Có thể bạn quan tâm

Ông chồng tức giận vì vợ sinh đôi

[vanhoamientay.com] Trong bệnh viện phụ sản, một người đàn ông tỏ vẻ giận dữ.

Người bên cạnh hỏi:

– Có chuyện gì thế?

– Vợ tôi vừa mới sinh đôi.

– Thế thì anh phải hạnh phúc chứ! Tại sao lại giận dữ thế?

– Tôi muốn biết ai là bố của đứa thứ hai!

st

10 món ăn hấp dẫn ở quê hương công tử Bạc Liêu

[vanhoamientay.com] Nếu bạn có dịp ghé thăm quê hương công tử Bạc Liêu, một vùng đất sông nước mênh mông và tươi đẹp  thì đừng nên bỏ lỡ những món ăn này nhé, bánh tằm, bún bò cay hay lẩu mắm…

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân chim rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá.

  1. Lẩu Mắm

Nơi đây, người dân thường chế biến món lẩu này từ mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, sả và tỏi phi thơm ngào ngạt. Lẩu mắm ăn kèm thịt ba chỉ, các loại cá lóc, cá ba sa… và rau cần, rau muống, mồng tơi, cải tím, ngó sen, bông so đũa, lục bình…

  1. Bánh tằm 

Là một trong những món ăn đặc trưng  miền Tây, bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới Bạc Liêu đều nhất định muốn thử bánh tằm bì. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.

  1. Nhãn

Nhãn là một trong những đặc sản địa phương nổi tiếng, vị thanh ngọt và hương thơm quyến rũ. Nơi có nhiều nhãn ngon là những khu vườn tại xã Hiệp Thành – đây cũng là điểm du lịch thu hút khách thập phương ở Bạc Liêu.

  1. Bánh xèo

Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật, nhân làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ âu cùng hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.

  1. Bún bò cay

Dù mang vị đặc trưng của miền Trung, bún bò cay lại là món ăn dân dã với những con người nơi đây. Nguyên liệu một bát bún gồm thịt bò nấu cùng sa tế, bún trắng ăn kèm rau thơm, giá. Một trong những địa điểm bán bún cò cay ngon là Phường 5.

  1. Bún nước lèo

Đến vùng đất cực nam của tổ quốc, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đát để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống…

  1. Cua, ốc mỡ, ốc len

Với lợi thế hơn 56km đường bờ biển, vùng đất trù phú này luôn nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, cuốn hút du khách ngay từ lần đầu đặt chân đến. Những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ là cua biển rang me, ốc mỡ xào sa tế, ốc len xào dừa…

  1. Xá pấu

Xá pấu là tên gọi của cộng đồng người Hoa cho món củ cải muối. Cách chế biến món đặc sản này cũng khá dễ: củ cải rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ phơi khô sau đó muối với đường, ngũ vị hương, Món này ăn ngon nhất khi kết hợp cùng cháo trắng, đậu phụ rán giòn.

  1. Bồn bồn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có món dưa bồn bồn ngon nổi tiếng gần xa. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn còn được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào tôm thịt, nấu canh, lẩu, làm gỏi…

10. Ba khía

Ba khía là một loài thuộc họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung chỗ nước lợ, mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên chúng được đặt tên Ba khía. Ngoài Ba khía luộc và muối, mắm Ba khía với hương vị cay, mặn, ngọt là một đặc sản nổi tiếng, thường ăn kèm cơm cháy giòn rụm.

Theo vnexpress

Một tên đẹp trai lọt vào mắt vợ tôi

[vanhoamientay.com]

– Tuần trước, một viên cát lọt vào mắt vợ tôi, phải đi bác sĩ gắp ra mất 50 nghìn đồng.

– Nhằm nhò gì.

Người kia đáp.

– Tuần trước nữa, cái váy lọt vào mắt vợ tôi, tôi phải tốn 500 nghìn đồng đấy.

Lúc này sếp đi ngang nghe hai nhân viên nói chuyện liền lên tiếng:

– Dỏng tai lên và đừng có mà than thở, một tên cao 1,85 m, nặng 80 kg lọt vào mắt của vợ tôi, thế là đi tong một nửa gia sản.

st

Bún nước lèo Sóc Trăng

[vanhoamientay.com] Bún nước lèo Sóc Trăng có ít nhiều khác biệt với một số địa phương lân cận trong vùng. Sang thì tô bún có đủ thứ: cá lóc, tép bạc, heo quay…, đơn giản hơn thì chỉ cần con cá lóc trọng trọng cũng có thể nấu được nồi nước lèo.

Song có hai thứ không thể thiếu là ngải bún và mắm bò hóc. Ngải bún trước đây thường mọc hoang, sau được người ta trồng trong vườn nhà làm gia vị. Ngải bún có tác dụng khử mùi tanh của mắm. Mắm bò hóc được người Khmer làm từ các loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội.

Để có được nồi nước lèo ngon phải kiếm con cá lóc đồng tối thiểu trên 0,5kg, được cá có trứng càng hấp dẫn vì nồi nước lèo sẽ nổi váng trứng vàng ươm, bắt mắt. Cá làm sạch, cắt thành hai phần đầu và đuôi: đầu dính với bộ đồ lòng là phần ngon nhất.

Tép bạc hoặc tôm thẻ luộc, bỏ vỏ cứng. Thêm mấy miếng thịt heo quay xắt miếng cỡ lóng tay hoặc chả cá thác lác, cá mè vinh thì tô bún càng ngon miệng. Nước lèo có thể nấu bằng nước dừa tươi để tăng thêm vị ngọt, cho mắm bò hóc vào nồi nước lèo đang sôi.

Ngải bún nướng sơ qua lửa than và gốc sả đập dập thả vô nấu tiếp. Hớt bọt kỹ, đến khi nước trong thả cá làm sạch vào.

Bún nước lèo được ăn kèm với rau muống chẻ, giá sống, bắp chuối bào nhỏ, chuối xắt ghém… thêm ít lá rau húng, rau quế, ớt sừng trâu chín đỏ xắt lát xéo, nước mắm hòn Lại Sơn hay nước mắm Phú Quốc mới đúng điệu và làm tăng hương vị đậm đà. Đây là món ăn thể hiện sự giao thoa cũng là sự sáng tạo văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc anh em ở địa phương.

Theo Vietnamnet

Hùng vĩ núi Ba Thê

[vanhoamientay.com] Trong số các điểm du lịch Châu Đốc, núi Ba Thê, An Giang luôn được nhắc đến, bởi nơi đây là một bức tranh phong cảnh hữu tình khiến biết bao du khách say mê.

Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m. Và sẽ vô cùng thú vị nếu chuyến đi của bạn đến đây là “du lịch phượt”

Khá vất vả và nguy hiểm khi chúng tôi leo núi Ba Thê bằng chiếc xe gắn máy, cài số 1 ì ạch “bò” lên khó nhọc. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm xanh rì với vô số cây lâu năm sừng sững. Có khá nhiều quán ăn, nhà hàng mọc san sát giữa lưng núi. Theo lời người dẫn đường: “Mùa nắng còn đỡ, chớ mùa mưa thì không nên liều mạng chạy lên đây bởi đường rất trơn trợt. Dân xe ôm địa phương phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên đỉnh núi được…”.

Bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Tương truyền thuở xưa, ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cho sông rộng ra để thuyền bè đi lại mua bán dễ dàng. Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm, vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất…

Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.

Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn Cổ tự, còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thu hút rất nhiều người đến tham quan, cúng dường. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát. Có nhiều giai thoại về sự tích thỉnh Phật Bốn Tay về thờ ở chùa này, nhưng có lẽ câu chuyện của Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn Thích Thiện Trí, 85 tuổi được nhiều người chấp nhận nhất.

Chuyện kể rằng, năm 1912, khi Pháp huy động Nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao trên 1,7 m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2 m. Lúc này cư dân ở đây có trên 80% là người dân tộc Khmer nên họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gỗ về chùa. Dẫu sao đó cũng là một huyền tích.

Ðiều rất kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng là tại sân chùa hiện nay có hai tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, một tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật bốn tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa hai tảng đá cổ. Và chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.

Ngày 6/12/1989, tượng Phật Bốn Tay và hai tảng đá cổ được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất. Ngoài ra, nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.

Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà Nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Ở đây có tấm bia lịch sử bằng đá quý ghi lại sự kiện ngày 6/5/1968, đội biệt động của ta do đồng chí Nguyễn Văn Muôn chỉ huy tiêu diệt 29 tên địch tại đỉnh núi Ba Thê làm địch hoang mang lo sợ và rút quân.

Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Ðại đao khổng lồ. Tục truyền xưa kia bỗng xuất hiện một tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho Nhân dân tới chiêm bái.

Cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo – An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hoá Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…

Đứng trên triền núi Ba Thê kỳ vỹ, tận hưởng từng làn gió thoáng đãng, ngắm không gian xanh của núi rừng rồi phóng tầm nhìn về phía làng mạc, thấy những cánh đồng trải dài xa tít, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ yên bình mới cảm nhận hết được vẻ quyến rũ tột bậc của núi Ba Thê nổi tiếng.

Theo Báo Cà Mau

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Cứ vào ngày 24/4 âm lịch hằng năm, khách hành hương từ khắp nơi đổ về núi Sam để tham dự lễ vía Bà Chúa Xứ, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt năm 2010, kỷ niệm 10 năm Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội cấp Quốc gia.

Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu du lịch núi Sam là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là ngôi miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam và là điểm đến của du khách bốn phương, cũng là nơi để mọi người tìm đến cầu xin những điều thiêng liêng và tốt đẹp nhất cho cuộc sống.

Hàng năm, cứ vào ngày 24 đến ngày 27/4 âm lịch, người dân nơi đây lại làm lễ vía Bà với những nghi lễ vô cùng trọng thể. Vào đêm 23 rạng sáng 24 mở đầu lễ hội là nghi thức tắm Bà, bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa màu sắc sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm 4- 5 phụ nữ đã được chọn lựa từ trước sẽ dùng nước thơm lau khắp thân tượng, sau đó thay mũ miện và quần áo mới. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên để mọi người vào chiêm bái, ai cũng cố đến gần sát bệ thờ để xin lộc Bà. Lộc là một vài cành hoa, vài trái cây để trên bàn thờ.

Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, nhưng có một truyền thuyết được nhiều người chấp nhận nhất. Vào những năm 1820-1825, vùng Châu Đốc–An Giang còn là một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, quân Xiêm La thường sang quấy nhiễu, cướp bóc. Có lần quân giặc rượt đuổi theo dân làng lên đỉnh núi Sam. Tại đây, giặc bắt gặp tượng Bà, thấy pho tượng Bà trên núi trông có vẻ quí hiếm, giặc liền nổi lòng tham cướp đi pho tượng. Nhưng khi mang tượng Bà xuống giữa triền núi thì đánh rơi, làm cho pho tượng bị gãy một cánh tay, sau đó họ tiếp tục mang đi nhưng không thể nào nhấc lên được, đành bỏ lại giữa triền núi.

Thời gian sau Bà thường hiện về xưng là Bà chúa Xứ, dạy dân làng khiêng Bà xuống núi, lập miếu thờ Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng Bà về thờ cúng. Lạ thay, dù mấy chục thanh niên khỏe mạnh rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào nhấc tượng Bà lên được. Khi ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) về trấn nhậm vùng này, ông cho khai hoang lập ấp. Dân làng phát hiện pho tượng Bà liền trình báo với ông.

Ông Thoại cho họp tráng đinh lại mang tượng xuống núi nhưng không thể nhấc tượng lên được. Liền khi đó có một thiếu nữ lên đồng tự xưng là “Chúa Xứ Thánh Mẫu” yêu cầu phải có 9 trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà. Ông Thoại cho làm theo yêu cầu, quả nhiên pho tượng mang đi được. Khi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, các cô gái không tài nào xê dịch được. Người ta đoán rằng Bà đã chọn nơi này để ngự nên cùng nhau lập miếu thờ Bà. Chính là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ngày nay, và ngày đưa Bà từ trên núi xuống được chọn làm ngày lễ vía Bà (24-27/4 âl hàng năm). Từ đó, dân gian tôn thờ và tin tưởng Bà như một phép mầu huyền diệu mà trời đất đã ban cho cư dân vùng này.

Miếu Bà được dựng lên từ năm 1870 lúc đầu chỉ xây cất đơn sơ bằng tre, lá. Đến năm 1972 miếu được xây dựng lại theo lối kiến trúc phương Đông, ngôi miếu có màu xanh đặc trưng với một quần thể đồ sộ, lộng lẫy, uy nghi và rất độc đáo. Bên trong miếu tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đầu đội mão, mặc áo thêu rang, phụng lấp lánh kim tuyến. Ngôi miếu và pho tượng lạ lùng có một không hai này xuất hiện ở Việt Nam đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm hiểu. Trải qua một thời gian dài người ta đã xác định được loại đá dùng tạc tượng đó là loại “Diệp thạch”.

Theo các nhà khảo cổ, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc từ thế kỷ VI và tượng Bà được tạc bằng một loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Loại nham thạch này được hình thành ở các tam giác châu thổ và các hố đại dương nên có cấu thể nhuyễn hạt, mỗi lớp là một chu kỳ lắng đọng, khi biển yên tỉnh thì hiện tượng lắng đọng mới xảy ra.

Từ lâu, người ta tin rằng Bà Chúa Xứ luôn phò trợ cho dân chúng. Ai đến cầu xin điều gì cũng được như ý. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền ra khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái, nhất là vào các ngày lễ vía Bà.

Theo vnmission

Làng nghề gốm người Khmer Nam bộ

Điểm đặc sắc trong làng nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh

Đến Tri Tôn, tỉnh An Giang và tận mắt nhìn thấy làng gốm An Thuận của người Khmer, mà tiếng địa phương gọi là sóc Phnom Pi, có nghĩa là vùng đất đồi. Ngoài làm ruộng nước với những kinh nghiệm hàng chục thế kỷ miền sông nước này, người Khmer Nam Bộ còn có nghề dệt vải tơ tằm ở Tịnh Biên, nghề rèn nghề làm xe bò kéo, nghề làm rượu Thốt Nốt và nhiều nghề lâu đời khác.. nhưng độc đáo và mang tính cổ truyền nhất là nghề làm gốm ở Tri Tôn.

Lịch sử địa phương và những phóng sự cách nay hơn một thế kỷ ghi lại: Đến phiên chợ, các địa phương tấp ghe vô bến sông Tri Tôn nhận hàng. Trên bến dưới thuyền, những xe thồ, người gồng gáng chở hàng xuống bến, nồi niêu chất đầy trên các ghe lớn ghe bé. Nghe đâu hàng gốm Tri Tôn không chỉ có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây mà còn ngược lên Tây Ninh, sang cả Campuchia, đủ sức cạnh tranh với sành sứ truyền thống vốn rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng này. Mặt hàng cũng là những đồ gia dụng quen thuộc như nồi niêu, trã, cà ràng (một loại bếp lò), ống khói cho những hộ nấu đường thốt nốt. Gốm Tri Tôn có uy tín và ăn khách suốt nhiều thể kỷ, ngoài kỹ thuật “gia truyền”, tạo dáng bắt mắt, thế mạnh chủ yếu ở chất đất và kỹ thuật nung.

Đất làm gốm được khai thác ở dưới chân ngọn đồi Nam Quy, cách ấp An Thuận chừng hai cây số. Đây là một loại đất sét nhuyễn, mịn, màu xám và theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm đây là đất thích hợp nhất cho gốm. Ngoài đất sét Nam Quy, không còn nơi nào trong vùng có đất thích hợp để An Thuận làm gốm. Đất mang về được ủ một thời gian sau đó giã mịn, loại bỏ hết sạn, sỏi, tạp chất và làm cho mịn trước khi chế biến. Sau khi đất được sàng lọc kỹ, người thợ trộn với nước theo một tỷ lệ mà chỉ có kinh nghiệm lâu năm mới điều hoà được nước và đất thích hợp sao cho đất dẻo mà không nhão, dính kết mà không khô. Trông thì đơn giản thế, nhưng bí quyết gốm Tri Tôn có lẽ nằm ở trong cái đơn giản mang tính kinh nghiệm nghề nghiệp này đây.
Điểm đặc sắc trong nghề gốm Tri Tôn là không dùng bàn xoay hoặc ứng dụng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào. Đơn thuần chỉ bằng tay với kinh nghiệm mang tính bẩm sinh. Sau khi nhào nặn công phu đất, người thợ đi vòng quanh vật nặn để đắp, bồi, xoa, vuốt. Thoạt đầu là tạo dáng cơ bản, sau đó chỉnh sửa uốn nắn cân đối hình dạng sau cùng là xoa mịn mướt bề mặt, có những mặt hàng cầu kỳ cần tới hoa hình thì dùng bàn in trang trí theo những hoa văn do các nghệ nhân tạo nên. Trong sóc Phnom Pi, hầu như nhà nào cũng nặn nồi, nặn lu, chum vại. Trẻ em đập tơi đất, thanh niên nhào nhuyễn, người kinh nghiệm thì nặn đồ vật. Hầu hết người đang nặn gốm ở trong sân hay sau vườn là phụ nữ. Đó là điều khác với những làng gốm mà tôi đã từng thấy ở những làng gốm phía Bắc. Họ làm chuyên cần, nhẫn nại và đặc biệt là rất ít nói. Thỉnh thoảng nghe rõ tiếng bồm bộp, đắp vỗ vào eo bình của những bàn tay. Còn những ngón tay sần sùi gân guốc thì dẻo quánh xoa vuốt , lướt quanh miệng bình. Những cái vò cái lu đựng nước, không có hình mẫu nào mà hình dáng cứ hiện dần lên, đều tăm tắp. Bốn năm người phụ nữ lặng lễ đắp đất, chuốt eo, nắn miệng bình và bốn năm cái chum như trong một cái khuôn đúc ra. Hỏi bà con về kinh nghiệm. Họ chỉ cười, “mình không biết nói đâu”.

Sau khi hoàn thiện hình dáng, chuốt bóng mặt ngoài và in xong hoa văn, gốm mộc được đem phơi kỹ qua nhiều ngày nắng nỏ rồi mới đưa vào nung. Người Khmer không xây lò. Hàng mộc được xếp lớp lớp trên sân hoặc khu đất phẳng trong vườn nhà , chất rơm đều trên bề mặt, nung cho đến “độ chín” rồi mới qua giai đoạn ủ. Nếu theo quy trình công nghệ, mỗi giai đoạn được tính bằng giờ, lò nung được kiểm tra nhiệt độ, nhưng với người Tri Tôn, tất cả đều thông qua kinh nghiệm. Khi đã qua ủ, gốm hiện lên màu đỏ nhạt, nâu hoặc vàng đậm. Hàng thành phẩm không cần mang đi bán xa. Các thương lái đã quen đường, quen chủ. Họ đến từng sân từng vườn và thường là mua cả lố, chuyên chở ra bến sông, xếp lên ghe. Từng ghe nặng nề nối đuôi nhau rời bến, đến với các chợ miền Tây lục tỉnh. Xét về giá trị kinh tế, ngày nay nghề làm gốm Tri Tôn thu nhập không cao bằng một số ngành nghề khác. Cũng có một số người trong sóc chuyển nghề và một số nữa thì vẫn theo đuổi nghề xưa như một thói quen yêu nghề và muốn giữ lại nét truyền thống của Tổ Tiên. Gần đây có một số chuyên gia văn hoá và lịch sử nước ngoài, số đông là người Nhật đã tìm về Tri Tôn để nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề lâu đời này. Bảo tàng văn hoá-dân tộc học của Trung ương và một số địa phương đã sưu tầm và nghiên cứu nghề gốm của người Khmer Nam Bộ, của người Chăm và một số dân tộc anh em khác, coi đây không chỉ là một nghề sinh sống mà là một trong những di sản văn hoá đặc sắc và lâu đời bậc nhất của dân tộc.

Theo mekongdeltaexplorer
Thành công Sao chép đường dẫn thành công !!