy… sợ vì vị đắng của lá sầu đâu, nhưng nếm đủ vị đắng, cay, mặn, chua, ngọt của đĩa gỏi hoàn chỉnh sẽ thấy thú vị.

Gỏi sầu đâu hoặc lá sầu đâu có thể dùng kèm với cơm nóng hoặc ăn kèm với bún cá lóc, mắm thái, cá linh. Càng thú vị hơn nữa nếu có thêm một ly rượu bên cạnh đĩa gỏi sầu đâu, để món ăn đủ hương vị “cay, đắng”.


Ngon lạ với bún Suông, Trà Vinh

[vanhoamientay.com] Ai từng ghé Trà Vinh sẽ có cơ hội thường thức món bún dân dã – bún suông, 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á

Bún suông còn được gọi là bún đuông, bún này có xuất xứ từ Trà Vinh, Suông cũng như một dạng chả tôm (được gọi là suông tôm), có người thì mang hấp, có người thì đem chiên, vừa tươi ngon vừa mềm mịn được tạo hình như một con đuông. Sự hấp dẫn của món ăn này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh, nước lèo phải dùng xương heo để nấu, nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt, vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

 Để làm suông tôm, tôm lột bỏ vỏ, đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn, thêm một ít hạt tiêu cho chả tôm thơm ngon. Sau đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để “nặn” suông như ngón tay út và thả vào chảo dầu nóng hay là nồi nước sôi. Khi suông nổi lên và vàng ươm, là suông đã chín.

Tạo hình của cọng suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh,  có màu đỏ gạch của tôm.

Theo như một chủ quán chia sẻ, thì ở Trà Vinh chỉ còn vài điểm bán loại bún này , và chỉ bán một buổi chứ không thể bán cả ngày vì công đoạn làm suông tôm rất công phu và mất nhiều thời gian.

Tô bún suông gồm một ít nạc heo, một ít giò heo và suông tôm, món ăn này ăn kèm bắp cải trắng bào sợi, giá và hành ngò. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Ở Sài Gòn, bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của đất Trà Vinh tại quán bún suông 130 Nguyễn Đình Chiểu – quận 3 (bán vào buổi sáng) hoặc quán bún suông Diệu trong chợ Bến Thành. (theo Ngoisao)

Bún Suông Trà vinh được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập, công nhận là 01 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2014

Tự hào biết mấy về ẩm thực Việt Nam, từ những món ăn bình dị, dân dã nhất  trở thành đặt sản vùng miền, rồi được ghi tên trên những trang vàng của ẩm thực thế giới. Hãy cùng vanhoamientay.com quản bá những tinh hoa ẩm thực của Việt Nam nhé.

 Băng Tâm tổng hợp
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!